Ý đồ dùng tàu sân bay Liêu Ninh cho tác chiến ở Trường Sa đã lộ rõ?

06/12/2013 14:19
Đông Bình
(GDVN) - Tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc xuất phát từ cảng Thanh Đảo, dưới sự hộ tống của các tàu khu trục tên lửa (2 chiếc) và tàu hộ vệ tên lửa (2 chiếc), chạy xuống Biển Đông, triển khai cái gọi là "hoạt động thử nghiệm nghiên cứu khoa học và huấn luyện quân sự"
Tàu sân bay Liêu Ninh ở quân cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 26 tháng 11 năm 2013 - trước khi lên đường xuống Biển Đông.
Tàu sân bay Liêu Ninh ở quân cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 26 tháng 11 năm 2013 - trước khi lên đường xuống Biển Đông.

Tân Hoa xã ngày 6 tháng 12 đăng bài viết “Giáo sư Đại học Quốc phòng nói cụm chiến đấu tàu sân bay Liêu Ninh có 5 điểm yếu lớn” của các học giả Oa Trung An, Lý Vĩ thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc.

Bài viết cho rằng, ngày 26 tháng 11, tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh Trung Quốc xuất phát từ cảng Thanh Đảo, dưới sự hộ tống của các tàu khu trục tên lửa (2 chiếc) và tàu hộ vệ tên lửa (2 chiếc), chạy xuống Biển Đông, triển khai cái gọi là "hoạt động thử nghiệm nghiên cứu khoa học và huấn luyện quân sự".

Đây là lần đầu tiên tàu sân bay Liêu Ninh tổ chức huấn luyện chạy tới vùng biển khác trong thời gian dài, cũng là lần đầu tiên tiến hành huấn luyện biển xa với hình thức biên đội tàu sân bay.

Cụm chiến đấu tàu sân bay với hạt nhân là tàu Liêu Ninh đến Biển Đông huấn luyện lần đầu tiên đánh dấu sức chiến đấu và khả năng răn đe của tàu Liêu Ninh đã và đang được TQ tăng tiến độ.

Nó có thể làm thay đổi cục diện lâu dài được truyền thông TQ cố gắng tuyên truyền là"có biển mà không phòng thủ được" ở Biển Đông của Trung Quốc (thực ra đây đòi hỏi "đường lưỡi bò" bất hợp pháp của Trung Quốc), chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng "to lớn" đến tình hình Biển Đông, Tân Hoa xã coi đây là sự "đột phá lớn" trong lịch sử “phòng thủ Biển Đông” của Trung Quốc.

Thử nghiệm và huấn luyện ở Biển Đông có ý gì?

Đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa máu thịt của Việt Nam (nguồn ảnh: Báo QĐND)
Đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa máu thịt của Việt Nam (nguồn ảnh: Báo QĐND)


Theo bài báo, tiến hành huấn luyện biển xa là một con đường tất yếu để định hình và xây dựng năng lực tác chiến cho một chiếc tàu sân bay. Đối với tàu Liêu Ninh vẫn còn ở trong giai đoạn thử nghiệm và huấn luyện, lần này đến vùng biển khác, hoạt động thời gian dài là khoa mục huấn luyện bình thường thường niên.

Đến Biển Đông có thể tiến hành kiểm tra toàn diện tình hình hoạt động trên biển xa của tàu sân bay, gồm các phương diện như cất/hạ cánh máy bay, kiểm tra tính năng của các loại trang bị, đặt cơ sở cho thử nghiệm trang bị và huấn luyện tiếp theo. Mục đích chủ yếu thể hiện trên 3 phương diện:

Một là kiểm tra tính năng trang bị của toàn bộ con tàu trong điều kiện hoạt động liên tục, thu thập dữ liệu, số liệu, kinh nghiệm cho nhiệm vụ thử nghiệm, huấn luyện tiếp theo.

Hai là thử nghiệm tính năng trang bị trong điều kiện khí tượng, thủy văn khác nhau. Điều kiện khí tượng và thủy văn của vùng biển phía bắc và phía nam Trung Quốc có sự khác biệt rất lớn. Môi trường khác nhau ảnh hưởng rất lớn đến tính năng của vũ khí trang bị, nhất là về dò tìm của radar và thiết bị định vị thủy âm (sonar), cần tiến hành kiểm tra tính thích ứng của các trang bị trên tàu sân bay.

Trước đây, tàu sân bay Liêu Ninh tiến hành huấn luyện ở vùng biển phía bắc, chủ yếu là ở Thanh Đảo, binh sĩ trên tàu tương đối quen thuộc điều kiện tình hình biển của vùng biển này. Lần này đến Biển Đông - vùng biển rộng lớn, có điều kiện khí tượng, thủy văn tương đối phức tạp - tiến hành huấn luyện và thử nghiệm, có thể kiểm tra toàn diện hơn tính năng trang bị.

Đồng thời, về nhu cầu tác chiến tương lai, vùng biển nước sâu của Biển Đông được Bắc Kinh xem là vùng biển hoạt động chủ yếu của tàu chiến cỡ lớn Hải quân Trung Quốc trong tương lai, làm quen với vùng biển này không chỉ rất quan trọng đối với tàu Liêu Ninh, mà còn rất cần thiết đối với các tàu chiến khác.

