Chủ biên sách “dạy học sinh đi trên thủy tinh”: Đã có ai bị sao đâu?

25/08/2015 14:37
XUÂN QUANG
(GDVN) - Lãnh đạo Nhà xuất bản khẳng định, đã chỉnh lý nội dung cuốn sách "thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1".

“Xúi dại” hay học kỹ năng sống?

Nhiều phụ huynh tỏ ra lo ngại về phần nội dung trong cuốn sách "Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1" do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành 2013.

Đáng chú ý, phần nội dung cuốn sách đề cập tới câu chuyện "Bạn An dũng cảm", dạy cho trẻ về lòng dũng cảm bằng cách đi trên thủy tinh.

Nội dung câu chuyện như sau: "Cô giáo rải thảm thủy tinh dày trước mặt cả lớp và yêu cầu các bạn đi qua đó. Cả lớp đều rất sợ hãi và An cũng vậy.

Nhưng cô giáo động viên và hướng dẫn giúp An tự tin đi qua thảm thủy tinh, nhờ vậy mà An đi qua thảm thủy tinh một cách dễ dàng.

Khi đi qua rồi, An thấy thảm thủy tinh không thấy thảm thủy tinh đáng sợ như mình nghĩ và An quay lại động viên các bạn để các bạn dũng cảm như An. Cuối cùng, cả lớp đều dũng cảm đi qua thảm thủy tinh".

Ngay bên cạnh câu chuyện là hình minh họa một em học sinh tiểu học đứng trên thảm thủy tinh.

Phần đúc kết bài học trong sách này có ghi: "Có rất nhiều điều khiến em sợ hãi nhưng em cần dũng cảm vượt qua nó. Khi em dũng cảm vượt qua, em sẽ không còn thấy sợ hãi nữa".

Nội dung câu chuyện "Bạn An dũng cảm" trong cuốn do Tiến sĩ Phan Quốc Việt chủ biên (ảnh: Báo Thanh Niên).
Nội dung câu chuyện "Bạn An dũng cảm" trong cuốn do Tiến sĩ Phan Quốc Việt chủ biên (ảnh: Báo Thanh Niên).

Không lâu sau đó, câu chuyện này nhanh chóng được độc giả chia sẻ trên các mạng xã hội.

Sự việc cũng gây ra sự tranh cãi xung quanh nội dung dạy cho trẻ về lòng dũng cảm bằng cách đi trên thủy tinh.

Không ít ý kiến cho rằng, bài học này rất nguy hiểm và học sinh có thể gặp nguy hiểm khi thực hành.

Bên cạnh đó, nhiều độc giả tỏ vẻ lạc quan hơn cho rằng, đây là cách dạy trẻ chế ngự sự sỡ hãi, vượt qua chính mình.

“Tôi đã thực hành rồi”

Hôm 25/8, trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ  Phan Quốc Việt, chủ biên cuốn sách "Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1" cho rằng, việc đưa ra bài học nói trên hoàn toàn phù hợp để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Lý giải việc nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng về bài học trên có thể gây nguy cho con cái  họ nếu thực hành, Tiến sĩ Việt cho rằng, điều này xuất phát từ cách quản trị cảm xúc bản thân của mỗi người.

Thế hệ chúng tôi từng đối mặt với bom đạn, vượt đèo, lội suối… là chuyện bình thường, có bị làm sao đâu? Quan trọng là cách quản trị cảm xúc của mỗi người khi đối diện nguy hiểm.

Trong thực tế, khi đối diện với nguy hiểm người ta thường rất sợ và bị khủng hoảng về mặt tinh thần. Cũng không ít sự cố gặp phải liên quan tới thủy tinh. Nhưng do kinh nghiệm và nỗi ám ảnh từ bé, cho nên con người khi gặp vật thể này thường rất sợ.

Nhưng, suy nghĩ trên cũng cho thấy, sự khiếm khuyết rất lớn về mặt tinh thần (sợ hãi), đặc biệt là trẻ em thành thị.

Do vậy, đây là bài tập điển hình trong cuộc sống, giúp con người khắc chế sự sợ hãi, vượt lên chính mình. Suy cho cùng việc có khắc chế được khó khăn hay không phụ thuộc vào cách quản trị cảm xúc của bản thân mỗi người", Tiến sĩ Việt phân tích.

Cuốn sách "Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1", do Tiến sĩ Phan Quốc Việt chủ biên (ảnh: Báo Infonet)
Cuốn sách "Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1", do Tiến sĩ Phan Quốc Việt chủ biên (ảnh: Báo Infonet)

Tiến sĩ Việt bác bỏ nguy cơ trẻ nguy hiểm trong quá trình thực nghiệm.

“Ban đầu chúng tôi đưa ra 2 phương án, thực hành đi trên thủy tinh và hòn đá cuội. Nhưng sau khi thực nghiệm hết 1 lượt, thì em nào cũng chọn phương án 1 (đi trên thủy tinh) vì nếu đi trên cuội sẽ rất đau chân.

Mặt khác, khi nghiên cứu đi trên thủy tinh, có kích cỡ bằng bằng bao diêm, đổ trong khung dày 5cm thường rất an toàn.

Khi mảnh vỡ nhỏ chồi lên, thiết diện bé, thì áp suất bàn chân đè lên rất lớn. Do đó, mảnh vỡ thủy tinh sẽ bị đè xuống dưới, không dính vào chân. Còn mảnh nào nằm to thì thiết diện lớn, áp suất bé, khi đè lên sẽ không nguy hiểm.

Khi đưa ra bài học này, chúng tôi đã thực nghiệm một cách rất chặt chẽ để làm gương cho người khác. Tôi đã từng cõng người khác đi qua mảnh vỡ thủy tinh có sao đâu? Đến nay, sau nhiều lần thực nghiệm, chưa có trường hợp nào gặp sự cố", Tiến sĩ Việt cho biết.

Tiến sĩ Việt nhấn mạnh: "Đây chỉ ví dụ điển hình nhằm quản trị cảm xúc con người. Khi người ta gặp nguy hiểm, họ có thể kiềm chế cảm xúc để giải quyết.

Còn trường hợp người ta nói cứ đi trên thủy tinh là dũng cảm, tôi chắc sẽ không ai làm như vậy đâu".

Nhà xuất bản nói gì?

Cũng liên quan tới vụ việc nói trên, lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, phần nội dung cuốn sách "Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1" có nội dung về bài học (nói trên) đã được chỉnh lý.

“Trên phương diện xuất bản, sư phạm, sau khi phát hiện nội dung giáo dục kỹ năng sống cho trẻ trong cuốn sách này có phần không hợp lý, chúng tôi đã phối hợp với chủ biên sách, cắt bỏ phần này", một lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục (xin giấu tên) cho biết.

Cũng theo vị đại diện Nhà xuất bản Giáo dục: "Hiện tại, bước vào năm học mới (2015-2016), cuốn sách "Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1" (nội dung chưa chỉnh lý) không còn phát hành trên thị trường".

Trong một diễn biến có liên quan, hôm 25/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản số 4305 gửi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đề nghị báo cáo nội dung trong cuốn sách "Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1", theo phản ánh của báo chí.

“Để kịp thời chấn chỉnh và có biện pháp xử lý những nội dung gây ảnh hưởng không tốt đến tâm sinh lý học sinh, phụ huynh học sinh và toàn xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khẩn trương kiểm tra tình hình, kịp thời xử lý và báo cáo về Bộ trước ngày 28/8", văn bản nêu rõ.








 

















 
 




XUÂN QUANG