Trung Quốc cam kết cho vay dài hạn để bán tàu ngầm cho Thái Lan

08/04/2015 07:05
Việt Dũng (Tổng hợp)
(GDVN) - Thái Lan mua tàu ngầm để bảo vệ vịnh Thái Lan và lợi ích ở biển xa, "cân bằng" với láng giềng; TQ sẽ phải tranh thầu với 3 nước khác gồm Nga, Đức và Hàn Quốc.
Tàu ngầm thông thường lớp Nguyên phiên bản cải tiến Trung Quốc
Tàu ngầm thông thường lớp Nguyên phiên bản cải tiến Trung Quốc

Gần đây, Trung Quốc rất tích cực tuyên truyền để thúc đẩy xuất khẩu các loại vũ khí trang bị của họ nhằm nhiều mục đích khác nhau như kiếm tiền, gây ảnh hưởng… 

Ngày 7 tháng 4, nhiều tờ báo điện tử Trung Quốc như “Tin tức Tham khảo”, “Quan sát”, “Thời báo Hoàn Cầu”… đã đăng các bài viết tuyên truyền về khả năng Thái Lan mua tàu ngầm của Trung Quốc.

Báo Trung Quốc dẫn trang mạng "Bưu điện Bangkok" Thái Lan ngày 5 tháng 4 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwon sẽ thăm Trung Quốc vào ngày 8 tháng 4. 

Một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Thái Lan cho hay, tham vấn với Bắc Kinh có thể bao gồm kế hoạch mua sắm tàu ngầm.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Thái Lan, thiếu tướng Kongcheep Tuntrawanich ngày 5 tháng 4 cho biết, chuyến thăm lần này của Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan sẽ diễn ra từ ngày 8 đến ngày 10 tháng 4, do ông Thường Vạn Toàn - Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc mời.

Theo bài báo, tháng 2 năm 2015, ông Thường Vạn Toàn thăm Bangkok và đề xuất tăng cường quan hệ quân sự hai nước. 

Quan hệ giữa Thái Lan và Trung Quốc đã được tăng cường sau khi xảy ra chính biến quân sự ở Thái Lan vào năm 2014, tướng Prayuth Chan-ocha đã lên làm Thủ tướng Thái Lan.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải) tiếp Thủ tướng Thái Lan tại Bắc Kinh ngày 22 tháng 12 năm 2014
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải) tiếp Thủ tướng Thái Lan tại Bắc Kinh ngày 22 tháng 12 năm 2014

Lần này, tướng Prawit Wongsuwon lần đầu tiên đem theo tất cả các tướng quân sự đến thăm Trung Quốc, trong đó có Tư lệnh Hải quân Kraisorn Chansuvanich.

Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Thái Lan cho biết, dự tính hai nước sẽ tiến hành hội đàm về kế hoạch trang bị 2 tàu ngầm diesel-điện của Hải quân hoàng gia Thái Lan (có tin cho là Thái Lan muốn mua nhiều nhất 3 tàu ngầm), tổng kim ngạch dự kiến là 1 tỷ USD. Do thiếu vốn, những tàu ngầm này có thể được mua theo vài đợt.

Dự tính, trong tình hình chính phủ cấp phát tài chính, trước cuối năm 2015, Thái Lan sẽ phát thư trưng cầu đề nghị cung cấp tàu ngầm. 

Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan đã đồng ý về nguyên tắc sẽ đưa ra kế hoạch mua sắm chi tiết trong năm tài khóa này (kết thúc vào tháng 10).

Ngân sách cải tạo hiện đại hóa Hải quân Thái Lan khoảng 36 tỷ baht, tức khoảng 6,8 tỷ nhân dân tệ.

Theo bài báo, tàu ngầm thông thường lớp Nguyên (Type 041) của Trung Quốc hiện nay có thể nằm trong kế hoạch mua sắm của Thái Lan. Trung Quốc đề xuất có thể cung cấp tài chính (khoản vay) và có thể hoàn trả trong 10 năm. 

