Vịnh Bengal và biển Ả rập sẽ là "nơi săn bắn" thường xuyên của tàu ngầm TQ?

15/04/2015 06:30
Đông Bình (nguồn Tin tức Tham khảo, TQ)
(GDVN) - Tướng Mỹ lần đầu tiên công khai lo ngại; thủy thủ Trung Quốc có thể bắn nhầm vũ khí hạt nhân; Trung Quốc dùng tàu ngầm hạt nhân hộ tống chỉ là cái cớ...
Đô đốc William Gortney - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phương Bắc, Quân đội Mỹ
Đô đốc William Gortney - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phương Bắc, Quân đội Mỹ

Mỹ lo ngại mối đe dọa từ tàu ngầm Trung Quốc

Trang mạng VOA Mỹ ngày 10 tháng 4 cho rằng, những nỗ lực phát triển năng lực tấn công tên lửa hạt nhân tầm xa dưới nước của Trung Quốc đang đạt được tiến triển. Sĩ quan chỉ huy Quân đội Mỹ cho biết, tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Trung Quốc sẽ tạo ra mối đe dọa ngày càng lớn đối với lãnh thổ Mỹ.

Các quan chức và chuyên gia quốc phòng Mỹ cho rằng, 3 tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Tấn của Trung Quốc đã hạ thủy và sẽ trang bị tên lửa đạn đạo xuyên lục địa JL-2 lắp đầu đạn hạt nhân, thực hiện nhiệm vụ chiến lược ở dưới nước, làm cho Trung Quốc lần đầu tiên có năng lực bắn tên lửa hạt nhân xuyên lục địa từ trên biển.

Ngày 7 tháng 4, tại Lầu Năm Góc, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phương Bắc Quân đội Mỹ, Đô đốc William Gortney cho rằng, Hải quân Trung Quốc đã triển khai 3 tàu ngầm hạt nhân chiến lược ở trên biển, những tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Trung Quốc sẽ tạo ra mối đe dọa mới đối với an ninh lãnh thổ Mỹ.

Đây là lần đầu tiên, tướng lĩnh cao cấp Mỹ bày tỏ công khai sự lo ngại đối với tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc. William Gortney cho biết, ông theo dõi chặt chẽ tàu ngầm tên lửa của Trung Quốc, những tên lửa này có tầm bắn rất xa (JL-2 có tầm bắn khoảng 4.598 dặm Anh).

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 Hải quân Trung Quốc (nguồn mạng sina TQ)
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 Hải quân Trung Quốc (nguồn mạng sina TQ)

William Gortney nói: "Mặc dù bắn từ lãnh hải của họ, những đầu đạn hạt nhân này cũng có thể vươn tới một phần khu vực của lãnh thổ chúng ta (Mỹ), chẳng hạn Hawaii. Những tàu ngầm hạt nhân này càng di chuyển về phía đông thì càng có thể tấn công nhiều khu vực hơn của nước chúng ta".

So với thiết bị bắn tên lửa hạt nhân trên mặt đất, tàu ngầm hạt nhân chiến lược có tính di động và tính bí mật lớn hơn, hơn nữa nhân viên thao tác vũ khí hạt nhân trên tàu và liên lạc với bộ chỉ huy chiến lược khó khăn hơn so với trên đất liền.

Theo báo chí Mỹ, Trung Quốc đang thử nghiệm một loại phiên bản nâng cấp của tàu ngầm hạt nhân tấn công, đó là 3 tàu ngầm hạt nhân phiên bản cải tiến Type 093G, có vỏ ngoài hình giọt nước, dài hơn thế hệ trước và có hệ thống bắn thẳng đứng lắp tên lửa hành trình chống hạm siêu âm YJ-18 (lắp đầu đạn 660 pound), có tốc độ nhanh hơn, chạy êm hơn, có thể tấn công tàu chiến địch ngoài 250 dặm Anh, đủ để bắn chìm các tàu có kích cỡ như tàu khu trục, có thể cơ động để tránh bị tên lửa đánh chặn.

Tại phiên điều trần ngày 1 tháng 4 của Ủy ban nghiên cứu kinh tế và an ninh Mỹ-Trung, Quốc hội Mỹ, phó giáo sư Christopher P. Twomey của Viện nghiên cứu hải quân Mỹ cho rằng, nhân viên tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc có thể hiểu nhầm chỉ lệnh, rủi ro bắn nhầm vũ khí hạt nhân tương đối lớn.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công mới nhất Type 093G của Hải quân Trung Quốc (nguồn mạng sina TQ)
Tàu ngầm hạt nhân tấn công mới nhất Type 093G của Hải quân Trung Quốc (nguồn mạng sina TQ)

Theo Christopher P. Twomey: "Trung Quốc thành lập lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược sẽ buộc họ tiến hành một số thay đổi. Sự thay đổi này sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều so với sự chuyển đổi sang lực lượng tàu ngầm hạt nhân của bản thân chúng ta, trong khi đó, sự chuyển đổi ban đầu của chúng ta hoàn toàn không phải thuận buồm xuôi gió".

