“Ăn theo, nói leo” và những câu chuyện trên Báo

22/04/2017 08:42
Xuân Dương
(GDVN) - Nói về vai trò của Công đoàn, trong dư luận đến nay vẫn lưu truyền một câu thành ngữ không mấy hay ho: “ăn theo, nói leo”.

Ngày 20/4/2017, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng bài “Những "đòi hỏi" vô lý của ông Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động” của tác giả Trúc Diệp.

Đọc xong bài này, người viết chợt nhớ đến câu chuyện của chính mình mấy chục năm trước. 

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi còn làm nghiên cứu sinh tại Tiệp Khắc (nay là Cộng hòa Séc) người viết có dịp làm việc cùng một số lãnh đạo Công đoàn ngành Đại học và Trung học chuyên nghiệp (Công đoàn ngành) khi đoàn đại biểu Công đoàn ngành dự hội nghị tại Đông Âu.

Năm 1988, sau khi về nước, ông Nguyễn Mậu Bành, Chủ tịch và ông Lương Lãng, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành đã gặp gỡ và đề nghị người viết chuyển về làm việc tại Văn phòng Công đoàn ngành. 

Chủ ý của hai vị lãnh đạo là mong muốn có một số cán bộ có kinh nghiệm giảng dạy, có học hàm, học vị tham gia quản lý mảng chuyên môn của Công đoàn. 

Trong số các Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn ngành có một vị lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

Hồ sơ nộp cho Vụ Tổ chức bao gồm giấy đồng ý cho chuyển công tác của cơ quan cũ và giấy tiếp nhận của Công đoàn ngành, chờ 3 tháng vẫn không được Vụ Tổ chức phân công công tác.

Lý do mà vị lãnh đạo Vụ Tổ chức đưa ra là, chỉ tiêu nghiên cứu sinh ra nước ngoài nghiên cứu đã được Chính phủ phân cho các bộ, ngành. 

Nếu Bộ đồng ý cho một phó tiến sĩ chuyển sang Công đoàn ngành thì Bộ sẽ mất chỉ tiêu do đó Vụ Tổ chức không thể đồng ý.

Một vài anh em trong Văn phòng Công đoàn ngành khuyên nên đến gặp gỡ trao đổi riêng với ông cán bộ kia vì dù sao ông cũng là Ủy viên Ban chấp hành. 

Vì không đến gặp ông “tổ chức” nên dù nhận được sự ủng hộ của hai vị lãnh đạo cao nhất Công đoàn ngành người viết phải nhận quyết định về công tác tại một trường thuộc Bộ. 

Văn phòng Công đoàn ngành nằm ngay trong khuôn viên cơ quan Bộ, nhưng mong muốn của lãnh đạo Công đoàn ngành không có ý nghĩa gì so với quyền của Vụ Tổ chức. 

Nó cũng cho thấy phần nào vai trò, ý nghĩa của tổ chức Công đoàn trong Giáo dục nói riêng và xã hội nói chung.

Có thể thấy từ mấy chục năm trước, vai trò Công đoàn trong ngành Giáo dục đã bị xem nhẹ như thế nào. 

Ông Trần Duy Phương - Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (ngồi giữa) và ông Vũ Minh Đức (ngoài cùng bên phải) - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam trong buổi làm việc với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. ảnh: H.Lực.
Ông Trần Duy Phương - Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (ngồi giữa) và ông Vũ Minh Đức (ngoài cùng bên phải) - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam trong buổi làm việc với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. ảnh: H.Lực.

Nói về vai trò của Công đoàn, trong dư luận đến nay vẫn lưu truyền một câu thành ngữ không mấy hay ho: “ăn theo, nói leo”.

Để khỏi bị ông Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn yêu cầu cung cấp thông tin, xin trích dẫn một vài ví dụ. 

Câu hỏi trong cuộc thi “Chủ tịch Công đoàn giỏi năm 2013” tại Trường Trung học Phổ thông Đồng Dậu, tỉnh Vĩnh Phúc:

Tình huống 9: Có dư luận cho rằng: "Công đoàn là ăn theo nói leo" bằng hoạt động tham gia quản lý đồng chí hãy giải thích cho dư luận trên?”. [1]

Một tờ báo địa phương, báo Phú Yên online, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Phú Yên viết:

Thành ngữ thời hiện đại “Công đoàn ăn theo, nói leo” không  phải là không đúng khi ở nhiều cơ quan, đơn vị vai trò của tổ chức công đoàn bị thủ trưởng xem nhẹ, hoặc công đoàn không thực hiện đúng vai trò, chức năng của mình”. [2]

Hoạt động của Công đoàn ngoài ngành Giáo dục cũng không phải là ngoại lệ. 

 “Ăn theo, nói leo” và những câu chuyện trên Báo ảnh 2

Công đoàn trường học còn bù nhìn nói gì đến thanh tra

Một bài báo trên Trang thông tin điện tử Sở Công thương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu viết:

Nơi nào phân công cán bộ công đoàn, chủ tịch công đoàn cơ sở có vai vế tương xứng với thủ trưởng cơ quan và giám đốc thì hoạt động công đoàn thuận lợi. Nơi nào rơi vào vị trí “lép vế” chắc chắn là phải “ăn theo, nói leo”. [3]

Một tờ báo, với tiêu chí đặt trên trang nhất “Lợi quyền của người lao động”, nhiều năm trước đã có bài báo khá dí dỏm về chuyện “ăn theo, nói leo”, một đoạn đối thoại trong bài báo thế này: 

Nhưng sao có thời chính Công đoàn đã phải chống kiểu “ăn theo nói leo” trong tổ chức của mình?.

