Nikkei Asian Review ngày 4/7 đưa tin, Kyrgyzstan đang ngày càng cảnh giác với Trung Quốc trong lúc điều tra tham nhũng với 2 cựu Thủ tướng có liên quan đến dự án sử dụng vốn vay từ Bắc Kinh trong khuôn khổ Vành đai và Con đường.
Kyrgyzstan đã trở thành con nợ lớn của Trung Quốc và đang phải nỗ lực tìm cách cân bằng lại quan hệ ngoại giao, tăng cường hợp tác với các nước láng giềng và giảm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Vụ bê bối xung quanh một hợp đồng trị giá 386 triệu USD chỉ định thầu 1 doanh nghiệp Trung Quốc vào năm 2013 đã dẫn đến việc bắt giữ 2 cựu Thủ tướng, Sapar Isakov và Jantoro Satybaldiev.
Tổng thống Kyrgyzstan Sooronbai Jeenbekov bắt tay với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh vào ngày 7/6. Ảnh: Reuters. |
Diễn biến này đã bộc lộ những mối nguy hiểm từ sáng kiến Vành đai và Con đường, cũng như tham vọng của Bắc Kinh.
Vành đai và Con đường nhắm mục tiêu các quốc gia dễ tham nhũng, hối lộ
Trung Á giữ vai trò mấu chốt trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm cải thiện các công trình cơ sở hạ tầng kết nối xuyên lục địa Á - Âu (con đường tơ lụa mới trên bộ).
Tuy nhiên, Kyrgyzstan bị liệt vào danh sách các quốc gia tham nhũng nhất của Tổ chức Minh bạch quốc tế.
Lo ngại sự phụ thuộc vào Trung Quốc và gánh nặng nợ công ngày càng tăng, dư luận Kyrgyzstan ngày càng có nhiều quan điểm kêu gọi chính phủ nước này tìm kiếm các đối tác lớn khác thay thế, trong tiến trình phát triển của quốc gia mình.
Trung Quốc hiện đang chiếm một nửa số nợ công 4 tỉ USD của Kyrgyzstan, một gánh nặng đối với quốc gia có tổng sản phẩm quốc nội khoảng 7 tỉ USD.
Kể từ khi nhậm chức Tổng thống Kyrgyzstan vào tháng 11 năm ngoái, ông Sooronbay Jeenbekov đã cân bằng lại các quan hệ đối ngoại của quốc gia này.
Kyrgyzstan đã nỗ lực hàn gắn các mối quan hệ đã bị suy giảm với các nước láng giềng lớn hơn như Kazakhstan và Uzbekistan.
Trung Quốc đã bẫy và ép Sri Lanka "hai tay dâng cảng chiến lược" như thế nào? |
Sooronbay Jeenbekov cũng cải thiện quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia muốn duy trì lợi ích mạnh mẽ ở Trung Á do mối liên hệ chủng tộc, đồng thời ông cũng đến Brussels để tìm kiếm trợ giúp của Liên minh Châu Âu.
Tổng thống Sooronbay Jeenbekov đã có chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Trung Quốc vào đầu tháng Sáu.
Ông rời Bắc Kinh ngay sau khi cảnh sát Kyrgyzstan bắt giữ cựu Thủ tướng Sapar Isakov, người vẫn giữ chức vụ này cho đến tháng Tư năm nay.
Còn cựu Thủ tướng Jantoro Satybaldiev đã bị bắt giam ngày 18/6. Một số quan chức cấp cao Kyrgyzstan cũng chung kết cục này.
Các công tố viên điều tra vụ bê bối này cho rằng, các quan chức Kyrgyzstan đã chỉ định thầu công ty Tebian Electric Apparatus, một doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trên khắp Trung Á, cho dự án hiện đại hóa nhà máy nhiệt điện Bishkek, thay vì phải đấu thầu.
Hợp đồng này được tài trợ bằng khoản vốn vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (EXIM).
Nhà lập pháp Altynbek Sulaimanov, một thành viên của một đảng nhỏ trong liên minh cầm quyền đã chất vấn:
"Ai đã bắt đầu các cuộc đàm phán vay vốn Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc?
Tại sao không liên lạc với Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á hoặc Quỹ Tiền tệ quốc tế?
Ở đó bạn có thể nhận được các khoản vay an toàn và rẻ hơn."
Cựu Thủ tướng Sapar Isakov đã từng nói với Quốc hội Kyrgyzstan rằng, Bắc Kinh đã yêu cầu chỉ định thầu hợp đồng hiện đại hóa nhà máy nhiệt điện Bishkek cho công ty Trung Quốc, Tebian Electric Apparatus.
Tebian Electric Apparatus không đưa ra bình luận nào về cuộc điều tra nói trên.
Trước đó công ty này cũng trúng thầu một hợp đồng trị giá 390 triệu USD để liên kết lưới điện miền Bắc và miền Nam Kyrgystan, cũng thông qua khoản cho vay của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc.
Nỗi lo vong quốc
Sự cảnh giác của Kyrgyzstan đã vượt ra ngoài ranh giới vụ bê bối nói trên.
Hội đồng thành phố Bishkek đã từ chối một thỏa thuận cho phép mở rộng diện tích đại sứ quán Trung Quốc, trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ ngày 30/5.
Cuộc bỏ phiếu này diễn ra ngày trước thềm chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Sooronbay Jeenbekov.
