Vai trò trung tâm của ASEAN trước cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn

14/08/2018 07:31
Thanh Bình
(GDVN) - Vấn đề đặt ra cho ASEAN lúc này là làm sao giữ được sự đoàn kết, vai trò trung tâm của cả khối không để bị kéo vào vòng xoáy cạnh tranh và nguy cơ chia rẽ mới.

Khu vực Đông Nam Á được xác định là trung tâm của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cũng là điểm mấu chốt của sáng kiến Vành đai và Con đường. 

Vì vậy, các nước thành viên của ASEAN chắc chắn sẽ trở thành đối tượng lôi kéo giữa một bên là Mỹ và đồng minh trong “bộ tứ” (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia) và một bên là Trung Quốc.

Vấn đề đặt ra cho ASEAN lúc này là làm sao giữ được sự đoàn kết và vai trò trung tâm của cả khối trong các cơ chế an ninh khu vực, không để bị kéo vào vòng xoáy cạnh tranh và nguy cơ chia rẽ mới.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, James Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-la lần thứ 17 năm 2018 tại Singapore (Nguồn: thediplomat.com).
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, James Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-la lần thứ 17 năm 2018 tại Singapore (Nguồn: thediplomat.com).

Chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở” (FOIP) và sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) thách thức vai trò trung tâm của ASEAN

Ngày 12/11/2017, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, hay còn gọi là “bộ tứ” đã có cuộc gặp quan trọng để triển khai việc xây dựng “Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở” (FOIP). 

Mặc dù mỗi nước có những ưu tiên khác nhau nhưng tất cả đều có chung tầm nhìn và các lợi ích trong việc thúc đẩy chiến lược nói trên.

Đây được coi là chiến lược có tính đối trọng với sáng kiến Vành đai và Con đường do Trung Quốc khởi xướng từ năm 2013 với mục tiêu góp phần kết nối kinh tế vì sự thịnh vượng chung của mỗi nước và tăng cường ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, việc đồng thời có cả sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc và chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của nhóm “bộ tứ” có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng tình hình thế giới;

Cạnh tranh một mất một còn, hay còn gọi là "trò chơi có tổng bằng không” diễn ra tại các điểm nóng như Biển Đông, biển Hoa Đông, vùng lãnh thổ Đài Loan và bán đảo Triều Tiên. 

Bên cạnh đó, sự cọ xát giữa sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc và chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Bộ Tứ được dự báo sẽ tiếp tục làm cho cuộc chạy đua vũ trang có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp hơn.

Cả Trung Quốc và các thành viên “bộ tứ” khẳng định các chiến lược nói trên của họ sẽ đem lại lợi ích chung cho các bên. 

Vai trò trung tâm của ASEAN trước cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn ảnh 2Phải chăng G-7 đang coi trọng Biển Đông hơn ASEAN?

Đồng thời, ASEAN vẫn đi đầu và đóng vai trò trung tâm trong các hành động và hoạt động xây dựng kiến trúc khu vực. 

Tuy nhiên, các nước Đông Nam Á không thể không lo ngại sẽ có tác động địa chính trị dưới dạng tăng cường khả năng quân sự nói chung, sức mạnh hải quân nói riêng của Trung Quốc. 

Một số nước ủng hộ chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa, cho rằng việc tái thiết lập “bộ tứ” chính là một sáng kiến rất giá trị cho tương lai của ASEAN, đặc biệt là trong bối cảnh vai trò và vị thế của ASEAN đang có dấu hiệu bị giảm đi. 

Trong khi đó, Vành đai và Con đường được Trung Quốc khẳng định sẽ đem lại các dòng vốn hữu ích giúp các quốc gia Đông Nam Á phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển kết nối khu vực với thế giới. 

Hơn nữa, giao thương giữa các nước thành viên ASEAN cũng sẽ thuận tiện hơn, tạo động lực để thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, tăng sức cạnh tranh của từng nước với các nước trong và ngoài khu vực.

Ông John Lee, cố vấn an ninh quốc gia cho Ngoại trưởng Australia giai đoạn 2016-2018 nhận định, hai chiến lược nói trên có khả năng làm lu mờ và bỏ qua ASEAN;

Điều này dễ xảy ra nếu 10 nước thành viên ASEAN không tìm được giải pháp đối với các vấn đề của khu vực như cuộc khủng hoảng Rakhine ở Myanmar hay việc “quân sự hóa” ở các đảo nhân tạo trên Biển Đông. [1]

Ngoài ra, cả 2 chiến lược này sẽ đem lại những lợi ích đủ sức hấp dẫn với từng quốc gia khác nhau. Điều đó có thể sẽ làm giảm đi vai trò trung tâm và đoàn kết nội khối của ASEAN.

Theo ông Lê Hải Bình, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, các nước lớn, mặc dù khẳng định sự ủng hộ đối với vai trò trung tâm của ASEAN nhưng thực tế họ cũng đang tìm cách tạo ảnh hưởng đến các nước thành viên cũng như cả khối ASEAN. 

Đây là điều không có lợi cho sự đoàn kết và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN. [2]

ASEAN cần làm gì để duy trì vai trò trung tâm?

Thứ nhất, các nước ASEAN cần phải duy trì nguyên tắc “bao trùm và trung lập” trong giải quyết vấn đề quan  hệ với các cường quốc để duy trì vai trò trung tâm của tổ chức. 

