Hiệu phó Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nên bảo vệ lại luận án

05/05/2014 09:21
Xuân Trung (thực hiện)
(GDVN) - “Với bản Kết luận của Bộ GD&ĐT như vậy là hơi dung túng cho PGS.Nguyễn Cảnh Lương, không nghiêm khắc”.

Trên đây là khẳng định của GS.TSKH Lê Hùng Sơn khi ông trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, xung quanh bản Kết luận nội dung tố cáo đối với PGS.Nguyễn Cảnh Lương của Bộ GD&ĐT. 

Bộ GD&ĐT công bố bản Kết luận nội dung tố cáo đối với PGS. Nguyễn Cảnh Lương (Hiệu phó Trường Đại học Bách khoa Hà Nội ) ngày 8/4/2013, ngay sau đó người tố cáo là TS.Nguyễn Ngọc Thành đã có ý kiến phản biện lại bản kết luận này, TS.Thành cho rằng, Bộ GD&ĐT đã vội vàng và cố tình bao che cho người vi phạm là ông Nguyễn Cảnh Lương. 

Cụ thể, TS.Thành nói có rất nhiều nội dung ông không tố cáo nhưng Kết luận lại đưa vào, quan điểm TS.Thành khẳng định, ông chỉ tố cáo việc “đạo văn và tính không trung thực của một nhà giáo”. Về phần này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng ý kiến phản biện của TS.Thành ở bài trước. Tuy nhiên, những lập luận trong bản Kết luận của Bộ GD&ĐT khiến nhiều nhà giáo, nhà chuyên môn tiếp tục lên tiếng khẳng định, Bộ GD&ĐT làm không nghiêm khắc đối với hành vi không trung thực của PGS.Nguyễn Cảnh Lương và sẵn sàng chỉ ra những vấn đề giống nhau từ bản luận văn của PGS.Nguyễn Cảnh Lương và PGS.Nguyễn Văn Khải.

GS.TSKH Lê Hùng Sơn không đồng tình với bản Kết luận của Bộ GD&ĐT về nội dung tố cáo đối với PGS.Nguyễn Cảnh Lương. Ảnh Văn Chung
GS.TSKH Lê Hùng Sơn không đồng tình với bản Kết luận của Bộ GD&ĐT về nội dung tố cáo đối với PGS.Nguyễn Cảnh Lương. Ảnh Văn Chung

Để rộng đường dư luận, chúng tôi có cuộc trao đổi với GS.TSKH Lê Hùng Sơn – người được cho là cha đẻ của “Giải tích Clifford” mà PGS. Lương từng bảo vệ luận án năm 1996. 