Theo bài báo, Trung Quốc luôn tuyên bố không sử dụng trước vũ khí hạt nhân. Đô đốc William Gortney cho rằng, điểm này làm ông cảm thấy yên tâm một phần.

Nhưng, tại phiên điều trần trên, một số ủy viên và chuyên gia quốc phòng cho rằng, những lời thề thốt không sử dụng trước vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có thể không đáng tin cậy.

Một nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Bộ Tư lệnh tấn công toàn cầu Không quân Mỹ cho rằng: "Lời thề thốt của họ đáng tin bao nhiêu? Lời thề thốt này có bao nhiêu thực tế? Đây là sự nghi ngờ thực sự. Tôi cho rằng, một số văn kiện tư tưởng chiến lược của họ cho thấy rõ, Quân đội Trung Quốc đã cân nhắc vượt trước giới hạn sử dụng vũ khí hạt nhân trước khi đối thủ ra tay".

Mỹ có lực lượng tấn công hạt nhân tam vị nhất thể mạnh nhất toàn cầu, bao gồm một lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược mạnh hơn nhiều Trung Quốc. Quân đội Mỹ hy vọng, tăng cường đối thoại và giao lưu với Trung Quốc có thể giảm rủi ro phán đoán nhầm.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 096 Trung Quốc (tưởng tượng)
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 096 Trung Quốc (tưởng tượng)

Chuyên gia quân sự Trung Quốc giấu tên cho rằng, Trung Quốc phát triển lực lượng tàu ngầm hạt nhân phù hợp với xu thế hiện đại hóa quốc phòng của Trung Quốc, phù hợp với tư cách “nước lớn”. Công nghệ tàu ngầm hạt nhân phức tạp, chi phí chế tạo đắt đỏ, vì vậy loại cỡ tàu ngầm hạt nhân phát triển trước đây của Trung Quốc không nhiều như Mỹ và Nga, tính năng cũng lạc hậu hơn.

Chuyên gia này tự tin cho rằng, cùng với sự phát triển của hệ thống công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, nhất là sự phát triển của các lĩnh vực như hàng không vũ trụ, điện tử và đóng tàu, sự phát triển của tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc chắc chắn sẽ giành được tiến bộ lớn, khoảng cách với Mỹ sẽ thu hẹp, thậm chí sẽ “tiếp cận” trình độ của Mỹ, Nga trên một số lĩnh vực; cũng giống như lĩnh vực trang bị khác, điều này làm cho người Mỹ có thể không thoải mái, nhưng phải dần dần “thích ứng”.

Hãng tin Reuters Anh cũng cho rằng, Trung Quốc đã tăng cường coi trọng phát triển trang bị quân sự và tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng, đang đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa. Trung Quốc đang xây dựng quân đội đủ mạnh để ép Mỹ rời khỏi khu vực, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo của họ có thể vươn tới tất cả các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản. Mỹ cần đánh giá chiến lược của họ ở Thái Bình Dương.

Ấn Độ lo ngại mối đe dọa tàu ngầm Trung Quốc

Trang mạng “Học giả Ngoại giao” Nhật Bản ngày 12 tháng 4 cũng có bài viết của nhà nghiên cứu cao cấp P.K. Ghosh thuộc Quỹ nghiên cứu quan sát Ấn Độ. Theo bài báo, Trung Quốc điều một tàu ngầm hạt nhân (có thể là Type 093) đến Ấn Độ Dương tham gia “hộ tống” đã gióng lên hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ cho Hải quân Ấn Độ, động thái có ý nghĩa chiến lược này gây ảnh hưởng to lớn.

Hình ảnh tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093 của Hải quân Trung Quốc đến Ấn Độ Dương được tuyên truyền trên báo chí Trung Quốc (nguồn mạng sina TQ)
Hình ảnh tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093 của Hải quân Trung Quốc đến Ấn Độ Dương được tuyên truyền trên báo chí Trung Quốc (nguồn mạng sina TQ)

Bài báo cho rằng, tàu ngầm hoàn toàn không phải là trang bị thích hợp để đối phó với cướp biển hoặc hành vi cướp biển. Ở vùng biển Somalia, cướp biển dùng tàu nhỏ độc lập hoặc thành cụm để tấn công tàu thuyền các nước, sau đó quay về tàu mẹ lớn hơn ở khu vực lân cận, phạm vi hoạt động của chúng rất lớn.

