Sáng 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước; kế hoạch tài chính giai đoạn 2018-2020. Nội dung này sẽ kéo dài đến hết sáng 2/11.
Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết đã có 80 đại biểu bấm nút đăng đàn.
Đáng chú ý, phát biểu của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận vào đầu phiên thảo luận tại nghị trường Quốc hội nhận được sự quan tâm của các đại biểu và cử tri cả nước.
Theo đó, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng: “Điều mà chúng ta dễ nhận ra trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Chính phủ lần này đó là tình trạng ‘trên nóng dưới lạnh’. Trong khi Chính phủ rất trách nhiệm và quyết liệt, còn bộ máy hành pháp bên dưới ở một số nơi còn thờ ơ, không làm tròn trách nhiệm.
Có thể chỉ ra một số vấn đề như tình trạng buôn lậu, trong báo cáo của Chính phủ chỉ nêu được một câu đó là tình trạng buôn lậu đang xảy ra. Nhưng trên thực tế tình trạng buôn lậu đã và đang diễn ra rất sôi động trên đất liền, trên biển.
Thiệt hại buôn lậu gây ra cho nền kinh tế rất lớn, nhưng chưa có một cơ quan trách nhiệm nào đưa ra con số thống kê để đưa ra được giải pháp hữu hiệu”.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nhấn mạnh: “Nói đến buôn lậu phải nói đến buôn lậu thuốc lá, tôi đã đi thực tế một số tỉnh phía nam. Qua chuyến đi thực tế có thể thấy vận chuyển thuốc lá lậu khá công khai vào các thời điểm trong ngày.
Như ở chợ Châu Đốc xe máy chở thuốc lá lậu từ 1-4h và trên Quốc lộ 62 (Long An) cách cửa khẩu chỉ vài trăm mét, xe máy chở thuốc lá lậu chạy rầm rầm.
Thuốc lá lậu bán công khai khắp mọi nơi tại các chợ như chợ Châu Đốc (An Giang), chợ Kiến Tường ở thị trấn Kiến Tường (Long An), một số chợ tại Thành phố Hồ Chí Minh). ..mua thuốc lá lậu rất dễ”.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, có tình trạng chính quyền địa phương thơ ơ, thiếu trách nhiệm. Ảnh: Quochoi.vn |
Cũng theo đại biểu Cương, trong ba ngày đi thực tế, mong một lần được gặp lực lượng chức năng đi kiểm tra, kiểm soát, nhưng không có bất cứ một lực lượng nào.
“Tôi không phủ nhận những kết quả, cố gắng của lực lượng chống buôn lậu trong thời gian qua, nhưng thực tế nếu không tăng cường chống tiêu cực thì buôn lậu còn gia tăng, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới”, địa biểu Cương nói.
Vị đại biểu này cũng đề nghị, bên cạnh đó, các giải pháp khác cũng cần xem xét một cách kỹ lưỡng, cần thiết tăng thuế thuốc lá theo lộ trình là cần thiết. Thuốc lá sản xuất trong nước khoảng 10 ngàn đồng, nhưng thuốc lá lậu tôi mua chỉ có 4 ngàn đồng một bao. Như vậy, việc tăng thuế thuốc lá lại vô tình kích cầu cho buôn lậu thuốc lá, trong khi công tác chống buôn lậu thuốc lá lại chưa mang lại nhiều kết quả.
Có sự tiếp tay của lâm tặc, chính quyền địa phương
Công khai tài sản cán bộ sẽ là vấn đề nóng của kỳ họp Quốc hội này |
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho biết: “Tình trạng phá rừng, vấn đề minh chứng cho việc trên nóng dưới lạnh. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên, nhưng rừng vẫn không được đóng.
Một số vụ phá rừng lớn tại không ít địa phương vừa qua nói lên vô hiệu hóa các quyết định của Chính phủ. Để trồng rừng khó khăn đến nhường nào và giữ rừng lại khó khăn hơn, nếu không yêu rừng thì không thể làm được”.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đặt vấn đề: “Thực tế, nếu không có sự tiếp tay của chính quyền sở tại, kiểm lâm thì lâm tặc không thể phá rừng một cách ghê gớm như vậy. Một cây to có đường kính 1m thì phải 70 năm đến 100 năm mới có được, nhưng với lâm tặc chỉ cần 16 phút là xong.
