Tạp chí Văn hóa phật giáo ngày 10/5/2014 lược ghi ý kiến của ông Lê Phước Vũ, rằng: “kinh doanh là trò chơi, tiền bạc là phương tiện, Đạo Phật là tất cả”. [1]
Được biết người có tên Lê Phước Vũ mà tạp chí Văn hóa phật giáo nhắc đến chính là ông chủ Tập đoàn Hoa Sen, đơn vị đang tính bỏ hơn 10 tỷ USD vào dự án khu liên hợp thép tại Cà Ná – tỉnh Ninh Thuận.
Ông Lê Phước Vũ tự nhận: “mình đọc được kinh Phật, hiểu được giáo lý của đạo Phật” và bài viết kết luận của bằng chính lời ông Lê Phước Vũ, rằng “tôi hạnh phúc vì có được những giá trị sống tốt, lại vừa làm được rất nhiều việc để giúp mọi người. Đạo Phât có câu, tự giác giác tha, giác hạnh viên mãn”.
Mang nợ nghìn tỷ, ai dám cho Tập đoàn Hoa Sen vay tiền làm dự án thép? |
Không biết tác giả bài viết có chút ưu ái gì không mà câu chuyện của ông Lê Phước Vũ khiến người đọc hình dung ra một con người đã giác ngộ Tham-Sân-Si, đã hiểu một cách khá sâu sắc thế nào là Ái-Ố-Hỷ-Nộ.
Những người học Phật pháp chắc hẳn đều biết bài giảng đầu tiên có tên “Tứ Diệu Đế” mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng giải tại vườn Lộc Uyển. Bài giảng ấy sau này trở thành nội dung chính của bài kinh đầu tiên - Kinh Chuyển Pháp Luân.
“Tứ diệu đế” là bốn chân lí cao cả, là gốc cơ bản của Phật giáo, “Tứ diệu đế” bao gồm “Khổ đế” (những nỗi khổ đau con người phải gánh chịu); “Tập đế” (nguồn gốc của sự đau khổ); “Diệt đế” (sự chấm dứt khổ đau); “Đạo đế” (cách thức và phương pháp chấm dứt khổ đau).
Nguồn gốc sự đau khổ của con người là “tham ái”, con người tự nhiên luôn tìm cách “thỏa mãn dục vọng, được trở thành cái gì, được đứng trên cái gì”. Muốn “giác hạnh viên mãn”, nghĩa là muốn vượt qua “khổ đế” con người phải xóa bỏ tham ái, khi tham ái bị tận diệt thì “khổ đế” cũng không còn.
Gần đây nghe ông Lê Phước Vũ nói: “quý vừa rồi, Tập đoàn Hòa Phát lãi 2.000 tỉ đồng, trong đó lãi từ thép chiếm 80%, ngu gì không theo”.
Với câu nói ấy, ông Lê Phước Vũ chẳng phải đã tự bộc bạch cái “tham” của ông đó sao? Liệu có phải ông chưa hiểu thế nào là “tham”, có phải ông vẫn đang loay hoay “tìm cách thỏa mãn dục vọng, được trở thành cái gì, được đứng trên cái gì”?
Người viết không hề trách ông muốn mở rộng ngành nghề kinh doanh, muốn ông thành công bằng lao động chân chính của mình, thế nhưng lại tiếc cho ông khi nghe ông nói “ngu gì không theo”.
Theo ông Vũ, lãi từ thép của Hòa Phát là 1.600 tỷ đồng chỉ trong một quý, vậy nên không làm theo Hòa Phát là ngu?
Ông Vũ làm theo Hòa Phát nên ông (xin lỗi) không ngu! Thế thì cũng nói trắng phớ kiểu ông Vũ, rằng vì ông đã nhận minh là “kẻ khôn” nên sẽ tồn tại một số thuộc diện ngược lại, tức là kẻ “không khôn”.
Ưu đãi quá lớn cho Tôn Hoa Sen, Ninh Thuận có thoát nghèo? |
Trên đời chỉ khi có “kẻ ngu” thì mới tồn tại “kẻ khôn” chứ tất cả đều “khôn” thì làm gì có “kẻ khôn” nữa?
Điều có vẻ nghịch lý nhưng thật ra lại là chân lý khi khẳng định, rằng trên đời nếu toàn “kẻ khôn” thì cũng có nghĩa là chẳng tồn tại bất kỳ “kẻ khôn” nào!
