Theo Phó giáo sư Đặng Quốc Bảo, mặt thuận lợi nhất khi đổi mới giáo dục là tinh thần của người Việt Nam rất hiếu học, ai cũng nói “con hơn cha là nhà có phúc”.
Nhưng ngược lại, người Việt Nam cũng có nhược điểm là không chịu học cái gì đến nơi đến chốn; không chịu làm cái gì đến nơi đến chốn; và có tình trạng là “phi chuẩn” – không đi vào chuẩn mực nào. Cần có động lực để hạn chế những mặt trái như trên.
Phó giáo sư Đặng Quốc Bảo, nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý Giáo dục. |
Nền giáo dục và đào tạo của chúng ta thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu, bên cạnh đó cũng có nhiều thách thức. Xuất phát từ thực tế quan sát, ông nhìn nhận vì sao cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục trong tình hình mới?
Phó giáo sư Đặng Quốc Bảo: Tôi thì quan niệm, nền giáo dục của chúng ta đang chuyển sang một bối cảnh mới, bối cảnh đó ta vẫn thường hay gọi là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, rõ ràng nền giáo dục của chúng ta không thể như cũ được.
Chúng ta phải thiết kế được nền giáo dục thích ứng được với nền công nghiệp “máy nghĩ – công nghiệp lần thứ 4, với trí tuệ nhân tạo”.
Đây là cuộc cách mạng “cá” nhanh nuốt “cá” chậm; chứ không còn là “cá” lớn nuốt “cá” bé.
Luật giáo dục của chúng ta vẫn là luật giáo dục của thời kì cách mạng, còn bây giờ sang một thời đại công nghiệp mới thì luật phải sửa, thậm chí làm lại luật trong bối cảnh mới.
Nên sửa đổi nội dung về văn bằng trong dự thảo Luật Giáo dục |
Vấn đề này Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc sinh thời (2007) đã nói “đổi mới có tính cách mạng nền giáo dục nước nhà”, ý này rất minh triết, tức là nền giáo dục bây giờ phải tạo ra con người có tư duy sáng tạo.
Nếu như trước đây chúng ta chỉ đào tạo ra con người có “thông minh, trí tuệ”, thì bây giờ phải đào tạo con người có “tư duy, sáng tạo”, vì chúng ta đang sống trong điều kiện “bất định” có tư duy để ứng phó, ứng biến.
Vậy thưa ông, vấn đề quan trọng trong việc sửa đổi, thậm chí làm lại luật giáo dục lần này cần xác định nội dung gì đầu tiên?
Phó giáo sư Đặng Quốc Bảo: Trong việc tái cấu trúc Luật Giáo dục lần này sẽ có nhiều việc phải làm.
Trước hết phải xây dựng được nền giáo dục mở, phạm trù hay khái niệm “giáo dục mở” không phải bây giờ chúng ta mới coi đó là một cái mới, trong lịch sử phong trào “Đông kinh Nghĩa thục” đầu thế kỷ XX (1907) đã là một thiết trí mang tính giáo dục mở.
Cụ Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Lương Văn Can… đã chủ trương xây dựng một nền giáo dục mở, đã có những lớp học buổi tối bằng đèn dầu, học cả ngày, cả tối.
Sau đó, khi chúng ta bước vào thời kỳ đổi mới (giáo dục là Quốc sách hàng đầu) chúng ta cũng nêu lên giáo dục mở.
Tuy nhiên thời gian đó (1991) khái niệm “giáo dục mở” còn chưa rõ ràng và triển khai còn lúng túng.
Nhưng với nhận thức của tôi, một nền giáo dục mở phải để cho mỗi công dân tròn vai trên 3 phương diện:
Thứ nhất, người học: Phải khao khát học, phải có 6 mọi (học mọi nơi; học mọi lúc; học mọi vấn đề; học mọi người; học bằng mọi cách và học trong mọi hoàn cảnh).
Nội dung “học trong mọi hoàn cảnh” rất hay, điển hình như phong trào yêu nước trong thời kỳ kháng chiến con người học trong cả nhà tù.
Thứ hai, người dạy: Trước hết là dạy cho bản thân mình, đây là ý tưởng rất hay từ Unesco, phải tự kiến tạo, tiến bộ cho bản thân (rồi mới dạy những người thân yêu trong gia đình); dạy những người trong mối quan hệ với nhau.
Thứ ba, người biết chia sẻ: Tư tưởng “người bạn của nhau” chưa được nói nhiều trong xã hội ta. Trong lí thuyết này người ta gọi đây là giáo dục đồng đẳng.
Trên thế giới nói nhiều về điều này nhưng chúng ta không chịu khó liên kết lại để triển khai cho đến cùng bằng các cơ chế.
Những nhận thức như trên là rất đúng trong bối cảnh hiện nay, nhưng đi vào cụ thể ông có thể chia sẻ thêm về chủ trương, về đường hướng để bổ sung, sửa đổi Luật Giáo dục?
Phó giáo sư Đặng Quốc Bảo: Bản thân tôi rất mong mỏi Luật sắp tới phải quy định số hóa được tất cả sách giáo khoa, phải để cho toàn dân có điều kiện tiếp cận, như thế mới gọi là “mở”.
