Cỏ mùa đông

15/12/2014 07:19
XUÂN DƯƠNG
(GDVN) - Khi hai con voi đánh nhau, cỏ dưới chân bị dẫm nát, cỏ tuy luôn bị voi và người dẫm lên, nhưng dưới ba tấc đất, cả voi và người...đều nằm dưới cỏ.

Nhà báo Kỳ Duyên khi giới thiệu bài “Săn tham nhũng – tìm thợ săn ở đâu” trên trang cá nhân, có lời bình luận khá dí dỏm như sau: “Tìm ở các… cụ Người Cao tuổi,  vì các cụ Người Cao tuổi, tuổi cao rùi, nên chỉ đủ sức săn “các cụ đã nghỉ hưu”.

Không hiểu ngẫu nhiên hay những người ưa tính lôgic đều có khả năng nắm bắt sự việc giống nhau mà ý chị Kỳ Duyên lại trùng với ý của người viết, thành thử lại phải quay lại chủ đề “săn tham nhũng” với việc “đạo ý tưởng” của  nhà báo Kỳ Duyên.

Nói về “các cụ đã nghỉ hưu” lâu lâu như “cụ Mãn, cụ Truyền” e rằng bây giờ không còn thời sự nữa, vả lại “cụ” thì đang trả nhà đất, “cụ” thì đã bị tước danh hiệu anh hùng, thôi thì cứ từ từ để xem sự thể diễn biến thế nào.

Cỏ mùa đông ảnh 1Rơi nước mắt đi tìm “Bộ phận không nhỏ”

(GDVN) - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng: Có một bộ phận mà Đảng nói là không nhỏ bây giờ không biết nằm ở đâu. Dân hỏi mãi,Đảng hỏi mãi nhưng không trả lời được

Gọi “cụ” là vì nhà báo Kỳ Duyên dí dỏm thế chứ thật ra vừa nghỉ hưu mà đã gọi là “cụ” e các “cụ” không tâm phục khẩu phục, các “cụ” còn xung mãn lắm.

Gần đây kể cũng lắm chuyện lạ, cánh truyền thông cứ như là “thập diện mai phục”, không biết mai phục từ lúc nào mà thỉnh thoảng lại tô hô cho thiên hạ một “cụ” vừa hưu. Sau chuyện ông nguyên Bộ trưởng Xây dựng hưu có mấy tháng đã nhảy sang làm cho tư nhân, vi phạm quy định mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành là chuyện ông Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, trước khi hưu đã kịp véo 400 mét vuông đất công, rồi chuyện ông cựu chủ tịch Hà Nội, tám năm chưa trả nhà cho thành phố… 

Mấy cái chuyện “con con” ấy vẫn còn đang sốt dẻo thì nay lại tiếp ông thiếu tướng công an (mới hưu hồi tháng 9/2014) bị “chiềng làng, chiềng chạ” trên PLO.VN, bài báo cho biết vị tướng nọ đã bị chính quyền địa phương lập biên bản, các cơ quan chức năng đã yêu cầu ông: “Ngưng ngay việc xây dựng trái phép nêu trên. Trong vòng 24 giờ nếu vẫn tiếp tục xây dựng thì tổ công tác tiến hành tháo dỡ theo quy định…”. [1]

Thế nhưng mà cánh truyền thông, lắm khi “giục tốc bất đạt”, ví như chuyện ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương,  Vietnamnet và Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết về ông này, chẳng hạn: “không biết tài sản của ông Cung và tài sản của ông Truyền khác nhau ở điểm nào, mà đến nay đã hơn 7 tháng, việc xác minh, kiểm tra tài sản của ông Chủ tịch tỉnh Bình Dương vẫn chưa thấy sáng tỏ”?

