LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của thầy Nguyễn Cao, một cây bút quen thuộc trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Trong bài viết này, thầy Nguyễn Cao đề cập đến những nghịch lí trong việc đóng góp, ủng hộ mà thầy cô giáo đang phải chấp nhận.
Nhiều trường hợp thật trớ trêu khi thầy cô giáo gặp hoàn cảnh khó khăn vẫn bị trừ ngang lương để ủng hộ người nghèo.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Đọc bài "Giáo viên và gánh nặng đóng góp, ủng hộ" của thầy giáo Lê Xuân Chiến đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 14/4/2017, đã có nhiều giáo viên đồng cảm về những khoản đóng góp, ủng hộ liên tục được phát động của cấp trên.
Là những người thầy đang hàng ngày dạy học trò về lòng chia sẻ, sự yêu thương nên chúng tôi hiểu và cảm thông điều này hơn ai hết.
Chính vì vậy mà mỗi khi có chủ trương ở trên phát động hay những trường hợp đặc biệt trong trường là tất cả giáo viên ủng hộ, quyên góp.
Nhưng… các cấp cứ liên tục thông báo tháng này trừ một ngày lương, tháng kia hai ngày lương, cứ liên tục như vậy thành ra giáo viên ngán dần.
Thầy cô giáo liên tục bị trừ lương để ủng hộ, đóng góp tự nguyện. (Ảnh minh họa: Báo Lao động) |
Có những điều tế nhị mà người giáo viên không có sự lựa chọn, chỉ biết ngậm ngùi khi đến tháng lương lại thấy kế toán, thủ quỹ nhà trường trừ ngang.
Phải nói rằng, có những khoản đóng góp, ủng hộ của các địa phương hiện nay rất đa dạng. Nhưng, có điều là phần lớn các loại quỹ không được minh bạch.
Nơi tôi công tác, từ nhiều năm nay, Huyện ủy phát động mỗi năm cán bộ công chức, viên chức phải trừ 2 ngày lương để cất nhà cho người nghèo.
Số tiền phải nói rằng rất lớn, chỉ tính mình đội ngũ giáo viên mỗi năm cũng đã quyên góp được hàng tỉ đồng nhưng mỗi năm công bố cất từ 3-4 cái nhà với giá trị 30 triệu đồng/ căn đã tạo nên sự nghi ngờ rất lớn cho chủ trương và cách sử dụng những đồng tiền… không minh bạch của huyện nhà.
Trong các loại quỹ thì có một loại quỹ được cho là cố định hàng năm là quỹ "Mái ấm công đoàn" và quỹ "Cất nhà cho người nghèo", khiến nhiều người suy nghĩ nhất.
Bởi, hai loại quỹ này mỗi năm giáo viên đóng vào mấy ngày lương nhưng có nhiều giáo viên khó khăn xin hỗ trợ cất hoặc sửa chữa nhà thì không hề dễ dàng chút nào.
Khi cấp trên phát động thì ra công văn là trừ tiền nhưng nếu có giáo viên xin hỗ trợ thì phải khổ sở trăm đường mà không mấy khi được.
Hình như, chuyện đóng tiền là của cấp dưới mà cho tiền là của cấp trên.
Người nghèo xin hỗ trợ cất nhà, sửa nhà thì cấp trên nói không đủ tiêu chí hoặc có cho cũng phải đi lại không biết bao nhiêu lần để hợp thức hóa các loại giấy tờ, gặp gỡ hết ban này đến ban khác!
Ngược lại, nhiều người cất những căn nhà lớn hàng vài trăm triệu lại được hỗ trợ, thậm chí lãnh đạo cất nhà cũng được hỗ trợ. Một nỗi buồn không thể gọi thành lời.
Vì thế, giáo viên không vui khi đóng góp cũng là một lẽ đương nhiên.
Đồng tiền ủng hộ, quyên góp phải ý nghĩa chứ không thể là chuyện những người nghèo lại cầm tiền cho người giàu hưởng hay một vài cá nhân nào đó được hưởng.
Có một nghịch lí là nhiều loại quỹ của các cấp phát động theo kiểu cán đều, không xem xét từng hoàn cảnh cụ thể. Ví dụ như quỹ cất nhà cho người nghèo.
Vậy tiêu chí nào là nghèo, bởi hiện nay có nhiều giáo viên có hoàn cảnh rất khó khăn, nhất là giáo viên trẻ mà dạy các môn được xem là môn phụ, họ đang sống lay lắt.
Nhiều giáo viên “cục đất chọi chim” không có, đang phải ở nhà trọ mà năm nào cũng phải trừ mấy ngày lương để cất nhà cho người nghèo?
Tại sao những trường hợp như vậy, lãnh đạo ngành không miễn cho họ. Người nghèo còn có mảnh đất để cất nhà, vậy nhiều giáo viên đất còn chưa có thì là giàu hay nghèo?
Sao nói "tự nguyện" mà dân cứ phàn nàn? (GDVN) - Có một thực tế là, rất nhiều người cảm thấy thực sự bị ép buộc khi phải đóng những khoản "đóng góp tự nguyện". |
Người chưa có đất lại góp tiền xây nhà cho người đã có nhà tạm e đã hợp lí chưa?
Ngoài những bất cập đã nêu ở trên thì có nhiều loại quỹ chồng chéo nhau như quỹ khuyến học.
Quỹ này hiện nay có 4 nơi thu: Quỹ khuyến học của trường, của xã, của Phòng giáo dục, của Sở giáo dục… và vô vàn những loại quyên góp, ủng hộ chồng chéo khác.
Hình như giáo viên là chủ thể để đóng góp nhưng các cấp khi phát động không bao giờ bàn bạc với giáo viên (kể cả cấp trường), chỉ cần thông báo là kế toán nhà trường lên danh sách trừ ngang lương.
Đất nước còn nghèo, nhiều nghề giáo hiện nay còn khó khăn trong cuộc sống.
Đó là điều ai cũng biết, cũng nhận ra, vì vậy mỗi năm các cấp cần ngồi lại, bàn lại với nhau quỹ nào phù hợp, quỹ nào chồng chéo rồi cả vận động, hô hào mọi người chung tay.
Tránh tình trạng một loại quỹ nhưng trường phát động, xã phát động, Phòng giáo dục phát động, Sở giáo dục phát động…
Và, mọi ban ngành cùng phát động quyên góp, ủng hộ tràn lan để lấy thành tích như hiện nay thì thật là điều đáng cho chúng ta suy nghĩ. Bởi một lẽ giản đơn: Đời sống giáo viên còn nhiều khó khăn và gian nan lắm.