Lứa cử nhân ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên đầu tiên không thiếu cơ hội việc làm

26/07/2024 06:38
Trần Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội là nơi đầu tiên đào tạo cử nhân ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên. 

Năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên bậc trung học cơ sở triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó môn Khoa học Tự nhiên được đưa vào giảng dạy ở bậc học này.

Môn Khoa học Tự nhiên là môn tích hợp nội dung của các môn học: Vật lý, Hóa học, Sinh học, yêu cầu giáo viên giảng dạy phải có kiến thức tích hợp liên môn.

Nắm bắt tình hình, ngay từ năm học 2019 - 2020, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tuyển sinh ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên sau một thời gian nghiên cứu, phát triển và xây dựng chương trình đào tạo giáo viên dạy môn Khoa học Tự nhiên.

Năm 2023, lứa sinh viên đầu tiên của ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên của nhà trường đã tốt nghiệp, sẵn sàng đáp ứng công tác giảng dạy ở các trường trung học cơ sở.

Bắt kịp xu thế với ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, Trưởng khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Nghị quyết số 29-NQ/TW, về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã được Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) thông qua ngày 4/11/2013. Trong đó nhấn mạnh yêu cầu đổi mới về chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học cũng như là hình thức kiểm tra đánh giá trong giáo dục phổ thông.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ban hành theo Thông tư 32 ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thể hiện rõ nét tinh thần đổi mới này, trong đó nhấn mạnh tới việc chuyển từ chương trình theo tiếp cận nội dung sang chương trình theo tiếp cận năng lực với các đặc trưng về tích hợp, phân hóa và hoạt động của người học.

Bộ môn tích hợp như môn Khoa học Tự nhiên giúp học sinh biết bản chất của khoa học là tìm hiểu và khám phá thế giới tự nhiên xã hội, để từ đó phát triển phẩm chất và năng lực cho người học đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội”.

a-1-5648.png
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, Trưởng khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: NVCC)

Theo thầy Nguyễn Chí Thành, sinh viên ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên có kiến thức lý thuyết chuyên sâu trong lĩnh vực đào tạo như kiến thức về phương pháp dạy học tích hợp, phân hóa cũng như kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; các kiến thức Vật lý, Hoá học, Sinh học để vừa nắm vững các nguyên lý khoa học tự nhiên, các nguyên lý ứng dụng công nghệ trong học tập, vừa hiểu sâu các khái niệm, quy luật tự nhiên...

Tốt nghiệp ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên, sinh viên còn nắm vững các công cụ kỹ thuật và có kiến thức thực tế để có thể giải quyết các hoạt động tác nghiệp trong nhà trường; tích luỹ được kiến thức nền tảng về giáo dục và đào tạo để lĩnh hội các kiến thức mới từ đó có thể tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn; có kiến thức chuyên môn, làm chủ kiến thức chuyên sâu và nâng cao.

AI7I0496.jpg
Giảng viên tại Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội là các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành về khoa học cơ bản, công nghệ và khoa học giáo dục (Ảnh: website nhà trường)

Ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên tại Trường Đại học Giáo dục được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu các chương trình đào tạo mới ở Việt Nam cũng như có sự cập nhật phù hợp với tình hình trong nước và tham khảo chương trình tiên tiến trên thế giới.

Giảng viên tham gia giảng dạy chương trình là các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành về khoa học cơ bản, công nghệ giáo dục và khoa học giáo dục trong Trường Đại học Giáo dục và các trường thành viên khác của Đại học Quốc gia Hà Nội như Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Công nghệ….

Bên cạnh đó, theo thầy Nguyễn Chí Thành, dạy học khoa học tự nhiên luôn chú trọng các hoạt động trải nghiệm, thực hành thí nghiệm. Thực hành thí nghiệm được coi là nhân tố thúc đẩy, có ảnh hưởng tích cực tới quá trình học tập, thực hành nghề và thành công của sinh viên trong quá trình phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực.

Do đó, với hệ thống phòng thí nghiệm thông minh Lý - Hóa - Sinh hiện đại bậc nhất trong hệ thống các trường đào tạo giáo viên hiện nay, Trường Đại học Giáo dục sẽ đáp ứng tốt các yêu cầu đào tạo và thực hành thí nghiệm cho sinh viên theo học ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên.