Chẳng riêng gì cánh báo chí hơi vội, mà HĐND tỉnh Bình Dương cũng thế. Báo Người lao động (nld.com.vn) ngày 10/12/2014 đưa tin: “Bình Dương đã đề xuất lên Trung ương phương án nhân sự thay thế cho ông Cung, tuy nhiên đến nay Bình Dương vẫn chưa nhận được phản hồi từ Trung ương nên HĐND tỉnh quyết định hoãn việc bầu chức danh chủ tịch UBND tỉnh”. [2]

Trung ương chưa có ý kiến mà HĐND tỉnh đã chuẩn bị kế hoạch ngày 10/12/2014 sẽ bầu Chủ tịch tỉnh, rồi lại phải hoãn để sau, sao HĐND tỉnh Bình Dương lại vội thế, sao không chờ thêm vài chục ngày nữa, đến 1/1/2015 là ngày ông Cung chính thức nghỉ hưu, lúc bấy giờ làm gì thì làm. Có nôn nóng mấy thì cũng nên nhớ lời dạy của tiền nhân “xấu chàng hổ ai”, đừng quá hấp tấp!

Cỏ mùa đông ảnh 2Con người ba chân và câu hỏi dành cho hậu thế

(GDVN) - Triết lý của người cổ đại, rằng con người văn minh, con người cường tráng về thể lực và trí tuệ là con người đứng bằng hai chân.

Nói đến các cụ hưu, không phải không có chuyện lạ, mấy chục năm qua từng có hai vị bộ trưởng từ giã quan trường, một người bị xử tù ba năm là ông Vũ Ngọc Hải, cựu Bộ trưởng Bộ Năng lượng, người kia viết đơn từ chức là ông Lê Huy Ngọ, cựu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Điều mà ngày nay có người không hiểu là tại sao dân chúng lại nhận thấy rất rõ ở họ có nét gì đó gần giống với danh nhân lịch sử Lê Lai xả thân vì nghĩa, chứ không thấy bóng dáng của vị quan to vướng vòng lao lý hay có vấn đề về năng lực lãnh đạo.

Ông Hải vào tù mà cả thủ trưởng ông, rồi hàng chục đồng nghiệp từng đồng cấp vào thăm, trong tù có phạm nhân hỏi ông:  "Bộ trưởng vừa mới tiếp Thủ trưởng à?”, ông trả lời  "Bộ trưởng cái cóc gì!”. Ra tù ông không có đất, không có tiền làm nhà, cơ quan cũ, bạn bè thân quen mỗi người góp một ít thế là ông có “ngôi nhà tình nghĩa” rộng 40 mét vuông (VTC News 20/4/2006).

Những người như ông Hải, ông Ngọ họ làm việc, họ hy sinh quyền lợi cá nhân để làm gì? Phải chăng là để cho “không ít người” người kế tiếp các ông như Chủ tịch Bình Dương có cả đồn điền cao su mấy chục hec ta,  để cho ông tướng công an nọ có cả vạn mét vuông xây khu sinh thái dưỡng già?

Sao ông Hải không “đòi” nhà nước phải cấp cho ông một mảnh đất vàng, hay chí ít cũng phải cho ông thuê một biệt thự giống như ông cựu Chủ tịch UBND Hà Nội với giá thuê mỗi tháng chỉ tương đương mười bát phở loại thường, hoặc bằng nửa bát phở chế biến từ thịt bò Nhật Bản?

Toàn bộ ngôi nhà của ông Hải trị giá 300 triệu đồng, chưa bằng giá một mét vuông đất mà một vài người cùng thời với ông đang sở hữu. Thế nhưng ông không thấy phiền lòng vì “từ ngày về hưu đến giờ suốt ngày anh em nó cứ gọi, lúc thì đi nhậu, lúc thì hội hè, chả có lúc nào hở ra...”. [3]

Đời người ta lúc về già được như thế phỏng còn mong gì hơn? Không biết ông chủ của những ngôi nhà kín cổng cao tường ở các khu đất vàng có bao giờ nghĩ đến chuyện ngồi vỉa hè uống “bia cỏ” với bạn bè, thân hữu?

