Ngày 26 tháng 12 năm 2013, Trung Quốc tiến hành bàn giao tàu khu trục tên lửa Trịnh Châu, số hiệu 151, Type 052C cho Hạm đội Đông Hải, Hải quân Trung Quốc. |
Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 28 tháng 12 đăng bài viết nhan đề “Báo chí nước ngoài cho rằng trong 5 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc là nước duy nhất mở rộng kho vũ khí hạt nhân, vũ khí phát triển kiểu giếng phun”.
Theo bài viết, Lễ bàn giao tàu khu trục tên lửa mới Trịnh Châu cho Hạm đội Đông Hải, Hải quân Trung Quốc đã tổ chức tại quân cảng ở Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang vào ngày 26 tháng 12 năm 2013, điều này đánh dấu Trung Quốc đã có thêm một “vũ khí lợi hại” trên biển Hoa Đông.
Theo bài báo, trong thời điểm Thủ tướng Shinzo Abe thăm đền Yasukuni, Trung Quốc mạnh mẽ tuyên bố biên chế tàu khu trục tên lửa mới có “ý nghĩa tượng trưng” mạnh, tàu này được bài báo cho là trở thành “lực lượng quan trọng bảo vệ an ninh biển Hoa Đông, ứng phó với tranh chấp biển”.
Trung Quốc được cho là vừa bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới DF-41 |
Năm 2013, nhiều loại vũ khí trang bị mới của Trung Quốc liên tiếp xuất hiện, gần đây, các hoạt động thử nghiệm, trang bị vũ khí trang bị mới đặc biệt gây chú ý. Tờ “Liên hợp buổi sáng” Singapore cho rằng, trong 10 ngày gần đây, Trung Quốc đã lần lượt phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong-41 và tên lửa đạn đạo phóng dưới nước JL-2; trong khi đó, máy bay trực thăng Z-20, máy bay vận tải cỡ lớn thứ hai Y-20 và máy bay chiến đấu J-10B gần đây đều lần đầu tiên bay thử hoặc sản xuất hàng loạt – điều này được bài báo cho là “sự phát triển vũ khí mới của Trung Quốc bắt đầu theo kiểu giếng phun”.
Đối với hiện tượng này, chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, những vũ khí trang bị mới này là thành quả nghiên cứu chế tạo lâu dài của Trung Quốc, không phải là tập trung nhằm vào Nhật Bản, nhưng tập trung công khai những trang bị tiên tiến này đã thể hiện Trung Quốc “có quyết tâm ứng phó với tình hình an ninh xung quanh, bảo vệ quyền lợi bản thân”.
Gây tranh cãi cho dư luận Nhật Bản
Đài truyền hình tin tức Đức cũng đã đưa tin về việc tàu khu trục tên lửa mới của Trung Quốc hạ thủy, theo đài này, ngày 26 tháng 12 là tròn 120 ngày sinh của ông Mao Trạch Đông, cựu lãnh đạo Trung Quốc.
Đồng thời, Trung Quốc cũng lặng lẽ tổ chức lễ bàn giao tàu khu trục tên lửa mới Trịnh Châu ở Chiết Giang. Điều này đánh dấu, Trung Quốc lại có thêm một vũ khí trang bị hạng nặng trên biển Hoa Đông.
Trung Quốc vừa cho bay thử lần đầu tiên máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 thứ hai |
Trang mạng tin tức ZEE Ấn Độ ngày 27 tháng 12 cho rằng, tàu Trịnh Châu là tàu khu trục tên lửa thế hệ mới do Trung Quốc nghiên cứu chế tạo, trang bị “vũ khí mới”, có khả năng mạnh về cảnh giới, trinh sát tầm xa và phòng không.
Đối với việc tàu khu trục tên lửa mới Trịnh Châu triển khai ở biển Hoa Đông, trang mạng Yahoo của Nhật Bản đã giới thiệu về việc biên chế con tàu này, dẫn lời nhà nghiên cứu quân sự phương Tây cho rằng, Trung Quốc đang chế tạo 5 tàu khu trục tương tự.
Trong diễn đàn mạng lớn nhất 2CH Nhật Bản, tàu khu trục mới của Trung Quốc đã gây tranh cãi gay gắt trong cư dân mạng của Nhật Bản.
Có không ít người cho rằng, “tàu khu trục Aegis của Trung Quốc thực ra còn có khoảng cách rất lớn so với tàu Aegis của Nhật Bản và Mỹ, chỉ là giống nhau”, nhưng có nhiều người cho rằng, “tàu chiến Trung Quốc tiến bộ rất nhanh, thực lực của Trung Quốc có khả năng thể hiện nhất ở trang bị Hải quân”, đồng thời “bày tỏ lo ngại về mối đe dọa của Trung Quốc đối với Nhật Bản”.
Tàu khu trục tên lửa 052D Trung Quốc |
Trang mạng tổ hợp công nghiệp quân sự Nga ngày 26 tháng 12 cho rằng, do tranh chấp lãnh thổ liên quan tới đảo Senkaku giữa Trung-Nhật không ngừng gay gắt, những năm gần đây, Hải quân Trung Quốc là quân chủng phát triển nhanh nhất.
Trung Quốc sẽ còn bàn giao chiếc tàu khu trục Aegis Type 052D đầu tiên cho Hải quân vào năm 2014, chiếc tàu chiến này sẽ sử dụng thiết bị phóng tên lửa thẳng đứng, được gọi là “Arleigh Burke Trung Quốc” (loại tàu chủ lực của Hải quân Mỹ).
Ngành đóng tàu Trung Quốc đã nghiên cứu chế tạo và bàn giao vài chục tàu chiến và tàu ngầm các loại cho Hải quân nước này. Trong tương lai, Trung Quốc sẽ còn tiếp tục đổi mới vũ khí trang bị, nâng cao sức chiến đấu cho Hải quân, làm công tác “chuẩn bị cho các cuộc xung đột có thể xảy ra trong tương lai”.
Giáo sư Lý Đại Quang, Đại học Quốc phòng Trung Quốc nói với tờ “Thời báo Hoàn Cầu” rằng, gần đây, tàu chiến mới Trung Quốc liên tiếp xuất hiện hoàn toàn không cố tình nhằm vào Nhật Bản.
Ông giải thích, Trung Quốc nghiên cứu phát triển vũ khí phục vụ cho nhu cầu xây dựng hệ thống trang bị quốc gia của Trung Quốc và có liên quan đến toàn bộ xây dựng an ninh quốc gia, không hề có liên quan tất yếu với Nhật Bản.
Cùng với bắn thử tên lửa DF-41, Trung Quốc cũng được cho là vừa bắn thử tên lửa xuyên lục địa JL-2 từ tàu ngầm ở biển Bột Hải, vùng biển phía bắc nước này. |
Hiện nay, vũ khí mới của Trung Quốc liên tiếp xuất hiện, có liên quan đến chu kỳ phát triển vũ khí. So với trước đây, đầu tư xây dựng quốc phòng của Trung Quốc ngày càng lớn, kế hoạch nghiên cứu phát triển vũ khí ngày càng nhiều, thành quả đương nhiên càng nhiều hơn.
Vũ khí mới đương nhiên đóng vai trò rất lớn trong “bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia”, đây là điều không phải nghi ngờ. Chỉ về trang bị quân sự triển khai ở biển Hoa Đông giữa Trung-Nhật, chất lượng và số lượng của Nhật Bản đều mạnh hơn Trung Quốc, nhưng xét về nhân tố tổng thể, Nhật Bản chưa chắc mạnh hơn.
Trung Quốc phát triển nhanh vũ khí trang bị là do “học bù”?
Gần đây, Trung Quốc liên tiếp công khai nhiều vũ khí trang bị đã gây quan ngại cho dư luận. Đáng chú ý là trong vòng 10 ngày, Trung Quốc liên tục phóng 2 loại tên lửa xuyên lục địa.
Ngày 26 tháng 12, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh nói tại cuộc họp báo cho biết, ở trong nước, Trung Quốc tiến hành thử nghiệm nghiên cứu khoa học theo kế hoạch là “bình thường”, những thử nghiệm này không nhằm vào bất cứ quốc gia và mục tiêu cụ thể nào.
Tờ “Liên hợp buổi sáng” Singapore cho rằng, được biết, trong 10 ngày, Trung Quốc đã tiến hành bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong-41 (DF-41) và 1 quả tên lửa xuyên lục địa dưới nước Cự Lang-2 (JL-2), Trung Quốc tăng cường khả năng tấn công hạt nhân gây lo ngại cho bên ngoài. Theo bài báo, tên lửa JL-2 và DF-41 là tên lửa hạt nhân thế hệ thứ hai và thứ ba của Trung Quốc, được coi là lực lượng xương sống đe dọa hạt nhân chiến lược của Trung Quốc trong tương lai.