Danh dự của ngành giáo dục
PV: Trong Kết luận của Bộ GD&ĐT về nội dung tố cáo đối với PGS.Nguyễn Cảnh Lương có nhiều điểm mà theo người tố cáo (TS.Nguyễn Ngọc Thành) là không nhất quán, mâu thuẫn. Giáo sư có chia sẻ gì về bản Kết này của Bộ?
GS.TSKH Lê Hùng Sơn: Bản chất của câu chuyện này là không trung thực, cái đó đã rõ. Theo tôi, Bộ GD&ĐT phải hủy luận án của PGS.Nguyễn Cảnh Lương và cho bảo vệ lại, không thể có chuyện không trung thực đối với người nghiên cứu khoa học.
Đây không thể nói là sơ suất được, bởi vì một Bí thư Đảng ủy với một trình độ như vậy thì không thể sơ suất được. Trước đó thì tôi không nói, nhưng khi PGS.Lương đã vào Đảng, đã làm ở vị trí như vậy thì tự anh phải biết. 
Với bản kết luận của Bộ GD&ĐT như vậy là hơi dung túng cho PGS.Nguyễn Cảnh Lương, không nghiêm khắc. 
Với kết luận của Hội đồng ngành tôi cũng cho là hơi hồ đồ, vì cho rằng luận án của PGS. Lương chỉ là ở Chương I, vậy Chương II, Chương III làm ra để làm gì?
Câu chuyện tố cáo nội dung không trung thực của PGS.Nguyễn Cảnh Lương (Hiệu phó Trường ĐH Bách khoa) vẫn chưa tới hồi kết khi gần đây người tố cáo là TS.Nguyễn Ngọc Thành tiếp tục có ý kiến phản biện lại bản Kết luận của Bộ GD&ĐT. Là người nhiều năm nghiên cứu về chuyên ngành “Giải tích phức, giải tích Clifford, …”, Giáo sư có nhận xét gì về hai bản luận án được cho là giống nhau của PGS.TS Đặng Văn Khải và PGS.TS Nguyễn Cảnh Lương xét về mặt chuyên môn khái niệm, các đối tượng như tại các điểm 1 đến 18 trong Luận án của PGS. Khải và các đối tượng trong Định nghĩa 1.1.1 của PGS.Lương, có gì khác nhau không? 
GS.TSKH Lê Hùng Sơn: Tôi khẳng định các đối tượng trong hai luận án này không có gì khác nhau. Thực chất công việc nghiên cứu của cả hai luận án là nghiên cứu “Lý thuyết hàm số nhận giá trị trong đại số Clifford”.
Trong lý thuyết hàm số đó gắn liền hai cái. Thứ nhất, là toán tử cô - xi - ni – ma và hàm chính quy, nhưng thực chất ra hàm chính quy là nghiệm của toán tử cô - xi - ni – ma, do đó thực chất các đối tượng không có gì khác nhau.
Để đưa ra được bản Kết luận về nội dung tố cáo, Bộ GD&ĐT có “nhờ” Hội đồng chức danh giáo sư ngành Toán thẩm định lại hai bản luận án này. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng Hội đồng chức danh chủ yếu thiên về việc xét học hàm, còn việc thẩm định luận án lại liên quan tới học vị. Vậy, theo giáo sư phải làm như thế nào để thẩm định được hai luận án này?
GS.TSKH Lê Hùng Sơn: Tôi cho rằng Hội đồng chức danh giáo sư ngành Toán không đủ sâu về chuyên môn để thẩm định, cách làm của Bộ GD&ĐT như vậy là sai, không chính xác. Vì đây là luận án tiến sĩ, trong ngành toán có nhiều mã ngành khác. VD: Giải tích số mã ngành khác, xác suất thống kê mã ngành khác…, vậy trong luận án của PGS. Lương về giải tích hay vi phân và tích phân thì chỉ nằm ở lĩnh vực đó, trong khi đó Hội đồng chức danh giáo sư ngành Toán là chung.
Ít nhất trong Hội đồng thẩm định đó cũng phải có 3 đến 4 người chuyên sâu về lĩnh vực của PGS.Lương đã làm thì mới đủ thẩm định được (đa số số thành viên của Hội đồng phải là người chuyên sâu), nếu không mọi kết luận đều vô nghĩa.
Chấm lại một bài thi về toán, ví dụ như lượng giác thì đòi hỏi phải có trình độ sâu. Tất nhiên những người chung về toán có thể rất giỏi nhưng khi đến luận án tiến sĩ thì phải sâu, không thể làm như học sinh phổ thông được. 
Vậy phải làm thế nào để thẩm định cho chuẩn xác nhất?
GS.TSKH Lê Hùng Sơn: Cách tốt nhất theo tôi phải thành lập một Hội đồng giống như Hội đồng chấm luận án tiến sĩ, có nghĩa phải mời những người phản biện kín (độc lập), Hội đồng đó phải đủ số chuyên gia và những chuyên gia có uy tín về lĩnh vực sâu.
Sự thiếu trung thực tinh tế
Trở lại Kết luận nội dung tố cáo của Bộ GD&ĐT, trong Kết luận này Hội đồng chức danh giáo sư ngành Toán có khẳng định: “…Thiếu sót, khuyết điểm này trước hết thuộc về ông Nguyễn Cảnh Lương, đặc biệt là khi được Hội đồng chấm Luận án lưu ý nhưng đã không thực hiện đúng”. Như vậy, rõ ràng Hội đồng đã nhắc nhở PGS.Lương nhưng ông không làm theo, theo giáo sư như vậy có gọi là trung thực không?
GS. TSKH. Lê Hùng Sơn: Tôi không đồng tình với kết luận của Bộ GD&ĐT, đây là kết luận nói vòng vèo. Tôi theo dõi toàn bộ kết luận, câu chuyện ở đây ai cũng thấy trong Hội đồng cấp cơ sở, chính GS.Nguyễn Văn Mậu đã nói: “Chương II và Chương III trong luận án của PGS.Lương là chép lại của người khác một cách cẩn thận”. Bản thân PGS.Lương có đề cập tới việc “sơ suất”, tôi không bàn chuyện đó.
Nhưng rõ ràng Chương II và Chương III là bắt chước cách làm của người khác. Vậy theo đúng tính chất của một người làm luận án tiến sĩ và nghiên cứu khoa học thì bất cứ đoạn nào bắt chước của người nào phải có chú thích, nếu không sẽ có tình trạng “lập lờ đánh lẫn con đen”, làm người đọc tưởng nhầm chỗ đó là của anh. 
Việc Bộ có nói PGS.Lương có ghi vào công trình của mình có luận án của PGS. Khải nhưng chỉ ghi chung chung, làm cho người đọc nhầm lẫn. Sự không trung thực được thể hiện tinh tế ở chỗ “cũng là thật và tôi có nhắc tới công trình của anh ta”, trong lúc đó mọi người đọc và không để ý lại hiểu lầm đoạn này người làm rất giỏi, những đoạn chứng minh là những đoạn có kỹ thuật rất tinh tế.
Nếu là người trong ngành như tôi thì tôi biết những đoạn nào của PGS.Lương là bắt chước, nhưng đại bộ phận nhiều người không biết, và như thế mới bịp được mọi người. 
Ở đây, Bộ GD&ĐT không đủ sắc sảo hoặc cố tình thì tôi không hiểu. Đây là một sự thiếu trung thực rất tinh tế.
Nhưng đặt trong bối cảnh đất nước ở thời điểm năm 1996 khi chúng ta chưa có quy định rõ ràng về đào tạo sau đại học, thì việc “sơ suất” của PGS. Nguyễn Cảnh Lương có thể do khách quan không thưa giáo sư? 
GS.TSKH Lê Hùng Sơn: Nói là như vậy nhưng theo thông lệ quốc tế, nếu luận án mà chép lại, năm 1996 tôi không biết những quy trình gì nhưng có lời thề trước khi bảo vệ luận án, tôi nghĩ kể cả thời ông cha ta trước kia cũng phải có lời thề này, nếu sai có thể chém đầu. 
Và nếu không làm đúng như “lời thề” đó thì phải xử, và luật nào cũng vậy – phải tước bằng. Luật của Việt Nam không thể nhẹ hơn người khác được, nếu như vậy thì người ta coi nền giáo dục chúng ta ra cái gì? Nếu chỉ vì giá trị mà “cứu” PGS. Lương thì những tấm bằng tiến sĩ sẽ mất giá trị từ nay về sau.
Câu chuyện bất biến là PGS. Nguyễn Cảnh Lương chép lại của người khác và phạm phải lời thề trong luận án, bắt buộc trong luận án ở thời nào cũng có “Lời cam kết”, và như vậy là lời cam kết dối trá. Về mặt pháp lý luận án của PGS. Lương là không có giá trị. Nếu Bộ GD&ĐT nương nhẹ trường hợp PGS. Lương thì từ nay về sau toàn bộ sẽ theo tiền lệ như vậy. 
Bộ trưởng hãy mạnh tay
Giáo sư có lời nhắn gì tới Bộ trưởng Phạm Vũ Luận qua sự việc này?
GS.TSKH Lê Hùng Sơn: Vấn đề này Bộ trưởng phải đứng ra để giải quyết triệt để, vừa rồi Bộ trưởng có được một việc dũng cảm là thừa nhận khuyết điểm đưa ra 34 nghìn tỷ, nhưng chuyện của PGS. Nguyễn Cảnh Lương Bộ trưởng phải đứng ra, coi đó là một thiếu sót, sai lầm và phải xử lí nghiêm, không thể đưa ra một bản Kết luận 4 trang coi thường dư luận được.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nên làm việc một cách nghiêm túc, suy nghĩ với mình như tư cách của một nhà giáo chân chính, với vai trò được Bộ Chính trị, được Đảng giao cầm cân nẩy mực ngành giáo dục, đứng trước một sự việc nhỏ như sự việc của PGS. Nguyễn Cảnh Lương lại xử lí hoàn toàn sai, chúng tôi quá thất vọng. 
Cách xử lí của lãnh đạo Bộ như vậy là thiếu nghiêm túc.
Trân trọng cảm ơn giáo sư.

GS.TSKH Lê Hùng Sơn từng tốt nghiệp khoa Toán, Đại học Tổng hợp năm 1967. Ông làm luận án tiến sĩ tại CHDC Đức từ năm 1973 - 1977, làm TSKH từ năm 1979–1981. Từ năm 1982 ông về công tác tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, được phong hàm PGS năm 1991, phong hàm GS năm 2002.

Chuyên môn của GS.TSKH Lê Hùng Sơn là Giải tích phức, giải tích Clifford, Phương trình đạo hàm riêng. Tại Việt Nam ông đã chủ trì 5 Hội nghị quốc tế lớn về Giải tích Clifford, hiện ông là chủ biên của 4 đầu sách (trong đó 1 cuốn xuất bản tại Mỹ) đều được viết bằng tiếng Anh, trong đó có một cuốn viết chung với GS. Tuschke.

Xuân Trung (thực hiện)