Đấy là thời kỳ đầu sau chiến tranh. Có bác nhà báo Công đoàn đi cơ sở viết bài về Công đoàn. Đến đâu, đồng chí thư ký nào cũng mở đầu: “Báo cáo nhà báo, Công đoàn chúng tôi làm tham mưu cho cấp uỷ…”. 

Ngày thứ ba, sang một vùng khác cũng nghe Công đoàn làm tham mưu, bác này cáu: Các anh ăn lương Công đoàn phải làm việc Công đoàn, sao cứ đi làm tham mưu cả, không ai ra trận à? 

Mọi người đều cười, nói thế cho kín kẽ, ai cũng biết Công đoàn nhiều việc lắm, lo cơm áo gạo tiền cho công nhân viên chức cơ mà”! [4]

Người viết thực lòng không nghĩ ông Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thuộc diện như “đồng chí thư ký (công đoàn)” mà bài viết trên mô tả bởi ông không “đi làm tham mưu” mà ông trực tiếp “ra trận”.

Người viết chỉ có chút băn khoăn, khi ông “ra trận” với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bằng yêu cầu “cung cấp từng trường hợp cụ thể để làm việc trực tiếp, xác minh lại sự việc vì "liên quan đến chúng tôi” thì ông có vượt quá các quy định trong Luật Báo chí và Luật Phòng chống tham nhũng về trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan báo chí?

 “Ăn theo, nói leo” và những câu chuyện trên Báo ảnh 3

Cán bộ công đoàn còn mải lo cho mình, sợ mang vạ, làm gì có ai lo cho giáo viên

Xét về góc độ nghề nghiệp, khi một người từng làm Tổng Biên tập một tờ báo yêu cầu “phải được xem trước” bài báo mà tờ báo khác dự định đăng tải liệu có quá đà, liệu có vượt quá “giới hạn đỏ” của nghề làm báo?

Chiều 5/1/2017, tại Hải Phòng đã tổ chức “Hội nghị Ban chấp hành Tổng liên đoàn lao động Việt Nam”, báo Chinhphu.vn viết: “báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém chủ yếu. 

Đó là, nhiệm vụ của các cấp công đoàn trong việc tổ chức thực hiện quy định pháp luật thương lượng về tiền lương chưa được tập trung đúng mức, đánh giá chất lượng thoả ước lao động tập thể chưa đúng quy định. 

Chỉ có 10,7% trong 11.413 bản thoả ước được phân loại có nội dung thương lượng về tiền lương. Việc thực hiện nhiệm vụ đại diện khởi kiện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động triển khai chậm…”. [5]

Trong khi chính Tổng Liên đoàn lao động thừa nhận, vai trò của công đoàn trong việc “bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động triển khai chậm” thì vì sao ông cán bộ Tuyên giáo Tổng Liên đoàn lại “vặn vẹo” về những bài báo đề cập đến quyền lợi hợp pháp của thày cô giáo được chính các thày cô phản ảnh trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam? 

Báo điện tử Nld.com.vn trong bài “Ba điều hạn chế ảnh hưởng đến việc phát huy vai trò của Công đoàn” đã nêu một số ý kiến, trong đó đáng chú ý là “hạn chế” thứ ba: 

Cán bộ công đoàn vẫn đang là khâu yếu nhất”. [6]

Nhận xét mà Nld.com.vn nêu lên không thấy dùng cụm từ “một số” hoặc “một bộ phận không nhỏ”, vậy có phải chính tờ báo của Công đoàn cũng không muốn che giấu một sự thật, rằng khâu yếu nhất trong hoạt động công đoàn chính là Cán bộ? 

Và không thể không nêu tiếp câu hỏi khác: “khâu yếu nhất” ấy chỉ là về nghiệp vụ công đoàn hay còn cả những “nghiệp vụ” khác?

Trước đây người viết vốn không tin “Cán bộ công đoàn” lại là khâu yếu nhất nhưng khi đọc được nhận định của báo Nld.com.vn, nhất là qua những đòi hỏi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thì đành phải tin rằng đó là sự thật.  

Nếu ai cần thêm dẫn chứng các biểu hiện “ăn theo, nói leo” thì còn rất nhiều bài báo khác, chỉ sợ khi cung cấp thì không ai đủ thời gian đọc hết tít bài chứ chưa nói đến nội dung.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://vinhphuc.edu.vn/thptdongdau/news/new11388/thi-ch-tch-cng-on-gii-nm-2013-cu-hi-x-l-tnh-hung

[2] http://baophuyen.com.vn/76/23187/khi-thu-truong-ton-trong-cong-doan.html

[3] http://soct.baria-vungtau.gov.vn/web/guest/hoat-dong-cong-doan/-/ctbrvt/extAssetPublisher/content/25275/can-bo-cong-doan-yeu-kem-nguyen-nhan-tu-dau.html;jsessionid=F70DC0BFDD5AEC1D452B1633F9A7E275

[4] http://laodong.com.vn/noi-hay-dung/suc-manh-cong-doan-o-dau-129647.bld

[5] http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Hoat-dong-cong-doan-phai-huong-ve-co-so-huong-ve-nguoi-lao-dong/296034.vgp

 [6] http://nld.com.vn/cong-doan/ba-dieu-han-che-anh-huong-den-viec-phat-huy-vai-tro-cua-cd-45795.htm

Xuân Dương