Trung Quốc vừa tiết lộ, máy bay trực thăng mới Z-20 đã bay thử lần đầu tiên |
Tờ “Yomiuri Shimbun” Nhật Bản cho rằng, Trung Quốc liên tục bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới, đồng thời muốn có được quyền kiểm soát trên không và quyền kiểm soát trên biển, những trang bị mới này rõ ràng trở thành nền tảng bảo đảm mới nhất cho an ninh Trung Quốc.
Trang mạng “Freebeacon” Washington cho rằng, tên lửa DF-41 và tên lửa JL-2 phiên bản cải tiến hiện đại hóa được gọi là một phần của các động thái tăng cường “tính tấn công” của Trung Quốc, những động thái này chủ yếu là nhằm vào “tranh chấp trên biển” với Nhật Bản, Philippines, Việt Nam đồng thời cũng là để nhằm vào Hải quân Mỹ.
Ngoài ra, nhiều loại trang bị mới của Không quân cũng được cho là “phát triển kiểu giếng phun”. Tờ “Nam Hoa buổi sáng” Hồng Kông cho rằng, máy bay trực thăng Z-20 do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo đã tiến hành bay thử lần đầu tiên vào ngày 23 tháng 12, “đã lấp một khoảng trống trong kho vũ khí của Quân đội Trung Quốc”.
Máy bay này tương tự máy bay trực thăng Black Hawk của Mỹ, đồng thời có thể cất/hạ cánh trên tàu sân bay và thực hiện nhiệm vụ ở cao nguyên Thanh Tạng, tăng cường rất khả năng “tác chiến đổ bộ” và tác chiến đặc biệt của Quân đội Trung Quốc.
Trên các trang mạng Trung Quốc cũng vừa tiết lộ tên lửa chống tăng của máy bay trực thăng vũ trang Z-10 |
Trang mạng tổ hợp công nghiệp quân sự Nga ngày 25 tháng 12 cho rằng, vào cuối năm 2013, Trung Quốc cho bay thử lần đầu tiên máy bay vận tải cỡ lớn thử nghiệm Y-20 và sản xuất hàng loạt máy bay chiến đấu J-10B.
Những điều này cho thấy, Trung Quốc đã có tiềm năng công nghệ “tương đương” với Âu-Mỹ, có thể chế tạo các trang bị tiên tiến như tên lửa, máy bay chiến đấu, tàu khu trục; hơn nữa cùng với việc sao chép, Trung Quốc đã có tiến bộ công nghệ, tiếp tục phát triển và hoàn thiện sản phẩm.
Trang mạng “Quan sát Chính trị” Đức ngày 27 tháng 12 đăng bài viết nhan đề “Nỗi lo sợ đối với trang bị quân sự của Trung Quốc” cho rằng, sự lo ngại đối với Trung Quốc đang tăng lên ở xung quanh Thái Bình Dương.
Gần đây, Trung Quốc đã thử nghiệm nhiều loại vũ khí mới trong đó có 2 loại tên lửa chiến lược, những vũ khí mới này không chỉ là một loại khả năng đe dọa địa-chính trị đối với bất cứ ý đồ khiêu khích nào, mà còn làm cho Trung Quốc “tự tin” chưa từng có.
Đối với Mỹ, không chỉ đối mặt cạnh tranh với Trung Quốc về kinh tế, trong tương lai, về quân sự cũng có thể bị Trung Quốc vượt qua.
Đối với sự lo ngại của một số phương tiện truyền thông phương Tây về vũ khí trang bị của Trung Quốc, một học giả Trung Quốc thân cận Quân đội Trung Quốc cho rằng, trên thực tế, hiện nay, quân đội nhiều nước phương Tây đều đã hoàn thành xây dựng hiện đại hóa với đặc điểm thông tin hóa; trong khi đó, Quân đội Trung Quốc vẫn đang ở trong quá trình phát triển từ “nửa cơ giới hóa” chuyển sang cơ giới hóa, thông tin hóa; trong quá trình đuổi theo này, các bước đi phải lớn hơn, nhanh hơn.
Máy bay chiến đấu J-10B Trung Quốc được cho là bắt đầu sản xuất hàng loạt. |
Theo học giả này, gần đây, các trang bị mới của Trung Quốc liên tiếp xuất hiện thực chất là kết quả “học bù”, “học bù” về quân sự do tập trung cho phát triển kinh tế vào cuối thế kỷ trước.
