Có 9 giải pháp này, ngành giáo dục phải thực hiện được Thông tư 30

01/04/2015 07:44
Việt Cường
(GDVN) - "Chúng tôi phải đưa ra giải pháp để giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo, đúng hơn là giúp Vụ Giáo dục Tiểu học của Bộ cách thực hiện Thông tư 30 cho hiệu quả".

LTS: Sau khi phân tích Thông tư 30 dưới Góc nhìn của Khoa học phát triển Chương trình Giáo dục, nhóm tác giả là các nhà khoa học do tác giả Việt Cường đại diện tiếp tục gửi đến Báo Giáo dục Việt Nam một bài viết đưa ra 9 giải pháp quan trọng để thực hiện Thông tư 30 một cách có hiệu quả. Các giải pháp này cũng là những góp ý chân thành và tử tế mà bất cứ ai, đặc biệt là những nhà quản lý giáo dục không nên bỏ qua.

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn và cách hành văn của nhóm tác giả. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Liên quan đến góp ý của chúng tôi ở bài góp ý trước,  có một số comment (bình luận) của độc giả như: GV & CBQLGD, Cần phải nói, GV lớp 1… yêu cầu chúng tôi phải đưa ra giải pháp để giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo, đúng hơn là giúp Vụ Giáo dục Tiểu học của Bộ cách thực hiện Thông tư 30 cho hiệu quả.

Chúng tôi nghĩ rằng những comment này cho thấy họ có vẻ là người tham gia quản lý giáo dục, giọng điệu thì ngang ngược và đầy tính thách đố.

Tuy nhiên không vì thế mà chúng tôi đưa ra những giải pháp này, mục đích cao cả hơn là chúng tôi muốn góp ý thì cũng sẽ kèm giải pháp, làm sao để giáo dục nước nhà được tốt nhất, con cháu chúng ta được hưởng lợi.

Chúng tôi muốn góp ý, phản biện chân thành và tử tế để chúng ta ban hành và thực hiện chính sách gì thì đều cần phải hết sức khoa học, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn. 

Mục tiêu lớn nhất là tất cả mọi người Việt Nam chân chính đều mong muốn con cháu chúng ta được hưởng một nền giáo dục tốt nhất, để các thế hệ hôm nay và mai sau trở thành những công dân tốt, có đầy đủ phẩm chất và năng lực góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam của chúng ta; đưa nước ta trở thành một quốc gia cường thịnh.

Nhưng chúng tôi lấy làm tiếc rằng khi áp dụng Thông tư 30, ngành giáo dục, đặc biệt là Vụ giáo dục Tiểu học đã duy ý chí, thậm chí thiếu kiến thức khoa học, thiếu thực tế để đưa ra một chủ trương ảnh hưởng đến cả triệu người mà không tính đến hậu quả.

Hàng triệu người ấy, đều là chủ nhân tương lai của đất nước.

Giải pháp là những góp ý chân thành và tử tế để cùng thực hiện Thông tư 30 một cách có hiệu quả. Ảnh minh họa (Nguồn: internet)
Giải pháp là những góp ý chân thành và tử tế để cùng thực hiện Thông tư 30 một cách có hiệu quả. Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

Và đây, dù chẳng ăn lương của ngành giáo dục, song chúng tôi xin đưa ra các giải pháp để thực hiện Thông tư 30 một cách hiệu quả như sau:

1. Thay ngay bộ sách giáo khoa hiện hành - bộ sách giáo khoa chủ yếu trang bị kiến thức cho học sinh là chính khiến cho một tiết dạy của giáo viên đã quá nặng nề, một tiết học của học sinh đã quá căng thẳng rồi – bằng một bộ sách giáo khoa mới theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học như quan điểm cải cách giáo dục của Bộ.

2. Biên chế lại sĩ số các lớp ở cấp Tiểu học, từ lớp 1 đến lớp 5, mỗi lớp chỉ khoảng 25 đến 30 học sinh.

3. Giáo viên dạy Tiểu học, bố trí hai người trên một lớp: 1 giáo viên chính + 1 giáo viên phụ giảng.

Có 9 giải pháp này, ngành giáo dục phải thực hiện được Thông tư 30 ảnh 2Nói tiếng phổ thông còn chưa sõi, làm sao đọc và hiểu được nhận xét

Theo đánh giá chung của nhiều giáo viên tiểu học miền núi tại Nghệ An, Thông tư 30 đang gây không ít khó khăn cho giáo dục miền núi.

4. Có những hướng dẫn cụ thể và chi tiết, có giải pháp hữu hiệu để giáo viên những bộ môn đặc thù như : Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục… để họ không phải ghi nhận xét quá nhiều, dẫn tới tình trạng quá tải.

5. Có hướng dẫn cụ thể và chi tiết cho các kiểu trường Tiểu học khác nhau ở mọi vùng miền trên cả nước. Đối với những vùng xa, vùng sâu, vùng núi cao, trình độ văn hóa của phụ huynh học sinh thấp thì việc ghi nhận xét thế nào cho phù hợp?

6. Cân nhắc xem có nên giao bài tập về nhà cho học sinh từ lớp 3, lớp 4, lớp 5 không? Theo chúng tôi, vẫn cần cho bài tập về nhà nhưng phải tính đến liều lượng và mức độ hợp lý.

7. Tăng lương cho giáo viên vì họ không thể “Sống bằng không khí và nước lã”.

8. Tập huấn lại cho tất cả các cán bộ quản lý giáo dục từ cấp Phòng trở lên, các Hiệu trưởng, Hiệu phó, các tổ trưởng bộ môn. Tài liệu tập huấn phải thật cụ thể, chi tiết để họ tập huấn lại cho giáo viên đứng lớp.

9.  Bỏ ngay hai mức đánh giá ĐẠT – KHÔNG ĐẠT; nên học mô hình đánh giá của Phần Lan – Quốc gia xếp số 1 Liên Hợp Quốc về giáo dục.

Chúng tôi cho rằng, nếu thực hiện được tất cả giải pháp này thì Thông tư 30 mới đi vào cuộc sống.

Việt Cường