Hải quân Mỹ cắt giảm hai cụm tàu sân bay

11/08/2011 08:20
(GDVN) – Bộ Tư lệnh Hải quân Mỹ đã quyết định cắt giảm hai cụm tàu sân bay (CSG), từ 11 cụm như hiện nay giờ chỉ còn có 9 cụm.

(GDVN) – Bộ Tư lệnh Hải quân Mỹ đã quyết định cắt giảm hai cụm tàu sân bay (CSG), từ 11 cụm như hiện nay giờ chỉ còn có 9 cụm.

Hải quân Mỹ cắt giảm biên chế hai cụm tàu sân bay.
Hải quân Mỹ cắt giảm biên chế hai cụm tàu sân bay.

Đây là tuyên bố mới nhất của Tư lệnh hải quân Mỹ Gary Roughead đưa ra ngày 10/8. Theo đó, cụm CSG-7 sẽ bị giải tán và chuyển tàu sân bay Ronald Reagan về biên chế cho cụm CSG-9 để thay thế tàu sân bay Abraham Lincoln dự kiến sẽ đưa ra khỏi biên chế.

Giải thích cho lý do cắt giảm này, ông Roughead cho biết, nhằm mục đích tiết kiệm chi phí quốc phòng trong tương lai, Hải quân Mỹ chỉ cần duy trì 9 cụm tàu sân bay là vừa đủ.

Trước đó, các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ vẫn cho rằng, Mỹ cần phải thường xuyên duy trì tác chiến khoảng 11 cụm tàu sân bay cỡ lớn cả trong ngắn và dài hạn (khoảng 30 năm).

Mô hình cụm tàu sân bay của Hải quân Mỹ.
Mô hình cụm tàu sân bay của Hải quân Mỹ.

Số lượng tàu sân bay này có thể bảo đảm cho Hải quân Mỹ đủ sức triển khai nhanh theo phương án tác chiến đột xuất và triển khai theo kế hoạch các nhóm tấn công bên tàu sân bay ở tất cả các Hạm đội cũng như thực hiện hàng loạt các nhiệm vụ đặt ra cho Hải quân Mỹ đã được xác định trong học thuyết quân sự quốc gia và chiến lược Biển của Mỹ.

Theo biên chế, mỗi cụm tàu sân bay của Hải quân Mỹ sẽ bao gồm một tàu sân bay, cụm không quân gồm 70 máy bay trên boong, một vài chiếc tuần dương hạm, chiến hạm, khu trục hạm và có thể có cả tàu ngầm hộ tống đi kèm trong những trường hợp đặc biệt.

Mỹ dự kiến, trong năm 2012, tàu sân bay Abraham Lincoln sẽ tạm thời đưa ra khỏi biên chế để bắt đầu sửa chữa, thay thế lò phản ứng hạt nhân và nâng cấp một số hệ thống trang bị.

alt
Tàu sân bay Ronald Reagan chuyển về biên chế cho cụm CSG-9.

Khi quay trở lại biên chế, Abraham Lincoln sẽ thế chỗ cho tàu sân bay Enterprise (bị thanh loại) thuộc cụm CSG-12. Cũng trong thời gian này, hải quân Mỹ sẽ “luân chuyển” sửa chữa và hiện đại hóa một tàu sân bay khác trong biên chế.

Mặc dù hiện nay chỉ còn 9 cụm tàu sân bay trong biên chế tác chiến, song trên thực tế sẽ chỉ có 7-8 cụm tàu sân bay hoạt động, vì thông thường Mỹ sẽ luân chuyển một hoặc hai tàu sân bay đi nâng cấp và sửa chữa trong một thời gian nhất định.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, nhờ việc giảm số lượng nhóm tàu sân bay, hải quân Mỹ sẽ tiết kiệm được chi phí sửa chữa và bảo dưỡng tàu chiến, tàu sân bay, đồng thời khắc phục được tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng máy bay tiêm kích trên boong như hiện nay.

alt
Tàu sân bay Enterprise chuẩn bị bị thay loại ra khỏi biên chế.

Trước đó, Hải quân Mỹ cũng đã xem xét khả năng kéo dài thời hạn sử dụng máy bay tiêm kích F/A-18 Hornet và Super Hornet (Ong bắp cày), đồng thời mua sắm một vài chiếc tiêm kích F/A-18E/F phiên bản mới để bổ sung cho tàu sân bay.

Tuy nhiên, kế hoạch trên giờ đây sẽ không cần thực thi nữa vì vấn đề đã được giải quyết. Thay vì nâng cấp và mua sắm thêm máy bay chiến đấu mới trang bị cho tàu sân bay thì Mỹ đã quyết định cắt giảm luôn hai cụm tàu sân bay.

Không loại trừ khả năng rằng, quyết định cắt giảm cụm tàu sân bay này có liên quan trực tiếp tới tình hình khủng hoảng tài chính ở Mỹ hiện nay liên quan đến vấn đề nợ công mà một phần trong đó là do thâm hụt trong các khoản chi phí cho quốc phòng.

Năm 2012, tàu sân bay Abraham Lincoln sẽ được nâng cấp, sửa chữa.
Năm 2012, tàu sân bay Abraham Lincoln sẽ được nâng cấp, sửa chữa.

Mặc dù hủy bỏ kế hoạch mua mới máy bay tiêm kích trang bị cho tàu sân bay, song kế hoạch gia hạn cho các loại máy bay hiện đang trang bị trên tàu sân bay vẫn được tiếp tục thực thi cho tới khi máy bay tiêm kích hiện đại F-35C Lightning II thay thế hết chúng.

Cuối năm 2010, Mỹ đã triển khai chương trình cắt giảm ngân sách quốc gia và ngân sách quốc phòng. Theo đó, Chính quyền Tổng thống Mỹ đã yêu cầu Lầu Năm góc cắt giảm chi tiêu xuống mức thấp nhất là 100 tỉ USD trong 5 năm tới và khoảng 400 tỉ USD trong 12 năm tới theo kế hoạch của Tổng thống Obama.

Để cắt giảm chi phí, Bộ Quốc phòng Mỹ đã phải xem xét hủy bỏ một loạt chương trình quân sự tương lai. Đặc biệt, vào giữa tháng 7-2010, Lầu Năm góc đã quyết định hoặc thay đổi thời hạn biên chế tàu sân bay tương lai lớp Gerald Ford, hoặc tạm ngừng đóng một tàu lớp này và giảm bớt số lượng tàu sân bay hiện có trong biên chế.

alt
Máy bay tiêm kích hiện đại trên boong F-35 Lightning II.
alt
Máy bay tiêm kích F/A-18 Super Hornet.
{iarelatednews articleid='10225,10199,10188,10101,10105,10085,10075,10067,10030,10016,9948,9900,9892,9863,9788'}
Hữu Kỷ - Nhật Minh
(Tổng hợp)