Tháng Tư vừa qua ở miền Nam Kyrgyzstan cũng nổ ra các hoạt động phản đối tình trạng ô nhiễm nặng nề do một liên doanh khai thác vàng với Trung Quốc gây ra.
Công nhân Trung Quốc thuộc tập đoàn Tebian Electric Apparatus, ảnh minh họa: China Daily. |
Tại Bishkek, một phiên dịch tiếng Hán đã bày tỏ mối lo ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của người Trung Quốc trên lãnh thổ Kyrgyzstan:
"Tôi ngạc nhiên và sợ hãi khi thấy số người Trung Quốc hiện diện ngày càng nhiều. Tôi đoán những người dân nước tôi chẳng thể làm được gì về việc này.
Tôi sợ rằng nếu cứ thế này, sẽ có lúc chúng tôi mất nước."
Bình luận trực tiếp ngay sau khi ông Sooronbay Jeenbekov nhậm chức Tổng thống, Giáo sư Pavel Dyatlenko tại Đại học Salvic Kyrgyz-Nga ở Bishkek nhận định:
"Việc mở rộng nhanh chóng các mối quan hệ kinh tế và lĩnh vực khác giữa Trung Quốc và Kyrgyzstan đang đi kèm với sự gia tăng ảnh hưởng và văn hóa của Trung Quốc.
Có một sự thúc đẩy tiệm tiến và mang tính hệ thống về quyền lực mềm của Trung Quốc qua lợi ích và các dự án." [1]
Cảnh báo bẫy nợ Vành đai và Con đường
Nikkei Asian Review ngày 3/7 dẫn lời Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á ADB cảnh báo, các quốc gia mục tiêu Vành đai và Con đường nên thận trọng với các khoản vay không bền vững từ sáng kiến này, tránh bị mắc kẹt vào bẫy nợ.
Chủ tịch ADB Takehiko Nakao, ảnh: Jun Endo / Nikkei Asian Review. |
Chủ tịch ADB ông Takehiko Nakao nói với các phóng viên, sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc là một chương trình quan trọng kết nối khu vực, mở rộng hội nhập và hợp tác trên khắp châu Á.
ADB cũng sẽ hợp tác với Trung Quốc khi nào thích hợp. Tuy nhiên, ông cảnh báo các nước tránh vay Trung Quốc quá mức để chi cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.
"Nếu các nước vay quá nhiều trong một số dự án cơ sở hạ tầng nhất định mà không xem xét tính khả thi của nó một cách nghiêm túc, nó sẽ mang lại nhiều rắc rối hơn trong việc trả nợ.
Chúng ta nên xem xét nghiêm túc tính bền vững của các khoản nợ."
Ông Takehiko Nakao nhắc lại những lo ngại của Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế Christine Lagarde đã phát biểu trong một hội nghị tại Trung Quốc tháng Tư vừa qua, rằng:
"Ở những quốc gia mà nợ công đã cao, việc quản lý cẩn thận các điều khoản về tài chính là rất quan trọng.
Vành đai và Con đường, phân tích và bình luận |
Điều này vừa bảo vệ Trung Quốc vừa bảo vệ các chính phủ đối tác không tham gia vào những thỏa thuận có thể gây ra những khó khăn về tài chính trong tương lai."
Trung tâm Phát triển toàn cầu, một tổ chức nghiên cứu ở Washington tháng Ba năm nay ra một báo cáo cho biết, có 23 quốc gia có nguy cơ trở thành con nợ của Trung Quốc trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.
Trong số này có 6 quốc gia được cho là "có nguy cơ" cao hơn, gồm Lào, Maldives, Pakistan, Mông Cổ, Tajikistan và Kyrgyzstan. [2]
Liên quan tới các cảnh báo này, ngày 27/6 vừa qua Nikkei Asian Review dẫn lời Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) cho biết, tổ chức này sẽ thận trọng trong việc cho vay để tránh trở thành bẫy nợ.
Chủ tịch AIIB Jin Liqun tuyên bố:
"Công việc của chúng tôi không phải là tạo ra vấn đề nợ cho khách hàng vay.
Thứ nhất, chúng tôi phải thận trọng. Thứ hai, chúng tôi phải cố gắng không làm tăng nợ, thay vào đó phải giúp họ tạo ra doanh thu và có thêm thu nhập.
Chất lượng là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi, chúng tôi luôn đảm bảo rằng mỗi dự án mà chúng tôi tài trợ đều bền vững về tài chính, thân thiện với môi trường và được người dân bản địa chấp nhận."
Đó là câu trả lời của ông Jin Liqun với câu hỏi làm sao để các nước tránh được bẫy nợ khi vay vốn các ngân hàng Trung Quốc theo khuôn khổ Vành đai và Con đường.
AIIB phải đối mặt với những nghi ngờ xuất phát từ việc các tổ chức tài chính Trung Quốc bị chỉ trích vì "khai thác quá mức" một số quốc gia mục tiêu Vành đai và Con đường. [3]
Nguồn:
[1]https://asia.nikkei.com/Politics/International-Relations/Kyrgyzstan-grows-wary-of-China-amid-corruption-probe
[2]https://asia.nikkei.com/Economy/ADB-chief-warns-of-Belt-and-Road-debt-trap
[3]https://asia.nikkei.com/Economy/No-debt-trap-with-AIIB-president-vows