Putin đề nghị Israel bỏ hạt nhân làm lung lay nền tảng chiến lược Mỹ

23/09/2013 06:38
Việt Dũng
(GDVN) - Tổng thống Nga cho rằng Israel nên theo Syria từ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhưng chính sách mơ hồ của Israel có thể giúp họ giữ lại vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (ảnh minh họa)
Tổng thống Nga Vladimir Putin (ảnh minh họa)


Putin: Israel có ưu thế công nghệ thì không cần vũ khí hạt nhân

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" vừa đăng bài viết "Putin đề nghị Israel giải trừ vũ khí hạt nhân, làm lung lay hòn đá tảng chiến lược của Mỹ".

Theo bài viết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày ra một ván cờ lớn với Mỹ, “đòn sát thủ” của ông là lấy vũ khí hạt nhân của Israel gắn với vũ khí hóa học của Syria, đã đẩy trách nhiệm về phía Mỹ.

Ngày 19 tháng 9, ông Putin tuyên bố, xuất phát từ ưu thế công nghệ quân sự, Israel đã không cần đến vũ khí hạt nhân, trong khi đó Syria phát triển vũ khí hóa học chính là để ngăn chặn vũ khí hạt nhân của Israel, Israel cũng nên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Israel là hòn đá tảng của chiến lược toàn bộ Trung Đông của Mỹ, họ cũng không thể nghe lời Mỹ từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Rất nhiều người Mỹ muốn "cột" Putin vào vũ khí hóa học của Syria, một khi chính quyền Bashar Assad nuốt lời hoặc dối trá, họ sẽ sẵn sàng tận dụng cơ hội để hủy hoại danh dự của Putin, nhưng hiện nay trách nhiệm được đẩy về phía Mỹ.

Đồng thời, cuộc giao đấu trực tiếp giữa Mỹ-Nga vẫn đang tiến hành, thượng nghị sĩ John McCain Mỹ ngày 19 tháng 9 đã có bài viết trên báo chí Nga mạnh mẽ phê phán Putin, có ý định lấy lại "thể diện" trước bài viết lên án Mỹ của Tổng thống Nga trên tờ "Thời báo New York" trước đó 1 tuần, song bài viết đã bị chế giễu tại Nga, bị coi là "ngốc", "chẳng biết đến bình luận là gì".

Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain

Trong khi đó, điều lo ngại hơn của rất nhiều người phương Tây là, tháng ngày họ phải cùng “chơi” với Putin có thể phải kéo dài tới năm 2024, bởi vì Putin cho biết không loại trừ khả năng tham gia bầu cử Tổng thống vào năm 2018.

Israel vì sao không tiêu hủy vũ khí hạt nhân?

Nói chung, tình hình kiểm soát vũ khí hạt nhân toàn cầu và chính sách hạt nhân "mơ hồ" của Israel giúp cho Israel có thể giữ lại vũ khí hạt nhân.

Hiện nay, giữa các nước trên thế giới còn chưa đạt được hiệp ước hoặc công ước cấm toàn diện và tiêu hủy vũ khí hạt nhân như "Công ước về cấm phát triển, sản xuất, dự trữ và sử dụng vũ khí hóa học và tiêu hủy loại vũ khí này".

Cộng đồng quốc tế thiếu công cụ luật pháp quốc tế hiệu quả để chế ước vũ khí hạt nhân của Israel. Mà hiệp ước liên quan có được ký kết hay không quan trọng là tùy thuộc vào tiến trình đàm phán cắt giảm vũ khí hạt nhân của hai nước Mỹ, Nga.

Tháng 3 năm 2010, hai nước Mỹ-Nga ký kết Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (tức là Hiệp ước về các biện pháp tiếp tục cắt giảm và hạn chế vũ khí chiến lược mang tính tấn công). Hai nước cam kết "sẽ dựa theo quy định của 'Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân', cùng thực hiện nghĩa vũ khí cắt giảm kho vũ khí hạt nhân".

Hai bên sẽ cắt giảm "khoảng 2/3" số lượng vũ khí hạt nhân chiến lược hoặc tầm xa có thể triển khai, giới hạn số lượng bom và đầu đạn hạt nhân chiến lược (được triển khai) là 1.550 quả.

Tên lửa chiến lược Topol-M Nga
Tên lửa chiến lược Topol-M Nga

Hiện nay, Nga sở hữu khoảng 8.000 đầu đạn hạt nhân, Mỹ sở hữu khoảng 7.500 đầu đạn hạt nhân. Số lượng đầu đạn hạt nhân của các nước khác cơ bản vào khoảng 100-400. Chỉ khi nào Mỹ-Nga hoàn thành cắt giảm vũ khí hạt nhân song phương, tiến trình cắt giảm vũ khí hạt nhân mới bước vào giai đoạn đàm phán đa phương.

Mặt khác, phi hạt nhân hóa khu vực cũng là một khâu quan trọng kiểm soát vũ khí hạt nhân, hiện đã có các khu vực như châu Mỹ Latinh, châu Phi ký kết Hiệp ước phi hạt nhân hóa khu vực. Các nước trên thế giới cũng luôn kêu gọi thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa Trung Đông, nhưng Israel luôn có thái độ mơ hồ về vấn đề này.

Từ giai đoạn đầu nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân, Israel đã thực hiện chính sách "hạt nhân mơ hồ". Bên trong bí mật phát triển vũ khí hạt nhân, bên ngoài kiên quyết phủ nhận sở hữu vũ khí hạt nhân. Cộng với Mỹ luôn áp dụng tiêu chuẩn kép trong vấn đề vũ khí hạt nhân Israel, khiến cho cộng đồng quốc tế không có lý do thanh sát vũ khí hạt nhân của Israel.

Israel áp dụng chính sách "hạt nhân mơ hồ", cũng có tính toán đến an ninh tự thân, một khi tuyên bố sở hữu vũ khí hạt nhân thì rất có thể gây ra làn sóng phát triển vũ khí hạt nhân ở Trung Đông, phổ biến vũ khí hạt nhân ở Ả rập. Có thể nói, Israel đã đi một con đường vũ khí hạt nhân kín đáo khác với CHDCND Triều Tiên.
Việt Dũng