Nghĩ được như thế có lẽ đa phần là những người thuộc loại “xưa nay hiếm”, ngày nay không ít người đã cảm nhận, rằng  hưu nghĩa là chấm dứt các “đợt khuyến mại, giảm giá”,  lúc đó  đốt đuốc đi tìm chắc gì tìm được bạn bè như bạn bè của ông Vũ Ngọc Hải. Vậy nên không gì tốt hơn khi đang còn “khỏe” là “phòng bị gậy”, dự trữ hòm xiểng trong “chiến lũy” cho ngày đông giá rét, còn những ai có tính tò mò lại “thích đùa” thì tặng cho họ một cuộn băng keo.

Viết thế có phải là quy chụp, là nói sai sự thật không? Nếu không có dẫn chứng thì quả đúng là thông tin sai sự thật nên đành phải viện dẫn phát biểu của hai vị, vốn là cựu lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương:

Ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng vụ I, từng nói: “Vừa qua, đối tượng của các vụ phát giác ra đều là các vị về hưu rồi. Còn những vị đương chức, đã ai dám chỉ mặt, đặt tên các sai phạm. Có thể vì thế lực và quan hệ của họ mạnh”? [4]

Còn ông Trần Văn Truyền, năm 2005 khi là Phó Chủ nhiệm UBKT TW đã nói:  “Qua những vụ tham nhũng lớn vừa rồi, chúng tôi nhận thấy xử lý cán bộ đã nghỉ hưu dễ hơn nhiều. Còn người gián tiếp mà đang tại chức, họ chạy rất dữ". (Motthegioi.vn, 21/11/2014)

Cỏ mùa đông ảnh 3Án tử hình – truyền thông và tư pháp

(GDVN) - Uốn nắn các biểu hiện lệch lạc của truyền thông là không sai nhưng làm sao để phát huy sức mạnh của báo chí trong công cuộc phòng chống tội phạm, tham nhũng?

“Đã ai dám chỉ mặt, đặt tên các sai phạm” của người đương chức? Với cương vị của mình có thể ông Sửu chưa thấy ai dám “chỉ mặt, đặt tên”, nhưng thực tế không phải là không có. Chỉ có điều  “chỉ mặt, đặt tên” xong rồi thì sao, có thể nhiều người không biết, xong những người đã biết thì đều rất thấm thía, đều ghi nhớ suốt đời.

Có phải vì “thế lực và quan hệ của họ mạnh, đang tại chức, họ chạy rất dữ” nên mới sinh ra chuyện “Tỉ lệ không hoàn thành nhiệm vụ mà địa phương báo cáo lên chỉ là 0,6%. Con số của các bộ đưa ra thậm chí còn thấp hơn, chỉ 0,5%”. [5]

Con số nêu trên về số lượng công chức không hoàn thành nhiệm vụ là trích phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2014. Đây là số liệu thống kê toàn quốc, nghĩa là của tất cả các tỉnh, các bộ, ban, ngành. Nó cho thấy không có một  bộ, một địa phương nào báo cáo đúng sự thật. Họ không phải vô tình mà là cố ý nói dối nhân dân, nói dối Quốc hội và nói dối ngay với lãnh đạo trực tiếp của mình là Thủ tướng Chính phủ. Nếu các bộ, địa phương không nói dối thì vì sao trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình lại phải “e ngại, không dám... đề cập con số (không hoàn thành nhiệm vụ)”. [5]

Có tới 99.5% công chức hoàn thành nhiệm vụ, tuyệt đại bộ phận công chức trung thực trong kê khai tài sản (chỉ có một người trên gần một triệu người là khai chưa đúng). Lãnh đạo một đội ngũ toàn những người trung thực, tài giỏi  như thế vì sao Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại phải phát biểu: “Có 4 mức: xuất sắc, tốt, hoàn thành, không hoàn thành. Tôi chỉ nhận mức hoàn thành thôi, gần mức chót… Tôi xin nói nghiêm túc thế. Đứng về chức năng nhiệm vụ mình nhận, nói hoàn thành là còn e ngại”. [5]

Thủ tướng đã nói thẳng như thế mà lãnh đạo cấp dưới còn chưa ngộ ra được thì quả là rất khó cho truyền thông và người dân, dẫu muốn nói thẳng như Thủ tướng thì cũng vẫn phải vừa nói vừa nghĩ, vừa nói vừa nhìn xem cành cây cong hay thẳng!

