Ukraine cấm xuất khẩu trang bị cho Nga khiến TQ được lợi?

21/09/2014 09:33
Việt Dũng
(GDVN) - Không có đơn đặt hàng từ Nga, công nghiệp quốc phòng Ukraine sẽ sụp đổ; cuộc khủng hoảng Ukraine có khả năng giúp Trung Quốc được lợi từ hợp tác QP với Nga.
Máy bay chiến đấu J-11B của lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc do máy bay quân sự Mỹ chụp được
Máy bay chiến đấu J-11B của lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc do máy bay quân sự Mỹ chụp được

Tờ "Người đưa tin công nghiệp quốc phòng" Nga ngày 17 tháng 9 đăng bài viết "Poroshenko hạ lệnh cấm với các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng", phụ đề là "Người chiến thắng lớn nhất của cuộc khủng hoảng Ukraine là Trung Quốc" của tác giả Nicola Novichkov.

Bài viết cho rằng, chiến sự khu vực đông nam Ukraine liên tục leo thang, nhà cầm quyền Kiev không muốn thông qua con đường hòa bình giải quyết xung đột, không khỏi phải hỏi: Điều này có lợi cho ai? Các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Ukraine sẽ đi con đường nào cũng đáng quan tâm, từ lâu họ luôn sống dựa vào bán phá giá các loại vũ khí do Liên Xô để lại cho nước ngoài. Phần lớn thu nhập xuất khẩu của họ đến từ Nga, họ đã đặt mua không ít mô đun và linh kiện từ các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Ukraine.

Tình hình hiện nay đã có sự thay đổi căn bản. Ngày 27 tháng 8 năm 2014, Ủy ban an ninh-quốc phòng quốc gia Ukraine thông qua quyết định "Các biện pháp liên quan đến hoàn thiện chính sách kỹ thuật quân sự quốc gia", Tổng thống Ukraine đã ban lệnh để nghị quyết này có hiệu lực, đồng thời chỉ thị cho Chính phủ áp dụng các biện pháp chấm dứt xuất khẩu sản phẩm công nghiệp quốc phòng và sản phẩm lưỡng dụng quân dân cho Nga, ngoại trừ sản phẩm công nghệ vũ trụ.

Điều này không hề gây ngạc nhiên, Chính phủ Ukraine từ sớm đã đưa ra quyết định này. Bộ trưởng Bộ Công thương Nga Denis Manturov cho rằng: "Tháng 3 năm nay đã có lệnh hạn chế, chúng tôi đã thích ứng với điều này. Làm rõ bộ kiện nhóm vũ khí nào sẽ không được cung cấp thực tế nữa, theo đó đã thông qua tất cả các quyết định cần thiết, áp dụng phương thức thay thế nhập khẩu, sản xuất những bộ kiện vũ khí này tại Nga".

Ông nói, kế hoạch thay thế nhập khẩu đã được đưa ra, hy vọng 2 năm rưỡi nữa sẽ sản xuất được động cơ, 3 năm rưỡi nữa sẽ sản xuất được thiết bị tua bin khí.

Phi công Trung Quốc
Phi công Trung Quốc

Đặc điểm chủ yếu của kế hoạch thay thế nhập khẩu của Nga là, sẽ dùng phương thức công nghệ hoàn toàn mới để sản xuất các bộ phận, linh kiện vốn do Ukraine sản xuất. Tục ngữ nói, tái ông thất mã, điều này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển tiếp theo của các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Nga, đồng thời do cấm xuất khẩu các sản phẩm quân dụng và lưỡng dụng quân dân cho Nga, hệ thống công nghiệp quốc phòng của Ukraine sẽ sụp đổ.

Chủ nhiệm Ruslan Pukhov, Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga cho rằng, các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng Ukraine không có đơn đặt hàng của Nga thì không sống nổi, bởi vì phương Tây không cần sản phẩm của họ.

"Chiến tranh sớm muộn sẽ kết thúc, khi đó công nghiệp quốc phòng và ngành chế tạo cơ khí của Ukraine sẽ sụp đổ. Trong tình hình kinh tế hiện nay, Poroshenko không thể thực hiện cam kết - từ năm 2015-2017 bỏ ra 3 tỷ USD để tái trang bị cho Quân đội Ukraine và đổi mới vũ khí, Ukraine không có tiền. Đơn đặt hàng trong nước không thể thay thế đơn đặt hàng của Nga" – Ruslan Pukhov nói.

