Các lãnh đạo nhà trường nói gì về Hiệu trưởng bỏ mặc cô giáo bị bắt quỳ?

08/03/2018 06:57
Phương Linh
(GDVN) - Nếu cảnh giáo viên quỳ trước mặt phụ huynh diễn ra, mà Hiệu trưởng bỏ mặc thì không thể chấp nhận được.

Những diễn biến mới nhất liên quan đến việc cô N. (Trường tiểu học Bình Chánh, huyện Bến Lức, Long An) bị bắt quỳ 40 phút để nhận lỗi vì đã phạt học sinh, cô N. đã tường trình cho thấy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bình Chánh đã bỏ mặc cô với phụ huynh, dù cô rất muốn có sự hỗ trợ từ Hiệu trưởng.

Biết thông tin này, ngày 7/3, nhiều Hiệu trưởng đã bày tỏ sự bức xúc, phẫn nộ với cách điều hành của ông S. là Hiệu trưởng ngôi trường này.

Cô Nguyễn Thị Kim Hương – Hiệu trưởng Trường tiểu học Lạc Long Quân, quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ: Cách sử xự của Hiệu trưởng trong trường hợp này đúng là không thể chấp nhận được.

Trường tiểu học Bình Chánh, huyện Bến Lức, nơi xảy ra sự việc cô N. quỳ (ảnh: H.Long)
Trường tiểu học Bình Chánh, huyện Bến Lức, nơi xảy ra sự việc cô N. quỳ (ảnh: H.Long)

Theo cô Kim Hương, trong trường hợp này, Hiệu trưởng có rất nhiều cách để can thiệp cho sự việc nhẹ hơn.

Ví dụ: Hiệu trưởng có thể can thiệp trực tiếp vào sự việc, hoặc căng thẳng quá thì mời chính quyền địa phương vào cuộc ngay, chứ không thể để sự việc diễn tiến như báo chí đăng được.

Cô giáo bị bắt quỳ đã rất mong muốn được cứu giúp nhưng Hiệu trưởng bỏ đi

Nếu đúng thông tin như cô N. tường trình, cô Nguyễn Thị Kim Hương khẳng định rằng, hành động như ông S. trong trường hợp này là không thể chấp nhận được, vì diễn ra ngay lúc Hiệu trưởng cũng biết sự việc.

Thầy Trịnh Duy Trọng – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Tân đánh giá, cách làm của ông S. trong trường hợp này hoàn toàn không tốt.

Hiệu trưởng phải xử lý câu chuyện của cô N. như, rồi hãy đi dự giờ sau, tránh những sự việc đáng tiếc, sự cố có thể xảy ra. Thực tế, ông S. đã chọn cách đi dự giờ, và chuyện đã xảy ra thật.

Trong trường hợp này, nếu giáo viên cư xử, hành động sai thì sẽ xử lý theo khung tiêu chuẩn, đạo đức nhà giáo, còn là Hiệu trưởng thì không được để xảy ra tình trạng giống như vậy, cần phải bảo vệ và giữ gìn hình ảnh của người giáo viên.

“Ai sai thì đều có một quy trình xử lý đầy đủ hết, chứ không thể để phụ huynh làm áp lực, đối xử với giáo viên giống kiểu như vậy được” – thầy Trọng nhấn mạnh.

Còn cô Nguyễn Thị Ánh Mai – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn chia sẻ: Nếu là cô thì cô sẽ không bao giờ làm giống như ông S.

Theo cô Nguyễn Thị Ánh Mai, trong tình huống này, sự việc đã bắt đầu diễn ra căng thẳng, thì tốt nhất là không nên để cho phụ huynh vào trực tiếp làm việc với giáo viên, mà cần phải có bên thứ 3 để làm trung gian hòa giải.

Từ thực tế điều hành nhà trường của mình, cô Nguyễn Thị Ánh Mai nói rằng mình cũng ít khi làm giống cách của Hiệu trưởng T. đã làm.

Ngày 7/3, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam qua điện thoại, ông Trần Văn Tươi – Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bến Lức, Long An xác nhận, hiện ông đã nắm được thông tin mà cô N. trình bày qua đơn tường trình.

Ông Trần Văn Tươi thông tin, hiện huyện đang cho các ban ngành chức năng vào cuộc, xác minh lại vấn đề này, và nếu thông tin mà cô N. trình bày là chính xác, thì ông S. cũng sẽ bị huyện xử lý kỷ luật.

Đảng ủy xã Nhựt Chánh cũng đang kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với vị phụ huynh đã bắt cô N. phải quỳ. Khi có thông tin, kết luận mới, huyện Bến Lức sẽ công khai tới các cơ quan báo chí.

Đối với trường hợp của cô N., cho tới nay, cô vẫn chưa đi dạy bình thường ở trường, do cô cũng cần vài ngày để nghỉ ngơi, trấn an lại tinh thần.

Phương Linh