LTS: Hiện nay, các trường tiểu học đang phải làm quá nhiều phần mềm trực tuyến báo cáo, thống kê gây nên không ít sự lãng phí thời gian, công sức và cả sự bức xúc trong mỗi nhà trường.
Chia sẻ về vấn đề trên, tác giả Trần Sơn gửi đến độc giả bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường tiểu học trong một năm học đã phải làm rất nhiều phần mềm báo cáo, thống kê như:
Phổ cập Giáo dục (http://pcgd.moet.gov.vn),
Thống kê giáo dục (http://thongke.smas.edu.vn),
Hệ thống thông tin EQMS (http://eqms.eos.edu.vn),
Hệ thống quản lý nhà trường (gọi tắt là SMAS, địa chỉ: https://login.smas.edu.vn),
Cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục và Đào tạo (http://csdl.moet.gov.vn),
Hệ thống thông tin quản lý giáo dục Tiểu học (http://eschool.edu.vn/Login.aspx?s=1),
Trường học kết nối (http://truonghocketnoi.edu.vn),
Phần mềm Thư viện (http://webapp.srp.vn).
Điều đáng nói là trong các phầm mềm báo cáo, thống kê đó có những phầm mềm có nhiều nội dung trùng lặp gây lãng phí thời gian công sức khi phải làm đồng thời các phầm mềm này.
Phần mềm Hệ thống quản lý nhà trường (SMAS) và phần mềm Cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục và Đào tạo có các nội dung thông tin, dữ liệu cơ bản là giống nhau, có chăng là khác cách thiết kế các biểu mẫu.
Hệ thống quản lý nhà trường (SMAS). (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Phần mềm Cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục và Đào tạo (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Một số phầm mềm khác thì mang nặng tính hình thức, chưa thiết thực và kém hiệu quả do khâu tổ chức, kiểm soát hoặc do biên chế, trình độ năng lực của cán bộ giáo viên chưa đáp ứng được.
Ví như phần mềm trực tuyến Trường học kết nối thì Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng ít cập nhật nội dung mới.
Một số trường quy định số lượng bài mà một tháng giáo viên phải tải lên phần mềm trực tuyến này nên dẫn đến việc sao chép, copy (không dẫn nguồn) mà không ai kiểm soát.
Phần mềm Trường học kết nối (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Phầm mềm Thư viện đòi hỏi cán bộ thư viện phải cập nhật thông tin số liệu hàng ngày, trong khi các trường tiểu học và trung học cơ sở thì thủ thư là kiêm nhiệm nên họ không đủ thời gian và các điều kiện khác để làm đúng theo yêu cầu.
Phần mềm Hệ thống quản lý nhà trường (SMAS) thực chất là một sản phầm của tập đoàn Viettel liên kết với các Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo và các nhà trường để làm dịch vụ chuyển thông tin học sinh (sổ liên lạc điện tử) đến phụ huynh.
Tuy nhiên, nhiều nơi do phụ huynh học sinh chưa có nhu cầu về sổ liên lạc điện tử do kinh tế hoặc do nhận thức phụ huynh học sinh, nhưng các nhà trường ở một số địa phương vẫn phải làm do có sự chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo, thậm chí có nơi còn đưa kết quả làm phần mềm này làm tiêu chí thi đua đối với các nhà trường.
Phần mềm Phổ cập giáo dục (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Do vậy, phần mềm này có khi chỉ để cho thầy cô và cán bộ quản lý giáo dục các cấp xem chứ ít có tác dụng thiết thực.
Vì khi cần số liệu, thống kê Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo lại yêu cầu các nhà trường làm trên các biểu mẫu Excel mà không dùng các báo cáo, thống kê trên phần mềm này.
Cũng chính vì có quá nhiều phầm mềm trực tuyến phải làm trong một năm học nên đầu năm học, cuối học kỳ I, cuối năm học cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường lại phải cuống cuồng làm các phầm mềm này cho kịp thời hạn (vì có nhiều phần mềm chỉ cho phép nhập liệu trong một thì gian rất ngắn, sau đó khóa lại).
Vì thế, việc làm các phần mềm này đã trở thành "nỗ sợ" đối với các nhà trường, nhất là các trường mà trình độ công nghệ thông tin của cán bộ quản lý và giáo viên còn hạn chế.
Cũng vì vậy mà mỗi đợt phải làm các phần mềm này lại tạo nên sự bức xức trong các nhà trường.
Đà Nẵng triển khai phần mềm tuyển sinh trực tuyến vào lớp 10 |
Để khắc phục tình trạng "bội thực" phần mềm trực tuyến trong các trường phổ thông, chúng tôi đề nghị với các cấp quản lý giáo dục:
Một là, rà soát, tích hợp các phần mềm đang thực hiện ở cấp tiểu học thành 1 hoặc 2 phần mềm để tránh các nội dung trùng lắp, gây lãng phí thời gian, công sức vô ích.
Hai là, các thông tin, báo cáo đề nghị các cấp quản lý giáo dục lấy ngay (hoặc trích xuất) trên phần mềm trực tuyến của các nhà trường, không yêu cầu các nhà trường phải báo cáo, thống kê riêng vào các biểu mẫu Excel khác nữa.
Chúng tôi rất mong các ý kiến trên được các cấp quản lý giáo dục quan tâm, xem xét, tiếp thu và điều chỉnh việc triển khai các phầm mềm trong năm học 2018-2019 để các nhà trường thực hiện tốt hơn việc thông tin, báo cáo và có nhiều thời gian, tâm sức hơn tập trung vào việc nâng cao chất lượng giáo dục.