Một trạm kiểm lâm mỗi một đêm có 80-100 xe máy đi qua, mỗi xe chở khoảng 4 khúc gỗ và số tiền nộp cho kiểm lâm 300-400 ngàn đồng cho kiểm lâm mỗi xe thì số tiền thu lợi bất chính không nhỏ. Và cứ như vậy bao lâu nữa còn đâu là rừng”.
Vị đại biểu này cũng cho rằng, có một điều chính quyền chủ động phá rừng mới thật ghê gớm, có nhiều địa phương cứ lập đề án trồng rừng sau đó phá rừng với lý do tận thu. Xin thưa cứ phá rừng tan hoang rồi lãnh đạo địa phương mới đến kiểm tra, xem xét và cho ý kiến chỉ đạo mà không chịu hình thức thức kỷ luật nào thì không biết đến bao giờ yêu cầu đóng cửa rừng mới thành hiện thực.
Ngân sách trong tình trạng “nợ chồng lên nợ”
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Quang Hàm - Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán (Kiểm toán Nhà nước)- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ cho rằng: “Nhiều cử tri cho rằng mức tăng trưởng những năm gần đây không hợp lý, tăng trưởng giữa các quý đột ngột, không theo logic thông thường.
Cuối năm tăng trưởng rất cao, đầu năm sau thì đột ngột giảm xuống. Cụ thể quý 4 năm 2015, cả nước tăng trưởng đạt 7,01% thì quý 1 năm 2016 rơi xuống 5,48%. Mức tăng trưởng này tăng dần ở quý sau và đạt 6,68% ở quý 4 năm 2016, nhưng lại đột ngột giảm ở quý tiếp theo”.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, tình trạng nợ công sát trần, nợ công dự báo đến 2020 vào khoảng 4,2 triệu tỷ đồng. Ảnh: Quochoi.vn |
Đại biểu Hoàng Quang Hàm nhấn mạnh: "Với số liệu thống kê trên, cử tri cho rằng nếu thống kê đúng thì tăng trưởng có những bất hợp lý, trái với logic thông thường. Vì vậy, đề nghị Chính phủ làm rõ và có biện pháp khắc phục ngay”.
Cũng theo Đại biểu Hàm, năm 2018, trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp, phần lớn là tiền vay thì phân bổ cho đầu tư phát triển lại dàn trải; ngân sách sách dành 80.000 tỷ dành cho các công trình quan trọng quốc gia nhưng đã 3 năm chưa bố trí và giải ngân được vốn.
Kỳ họp này sẽ thông qua báo cáo khả thi của dự án cảng Hàng không quốc tế Long Thành và chủ trương đầu tư cao tốc Bắc Nam, nhưng chưa bố trí vốn trong kế hoạch năm 2018 nên không có nguồn tiền để thực hiện các dự án này. Chính phủ cần nhìn nhận nghiêm túc và có giải pháp nếu muốn đạt mục tiêu phát triển.
Vị đại biểu cũng nêu thực trạng nợ công sát trần (62,2%), thu ngân sách có thể không đạt kế hoạch trung hạn nhưng kỷ luật tài khoá chưa nghiêm. Nợ công dự báo đến 2020 vào khoảng 4,2 triệu tỷ đồng, trả lãi vay hàng năm chiếm 7-8% tổng chi ngân sách.
Như vậy, bình quân một năm trả lãi hơn 100.000 tỷ, ngân sách trung ương nhiều năm không có thặng dư trả nợ, nguồn trả nợ từ vay mới, nợ chồng lên nợ. Dự báo đến năm 2020 không khắc phục được nợ, nguồn vay lên tới 252.000 tỷ đồng.
Đại biểu Hoàng Quảng Hàm chỉ ra: “Trong khi đó, qua thanh tra thấy nhiều khoản chi sai, công trình kéo dài chậm đưa vào sử dụng. Các dự án BOT trả chậm bằng ngân sách đã và sẽ đến thời hạn trả nợ”.
Vị đại biểu này đề nghị Chính phủ cần đẩy mạnh tiết kiệm chi, kiểm soát chặt chẽ việc ký kết và sử dụng vốn vay ODA; cân nhắc cắt giảm 13.000 tỷ đồng trái phiếu chưa phân bổ.