BA6A2449.jpg
Hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại phục vụ thực hành thí nghiệm trong giảng dạy sinh viên, thực hành nghiên cứu cho giảng viên (Ảnh: website nhà trường)

Phạm Thị Duyên - Thủ khoa đầu ra ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên tại Trường Đại học Giáo dục chia sẻ: “Từ nhỏ, em đã luôn đam mê và hứng thú với các môn khoa học tự nhiên. Em luôn muốn tìm hiểu, khám phá những bí ẩn của vũ trụ, tìm hiểu về cách thức hoạt động của thế giới xung quanh. Đồng thời cũng mong muốn truyền cảm hứng và đam mê khoa học tới mọi người.

Ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên tại Trường Đại học Giáo dục đáp ứng được niềm đam mê ấy của em, giúp em có cơ hội học tập và nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực khoa học mà em yêu thích”.

Duyên rất ấn tượng với nội dung đào tạo đa dạng và chuyên sâu của ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên. Chương trình học bao gồm nhiều môn học về Toán, Vật Lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Kỹ thuật… giúp em có được kiến thức toàn diện về các lĩnh vực khoa học tự nhiên.

Dù vậy, nội dung học tập mới, khối lượng kiến thức khổng lồ cùng yêu cầu thực hành cao khiến Duyên cảm thấy bỡ ngỡ khi mới nhập học.

“Em đã chia nhỏ khối lượng kiến thức thành các phần nhỏ hơn và học tập theo kế hoạch cụ thể. Đồng thời, em luôn được các thầy cô giảng viên chỉ dẫn, tìm kiếm tài liệu tham khảo và lắng nghe ý kiến của giảng viên để bổ sung kiến thức” - Duyên chia sẻ.

Phạm Linh Chi - Á khoa đầu ra ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên tại Trường Đại học Giáo dục cho biết: “Em lựa chọn theo ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên do đây là một ngành mới, đa dạng về cơ hội việc làm và cá nhân em cũng rất có hứng thú với các môn Khoa học Tự nhiên, muốn tìm hiểu thế giới tự nhiên một cách tổng quan. Chính những điều này đã làm em quan tâm ngành này hơn các ngành truyền thống”.

Linh Chi cũng cho biết, ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên là một ngành mới, đòi hỏi kiến thức rộng về tất cả các phân môn, bản thân em là một người theo khối A nên nhiều khi em cảm thấy kiến thức của mình về Sinh học chưa đủ rộng và sâu.

Tuy nhiên, song song với quá trình rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, Linh Chi được trang bị kiến thức chuyên môn sâu về từng phân môn của Khoa học Tự nhiên dưới sự giảng dạy của những giảng viên, nhà nghiên cứu đầu ngành.

Không chỉ vậy, các bạn còn được trực tiếp làm thí nghiệm, thực tập cả 3 phân môn của Khoa học Tự nhiên là Lý, Hoá, Sinh.

Đây có lẽ là sự may mắn cho sinh viên nhóm ngành Khoa học Tự nhiên khi mà có thể học tập, nghiên cứu một cách toàn diện.

Sinh viên được thực tập và trải nghiệm thực tế sớm

Theo thầy Nguyễn Chí Thành, khi theo học chương trình Cử nhân ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên của Trường Đại học Giáo dục, sinh viên sẽ được sống trong môi trường học thuật, nghiên cứu khoa học, thực hành nghề nghiệp cũng như các hoạt động phát triển cá nhân trong suốt 4 năm.

Nhà trường có hệ thống các trường phổ thông vệ tinh chất lượng cao tại Hà Nội tham gia tích cực vào quá trình trải nghiệm nghề nghiệp của sinh viên như kiến tập – thực tập, thực hiện hồ sơ khóa luận, dự án giáo dục giúp các em được làm quen và thực hành tại môi trường giáo dục phổ thông ngay từ những năm học đầu tiên trên giảng đường đại học.

Phạm Thị Duyên chia sẻ: “Chúng em có 3 đợt kiến tập từ học kỳ 1 năm thứ hai và đợt thực tập cuối kéo dài 12 tuần ở học kì 2 năm thứ tư. Trong quá trình này, nhà trường tạo cơ hội cho sinh viên lựa chọn và đăng ký cơ sở thực tập phù hợp về khoảng cách, năng lực của bản thân hướng tới cơ hội nghề nghiệp khi ra trường.

