Bốn vấn đề nóng của ngành giáo dục được gửi tới PTT Vũ Đức Đam

05/01/2014 07:50
Xuân Trung (ghi)
(GDVN) - Đây là những vấn đề “sinh-tử” của ngành giáo dục được đúc kết từ nhiều ý kiến tại một Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia cao cấp về giáo dục.
Thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương 8 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Hiệp hội Giáo dục vì mọi người đã mời các nhà khoa học đầu ngành về giáo dục đào tạo, các nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia giáo dục ở Trung ương và địa phương góp ý cho việc thực hiện chủ trương đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo Việt Nam trong thời gian tới.

Chủ trì buổi hội thảo này là PGS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT. Xuất phát từ những yêu cầu cấp bách của nền giáo dục, PGS. Nhĩ cho biết, những ý kiến tâm đắc nhất sẽ được tập hợp và gửi cho Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, với kỳ vọng Chính phủ sẽ có chỉ đạo sát sao nhất, ráo riết nhất về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới.

Đổi mới giáo dục cấn sự chung tay của toàn xã hội.
Đổi mới giáo dục cấn sự chung tay của toàn xã hội.

Hội thảo đã đề cập tới bốn vấn đề: Thứ nhất, đổi mới cơ cấu hệ thống giáo dục từ mầm non đến đại học, phân luồng và phân ban ở THPT.

Thứ hai, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp, đánh giá thi cử, tuyển sinh Đại học, Cao đẳng, vấn đề liên kết, liên thông trong đào tạo.

Thứ ba, đổi mới hệ thống sư phạm, trường quản lý giáo dục, đào tạo lại giáo viên, cán bộ quản lý, chế độ chính sách đối với giáo viên và sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng sư phạm.

Thứ tư, xã hội hóa giáo dục, tạo nguồn lực đáp ứng điều kiện dạy và học trong đổi mới.

Phân thành ba luồng ở THPT

PGS. Trần Xuân Nhĩ cho biết, các đại biểu dự hội thảo cho rằng đây là vấn đề cốt lõi giống như khi xây nhà thì bắt đầu phải có ý tưởng, có bản thiết kế rồi mới xây móng làm nhà. Trong giáo dục phải xác định hệ thống giáo dục bao gồm những bậc học nào, thời gian từng bậc học là bao nhiêu năm, phân luồng, phân ban như thế nào mới có cơ sở để xây dựng chương trình, sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy và học, tổ chức thi cử.

Căn cứ giải pháp số 4 trong Nghị quyết số 29/NQ-TW “Trước mắt, ổn định hệ thống giáo dục phổ thông như hiện nay” Hội thảo đề xuất: từ nay đến 2018 hệ thống giáo dục phổ thông tạm giữ 12 năm bao gồm: (Tiểu học: 5 năm, THCS: 4 năm), THPT: 3 năm.

Bậc trung học phổ thông nên phân thành 3 luồng: khoảng 50% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học trường THPT để đào tạo tiếp lên cao đẳng, đại học. Trong khi đó khoảng 25% học sinh học trường PT có học nghề 2-3 năm, có 25% học sinh học trường nghề ngắn hạn từ 6 tháng - 1 năm.

Theo đó, chương trình trung học phổ thông 3 năm trong giai đoạn chuyển tiếp (2014 - 2018) nên giành 1 năm học Anh văn, 2 năm còn lại có thể phân thành 3 ban (Kinh tế, Xã hội, Tự nhiên) hoặc 4 ban (Kinh tế, Xã hội, Toán-lý và Hóa sinh).

PGS. Trần Xuân Nhĩ cũng cho biết, đối với học sinh cấp THCS ngay từ năm học 2014-2015 cần tăng cường học Anh văn ngay từ lớp đầu cấp. Từ Năm học 2018-2019 trình độ Anh văn học sinh tốt nghiệp THCS đã khá lên rồi, lúc bấy giờ bậc THPT có thể bỏ đi năm học ngoại ngữ Anh văn chuyển tiếp và hệ phổ thông chỉ còn lại 11 năm. Khi chuyển bậc THPT học 2 năm sẽ giảm được sự căng thẳng về qui mô như hiện nay, sẽ dành được 1/12 ngân sách của toàn xã hội ( Gồm của nhà nước và của nhân dân) để đầu tư trở lại cho ngành giáo dục. 