Tau khu trục tên lửa Thạch Gia Trang Project 051C Hạm đội Bắc Hải tham gia biên đội tàu Liêu Ninh xuống Biển Đông
Tau khu trục tên lửa Thạch Gia Trang Project 051C Hạm đội Bắc Hải tham gia biên đội tàu Liêu Ninh xuống Biển Đông

Ba là khảo nghiệm và rèn luyện trình độ huấn luyện chỉnh thể của lực lượng. Thông qua các khoa mục huấn luyện lấy tàu sân bay làm trung tâm, có thể tăng cường tính phối hợp hiệp đồng của các tàu chiến trong biên đội, đồng thời còn có thể lấy đó làm cơ hội, đào tạo một lượng lớn nhân viên tàu sân bay có tố chất cao. Đây là yêu cầu tất yếu của xây dựng hải quân hiện đại mạnh.

Có hai tuyến đường tiện lợi nhất để tàu Liêu Ninh từ biển Hoàng Hải đến Biển Đông là: (1) Từ biển Hoàng Hải đi ra biển Hoa Đông, rồi đi qua eo biển Đài Loan, đến Biển Đông. (2) Từ biển Hoàng Hải đi ra biển Hoa Đông, rồi qua eo biển Miyako hoặc vùng biển lân cận Yonaguni, chạy qua eo biển Bashi giữa Đài Loan và Philippines, đi vào Biển Đông. Tàu Liêu Ninh lần này lựa chọn đi tuyến đường điều thứ nhất, hơn nữa chạy dọc theo phía tây đường trung gian của eo biển Đài Loan, sát với bờ biển đông nam của Trung Quốc.

Lựa chọn tuyến đường này cho thấy tàu Liêu Ninh hiện nay vẫn nằm ở huấn luyện và thí nghiệm khoa học. Đồng thời, cũng đã tránh tình hình căng thẳng do việc thiết lập Khu nhận biết phòng không gây ra. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang thực hiện kịch bản truyền thông, cố gắng truyền đạt rằng "Trung Quốc cũng đã công bố trước thông tin tàu Liêu Ninh đến Biển Đông, cũng cho thấy họ có "thiện chí", đã "làm giảm mối nghi ngờ của các nước xung quanh Biển Đông".

Tàu khu trục tên lửa Thẩm Dương Project 051C của Hạm đội Bắc Hải, tham gia biên đội tàu Liêu Ninh xuống Biển Đông.
Tàu khu trục tên lửa Thẩm Dương Project 051C của Hạm đội Bắc Hải, tham gia biên đội tàu Liêu Ninh xuống Biển Đông.

Hiện nay, theo bình luận của giới chuyên gia TQ, "hành trình máy bay chiến đấu có hạn là vật cản lớn duy trì sự hiện diện quân sự (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở vùng biển Trường Sa, điều này làm cho Trung Quốc rất khó duy trì máy bay chiến đấu tuần tra và uy hiếp lâu dài ở Biển Đông". Nhất là đối với vùng biển cực nam bãi ngầm James mà Trung Quốc gọi là bồn địa Tăng Mẫu, một khi có sự cố, Trung Quốc rất khó nhanh chóng tới được vùng biển này. Tàu Liêu Ninh đến Biển Đông sẽ làm "đảo ngược hoàn toàn" tình hình này.

Bởi vì, theo bài báo, trên tàu sân bay có thể cho máy bay chiến đấu J-15 cất cánh bất cứ lúc nào, tiến hành theo dõi và uy hiếp các mục tiêu trong phạm vi bán kính 800- 900 km. Điều này sẽ mở rộng rất lớn phạm vi hoạt động quân sự của Hải quân Trung Quốc, đánh dấu Hải quân Trung Quốc đang "từ phòng thủ biển gần vươn ra phòng thủ biển xa".

Chẳng hạn, cất cánh từ trên tàu sân bay di động, bán kính tác chiến của J-15 không chỉ có thể bao trùm "quần đảo Trung Sa" trong đó có bãi cạn Scarborough, mà còn có thể bao trùm toàn bộ quần đảo Trường Sa của Việt Nam và mục tiêu trên đất liền ở xung quanh Biển Đông, trong đó có thủ đô Manila của Philippines.

Nhìn ở cấp độ chiến lược quốc gia, tàu Liêu Ninh đến Biển Đông không chỉ đã tập trung thể hiện thực lực tổng hợp của Trung Quốc đã được tăng cường, mà còn cho thấy tàu sân bay Trung Quốc có thể hỗ trợ cho công cuộc tranh đoạt chủ quyền của nước khác tại vùng biển này, mà Bắc Kinh vẫn tuyên truyền là  "tạo sự hỗ trợ chiến lược cho phát triển hòa bình" của Trung Quốc.

Trung Quốc đã tổ chức cho máy bay chiến đấu J-15 cất/hạ cánh nhiều lần trên tàu Liêu Ninh
Trung Quốc đã tổ chức cho máy bay chiến đấu J-15 cất/hạ cánh nhiều lần trên tàu Liêu Ninh

Kỳ sau: 5 điểm yếu lớn của biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc
Đông Bình