Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, ngày 02/4, Ủy ban nhân dân quận 4 (thành phố Hồ Chí Minh) đã chỉ đạo các phường rà soát các chung cư trên địa bàn để xác minh, làm rõ clip người đàn ông ôm ấp bé gái trong thang máy.
Thông tin ban đầu, chiều 02/4, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip dài 1 phút ghi lại cảnh người đàn ông vào thang máy đã có những hành vi được cho là đâm ô với bé gái.
Danh tính người đàn ông này đã được cơ quan chức năng xác định là Nguyễn Hữu Linh (sinh năm 1958, trú tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng).
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em tháng 8/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em là không thể chấp nhận, dung thứ cả về pháp lý, đạo đức xã hội”. |
Sự việc này đã gây ra hoang mang và phẫn nộ trong dư luận, đặc biệt ông Nguyễn Hữu Linh từng là Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Đà Nẵng.
Sự việc bé gái bị lạm dụng trong thang máy cũng như nhiều vụ lạm dụng trẻ em trước đó đang là thách thức đối với những cơ quan bảo vệ trẻ em.
Thật quá đau lòng khi mà mọi điều kiện sống được cải thiện tốt hơn, nhận thức pháp luật của người dẫn cũng đã tốt hơn nhưng những vụ lạm dụng tình dục trẻ em vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Kim Quý - Phòng tham vấn tâm lý và trị liệu tâm lý cho trẻ, Trung ương Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng, hiện nay có rất nhiều trẻ bị xâm hại tình dục nhưng phụ huynh không biết.
Hình ảnh người đàn ông được xác định là Nguyễn Hữu Linh ôm ấp bé gái trong thang máy. (Ảnh cắt từ clip) |
Theo Tiến sĩ Quý, bị xâm hại tình dục sẽ không có những bất thường về tâm lý sau thời điểm bị xâm hại mà phải một vài năm sau mới có biểu hiện sang chấn.
Nhiều đứa trẻ đã để lại những di chứng tâm lý ám ảnh chúng theo suốt cuộc đời.
Thông thường trẻ bị xâm hại tình dục sẽ có biểu hiện né tránh tiếp xúc với đàn ông.
Kể cả khi lớn lên, nhiều cô gái bị xâm hại từ nhỏ vẫn có những ấn tượng không tốt với những người đàn ông xung quanh mình.
Trẻ em đang bị bỏ rơi bởi sự vô cảm của cộng đồng, của nhà trường |
Các em luôn bị ám ảnh chuyện đã xảy. Nhiều em khi nhìn thấy một đàn ông lạ, các em đã liên tưởng ngay đến chuyện em bị xâm hại như thế nào.
Đã có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại, cháu bé đã phải hứng chịu sự việc do ông Nguyễn Hữu Linh gây ra có thể bị ảnh hưởng tâm lý.
Tiến sĩ Quý cho biết: “Trong các trường hợp có cháu quá nhỏ không nhận thức được mình bị làm hại. Nhưng cũng có những trẻ rơi vào trạng thái sợ hãi cùng cực, lên cơn xung động, phát triển các rối loạn tâm thần khi bị khơi gợi những ám ảnh cũ.
Do đó, bên cạnh việc lên án kẻ có hành động lạm dụng như vậy cộng đồng, bố mẹ thầy cô và các nhà bảo vệ trẻ em phải có những hành động thiết thực để bảo vệ đứa trẻ.
Trong những trường hợp trẻ bị như vậy cần có đội ngũ chuyên môn phát hiện kịp thời để tư vấn tâm lý cho trẻ. Hiện nay, trong điều kiện phát triển về mặt công nghệ, việc truyền thông liên tục về sự việc cũng gây ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
Việc này cần các cơ quan chức năng hành động quyết liệt. Không để những tình trạng như này tái diễn”.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Kim Quý, qua những vụ việc xảy ra liên tiếp thời gian qua, có lẽ các cơ quan chức năng cần phải nhìn nhận lại nghiêm túc vai trò của mình trong việc bảo vệ trẻ em.
Tiến sĩ Nguyễn Kim Quý cho rằng cần phải có người chịu trách nhiệm khi nhiều trẻ em bị lạm dụng, xâm hại. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Cụ thể ở đây cần phải nhấn mạnh vai trò, tiếng nói của Cục Bảo vệ trẻ em của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Đã có rất nhiều vụ việc xảy ra nhưng chưa thấy hoặc bóng dáng của những người làm công tác Bảo vệ và chăm sóc trẻ em đâu, vai trò của những tổ chức này rất mờ nhạt.
Chúng ta cũng đã thừa nhận cán bộ làm công tác xã hội là một ngành nghề rồi thế nhưng đội ngũ làm việc trong lĩnh vực này vừa thiếu và vừa yếu.
Đà Nẵng nói gì về người đàn ông có dấu hiệu dâm ô bé gái trong thang máy? |
“Để trẻ em xâm hại thời gian qua có nhiều như vậy thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm?
Phải có người chịu trách nhiệm chứ, vì chúng ta có cả một cơ quan cấp Cục về bảo vệ trẻ em, cấp ủy ban… và Việt Nam cũng đã tham gia công ước quốc tế về quyền trẻ em nhưng thực tế đã có không ít trẻ bị lạm dụng và chưa được bảo vệ đầy đủ”, Tiến sĩ Quý đặt câu hỏi.
Tiến sĩ Nguyễn Kim Quý nói thẳng là cần phải có chế tài xử lý nghiêm những hành động lạm dụng trẻ em, quấy rối phụ nữ, chứ không thể chỉ xử lý kiểu phạt 200 nghìn như vụ một người đàn ông sàm sỡ phụ nữ trong thang máy gây bức xúc trong dư luận thời gian qua.
Bởi theo Tiến sĩ Quý: "Nếu những vụ việc về xâm hại, bạo lực trẻ em được nghiêm trị thì mới có thể tạo niềm tin cho gia đình người bị hại và quần chúng nhân dân.
Việc xử lý người đàn ông có hành vi xấu trong thang máy với phụ nữ và một số vụ việc khác có biểu hiện lạm dụng trẻ em chưa đủ sức răn đe, giáo dục... và sẽ còn tái diễn. Người lớn không hành động thì con trẻ phải hứng chịu".