Hiện nay số trường THPT trong cả nước có khoảng gần 2.800 trường có thể phân hóa và cải tạo thành 3 loại trường trên. Đào tạo lại đội ngũ giáo viên cấp THPT từng bước đảm bảo giảng dạy ở 3 loại trường trên.

Về bậc học, hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam nên thiết kế như sau: Bậc giáo dục Tiểu học: 5 năm. Bậc giáo dục Trung học, trong đó có: Trung học cơ sở: 4 năm. Sau trung học cơ sở lại phân ra: Trung học phổ thông: 2 năm. Trung học phổ thông có nghề: 2 đến 3 năm. Trung học nghề: 6 tháng đến 1 năm, tùy theo nghề.

Bậc Cao đẳng - Đại học: Bậc Cao đẳng từ 2 đến 3 năm. Có thể lấy học sinh có chứng chỉ THPT hoặc liên thông từ Trung học nghề. Đại học: Từ 3 đến 4 năm, trừ một số trường có yêu cầu đào tạo đặc biệt như Y Khoa. Có thể lấy học sinh liên thông từ Cao đẳng.

Hệ thống giáo dục phải nhanh chóng chuyển sang hệ giáo dục mở, nghĩa là phải nhanh chóng xóa bỏ tất cả các rào cản, tạo điều kiện để người dân tiếp cận thuận lợi với giáo dục, những rào cản hiện nay như việc thi cử nặng nề, quy định tuổi tác theo học các bậc học…

Đánh giá phải khuyến khích được học sinh

Về vấn đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đánh giá môn học, bậc học. Thi phổ thông, tuyển sinh Đại học, cao đẳng, liên thông, liên kết, PGS. Trần Xuân Nhĩ cho biết, khi đã xác định hệ thống  giáo dục thì chương trình kiến thức phổ thông được bố trí gọn từ tiểu học đến hết THCS như đã nêu trong nghị quyết theo hướng tích hợp. 

Lúc đó, bậc tiểu học chỉ học 3 môn chính: tiếng Việt, Toán và Anh văn và các môn về kỹ năng sống thông qua việc lồng ghép và các hoạt  động. Bậc THCS ngoài 3 môn học như bậc tiểu học thì học thêm môn CNTT, Tự nhiên và Xã hội, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, tăng cường thực hành. Cần quan tâm thích đáng đến việc dạy và học ngoại ngữ (cho học sinh học ngoại ngữ (tiếng Anh) ngay từ năm đầu của tiểu học thậm chí ở lớp cuối bậc học Mầm non để sau 11 năm học xong THPT học sinh có thể sử dụng ngoại ngữ để học một số môn ở bậc đại học hoặc đi du học.

Đánh giá năng lực học sinh phải dựa vào mục tiêu, theo nguyên tắc: đã học thì phải được đánh giá và đánh giá nhằm mục tiêu khuyến khích sự tiến bộ của người học.  

Đề nghị với học sinh học hết THPT với các môn đạt từ điểm trung bình trở lên, đạo đức từ khá trở lên, các hoạt động kỹ năng sống đạt yêu cầu được cấp chứng chỉ THPT.

Chứng chỉ này có giá trị đăng ký học THPT có nghề, trung học nghề và dự thi kỳ thi tốt nghiệp phổ thông quốc gia. 

Các trường đại học, cao đẳng được quyền tự chủ tuyển sinh theo chỉ tiêu Bộ GĐ&ĐT giao dựa trên khả năng (cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ giảng dạy) theo phương thức xét tuyển, xét tuyển kết hợp với thi tuyển hoặc tổ chức thi tuyển theo điều 34 luật đại học. Điều này có thể thực hiện ngay năm học 2014-2015 nếu Bộ tập trung tổ chức thi tốt nghiệp Phổ thông trung học 2013-2014 có chất lượng. Bộ không nên tổ chức 2 kỳ thi trong 1 mùa hè (Thi tốt nghiệp phổ thông và thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng) vừa tốn kém, vừa nặng nề.

Còn nữa…
Xuân Trung (ghi)