Nhà cung cấp có khả năng khác là Nga (tàu ngầm Type 636 lớp Kilo), Đức (tàu ngầm Type 209/1400), Hàn Quốc (tàu ngầm Type HDS-500RTN).

Tàu ngầm thông thường lớp Kilo do Nga chế tạo
Tàu ngầm thông thường lớp Kilo do Nga chế tạo

Theo tờ “Jane's Defense Weekly” Anh, Hải quân hoàng gia Thái Lan đã tiến hành đánh giá đối với các loại tàu ngầm được các nước giới thiệu, dự định sẽ đệ trình một kế hoạch mua sắm lên Bộ Quốc phòng.

Tháng 7 năm 2014, do sự ủng hộ mạnh mẽ của Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân Thái Lan đã tiếp tục khởi động kế hoạch mua sắm 2 tàu ngầm, đã thành lập phân đội lực lượng tàu ngầm ở căn cứ hải quân Sattahip, đã đặt mua máy luyện tập và 2 năm gần đây đã đưa sĩ quan đến đào tạo ở Đức và Hàn Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan gần đây nhấn mạnh, Thái Lan cần phải phát triển trang bị hải quân mới có thể duy trì trình độ tương đồng với hạm đội các nước xung quanh. 

Theo quan chức Hải quân Thái Lan, họ muốn mua tàu ngầm để bảo vệ vịnh Thái Lan và lợi ích quốc gia của Thái Lan ở biển xa.

Theo tuyên truyền có chủ ý của báo chí Trung Quốc, Thái Lan mua vài chiếc tàu ngầm là để tăng cường an ninh trên biển và duy trì “cân bằng” với các nước láng giềng khu vực, những nước láng giềng này phần lớn đã mua tàu ngầm trong những năm gần đây.

Trong nhiều năm qua, Thái Lan luôn tìm cách sở hữu tàu ngầm. Vào năm 2011, Thái Lan đã đàm phán mua 6 tàu ngầm cũ cỡ nhỏ của Đức, trị giá 236,58 triệu USD, đồng thời mua 2 tàu ngầm cỡ lớn hoàn toàn mới của Hàn Quốc, nhưng 2 giao dịch này cuối cùng gặp trở ngại.

Mô hình tàu ngầm thông thường S-20 dùng để xuất khẩu của Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Mô hình tàu ngầm thông thường S-20 dùng để xuất khẩu của Trung Quốc (ảnh tư liệu)

Báo chí Trung Quốc còn cho biết, ông Prayuth Chan-ocha và Thường Vạn Toàn sẽ tìm cách tăng cường quan hệ quốc phòng hai nước, tổ chức nhiều cuộc diễn tập liên hợp lục, hải, không quân hơn.

Theo báo chí Trung Quốc, trong lịch sử, Thái Lan hoàn toàn không phải là khách hàng của hệ thống vũ khí Nga. Thái Lan luôn chuộng công nghệ Mỹ hơn. 

Nhưng, Hải quân hoàng gia Thái Lan năm 2008 đã đặt mua 3 máy bay trực thăng đa năng Mi-17, đây là lần đầu tiên Thái Lan mua trang bị Nga với quy mô tương đối lớn. Sau đó, Thái Lan đã đặt mua hệ thống tên lửa phòng không kiểu vác vai Igla-S.

Hiện nay, Nga đã tăng cường tiếp xúc, tìm cách tăng cường hợp tác quân sự với Thái Lan, tìm cơ hội xuất khẩu vũ khí. Moscow cam kết, việc xuất khẩu vũ khí sẽ không kèm theo bất cứ điều kiện chính trị nào. 

Do tình hình Thái Lan đã thay đổi sau chính biến, nhân tố này được cho là rất quan trọng.

Việt Dũng (Tổng hợp)