Em đi thực tập 12 tuần ở một trường trung học cơ sở trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tại đây em được tham gia và tổ chức các hoạt động dạy học và hoạt động giáo dục của nhà trường, lớp chủ nhiệm”.

z5604627553852_81b8f53f1e7cce8987ddea1cc16c2c6f.jpg
Phạm Thị Duyên nhận bằng tốt nghiệp Xuất Sắc ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên tại Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: NVCC)

Khi tới trường, Duyên có thể chuẩn bị về giáo án và được tổ chức các tiết dạy học theo chuyên ngành và tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh dưới sự hướng dẫn của thầy cô hướng dẫn. Trong quá trình dạy học, Duyên đã sử dụng các phương pháp dạy, kĩ thuật dạy học tích cực phù hợp với định hướng phát triển năng lực của học sinh như tổ chức các hoạt động nhóm, dạy học dự án.... và đều được thầy cô đánh giá tốt. Kết quả thực tập của em đạt loại Xuất sắc.

Bên cạnh đó, Duyên còn được tổ chức hoạt động ngoại khóa và hoạt động trải nghiệm thực tế như tham quan Bảo tàng Sinh học trong học phần Động vật có xương sống; tìm hiểu và thu thập đa dạng động, thực vật ở Trạm Đa dạng Sinh học Mê Linh, Vĩnh Phúc và tham quan bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam trong học phần Thực tập thiên nhiên.

Đa dạng cơ hội việc làm ngay khi tốt nghiệp

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành bày tỏ: “Hiện nay, với sự xuất hiện lần đầu tiên của các bộ môn tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông nên nhu cầu giáo viên giảng dạy tích hợp rất lớn, Trường Đại học Giáo dục lại là một trong các cơ sở đầu tiên đào tạo cử nhân ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên nên sinh viên sau khi tốt nghiệp có cơ hội việc làm rất cao.

Các em có thể trở thành các giáo viên dạy Khoa học Tự nhiên tại các trường trung học; nhà khoa học vật lý, hóa sinh; làm việc trong các tổ chức giáo dục hoặc tiếp tục học tập để trở thành nghiên cứu sinh, giảng viên tại các trường đại học”.

Phạm Linh Chi vừa trở thành giáo viên STEM tại một trung tâm giáo dục. Chi tâm sự: “Nhờ có quá trình học tập, rèn luyện kiến thức, năng lực sâu và rộng của trường nên em có thể linh hoạt vận dụng được kiến thức vào thiết kế hoạt động giảng dạy sinh động và lôi cuốn học sinh. Bởi vì em cho rằng, kiến thức là nền tảng, kiến thức có rộng, có sâu, có chắc mới có thể mang lại một tiết học thực sự chất lượng cho học sinh”.

z5604573522099_5513f36bdfa678e741993f136d37a75d.jpg
Phạm Linh Chi trong thời gian đi thực tập (Ảnh: NVCC)

Phạm Thị Duyên vừa ra trường đã có cơ hội làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Nhân chủng và Phát triển Trí tuệ, Trường Đại học Giáo dục, Đại Quốc gia Hà Nội. Duyên cho biết, sinh viên Sư phạm Khoa học Tự nhiên được trang bị kiến thức chuyên môn sâu rộng về môn khoa học tự nhiên theo các mạch nội dung bao gồm Chất và sự biến đổi, Năng lượng và sự biến đổi, Vật sống, Trái Đất và Bầu Trời và Khoa học Giáo dục do đó có thể trở thành giáo viên, giảng viên hay tham gia giảng dạy tại các trung tâm giáo dục phi chính quy, các khóa học STEM…

“Chương trình học còn chú trọng đến việc phát triển các kỹ năng mềm như tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm giúp em có thể thích nghi với môi trường làm việc đa dạng.

Sinh viên có thể tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học cùng với các thầy, cô giảng viên, tổ chức khoa học công nghệ… Đây là những cơ hội quý báu giúp em trau dồi kiến thức, kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm thực tế" - Duyên tâm sự.

Trần Trang