Tuyên bố về khu vực hòa bình, trung lập (ZOPFAN, năm 1971) thể hiện rõ định hướng trung lập của ASEAN. 

Theo đó, mục tiêu cơ bản và lâu dài của ASEAN là xây dựng Đông Nam Á thành một khu vực hòa bình, tự do và trung lập, không có sự can thiệp dưới bất cứ hình thức nào của các cường quốc bên ngoài. 

Nếu ASEAN bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với chiến lược của Bộ Tứ hay sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc thì nguyên tắc “bao trùm và trung lập” của ASEAN sẽ bị mất hiệu lực. [3]

(Nguồn ảnh: scmp.com).
(Nguồn ảnh: scmp.com).

Ngày 06/8/2018, phát biểu tại Chương trình châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 20 do trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam tổ chức với sự tham dự của các sỹ quan quân đội cấp cao, ông Ng Eng Hen, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Singapore nhấn mạnh: 

“Nếu các nước thành viên ASEAN bắt đầu bênh vực một bên nào đó, hành động cương quyết hoặc tự cô lập với cộng đồng quốc tế, vai trò trung tâm của khối này sẽ bị suy yếu". [4]

Thứ hai, ASEAN cần thúc đẩy, duy trì cơ chế giải quyết xung đột và tranh chấp thông qua tham vấn, môi giới, trung gian và hòa giải. 

Đây là cơ chế đã được các nước ASEAN vận dụng tương đối thành công kể từ khi ASEAN ký Nghị định thư về cơ chế giải quyết tranh chấp của khối phù hợp với bối cảnh mới năm 2010.

Ví dụ, năm 2011, tranh chấp giữa Thái Lan và Campuchia về ngôi đền Preah Vihea đã được ASEAN giải quyết ổn thỏa thông qua đối thoại kéo dài hai ngày tại Thủ đô Jakarta, Indonesia. 

Do đó, vấn đề tranh chấp giữa Thái Lan và Campuchia không cần phải đưa ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. 

Ngày 03/8/2018, Ngoại trưởng của 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc thông báo đã đạt được đồng thuận về dự thảo văn bản đàm phán duy nhất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông làm cơ sở cho việc thông qua một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông. 

ASEAN và Trung Quốc còn phải trải qua nhiều vòng đàm phán để đạt được thỏa thuận cuối cùng đối với văn bản nói trên. 

Vai trò trung tâm của ASEAN trước cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn ảnh 4Mỹ nên hỗ trợ ASEAN thành lập đội đặc nhiệm tuần tra chung trên Biển Đông

Tuy nhiên, việc thông qua văn bản này cũng là một thắng lợi đáng ghi nhận, thể hiện rõ vai trò trung tâm của ASEAN.

Thứ ba, ASEAN cần tiếp tục chứng tỏ tổ chức này có khả năng giải quyết những vấn đề xuyên quốc gia của khu vực mà một nước đơn lẻ không làm được. 

Điển hình là, cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều ngày 12/6/2018 đã được Singapore đăng cai trong năm giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN. 

Điều này không chỉ khiến Singapore mà “cả khu vực Đông Nam Á tỏa sáng trên sân khấu toàn cầu” bởi lẽ trước khi sự kiện này diễn ra, sự chú ý của chính quyền Tổng thống Donald Trump đến khu vực Đông Nam Á là khá hạn chế. [5]

Điều này có nghĩa là ASEAN và các tuyên bố nắm vai trò trung tâm của tổ chức này đã được phát huy.

Thứ tư, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện đang có dấu hiệu leo thang căng thẳng và trở nên phức tạp, ASEAN cần nhận thức được tầm quan trọng của mình là một khối khu vực, có vị trí năng động về địa chính trị toàn cầu.

Thực tế là không có quốc gia nào thực sự chiếm ưu thế trong ASEAN và không có quốc gia nào trong ASEAN có sức mạnh độc lập về địa chính trị chiến lược được lắng nghe trên thế giới. 

ASEAN là cách duy nhất cho một nhóm các nước tương đối nhỏ tập hợp thành một cường quốc trung gian trên thế giới.

Theo đó, vai trò trung tâm của ASEAN cần được thể hiện tại các diễn đàn khu vực do ASEAN dẫn dắt nhằm thúc đẩy sự gắn kết khu vực, hội nhập kinh tế và ảnh hưởng quốc tế. Qua đó sẽ góp phần hỗ trợ cho hệ thống thương mại toàn cầu. 

Trên thực tế, mục tiêu chiến lược này có thể được thể hiện bằng cách kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN với 6 đối tác thương mại chính ở Đông Á.

Một ASEAN ngày càng mạnh lên, kiến trúc mới được hình thành, thực lực ngày càng thay đổi thì vai trò trung tâm và khả năng ảnh hưởng với khu vực mới càng mạnh.

Tài liệu tham khảo: 

[1]https://asia.nikkei.com/Opinion/ASEAN-must-engage-over-maritime-security

[2]http://www.globaltimes.cn/content/1111457.shtml

[3]https://asia.nikkei.com/Opinion/ASEAN-must-engage-over-maritime-security

[4]https://www.mindef.gov.sg/web/portal/mindef/news-and-events/latest-releases/article-detail/2018/august/06aug18_speech

[5]Tham khảo bài “Chính quyền Trump và Đông Nam Á sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore”, Viện nghiên cứu Đông Nam Á ngày 04/7/2018

Thanh Bình