Đồng USD và đồng nhân dân tệ, lần lượt của Mỹ và Trung Quốc |
Tờ "Nhật báo Phương Nam" Trung Quốc ngày 20 tháng 11 đăng bài viết "Thiếu tướng Trung Quốc: Không cần thiết gửi hy vọng quá lớn vào tàu sân bay, có thể chế tạo và có thể sử dụng là được".
Bài viết này của Thiếu tướng Kiều Lương, giáo sư Đại học Quốc phòng Trung Quốc, bài viết bàn về xu thế đồng USD ảnh hưởng đến sự phát triển và an ninh của Trung Quốc.
Thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ
Những năm gần đây, chuyên gia chiến lược quân sự, giáo sư Đại học Quốc phòng Trung Quốc, Thiếu tướng Kiều Lương đặt trọng tâm vào nghiên cứu các hoạt động quân sự của Mỹ và liên quan tới lợi ích kinh tế của họ.
Khi tham dự Diễn đàn quốc phòng Phương Nam lần thứ 2, ông Kiều Lương tiếp tục đề cập đến quan điểm này. Ông cho rằng, 40 năm qua, thủ đoạn kiểm soát thế giới của người Mỹ thiên biến vạn hóa như nhà ảo thuật, nhưng cuối cùng đều có thể quy về dùng phương thức đồng USD để thu lợi, tốc độ tàu sân bay cũng đã không đuổi kịp tốc độ lưu động vốn.
Ông Kiều Lương dùng 2 nhóm số liệu kinh tế cho rằng: "Tốc độ tăng chỉ số đồng USD từ năm 1973 đến năm 1985 lên tới 52%, tương ứng với mức độ tăng này là cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ Latinh. Tốc độ tăng đồng USD từ năm 1995 đến năm 2001 đạt 51%, tương ứng với nó là cuộc khủng hoảng tài chính Đông Nam Á và sau đó kéo theo cuộc khủng hoảng tài chính châu Á".
Cụm tấn công tàu sân bay Hải quân Mỹ |
Theo Kiều Lương, Mỹ lợi dụng vị thế bá chủ tài chính toàn cầu của họ, thực hiện sách lược "xén lông cừu" đối với nền kinh tế các nước khác. Khác với tư duy địa-chính trị lấy khu vực địa lý làm cơ sở, đây là một loại tư duy chính trị địa-chính trị tiền tệ kiểu mới lấy tiền tệ làm nền tảng.
Kiều Lương cho rằng, đứng trước thế tấn công mạnh mẽ của đồng USD, trong bối cảnh mới đấu tranh địa-chính trị tiền tệ, thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ là một con đường quan trọng, trong tương lai Trung Quốc nên đóng vai trò "đầu tàu" trong nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, học cách làm "chỉ huy tàu".
Theo đó, nói đến tàu sân bay, Kiều Lương cho rằng: "Đồng USD đã tạo ra thế giới, còn tàu sân bay chỉ là công cụ để đồng USD tạo ra thế giới". Ông nói, khi toàn cầu còn chưa bước vào cục diện "một siêu cường thống trị" của Mỹ, hệ thống tài chính toàn cầu hóa còn chưa xây dựng, tàu sân bay rất có ưu thế, bởi vì nó có thể kiểm soát các tuyến đường hàng hải, kiểm soát logistic toàn cầu.
Trong khi đó, sau khi Mỹ đã xây dựng hệ thống tài chính toàn cầu lấy bá quyền đồng USD làm cốt lõi, phương thức thu lợi hiện nay của Mỹ là thông qua xuất khẩu đồng USD để nó trở thành một loại vốn toàn cầu, sau đó thông qua lưu động vốn toàn cầu để chảy ngược về Mỹ, thu lợi từ đó.
Đồng USD Mỹ |
Hơn nữa, sự hỗ trợ cho lưu động vốn nhanh chóng là công nghệ máy tính. Vài trăm tỷ, vài nghìn tỷ USD trong vài giây đến bất cứ khu vực nào trên thế giới, đây là điều mà tốc độ của tàu sân bay còn lâu mới đuổi kịp.
"Cho nên, Mỹ mới đề xuất phải phát triển hệ thống tấn công nhanh toàn cầu, yêu cầu vươn tới toàn cầu từ 6 giờ, đến 3 giờ, 1 giờ, rồi rút ngắn hơn nữa, còn 28 phút, vì vậy chỉ có tốc độ này mới có thể đuổi kịp tốc độ lưu động của vốn, mới có thể làm thay đổi môi trường đầu tư, phương hướng đầu tư và tốc độ đầu tư toàn cầu".
Kiều Lương cho rằng, năng lực quân sự là sự thể hiện thực lực tổng hợp của một quốc gia, nhưng không thể đặt hy vọng vào bất cứ một loại vũ khí riêng lẻ nào. Khi hình thái kinh tế có sự thay đổi, vũ khí sẽ lỗi thời, một loại vũ khí mới sẽ lại ra đời. "Chỉ cần có năng lực chế tạo và sử dụng tàu sân bay là đủ, không cần thiết đặt hy vọng quá lớn vào tàu sân bay".
Tên lửa siêu thanh Falcon HTV-2 Mỹ |
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc |