Cũng trong Nghị quyết Trung ương 8 đã khẳng định: “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh”.
Chuyển dần sang đánh giá năng lực
Dự thảo điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT 2014 mà Bộ GD&ĐT đưa ra gồm 2 phương án. Với phương án thứ nhất: Học sinh sẽ phải thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc, (Toán, Văn) 2 môn tự chọn trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử. Học sinh có thể đăng ký thi môn Ngoại ngữ (theo chương trình 7 năm) để được cộng điểm khuyến khích.
TT Nguyễn Vinh Hiển: Nếu được xã hội đồng tình, thi tốt nghiệp THPT 2014 sẽ thay đổi. Ảnh Xuân Trung |
Phương án hai: Sẽ thi 5 môn, gồm 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử. Với môn Ngoại ngữ, thí sinh GDTX và thí sinh THPT không học hết chương trình hiện hành hoặc khó khăn về điều kiện dạy học sẽ được lựa chọn môn thi thay thế trong các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử sao cho không trùng với 2 môn tự chọn ở trên.
Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, đây chưa phải là phương án cuối cùng, Bộ GD&ĐT đang xin ý kiến từ nhiều nhà chuyên môn, từ cả xã hội, trong đó có học sinh, phụ huynh để Đề án được hoàn chỉnh. Và nếu được xã hội đồng phương án nào có thể thực hiện ngay trong năm 2014.
Trong Dự thảo này môn Ngoại ngữ được xem là điều kiện để thí sinh có kết quả tốt nghiệp tốt hơn (nếu theo phương án một) và thay thế hoàn toàn bằng một môn khác (nếu theo phương án hai), thừa nhận tầm quan trọng của môn Ngoại ngữ trong tình hình hội nhập, nhiều người cho rằng, môn học này cần được đưa vào môn thi chính thức chứ không còn là môn điều kiện hay là môn để được cộng điểm.
Thứ trưởng Hiển cho biết, Ngoại ngữ đúng là năng lực, là môn công cụ trong hội nhập. Sắp tới môn này sẽ là môn bắt buộc trong chương trình học tới lớp 12. Chúng ta sẽ không dạy như cũ mà học Ngoại ngữ phải sử dụng được để hướng tới năng lực giao tiếp. Do vậy, lần này cách thi, cách đánh giá phải khác.
“Trong Đề án Ngoại ngữ tới trọng tâm là thay đổi cách kiểm tra đánh giá, cách kiểm tra hiện nay không đánh giá được năng lực người học. Bộ không muốn làm hình thức điều này, bộ muốn nhanh chóng làm cho thực chất về Ngoại ngữ. Bộ không muốn kéo dài thi Ngoại ngữ như hiện nay. Dự thảo lần này là khuyến khích người học, và Ngoại ngữ trong dự thảo này dành cho chương trình 7 năm chứ không 3 năm như mọi khi” Thứ trưởng Hiển cho biết.
Có thể áp dụng thi 4 môn từ năm 2014
Với dự thảo đưa ra để xin ý kiến xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết quan điểm cá nhân, ông cho rằng nếu được xã hội đồng tình thì sẽ áp dụng ngay trong năm 2014, như vậy chỉ còn 5 tháng để hoàn tất các công tác chuẩn bị. Với thời gian ngắn như vậy nhiều ý kiến lo ngại học sinh sẽ rơi vào trạng thái “đột ngột” từ chủ trương của Bộ. Thứ trưởng Hiển cho hay, hoàn toàn không đột ngột, vì kiến thức đều có trong chương trình học, giờ là cách nghĩ thi như thế nào, phương án chọn môn thi, chỗ nào ra theo tự luận, chỗ nào ra theo trắc nghiệm.
Một quy định trong Dự thảo điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT có đề cập về tỷ lệ được miễn thi. Theo đó, nếu được áp dụng từ năm 2014 thì năm đầu tiên tỷ lệ miễn thi chung cho mỗi Sở GD&ĐT tối đa là 20% (đây là những thí sinh có kết quả học tập xuất sắc), tỷ lệ này có thể được điều chỉnh trong những năm tiếp theo. Thứ trưởng Hiển cho biết, tỷ lệ để đảm bảo chỉ quy định tối đa từ 20% trở xuống và hy vọng các sở sẽ không có tình trạng lấy nhầm thí sinh.
Nếu có tình trạng không trung thực trong việc cho thí sinh miễn thi ở các trường, các sở thì phải chịu trách nhiệm cá nhân và tập thể. Với dự thảo về điều chỉnh cách thi và công nhận tốt nghiệp THPT mà Bộ GD&ĐT đưa ra, nếu được áp dụng sẽ được coi là phương án ổn định từ nay đến khi học sinh đầu tiên bắt đầu học chương trình mới.
Trao đổi thêm, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng nêu quan điểm thiên về phương án thứ nhất, Bộ sẽ khuyến khíchcộng điểm cho học sinh nào ham học, khuyến khích học sinh học ngoại ngữ. Với phương án đầu tiên sẽ giảm áp lực cho học sinh, đảm bảo đánh giá môn ngoại ngữ thực chất hơn, tạo điều kiện để Bộ và các trường có thời gian triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học theo yêu cầu của Đề án Ngoại ngữ 2020.