Lấy tên lửa xuyên lục địa làm ví dụ, các nước phát triển phương Tây như Mỹ ngay từ thập niên 80 thế kỷ trước đã sử dụng nhiên liệu rắn và đã chế loại dùng cho tàu ngầm, đồng thời đã áp dụng rộng rãi công nghệ nhiều đầu đạn độc lập.
Có truyền thông phương Tây cho rằng, Trung Quốc là một nước duy nhất trong 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân, còn một số truyền thông phương Tây cố ý xem nhẹ điểm quan trọng này.
Theo họ, trong 5 nước này, Trung Quốc là quốc gia có sức mạnh kho vũ khí hạt nhân yếu nhất, số lượng đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc còn chưa nhiều bằng số lẻ của Mỹ; về lực lượng ném bom, các nước Anh, Pháp cũng dẫn trước Trung Quốc. Truyền thông Mỹ nhiều lần chế nhạo tàu ngầm hạt nhân tên lửa Trung Quốc chưa từng tiến hành tuần tra sẵn sàng chiến đấu.
Vũ khí trang bị Trung Quốc vẫn sẽ phát triển tốc độ nhanh
Tờ “Bình đẳng và hòa giải” Canada cũng có bài viết cho rằng, vũ khí trang bị do Trung Quốc phô trương gần đây đều có “đối tượng rõ ràng” như tên lửa chiến lược nhằm đe dọa Mỹ, làm cho Mỹ không dám dễ dàng can thiệp các cuộc xung đột ở xung quanh Trung Quốc; tàu khu trục và máy bay mới là để chống lại Mỹ, Nhật Bản tăng cường sức mạnh trên biển-trên không ở xung quanh Trung Quốc; nhập khẩu tàu đệm khí đổ bộ cỡ lớn của Ukraine là để trực tiếp đối phó với “tranh chấp đảo, đá ngầm”.
Trung Quốc mua tàu đổ bộ đệm khí cỡ lớn Zubr của Ukraine |
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt ngày 27 tháng 12 trả lời tờ “Thời báo Hoàn Cầu” cho rằng, xuất phát từ lý do hiện thực và sự phát triển trong tương lai, Hải quân Trung Quốc đều cần tiếp tục mở rộng tàu chiến chủ lực cỡ lớn, mới.
Mặc dù những năm gần đây Trung Quốc có nhiều tàu chiến mới hạ thủy, nhưng tờ “Niên giám tàu thủy Jane’s” Anh cho rằng, trong các tàu khu trục chủ lực của Hải quân Trung Quốc vẫn có gần một nửa là lớp “Lữ Đại” được nghiên cứu chế tạo vào thập niên 70 của thế kỷ trước. Trong khi đó, hàng năm, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đều có tàu chiến chủ lực mới biên chế, tính năng tổng thể duy trì trình độ tương đối cao.
Phó tổng biên tập tạp chí “Tri thức hàng không” Trung Quốc Vương Á Nam cho rằng, những trang bị mới này liên tiếp xuất hiện cho thấy, Trung Quốc đang tăng cường “độ minh bạch” về xây dựng quân sự; trước đây, những thông tin như vậy không thể công khai.
Mặt khác, Trung Quốc tập trung công khai đưa tin trang bị tiên tiến cũng phải cân nhắc tới sự thay đổi của tình hình an ninh xung quanh, về khách quan đã thể hiện quyết tâm bảo vệ cái gọi là "quyền lợi tự thân” của Trung Quốc.
Tàu đổ bộ cỡ lớn Tỉnh Cương Sơn và tàu đệm khí của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tập trận trên Biển Đông vào ngày 20 tháng 3 năm 2013. |
Nhiều chuyên gia Trung Quốc cho rằng, trong tương lai, sự phát triển vũ khí của Trung Quốc sẽ còn duy trì “tốc độ tương đối nhanh”, bởi vì Trung Quốc là một... “nước lớn”, nên Trung Quốc có nhu cầu rất nhiều loại trang bị.
Theo họ, nếu có một ngày trang bị Trung Quốc vượt một số nước về số lượng và công nghệ, cũng “không cần phải ngạc nhiên”, bởi vì điều đó “phù hợp với nhu cầu lợi ích và vị thế nước lớn kinh tế” của Trung Quốc (nhưng không phù hợp với lợi ích của các nước khác và thậm chí đe dọa nước khác).