Ngày 26/12, Khoa Kinh tế Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo nghiên cứu khoa học “Xây dựng và phát triển nền kinh tế số”.
Gắn liền với vấn đề mang tính thời sự, hội thảo nhận được sự quan tâm, đóng góp đề tài của nhiều giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh và đại diện các doanh nghiệp.
Phó Giáo sư Ngô Cao Cường – Phó Hiệu trưởng phát biểu đề dẫn hội thảo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các đề tài khi được áp dụng vào trong cuộc sống.
Phó Giáo sư Ngô Cao Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: H.L) |
Đại diện Hội đồng quản trị, Ban giám hiệu, lãnh đạo các Phòng, Khoa, Viện, Trung tâm, các giảng viên, nhà quản lý, các chuyên gia đến từ các công ty, tập đoàn kinh tế đã cùng lắng nghe và thảo luận 5 bài báo cáo khoa học được chọn để trình bày tại hội thảo.
Các đề tài đã nêu bật tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với hoạt động kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, đề xuất được giải pháp để xây dựng và phát triển nền kinh tế số.
Một số đề tài tiêu biểu như: “Big Data – cách thức khai thác cơ sở dữ liệu? Trường hợp Amazon”, “Giải pháp sử dụng công nghệ vào quản trị nhân sự thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”, “Nghiên cứu sự ảnh hưởng của Fintech đối với hệ thống thanh toán của nền kinh tế”, “Ứng dụng chat-box trong dịch vụ chăm sóc khách hàng của các ngân hàng thương mại”, "Chuyển đổi kỹ thuật số trong lĩnh vực giáo dục đại học"...
Giảng viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật sẵn sàng cho cuộc cách mạng 4.0 |
Trong những năm qua, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh luôn chú trọng xây dựng môi trường tự do học thuật và nghiên cứu, coi trọng văn hóa chất lượng.
Nhà trường thường xuyên triển khai các hội thảo khoa học cấp khoa, cấp trường và đặc biệt là phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo cấp thành phố.
Phong trào nghiên cứu khoa học của trường cũng đã có những bước phát triển vượt bậc.
Nhiều đề tài, công trình nghiên cứu của giảng viên, sinh viên liên quan đến các lĩnh vực gắn với các ngành đào tạo đã được triển khai, ứng dụng và mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, xã hội.