Tiếp đến là giáo trình các trường đại học, không phải chỉ giữ bo bo cho riêng mình, phải được số hóa.
Hiện nay, chúng ta đang có hai đại học mở (Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh), tôi cho rằng hai đại học này phải đi đầu trong việc thực hiện giáo dục mở, chứ hiện nay hai đại học này như các đại học khác, sứ mệnh như thế là chưa tròn.
Chúng ta cần xem kinh nghiệm các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc xem họ làm như thế nào, học kinh nghiệm quốc tế không cần đâu xa mà chỉ học ba nước đó.
Chúng ta có thể để cho Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh; Lạng Sơn; Lào Cai học hỏi trước kinh nghiệm của các tỉnh biên giới của Trung Quốc, xem học đổi mới như thế nào, chắt lọc kinh nghiệm của các tỉnh Trung Quốc là tốt.
Chúng ta còn nghèo, chúng ta không có nhiều tiền để đi khắp thế giới học hỏi thì nên xem những nước láng giềng với ta làm như thế nào.
Tôi thấy nền giáo dục mở của Thái Lan rất tốt, các nhà chùa đều là những trường học (qua giáo lí phật giáo).
Cuối cùng, chúng ta cần phải co chính sách và chế độ.
Tôi lấy ví dụ để cho thấy chính sách và chế độ quan trọng như thế nào trong đổi mới giáo dục.
Thời Tổng thống Mỹ B.Clinton trong hai kỳ thông điệp liên bang thì có cuộc tiếp đón long trọng nhất trong năm diễn ra của người đứng đầu Nhà trắng, tổng thống Mỹ lựa chọn tiếp đón 5 nhân vật:
Một học sinh học giỏi nhất; một giáo viên dạy tận tụy nhất; một người mẹ tảo tần; một cán bộ cộng đồng và một người công dân bình thường tự học.
Do đó, muốn có một nền giáo dục mở theo đúng nghĩa là cả xã hội phải đồng sàng, đồng mộng.
Trong bối cảnh hiện nay, việc nền giáo dục mở sẽ gặp thách thức và khó khăn gì không thưa ông?
Phó giáo sư Đặng Quốc Bảo: Bao giờ cũng có hai mặt, mặt thuận lợi nhất của người Việt Nam là rất hiếu học, ai cũng nói “con hơn cha là nhà có phúc”.
“Muốn giáo dục phát triển thì giải pháp tốt nhất là tìm đến giáo dục mở" |
Nhưng ngược lại, người Việt Nam cũng có nhược điểm là không chịu học cái gì đến nơi đến chốn; không chịu làm cái gì đến nơi đến chốn; và có tình trạng là “phi chuẩn” – không đi vào chuẩn mực nào.
Trong hoàn cảnh của Việt Nam những điều trên phải được cố gắng chuẩn hóa.
Dự thảo Luật giáo dục cũng đề cập tới tính liên thông giữa các cấp học, ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về nội dung này để làm sao liên thông giữa các cấp học đảm bảo “tính mở” của hệ thống giáo dục?
Phó giáo sư Đặng Quốc Bảo: Trước hết liên thông trên tinh thần dân chủ. Có những đứa trẻ đăng kí học ở nhà, không nhất thiết phải tới trường, đó cũng có thể hiểu là liên thông.
Tất cả vì mục tiêu thuận lợi cho người học để có được kiến thức, nhưng liên thông vẫn cần phải đi theo chuẩn, nhưng chuẩn ở đây là “linh động”.
Ngoài dân chủ tôi muốn đề cập đến lành mạnh hóa đời sống giáo dục. Như nhà nghiên cứu Tô Duy Hợp nhận định, một nền giáo dục hiện đại phải “tam hóa” được những tinh hoa của tiền nhân.
Bác Hồ có câu nói “học để làm người”; Nguyễn Trãi có câu “nên thợ nên thầy vì có học, no ăn no mặc bởi hay làm”, đây là những ý tưởng vô cùng nhân đạo, cao cả, bây giờ chúng ta phải hiện đại hóa ý tưởng này trong thời đại của chúng ta.
Hệ thống giáo dục đóng kín cửa sớm muộn gì cũng sẽ thoái hóa, lạc hậu |
Bên cạnh đó, bên cạnh hiện đại hóa thì chúng ta phải việt hóa được những tiên tiến của thời đại trên tinh thần chọn lọc.
Hãy “Việt Nam hóa” cái gì của thế giời trên tinh thần chúng ta đã có mầm mống của cái đó.
Ông có mong muốn và kỳ vọng gì ở lớp học sinh, lớp thế hệ được thừa hưởng nền giáo dục mới?
Phó giáo sư Đặng Quốc Bảo: Tôi và những người cùng thế hệ đã có tổng kết rằng “khôn quá cũng chết, dại quá cũng chết, hẳn hoi thì sống; nhanh quá cũng chết, chậm quá cũng chết, chừng mực thì sống; còn thế hệ sau này thì “giàu quá cũng chết, nghèo quá cũng chết, sáng tạo thì sống”.
Với công cuộc sống hiện nay các thế hệ trẻ phải hình thành được ba phẩm chất: Thứ nhất là “hẳn hoi”, thứ hai là “chừng mực”, thứ ba là “sáng tạo”.
Trân trọng cảm ơn ông!