LTS: Gần đây, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải một số bài phản ánh về việc các tổ chức trong trường học chỉ mang tính hình thức như Ban thanh tra nhân dân... khiến quy chế dân chủ chưa được phát huy.
Cô giáo Đỗ Quyên cho rằng không chỉ có Thanh tra nhân dân mà tổ chức Công đoàn cũng chẳng khác nào bù nhìn trong trường học.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Đọc bài “Thanh tra nhân dân bù nhìn hay chỗ dựa” của tác giả Thiên Ấn đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tôi thấy thật sự tâm đắc.
Bởi bài báo đã lột tả một cách chân thực hoạt động thực tế của Ban thanh tra nhân dân trong các trường học hiện nay.
Nhưng đâu chỉ mình thanh tra nhân dân là “bù nhìn”, là “chỗ dựa” cho Hiệu trưởng? Mà chính tổ chức Công đoàn ở các trường học phần nhiều cũng là “cánh tay nối dài của Hiệu trưởng” như thế.
Bởi xét cho cùng các chức danh trong nhà trường đều do Hiệu trưởng nhà trường trực tiếp chi phối.
Sướng như thanh tra nhân dân
Nói là Công đoàn sẽ giới thiệu Thanh tra nhân dân nhưng gần đến ngày bỏ phiếu Bí thư chi bộ đã làm việc với Chủ tịch Công đoàn về dự kiến nhân sự bầu Thanh tra nhân dân.
Khi tên một ai đó được Hiệu trưởng đề cử đương nhiên sẽ trúng phiếu bầu. Bởi để an toàn người ta thường tổ chức bầu tròn…
Trong tất cả các chức danh kiêm nhiệm ở nhà trường thì Thanh tra nhân dân là người sướng nhất. Bởi theo cách nói của nhiều người “Không làm gì mà một tuần được miễn giảm 2 tiết”.
Sẽ có không ít người (chắc chắn không phải là giáo viên) thắc mắc tại sao Thanh tra nhân dân lại không làm gì? Nếu nói về chức năng nhiệm vụ của Thanh tra nhân dân thì có vô số việc phải làm kia đấy.
- Giám sát việc thực hiện các chính sách, chế độ, pháp luật (đặc biệt là Luật Giáo dục và Luật Lao động), các Quy chế chuyên môn của trường. Giám sát việc xây dựng, mua sắm trang thiết bị trong đơn vị.
Giám sát việc sử dụng quỹ phúc lợi, vốn tự có và các khoản tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho đơn vị (nếu có).
Giám sát việc thực hiện nghị quyết của Hội nghị cán bộ công chức, các quy định, quy chế của đơn vị.
Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Thủ trưởng đơn vị và gửi tới Thủ trưởng kiến nghị, tố cáo của đoàn viên và lao động, những sự việc liên quan đến Thủ trưởng đơn vị thì báo cáo cấp trên…
Thế nhưng trong thực tế, chỉ khi nào có sự việc xảy ra ví như nhà trường có đơn kiện thì Thanh tra nhân dân mới được Hiệu trưởng mời lên cho biết sự việc để đi nắm tình hình và làm biên bản kí tên cho đúng trình tự.
Chủ tịch Công đoàn cũng được định hướng
Về nguyên tắc Hiệu trưởng không chỉ đạo được Công đoàn nhưng Bí thư chi bộ lại làm được điều này. Mà Bí thư chi bộ hầu như lại là Hiệu trưởng.
Vậy nên có trường khi kiểm tra hồ sơ sổ sách của Công đoàn Hiệu trưởng tuyên bố “Bí thư chi bộ kiểm tra chứ không phải là Hiệu trưởng đâu nhé”.
Cứ gần đến nhiệm kì bầu Ban chấp hành Công đoàn, thường Hiệu trưởng đã “nhắm” cho mình một vị chủ tịch ưng ý nhất và hướng giáo viên toàn trường bỏ phiếu ủng hộ.
Đã có trường sau khi kiểm phiếu, người được Hiệu trưởng “nhắm” đã không đủ số phiếu theo quy định, lập tức kết quả bỏ phiếu ấy bị hủy vì vô vàn lý do Hiệu trưởng nêu ra.
Rút kinh nghiệm kiểu bỏ phiếu “dư” như thế, các trường học đều chọn kiểu “bầu tròn”. Thế là khi đã “nhắm” ai đương nhiên người ấy sẽ trúng cử.
Làm việc theo sự chỉ đạo ngầm
Giáo viên được Hiệu trưởng tin tưởng, tín nhiệm cất nhắc nắm giữ một số chức danh quan trọng trong nhà trường thì lẽ đương nhiên phải làm việc cho nhu cầu và lợi ích của Hiệu trưởng là chính, đó là cách làm việc “cúc cung tận tụy” mà không nề hà gì.
Lãnh đạo nhà trường sa sút, yếu kém, hư hỏng, trì trệ, tiêu cực vì đâu? |
Nhiều thầy cô giáo có ước vọng tiến xa hơn thì đây cũng là bàn đạp hiệu quả nhất trên con đường thăng tiến. (Nay làm Tổ trưởng, Chủ tịch Công đoàn… ngay mai rất có thể sẽ là Hiệu phó…).
Bởi thế, bất kể việc gì trước khi làm, họ cũng lên hỏi ý kiến Hiệu trưởng để đỡ sợ làm phật lòng.
Mỗi trường đều có Ban liên tịch, có thể nói mọi quyết sách trước khi được ban ra đều được đưa ra cuộc họp Liên tịch để thảo luận, bàn bạc.
Nhưng khổ nỗi, Liên tịch có độ chục người nhưng phần nhiều là những người chịu ơn Hiệu trưởng. Nên bất kể điều gì đưa ra cũng được thông qua với sự nhất trí gần như tuyệt đối.
Nhiều Hiệu trưởng cũng bày tỏ thẳng thắn: “Mọi kế hoạch đã được quyết, đưa ra cuộc họp chỉ là hình thức thăm dò dư luận mà thôi”.
Chưa nói đến việc trong số những người này, hơn phân nửa là "vệ tinh” hay “anten parabol chảo” bởi họ sẵn sàng lên Ban giám hiệu kể, tường thuật lại những gì nghe được từ giáo viên…
Những giáo viên có tên trong “sổ đen” hoặc được Hiệu trưởng tế nhị mời lên phòng làm việc. Hoặc bị mang ra giữa Hội đồng sư phạm “mổ xẻ” một cách không thương tiếc.
Bởi thế, trong trường học bao giờ cũng có “hội kín”, hay “nhóm cùng chí hướng”… để nhỏ to tâm sự xả stress.
Với kiểu “cai trị” và “quản lý” như thế câu hỏi “Bao giờ trường học có dân chủ?” sẽ chẳng ai trả lời được.