Ngày 14 tháng 9 năm 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp đón Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee (ảnh tư liệu) |
Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 3 tháng 10 có bài viết tuyên truyền sặc mùi ghen tị cho biết, Việt Nam rất quan tâm đến việc lực lượng vũ trang Ấn Độ thường xuyên qua lại Đông Nam Á. Cảng biển chiến lược quan trọng và căn cứ không quân ở vịnh Cam Ranh, bên bờ Biển Đông đã mở cửa cho tàu chiến Hải quân và máy bay Không quân Ấn Độ.
Cuộc đàm phán Ấn-Việt cách đây không lâu đã đạt được nhất trí về một số phương diện hợp tác kỹ thuật quân sự này. Khi thăm Việt Nam vào trung tuần tháng 9, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee cho biết, Ấn Độ sẵn sàng đào tạo phi công Việt Nam sử dụng máy bay chiến đấu đa năng hiện đại Su-30, đào tạo thủy thủ cho tàu ngầm và cung cấp tên lửa hành trình siêu âm độc nhất vô nhị BrahMos cho Việt Nam, đồng thời còn cấp khoản vay 100 triệu USD cho Việt Nam dùng để Việt Nam mua sắm vũ khí hiện đại.
Đối với vấn đề này, Hoàn Cầu báo dẫn ý kiến của nhà quan sát Shcherbakov của tờ "Quan sát quân sự độc lập" Nga bình luận: "Ấn Độ sớm đã bắt đầu mở rộng hiện diện ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Phạm vi lợi ích quốc gia của quốc gia ở Ấn Độ Dương này và Đông Nam Á gắn liền với nhau. Ấn Độ, quốc gia nỗ lực xây dựng vị thế nước lớn thế giới, hy vọng mở rộng quan hệ với các nước của khu vực này. Tăng cường tiếp xúc về mặt công nghệ quân sự là một trong những phương hướng quan trọng của chiến lược này".
Tên lửa hành trình siêu âm BrahMos do Ấn-Nga hợp tác chế tạo (ảnh tư liệu) |
Theo bài báo, Việt Nam cũng rất quan tâm hợp tác quân sự với Ấn Độ. Việt Nam - quốc gia sở hữu một đội quân có quân số lớn thứ năm thế giới và lớn nhất Đông Nam Á, có nhu cầu cấp bách đổi mới và phát triển không quân và hải quân của mình. Ngoài mua sắm tên lửa Brahmos - loại vũ khí sẽ trở thành nhân tố quan trọng kiềm chế nước láng giềng Trung Quốc, Việt Nam còn có kế hoạch sở hữu công nghệ sản xuất tên lửa hiện đại. New Delhi cũng sẵn sàng đáp ứng nguyện vọng của Việt Nam trên phương diện này.
Hoàn Cầu cho rằng, sự xích lại gần nhanh chóng của hai nước Ấn-Việt có nghĩa là Thủ tướng Narendra Modi đang sửa chính sách "hướng Đông" trung lập thành chính sách "hành động ở phía Đông" tích cực.
Ví dụ, nhà phân tích nổi tiếng Ấn Độ C. Raja Mohan có bài viết trên tờ "Indian Express" cho rằng: "Nếu Trung Quốc không hạn chế hợp tác chiến lược Trung Quốc-Pakistan gây bất an cho Ấn Độ, thì chính quyền Narendra Modi chắc chắn sẽ xuất phát từ lợi ích quốc gia, phát triển quan hệ với Việt Nam, chứ không bận tâm lắm với các cảm giác của Bắc Kinh về vấn đề này".
Điều đáng chỉ ra là, sự khởi đầu giai đoạn mới hợp tác kỹ thuật quân sự Ấn-Việt trùng hợp về thời gian với hoạt động ngoại giao tích cực của Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương. Vừa qua, trước khi thăm Ấn Độ, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã lần lượt thăm nước Cộng hòa Maldives và Sri Lanka. Trước đó tàu ngầm diesel-điện Trung Quốc đã đậu một tuần ở cảng Colombo, thủ đô Sri Lanka.
Ấn Độ sẵn sàng đào tạo phi công lái máy bay chiến đấu Su-30, đào tạo thủy thủ tàu ngầm cho Việt Nam. Trong hình là tàu ngầm thông thường lớp Kilo của Hải quân Nga |
Đối với New Delhi, tất cả những sự kiện này là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh thực hiện chính sách "bao vây chiến lược" đối với Ấn Độ. Trung Quốc luôn chăm chăm nhòm ngó sự xích lại gần một cách nhanh chóng giữa Ấn Độ với Việt Nam và Nhật Bản.
Một số nhà phân tích cho rằng, đối đầu chính trị hình thành của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương là "điệu tăng-gô Ấn-Trung", ví von những biểu hiện của New Delhi và Bắc Kinh với vũ điệu Argentina phức tạp và pha trộn thành phần bất ngờ, phổ biến toàn cầu.