Sinh viên sư phạm muốn ra trường phải qua thi giảng

26/04/2014 19:19
Xuân Trung
(GDVN) - Theo PGS. TS. Nguyễn Văn Minh – HT Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chương trình đào tạo giáo viên thời gian tới phải đáp ứng được việc dạy tích hợp và phân hóa.
Trước thực trạng mô hình đào tạo, chương trình, giáo trình của các trường sư phạm đã được xây dựng, phát triển theo yêu cầu đào tạo qua những giai đoạn lịch sử đã lỗi thời, hạn chế, đòi hỏi phải đổi mới, đặc biệt đặt trong bối cảnh đổi mới căn, toàn diện giáo dục đào tạo, khâu đào tạo giáo viên được xem là khâu quan trọng. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thực hiện xây dựng khung chương trình đào tạo giáo viên mới, đáp ứng những định hướng đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau 2015.

Theo PGS. TS. Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng nhà trường, giáo dục phổ thông nước nhà đã trải qua 3 cuộc cải cách giáo dục (1950, 1956 và 1979), tuy nhiên, chưa có cuộc đổi mới cơ bản nào trong đào tạo ở các trường đại học. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có sứ mạng và trọng trách đặc biệt trong việc chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo của nước nhà.

PGS. TS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội. Ảnh GDTĐ
PGS. TS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội. Ảnh GDTĐ
Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng bày tỏ, quan điểm đổi mới chương trình đào tạo sư phạm hiện nay phải được xây dựng trên quan niệm mới về người giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đất nước. Mặt khác, chương trình mới được xây dựng tổng thể với tầm nhìn xuyên suốt cả quá trình và trong mỗi giai đoạn trước mắt, trung hạn và dài hạn, đảm bảo sự liên kết chặt chẽ có tính bền vững tương đối giữa nội dung chương trình THCS và THPT.

Theo đề xuất khung chương trình đào tạo giáo viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chương trình đào tạo giáo viên sẽ được chia làm ba bộ phận: Môn chung, chuyên môn và nghiệp vụ. 

Cụ thể, môn chung sẽ bao gồm những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lê nin, Tư tưởng HCM, Đường lối cách mạng Đảng Cộng sản Việt Nam, Ngoại ngữ. Đối với Ngoại ngữ sẽ bố trí học theo trình độ thay vì xếp lớp học theo khoa như hiện nay.

Chuyên môn sẽ theo các ngành học, không chỉ đơn ngành mà có thể các môn học đáp ứng cho tích hợp các ngành: Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Tin và Công nghệ. Cũng theo ông Minh, chương trình nghiệp vụ sư phạm bao gồm cả kiểm tra, đánh giá và quản lý.

“Nghiệp vụ sư phạm ở đây để đáp ứng cho dạy học THCS và THPT, các kỹ năng trình bày bảng, thuyết trình, thu thập tài liệu, soạn bài, sử dụng CNTT, kỹ năng tham vấn học đường, các phương pháp dạy học hiện đại. Đây là việc sẽ được hình thành cho sinh viên, bên cạnh đó nội dung thực tập sư phạm cũng được coi trọng” ông Minh khẳng định. 

Trong phần này, người giáo viên phải đảm bảo được năng lực giáo dục và năng lực dạy học, năng lực tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh, năng lực hướng dẫn học sinh tự học, năng lực làm chủ các phương tiện dạy học, đặc biệt năng lực dạy học theo hướng tích hợp và phân hóa. 

PGS. TS. Nguyễn Văn Minh cũng cho biết, trong quá trình đào tạo giáo viên (về chuyên ngành KHTN, KHXH, Tin, Công nghệ), sinh viên có thể thực tập ở trường THCS nhằm thực hiện việc giáo dục và thực hành giảng dạy tích hợp. Sinh viên phải biết vận dụng tri thức được học để đảm đương công việc thực thụ của một giáo viên THCS cả về năng lực giáo dục, năng lực giảng dạy. Trong giai đoạn này sinh viên cần 90 tín chỉ, có thể được cấp bằng cao đẳng khi kết thúc phần này.

Theo khung đào tạo được đề xuất thì sinh viên sau khi hoàn thành giai đoạn THCS như trên, sẽ được tiếp tục đào tạo để dạy phân hóa (Chuyên ngành và giáo dục) với mục tiêu hướng đến có thể đứng lớp ở bậc THPT. Sinh viên sẽ được đào tạo để dạy phân hóa theo chuyên môn của từng môn học ở THPT. 

Theo đó, sinh viên phải đạt được mỗi chuyên ngành mà mình chọn lựa phải phù hợp và được trang bị kiến thức về ngành học, có các năng lực chuyên biệt để vận dụng trong giảng dạy. Công việc tiếp theo của sinh viên khi hoàn thành sẽ được thực tập ở trường THPT. Theo ông Minh, phần này sinh viên phải thực thụ đảm đương được tổ chức giáo dục và dạy học ở THPT, biết tổ chức các hoạt động, chủ nhiệm, tư vấn hỗ trợ cho học sinh.

“Để tốt nghiệp, sinh viên dù bằng hình thức thi hay luận văn phải có thi giảng trực tiếp, hoàn thành phần này sinh viên cần 60 tín chỉ. Sinh viên đạt chuẩn sẽ được cấp bằng đại học. Như vậy, tổng số tín chỉ đào tạo giáo viên là 150” ông Minh đề xuất.

Song song với quá trình đào tạo sẽ có khung chương trình của các ngành đào tạo chuyên biệt: Sư phạm Toán, Sư phạm Ngữ Văn, Tâm lý giáo dục, Giáo dục quốc phòng – An ninh, Sư phạm tiếng Anh, Sư phạm tiếng Pháp, Sư phạm Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Giáo dục mầm non, Giáo dục tiểu học, Giáo dục đặc biệt, Quản lý giáo dục, Sư phạm Triết học, Giáo dục công dân. 

Với các chương trình đào tạo này sẽ được sắp xếp lại và theo đó tiến trình cũng thay đổi để đáp ứng chuẩn đầu ra của đối tượng giáo viên là THCS. Tổng số tín chỉ nhóm này được đề xuất tối thiểu là 135 tín chỉ.

Với đề xuất này, lãnh đạo nhiều trường Đại học Sư phạm trong cả nước đang băn khoăn có nên cần tới 150 tín chỉ trong quá trình đào tạo giáo viên hay không, các trường Đại học Sư phạm có nên được cấp bằng cao đẳng hay không? Hiện, một số ý kiến góp ý tiếp tục được mổ xẻ. 
Xuân Trung