Công nghiệp quốc phòng Ukraine hiện còn trung thành với Kiev sẽ nhanh chóng thay đổi lập trường của mình, doanh nghiệp bắt đầu phải cứu tế, không có tiền. Pukhov cho rằng, đây là một quyết định thiển cận, về lâu dài, sự nghiệp của Poroshenko sẽ bị trả giá đắt.

Chủ nhiệm Valentin Badrak, Trung tâm nghiên cứu quân đội, quân-dân và giải trừ quân bị Ukraine cho rằng: "Căn cứ vào đánh giá sơ bộ, trang bị quân sự của Ukraine còn có thể, nhưng cũ kỹ và đa số không thể dùng được. Vì vậy, chúng tôi kiên trì yêu cầu các nước phương Tây cung cấp viện trợ kỹ thuật quân sự, để có được vũ khí mới, tốt hơn".

Máy bay chiến đấu Su-35 Nga (ảnh tư liệu)
Máy bay chiến đấu Su-35 Nga (ảnh tư liệu)

Phát biểu này của Valentin Badrak được đưa ra khi ông trả lời về vấn đề chính phủ quyết định mua vũ khí nội địa cho quân đội ở miền đông. Khi bình luận về ảnh hưởng của quyết định này đối với việc thực hiện các hợp đồng xuất khẩu vũ khí của Ukraine, Valentin Badrak cho biết, các hợp đồng cơ bản đã bị đóng băng.

Ngày 26 tháng 8, Chính phủ Ukraine quyết định khẩn cấp mua sắm sản phẩm công nghiệp quốc phòng của các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng Ukraine nhằm lập tức cung cấp vũ khí cho khu vực tác chiến.

Hội nghị khẩn cấp Nội các quyết định, trong vòng 48 giờ, lấy từ kho vũ khí của Bộ Quốc phòng, cung cấp vũ khí cho quân đội, dân quân và tất cả lực lượng tham gia hoạt động chống khủng bố. Chính phủ còn yêu cầu lập tức sửa chữa và cải tiến vũ khí.

Chủ tịch Andrei Lysenko, Ủy ban an ninh-quốc phòng quốc gia Ukraine cho biết, để thực hiện chỉ thị của Tổng thống, các doanh nghiệp của Công ty công nghiệp quốc phòng Ukraine cần làm 3 ca, tranh thủ tăng 40% sản lượng. Dưới công ty này có 134 doanh nghiệp công nghiệp quân sự, tiến hành nghiên cứu phát triển, chế tạo và sửa chữa trang bị quân sự.

Quan điểm của chuyên gia vũ khí nổi tiếng Ukraine, Ruben Johnson đáng để lưu tâm. Ông cho rằng, người được lợi trước tiên do quan hệ Kiev-Moscow xấu đi là Trung Quốc.

Do tình hình khủng hoảng, bất kể đối với Nga hay đối với Ukraine, vai trò của Trung Quốc với tư cách là đối tác mua bán vũ khí, cùng nghiên cứu phát triển và giám định vũ khí đều tăng mạnh.

Trước đây, hai nước Nga-Ukraine hợp tác chặt chẽ trong một số chương trình công nghiệp quân sự, hiện nay hợp tác đã kết thúc. Nga và Ukraine đều từng coi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ của vũ khí do họ hợp tác sản xuất.

Các chuyên gia chỉ ra, sự lệ thuộc của một số vũ khí của Trung Quốc vào công nghệ của Nga-Ukraine đã làm gia tăng mối quan tâm của Trung Quốc đối với hợp tác.

Tên lửa phòng không S-400 Nga (ảnh tư liệu minh họa)
Tên lửa phòng không S-400 Nga (ảnh tư liệu minh họa)

Ruben Johnson lấy máy bay chiến đấu J-11BH làm ví dụ, máy bay này do Tập đoàn công nghiệp máy bay Thẩm Dương Trung Quốc sản xuất, ngày 19 tháng 8 đã đánh chặn máy bay tuần tra P-8 của Mỹ.

