Liên quan đến những thắc mắc, băn khoăn của rất nhiều giáo viên, học sinh trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, huyện Hóc Môn, TP.HCM mà báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh trong thời gian vừa qua, hiệu trưởng trường – cô Đào Thị Kim Nhi đã chính thức lên tiếng.
Thu chi chỉ theo quy chế chi tiêu nội bộ
Về những phản ánh của các giáo viên cho rằng, việc thu chi tiền học phí buổi 2 của trường Nguyễn Hữu Tiến là thiếu minh bạch, rõ ràng, cô Nhi đã cho rằng, trường chi tiêu đúng theo quy định chi tiêu nội bộ đề ra.
Cụ thể, theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT tại văn bản số 7291 về hướng dẫn dạy 2 buổi/ngày đối với học sinh trường THPT, trong đó quy định: phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, dạy các môn tự chọn (ngoại ngữ 2, nghề phổ thông…) thực hiện các hoạt động giáo dục như giáo dục hướng nghiệp, thể dục thể thao, văn nghệ, hoạt động tập thể…
Năm học 2012 – 2013, theo quy chế chi tiêu nội bộ năm 2013, trang 4/22 ghi “Hỗ trợ giáo viên trực tiếp giảng dạy buổi 2, giáo viên thỉnh giảng, hợp đồng với trường là 65%”. Trong đó trường đã thu: Thu học phí buổi 2 là 50.000 đồng/tháng, chi 30.000 đồng/tiết HS khối 10, 11 và 35.000 đồng/tiết/khối 12.
Riêng khoản tiền vận động cha mẹ học sinh hỗ trợ hoạt động buổi 2, trường chi hỗ trợ thêm 35.000 đồng/tiết/HS khối 10, 11 và 45.000 đồng/tiết/khối 12. Như vậy, nhà trường đã chi 65.000 đồng/tiết/HS khối 10, 11 và 75.000 đồng/tiết/khối 12 tháng 9 đến tháng 3 và 90.000 đồng/tiết/khối 12/tháng 4, 5.
Các năm học trước, theo hồ sơ hội nghị cán bộ công chức, từ năm học 2009 – 2010, trong quy chế chi tiêu nội bộ ghi “Học phí buổi 2 chi 60% cho hoạt động giảng dạy”.
Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, huyện Hóc Môn, TP.HCM (ảnh: H.L) |
Theo Hiệu trưởng Đào Thị Kim Nhi, trường THPT Nguyễn Hữu Tiến đã chi tiền đúng theo quy chế chi tiêu nội bộ.
Về việc thu thêm của mỗi học sinh khối lớp 12 là 200.000 đồng/tháng vào cuối năm học, hiệu trưởng Đào Thị Kim Nhi xác nhận là có tồn tại khoản thu này.
Theo cô Nhi cho biết, đây là khoản thu tự nguyện theo sự vận động của ban đại diện cha mẹ học sinh của trường bằng văn bản. Mục đích của khoản thu này là dùng để: tuyên dương, khen thưởng cho 9 học sinh giỏi cấp thành phố của khối lớp 12, giáo viên bồi dưỡng trong lễ tổng kết năm học, tuyên dương và khen thưởng cho các học sinh đậu vào các trường đại học, khen thưởng cho các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn khối 12 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học, tổ chức lễ tri ân cha mẹ thầy cô.
Khi chúng tôi đề cập đến việc có hay không chuyện bắt buộc các em học sinh phải đóng khoản tiền này, nếu không đóng là không phát phiếu báo danh thi tốt nghiệp THPT, cô Nhi đã bác bỏ thông tin nói trên.
Bởi lẽ, theo cô Nhi cho rằng, dù là khoản thu tự nguyện nhưng với các học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn đều được miễn thu, có danh sách từ trước của ban đại diện cha mẹ học sinh, kế toán của trường đều nắm được.
Tiền quỹ hội phụ huynh học sinh, năm ngoái nhà trường thu 150.000 đồng/HS/năm học, năm nay thu 170.000 đồng/HS/năm học.
Thế nhưng, nhà trường hoàn toàn không thu khoản tiền này đối với những trường hợp học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thuộc diện xóa đói giảm nghèo của địa phương hay gia đình có 2 học sinh học tại trường chỉ thu 1.