Tàu ngầm có tốc độ khá chậm, rất khó đuổi theo những tàu có độ linh hoạt cao này, cũng rất khó bắn ngư lôi, vì vậy, tàu ngầm không cần thiết dùng cho các hoạt động chống cướp biển. Thực ra, Trung Quốc đang tăng cường khả năng tuần tra.

Hải quân Ấn Độ cho rằng, người Trung Quốc có thể đang tiến hành nghiên cứu thủy văn ở duyên hải phía tây Ấn Độ, bởi vì trong hạm đội đặc biệt của Trung Quốc còn có một tàu nghiên cứu có thể tiến hành đo đạc, nghiên cứu: thăm dò độ sâu đáy biển. Nhưng, Hải quân Ấn Độ cũng cho rằng, hoàn toàn không phát hiện thấy tàu Trung Quốc xuất hiện ở lãnh hải Ấn Độ.

Bài báo chỉ ra một số nguyên nhân Trung Quốc triển khai tàu ngầm ở Ấn Độ Dương như sau:

Trước hết, Trung Quốc lấy tuần tra chống cướp biển làm cái cớ, chủ động tiến hành triển khai tàu chiến có vẻ như xuất phát từ thiện chí, thực ra là một chiêu hay, mục đích là có thể triển khai hành động thời gian dài hơn ở vùng biển xa (điều quan trọng hơn là ở sân sau chiến lược của Ấn Độ). Đồng thời, Trung Quốc có thể tiến hành hợp tác với hải quân của các nước đối thủ như Nhật Bản và Ấn Độ, giúp họ có thể đánh giá những lực lượng hải quân này.

Tàu ngầm thông thường Type 039 Hải quân Trung Quốc xuất hiện ở cảng Colombo, Sri Lanka vào tháng 9 năm 2014.
Tàu ngầm thông thường Type 039 Hải quân Trung Quốc xuất hiện ở cảng Colombo, Sri Lanka vào tháng 9 năm 2014.

Thứ hai, Trung Quốc triển khai tàu ngầm này đã phát đi tín hiệu chiến lược, đặc biệt là các cơ quan an ninh của Ấn Độ (luôn bàn về ảnh hưởng chiến lược của việc Hải quân Trung Quốc đặt chân tới khu vực Ấn Độ Dương). Rõ ràng, Quân đội Trung Quốc có khả năng triển khai hành động ở khu vực cách xa căn cứ vài nghìn dặm Anh trong thời gian 7 tháng.

Thứ ba, khả năng triển khai hành động ở ngoài duyên hải của tàu ngầm hạt nhân trước đây của Trung Quốc như tàu ngầm hạt nhân lớp Hạ là có hạn. Tàu ngầm mới lớp Thương và lớp Tấn có công nghệ tiên tiến hơn. Vì vậy, Trung Quốc đã tiếp tục chứng minh năng lực của họ trong nghiên cứu công nghệ cao và có thể triển khai lực lượng quân sự ở biển xa, phô trương năng lực tầm xa.

Thứ tư, liên tiếp triển khai hành động ở Ấn Độ Dương làm cho Trung Quốc có thể tìm hiểu tình hình thủy văn của khu vực này, tạo thuận lợi cho triển khai tàu ngầm tiếp theo.

Cuối cùng, trong khi hải quân các nước khác muốn giảm hoạt động tuần tra chống cướp biển ở khu vực này, Trung Quốc không chỉ đã duy trì lực lượng quân sự ban đầu, có lúc thậm chí còn tăng cường. Nguyên nhân khả năng nhất là, để cho tàu chiến, tàu ngầm và các thủy thủ của họ tiếp tục tìm hiểu khu vực này, có thể là do họ có kế hoạch tiến hành triển khai thường xuyên trong tương lai không xa.

Vì vậy, nói rằng vịnh Bengal và biển Ả rập có thể sẽ trở thành “khu săn bắn” thường xuyên của tàu ngầm Trung Quốc hoàn toàn không phải là chuyện vô cớ. Một khi xảy ra khủng hoảng, tàu ngầm Trung Quốc có thể mai phục ở vị trí yết hầu hiểm yếu hoặc ngoài cảng của Ấn Độ, tác chiến với hạm đội Hải quân Ấn Độ bất cứ lúc nào.

Rõ ràng, Ấn Độ đã có láng giềng mới trên biển Trung Quốc – nước có thể triển khai hành động ở khu vực lân cận bờ biển Ấn Độ và Ấn Độ Dương. Nếu coi nhẹ mối đe dọa này, Ấn Độ sẽ tự chuốc lấy rủi ro.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8I Poseidon của Ấn Độ, mua của Mỹ
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8I Poseidon của Ấn Độ, mua của Mỹ
Đông Bình (nguồn Tin tức Tham khảo, TQ)