Máy bay J-11 về cơ bản là sao chép máy bay Su-27 của Nga. Nó xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2010, nó chủ yếu cung cấp cho hải quân sử dụng, nó rất thích hợp cho thực hiện nhiệm vụ phòng không và đánh chặn mục tiêu trên không.

Người phụ trách một doanh nghiệp công nghiệp quân sự của Kiev cho rằng, J-11BH không chỉ sao chép Su-27, tất cả thiết bị điện tử vô tuyến điện trên loại máy bay này là do Nga hoặc Ukraine sản xuất.

Đương nhiên, dựa theo phát biểu chính thức này, trạm radar trên máy bay là do Trung Quốc nghiên cứu chế tạo. Nhưng trên thực tế nó là do nhà máy Novator của Ukraine sản xuất. Nó dùng cho phiên bản cải tiến của radar H001 trên máy bay chiến đấu Su-27, Trung Quốc chỉ đổi một số linh kiện tiên tiến hơn.

Ruben Johnson cho rằng, do Mỹ và Tây Âu trừng phạt, vai trò của Trung Quốc trong chính sách đối ngoại của Nga được nâng lên, vì vậy Bắc Kinh sẽ nhận được nhiều dầu khí, nguyên liệu và công nghệ quân sự hơn từ sự hợp tác Nga-Trung.

Trung Quốc muốn mua vũ khí thế hệ mới và các cuộc đàm phán lâu dài về công nghệ có thể sẽ kết thúc thắng lợi, những trang bị và công nghệ này có thể giúp cho công nghiệp quốc phòng Trung Quốc được nâng lên trình độ mới, chẳng hạn Trung Quốc sẽ mua sắm động cơ hàng không 117S hoặc máy bay chiến đấu đa năng Su-35.

Moscow cơ bản coi Trung Quốc là nguồn tài chính duy nhất có thể bảo đảm cho nền kinh tế Nga.

Không nhất thiết phải đồng ý với quan điểm của Ruben Johnson, bởi vì nhà nhập khẩu lớn vũ khí Nga không chỉ có Trung Quốc. Tổng giám đốc Anatoly Isaikin, Công ty xuất khẩu sản phẩm quốc phòng Nga (Rosoboronexport) cho biết, trong thời gian 3 năm (gồm năm 2016), công ty luôn duy trì lượng tiêu thụ 13 tỷ USD/năm. Công ty đang thực hiện cương yếu phát triển đến năm 2020.

Mô hình tàu ngầm thông thường Amur 1650 Nga (ảnh tư liệu)
Mô hình tàu ngầm thông thường Amur 1650 Nga (ảnh tư liệu)

"Đang thực hiện kế hoạch năm tài khóa do Tổng thống và Chính phủ phê chuẩn, công tác năm 2014 tiến hành theo kế hoạch. Trong tương lai xuất khẩu sản phẩm sẽ không phá kỷ lục, nguyên nhân mọi người đều biết rõ, đơn đặt hàng quốc phòng của Nga rất nhiều" – Anatoly Isaikin nói.

Ông cho biết thêm: "Chắc chắn phải ưu tiên bảo đảm đổi mới trang bị cho Lục quân và Hải quân Nga. Khả năng sản xuất có hơi quá tải, xuất khẩu cũng luôn tăng lên, nhu cầu vũ khí Nga của thị trường quốc tế đã vượt khả năng sản xuất".

Quả thực, rất nhiều nước đang xếp hàng mua sắm vũ khí của Nga. Giống như thập niên 90 của thế kỷ trước, khách hàng lớn nhất là Trung Quốc. Họ sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới sở hữu tên lửa đất đối không kiểu mới nhất S-400 của Nga, trước đây, loại tên lửa này bị cấm xuất khẩu.

Các hợp đồng ký kết tiếp theo là máy bay chiến đấu đa năng Su-35 và vũ khí tấn công đồng bộ, sản xuất tàu ngầm thông thường Amur-1650 theo giấy phép. Trung Quốc đã sớm quan tâm rất lớn đối với vấn đề này.

Sản phẩm công nghiệp quốc phòng Nga sẽ còn duy trì vị thế dẫn trước trên thị trường thế giới. Quả thực, đã không còn các bộ kiện, linh kiện của Ukraine.

Việt Dũng