Các ý kiến cho rằng thời tiết nóng bức, lớp học muốn xin nhà trường lắp đặt thêm quạt cho học sinh, nhưng hiệu trưởng không cho, thay mặt ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường (năm học 2013 – 2014), ông Nguyễn Đình Tuấn- Trưởng ban đã khẳng định: “Năm ngoái, chỉ có duy nhất 1 lớp 11A2 xin tôi lắp đặt thêm quạt. Tôi có yêu cầu phải trình qua cô Hiệu trưởng vì còn một số vấn đề liên quan đến điện của nhà trường. Sau khi cô Hiệu trưởng đồng ý, chúng tôi đồng ý thì đã lắp đặt thêm quạt ngay rồi.”
Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến có một bộ phận bảo vệ, chuyện phụ trách những sửa chữa nhỏ trong trường do học sinh, giáo viên phản ánh lên vào ngày chủ nhật. Nếu xảy ra tình trạng hư hỏng quạt, đèn ở lớp học, sau khi lớp học báo cáo với thầy Dương Năm – Hiệu phó phụ trách cơ sở vật chất, lịch sửa sẽ được báo ngay cho bảo vệ để sửa.
Tuy nhiên, cô Đào Thị Kim Nhi – Hiệu trưởng cũng thừa nhận rằng, trong một môi trường làm việc tập thể thì không phải lúc nào công việc cũng trơn tru, chạy tốt, cũng thỉnh thoảng phải có những khuyết điểm, nhưng trách nhiệm của ai thì người đó chịu, chứ không phải đổ lỗi hết lên cho Hiệu trưởng, Hiệu phó được.
Tiền mua xích đu dùng để làm gì?
Tiền vận động 200.000 đồng/lớp học mua xích đu là theo công trình thanh niên của Ban chấp hành Đoàn trường, đã có kế hoạch từ trước, và được trình Hiệu trưởng thông qua.
Xích đu này dự kiến sẽ được đặt tại khu vực tượng đài liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến để học sinh chơi vui vẻ. Sau đó, chỉ vận động được 2.000.000 đồng vào tháng 6/2014, không đủ tiền để mua, mà học sinh lớp 12 đã ra trường hết rồi, nên hiện khoản tiền này, thủ quỹ Đoàn trường đang giữ. Đầu năm sẽ thông báo khoản thu này qua giáo viên chủ nhiệm, rồi thu thêm cho đủ tiền để mua xích đu.
Về việc mua 20 bộ máy vi tính, trường THPT Nguyễn Hữu Tiến đã được thành lập 10 năm nay, đã có 2 phòng máy vi tính, muốn mua số máy lâu lắm rồi để bổ sung vào số máy cũ, hư hỏng của nhà trường. Sau khi được Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn đồng ý bằng văn bản cho mua bằng kinh phí nhà nước.
Khu vực dự kiến được đặt xích đu trên sân trường Nguyễn Hữu Tiến (ảnh: H.L) |
Năm học này, trường dự định sẽ mở rộng phòng giáo viên, sẽ đem một vài máy trong tổng số máy vừa mua qua đây để cho giáo viên dùng. Vì nhà trường có 2 kho để đồ, nhưng đều đã đầy hết, không có chỗ để, nên không thể mang máy về sớm được. Sau khi mang về, số máy này được để tại phòng Hiệu phó, khi nào cần dùng thì sẽ có thợ xuống lắp tới tận nơi.
Các khoản thu 50.000 đồng/giấy chứng nhận tốt nghiệp (3 bản) và rút sổ sinh hoạt Đoàn thu phí 44.000 đồng/học sinh lớp 12, nhà trường cũng đã trả lời rõ: Đây là các khoản thu đã được thông báo rõ ràng, công khai. Cụ thể, 50.000 đồng tiền giấy chứng nhận tốt nghiệp bao gồm: 1 bằng tốt nghiệp và 3 bản sao do Sở GD&ĐT TP.HCM thực hiện (phí 36.000 đồng), nên phải chuyển kinh phí về Sở.
Một trong số các phòng máy vi tính của trường THPT Nguyễn Hữu Tiến (ảnh: H.L) |
Nhà trường chỉ thu hộ khoản này, cùng với 14.000 đồng (trong tổng số 50.000 đồng) tiền làm giấy chứng nhận tốt nghiệp (3 bản). Đối với khoản thu 44.000 đồng rút sổ Đoàn, trường xác nhận là có, nhưng đó là gồm các khoản thu Đoàn phí trong các năm học, cùng với phí rút sổ Đoàn.
Đối với Thạc sĩ Nguyễn Đức Thắng đang dạy Hóa, nhưng phải kiêm nhiệm làm giám thị, cô Đào Thị Kim Nhi đã giải thích: Vì vào thời điểm đó, tổ Hóa có 7 giáo viên, nhưng đột ngột có đến 3 giáo viên xin nghỉ chữa bệnh, hậu sản hay mang thai. Cùng thời điểm, Sở GD&ĐT TP.HCM lại đưa về thêm 1 giáo viên dạy Hóa.
Một thời gian sau, cả 3 giáo viên đang xỉn nghỉ lại xin đi dạy lại, nên tình trạng giáo viên đã dư ra. “Trong tình thế “chẳng đặng đừng”, tôi bắt buộc phải phân các thầy cô trong tổ Hóa thay phiên nhau làm giám thị để cho đủ số tiết dạy theo quy định của Bộ GD&ĐT đối với giáo viên công lập, hoàn toàn không có chuyện ưu tiên ai, dù bằng cấp, học hàm của anh tới đâu. Việc này các giáo viên tổ Hóa cũng đã đồng thuận rất cao”.
Với các thắc mắc đóng tiền ủng hộ nhân dân đảo Gạc Ma 100.000 đồng hồi tháng 5/2014, Hiệu trưởng Đào Thị Kim Nhi nhấn mạnh: Đây là lỗi của nhà trường khi đánh máy sai. Đây là khoản thu được Công đoàn ngành GD&ĐT TP.HCM phát động hồi tháng 5, tự nguyện, với nội dung “ủng hộ nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”, nhằm xây dựng các tượng đài vinh danh các chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh trên đảo Gạc Ma.
Nhiều tài liệu đã bị chỉnh sửa, tẩy xóa
Sau khi được Hiệu trưởng Đào Thị Kim Nhi trình bày, giải thích rõ ràng từng chi tiết một, cùng với các tài liệu mà nhà trường cung cấp cho phóng viên, chúng tôi nhận thấy rõ ràng đã có sự không thống nhất, minh bạch giữa các con số, tài liệu.
Bảng công khai thu chi tài chính tiền thu học phí 2 buổi của học sinh được dán công khai tại trường (ảnh: H.L) |
Theo cô Bạch Thị Thanh Duyên, bảng công khai tài chính thu chi học phí buổi 2 của học sinh nhà trường cách đây vài tháng đã được dán công khai cho tập thể giáo viên biết trong trường (không có chữ ký, con dấu của Hiệu trưởng, nhưng kế toán có ký tên, được thông qua ban thanh tra nhân dân của trường). Khi nghe tin có đơn khiếu nại, thanh tra và các phóng viên báo chí chuẩn bị về trường xác minh, bảng công khai tài chính này đột ngột bị gỡ xuống.
Một bảng công khai tài chính khác được lưu hành nội bộ trong một số cá nhân (Ảnh: H.L) |
Thay vào đó, lại xuất hiện một bảng công khai tài chính thu chi học phí khác được lưu hành với nhiều con số khác biệt, nhưng có Hiệu trưởng ký tên và đóng dấu. Và nay, Hiệu trưởng Đào Thị Kim Nhi lại cung cấp một bảng kê khai tài chính khác cho phóng viên, với những con số lại càng khác biệt hơn nhiều so với những bản trước đây.
Một bảng công khai tài chính khác cung cấp cho PV với các con số hoàn toàn khác (ảnh: H.L) |
Ngoài ra, tại văn bản cung cấp cho phóng viên việc đồng ý của Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn ký, đồng ý cho phép trang bị 20 bộ máy vi tính tại nhà trường, không rõ là vô tình hay cố ý, văn bản này cũng rất nhiều dấu vết tẩy xóa đầy nghi vấn.
Văn bản của giám đốc Sổ GD&ĐT TP.HCM ký được cung cấp cho PV với chi chít vết tẩy xóa (ảnh: H.L) |
Như vậy, cho đến nay, các băn khoăn, thắc mắc của các giáo viên, học sinh trường THPT Nguyễn Hữu Tiến đã được Hiệu trưởng lên tiếng giải thích. Thế nhưng, qua các tài liệu, chứng cứ cung cấp bởi các giáo viên và Hiệu trưởng, chúng tôi nhận thấy có quá nhiều sự khác biệt, không rõ ràng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại với vụ việc này bằng nhiều thông tin "kinh dị" khác.