Lão Tử cho rằng “Cử động thì thắng được lạnh, yên tĩnh thì thắng được nóng”, người Việt còn câu: “người tính không bằng trời tính”. Khi người ta “động” thì mình đành phải “tĩnh”, còn khi người ta “tĩnh” thì mình mới “động”. Điều này giới viết lách, giới “mài bàn phím” rất chi là thấm nhuần, đó chính là lý do vì sao dù không muốn người ta cũng chỉ dám mon men “thăm hỏi” các vị đã hưu.

“Khi hai con voi đánh nhau, cỏ dưới chân bị dẫm nát, khi hai con voi “yêu” nhau, cỏ dưới chân cũng bị dẫm nát”, đây là cách nghĩ của mấy vị hàn lâm, người nhà quê lại có cách nghĩ khác. 

Xin kể câu chuyện, nói là thật 100%  cũng đúng mà nói là bịa cũng không sai. Một ông giáo già, một ông bán nước, một ông bán phở, một ông quản Game, một ông lái xe, một ông thợ gò và chú em “bộ đội” họp  “hội nghị G7” ở quán nước vỉa hè, họ phát hiện ra rằng: cỏ tuy luôn bị voi và người dẫm lên, nhưng dưới ba tấc đất, cả voi và người, tất cả đều nằm dưới cỏ. Thế nên “G7” mới gật gù mà tuyên bố “cỏ dại muôn năm”.

Thế giới (lại mấy vị hàn lâm) cho rằng truyền thông là quyền lực thứ tư, còn mấy ông G7 nhà quê thì lại cho rằng không phải như vậy, truyền thông chả cần là quyền lực gì sất, truyền thông chỉ nên là “cỏ”.

Từ những lời tâm huyết của ông Sửu, ông Truyền, từ lời của Lão Tử không biết người ta có ngộ được một triết lý, rằng nếu ai đó “bệnh tật” đầy mình, dưng mà vẫn còn “khỏe” thì cứ việc “động”, nhưng mà hãy nhớ, dấn thân trên con đường “cái quan” thế nào cũng đến lúc nhìn thấy cái biển báo bé tí chỉ bằng bàn tay với hai chữ “số hưu”. Đến lúc “tĩnh” dẫu có tường cao hào sâu liệu có tránh được những lúc mưa ngâu, gió bấc?

Vậy nên mỗi người khi còn khỏe, cũng như khi sắp về với tổ tiên ở chốn quê nhà, muốn được “xanh cỏ” thì bản thân phải ghi nhớ, bước trên cánh đồng cỏ xanh mơn mởn thì nên nhẹ nhàng, đừng dẫm nát cỏ./.

[1] http://plo.vn/thoi-su/tuong-cong-an-xay-biet-thu-lui-514943.html

[2] http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/binh-duong-hoan-bau-chu-tich-tinh-moi-20141210164014426.htm

[3] http://vtc.vn/cuu-bo-truong-vu-ngoc-hai-noi-ve-nhung-ngay-o-tu.23.163.htm

[4]http://vietbao.vn/Xa-hoi/Lam-the-nao-kiem-soat-tinh-minh-bach-trong-ke-khai-tai-san-thu-nhap/165166224/157/

[5]http://laodong.com.vn/dang-chinh-phu/thu-tuong-nguyen-tan-dung-toi-nhan-hoan-thanh-nhiem-vu-ma-van-con-e-ngai-190150.bld

XUÂN DƯƠNG