Hơn 1 tháng đã trôi qua kể từ khi xảy ra sự cố hải sản chết bất thường ở 4 tỉnh miền Trung (Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế).
Trong buổi họp thường kỳ của Chính phủ ngày 5/5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp, sớm xác định nguyên nhân và xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân gây ra sự việc trên, không loại trừ bất kỳ ai.
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh Quân khu IV nhận định, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là hết sức cần thiết, đồng thời giải quyết hai vấn đề:
Thứ nhất, ổn định đời sống cho bà con ngư dân.
Thứ hai, phải tìm ra nguyên nhân cụ thể dẫn tới sự cố bất thường trên để có biện pháp xử lý trước mắt và lâu dài.
"Buổi họp báo công bố kết quả ban đầu vào tối ngày 27/4, thông tin được cung cấp chưa được như kỳ vọng của nhân dân. Tôi mừng là ngay sau đó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt để ổn định đời sống của ngư dân và điều tra nguyên nhân.
Cho đến nay dù chưa có kết quả cuối cùng, nhưng thái độ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã rất rõ ràng, đó là xử lý nghiêm minh không loại trừ bất kỳ ai gây ra tai họa này.
Tôi chờ đợi kết quả nghiêm minh ấy, vì nó không chỉ đơn thuần là cuộc sống của ngư dân các tỉnh miền Trung mà còn là vấn đề luật pháp, ổn định lòng dân và uy tín của Việt Nam với thế giới”, Tướng Thước bày tỏ.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước lo lắng, môi trường biển bị hủy hoại có thể là âm mưu phá hoại. ảnh: Ngọc Quang |
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, sau sự cố trên, các cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng rà soát lại tất cả các dự án đầu tư có nguy cơ gây ảnh hưởng tới môi trường, bất kể là môi trường biển hay trên đất liền.
"Chúng ta đã thấy có nhiều dự án không tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn môi trường, dù có bị xử lý về mặt luật pháp thì hậu quả của nó gây ảnh hưởng tới môi trường là chuyện đã xảy ra, vì vậy dứt khoát phải có các biện pháp chấm dứt hoàn toàn, ngăn chặn ngay từ đầu nguy cơ này.
Đầu tư phát triển kinh tế là rất cần thiết, nhưng đồng thời cũng không thể xem nhẹ việc bảo vệ môi trường. Nhiều quốc gia có nền công nghiệp phát triển đã phải trả giá vì môi trường bị hủy hoại, họ phải chi hàng tỷ đô la để khắc phục sự cố. Chúng ta phát triển sau hãy nhìn vào những bài học đó, đừng mắc phải sai lầm như họ", Tướng Thước nhắn nhủ.
Vấn đề không chỉ là cá chết?
Trong xu thế hội nhập, vấn đề an ninh quốc gia không phải chỉ là quân sự, quốc phòng, mà còn phải được đánh giá đúng mức ở góc độ kinh tế - xã hội, văn hóa.
Tướng Thước nêu quan điểm: "Vấn đề hiện nay cần phải đặc biệt chú ý là an ninh xã hội để ổn định lòng tin của dân.
Xử lý nghiêm minh cá nhân, tổ chức gây ra sự cố hải sản chết hàng loạt |
Thực tế các cuộc đấu tranh bây giờ đâu cứ phải là súng đạn mà mối nguy hiểm lớn hơn là từng bước phá hoại kinh tế, phá hoại môi trường sống của người dân, gây ra sự bất ổn nội bộ, làm suy giảm lòng tin của dân với Đảng, kích động gây ra quá trình tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Muốn chặn đứng nguy cơ ấy thì chỉ có một cách duy nhất là các cơ quan nhà nước, cán bộ nhà nước phải hành động quyết liệt đúng với tinh thần vì dân, nói thật và làm thật, nói là phải làm được chứ không phải chỉ nói cho có còn làm thì chẳng ra gì".
Vụ việc cá chết hàng loạt ở các tỉnh ven biển miền Trung đặt ra cho các nhà quản lý rất nhiều câu hỏi cần phải giải đáp về sự an toàn môi trường biển, an toàn về chất lượng hải sản ở các vùng này.
Nhìn rộng hơn, đây là sự ô nhiễm đơn thuần từ sự chủ quan của con người hay có bàn tay phá hoại của các thế lực thù địch?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cảnh báo: “Vấn đề xa hơn mà tôi muốn đề cập là an ninh quốc gia chứ không đơn thuần chỉ là chuyện cá chết, không phải chỉ là một chất thải nào đó vượt quá quy chuẩn cho phép.
Sớm làm rõ nguyên nhân của sự việc thì cũng có nghĩa là chúng ta ổn định được lòng dân. Có làm rõ nguyên nhân thì mới tìm ra hướng xử lý, bởi vì việc này không chỉ ảnh hưởng tới đời sống ngư dân ở những tỉnh ven biển mà còn gây ra tâm lý lo lắng với người dân trên mọi miền tổ quốc".
Cũng theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, tìm ra nguyên nhân dẫn tới hải sản chết hàng loạt chỉ là một vấn đề, nhưng quan trọng hơn là động cơ nào dẫn tới điều đó, chỉ đơn thuần vì ý thức bảo vệ môi trường yếu kém cộng với sự tham lam về mặt vật chất, hay ẩn sau đó là mưu đồ phá hoại?
Tướng Thước phân tích: "Chúng ta phải thấy thế này, khi hải sản chết hàng loạt sẽ gây ra tâm lý hoài nghi của chính người dân trong nước. Dù nói thế nào thì có một bộ phận người dân vẫn e ngại, không dám mua hải sản ở các tỉnh miền trung trong giai đoạn này.
Khi hải sản không bán được thì ngư dân sẽ chán nản không muốn ra khơi nữa. Điều đó không chỉ gây ảnh hưởng tới đời sống ngư dân, ảnh hưởng tới nguồn cung hải sản mà xa hơn còn là vấn đề bảo vệ chủ quyền trên biển. Đó chính là mưu đồ mà những kẻ xâm lược có thể hướng đến".