Cái gọi là “khôn” của ông Lê Phước Vũ khi làm thép tất nhiên phải dựa vào cái “ít khôn” của người khác, Tôn Hoa Sen của ông Vũ không phải chỉ hưởng lộc “trời cho” mà còn là “người cho”, chẳng hạn:
Thứ nhất, Cà Ná là cảng nước sâu, ít có bão, có núi chắn phía sau, có vị trí cách thành phố Hồ Chí Minh 300 km với trục quốc lộ 1A và đường sắt đi qua.
Tỉnh Ninh Thuận đã cam kết cung cấp nước cho dự án với khối lượng 250.000 - 300.000 m3 nước/ ngày đêm và hiện đường nước đã được kéo đến dự án.
Thứ hai, Formosa Hà Tĩnh phải bỏ ra 1,2 tỉ USD làm cảng biển, trong khi đó tại Cà Ná, chính quyền đã bỏ tiền làm đê chắn sóng, với ưu thế địa hình thuận lợi, cảng có công suất hơn 50.000 tấn, chỉ cần đầu tư vào khoảng 400 triệu USD, cảng không bồi lắng nên không tốn tiền nạo vét hằng năm hàng chục triệu USD.
Thứ ba, một phần diện tích đất đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Đất thu hồi chủ yếu là đất nông nghiệp và diêm nghiệp (tiền đền bù sẽ không đáng kể).
Bộ Công Thương đã bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020, xét đến 2025. Ngoài ra Chính phủ đã chỉ đạo chấp thuận về mặt chủ trương cho dự án.
Lợi nhiều như thế nên có lẽ chỉ “người ngu” mới không đón nhận?
Nhưng ông Lê Phước Vũ và Tôn Hoa Sen lấy đâu ra 10 tỷ USD để làm dự án?
Được biết tại buổi hội thảo xúc tiến đầu tư tại Ninh Thuận vào những ngày cuối tháng 08/2016, Ngân hàng Công thương Việt Nam đã ký hỗ trợ vốn vay cho Tập đoàn Hoa Sen là 500 triệu USD.
Khi nghe ông Vũ cam kết, rằng "nếu dự án thép Hoa Sen Cà Ná gây ô nhiễm môi trường, chúng tôi sẽ đóng cửa nhà máy và giao toàn bộ tài sản cho Nhà nước; không xả thải một giọt nào ra biển" thì có một chuyện cần phải làm rõ, “chúng tôi” mà ông Vũ nói ở đây là những ai?
Vẻ đẹp tuyệt vời của biển Cà Ná, Ninh Thuận khiến bất cứ ai đến đây đều phải ngưỡng mộ. Ảnh Internet |
Nếu có đối tác nước ngoài góp vốn, liệu họ có chịu để mất tài sản theo ông Vũ? Còn nếu tiền đổ vào dự án thép Hoa Sen Cà Ná chủ yếu là tiền vay ngân hàng của Việt Nam thì khi thép Hoa Sen Cà Ná vi phạm, Nhà nước sẽ thu hồi tài sản của ai, của ông Vũ hay của ngân hàng?
Ngay cả khi thu hồi tài sản của cả ông Vũ lẫn tập đoàn Tôn Hoa Sen liệu có đủ để đền bù nếu dự án thép Hoa Sen Cà Ná gây ô nhiễm môi trường tương tự như Formosa?
Những người đã đặt chân đến Ninh Thuận đều có thể thấy vịnh Cà Ná là một vịnh biển đẹp tuyệt vời, bốn mùa đầy nắng, nếu đầu tư biến thành khu du lịch kiểu Ba Li của Indonesia thì không mất vịnh, không sợ chất thải công nghiệp gây ô nhiễm.
Không những tạo công ăn việc làm “sạch” cho người dân mà còn giữ được cảnh quan thiên nhiên cho muôn đời con cháu, sao cứ phải là khu liên hợp luyện thép khi mà thép Trung Quốc bán phá giá khắp thế giới?
Một trong các trào lưu kinh doanh hiện nay là các đại gia có sự giúp đỡ của các “đối tác” nhiều tiền cùng nhau xây dựng các khu du lịch văn hóa tâm linh. Một vài cơ sở số tiền đầu tư lên đến nhiều trăm tỷ.
Xây dựng các khu văn hóa tâm linh có cái lợi là tên tuổi, công tích sẽ lưu truyền nhiều thế hệ, thậm chí còn có thể tự lập đền thờ cho mình ở một góc nào đó mà chẳng bị ai “thọc gậy bánh xe”.
Đóng cửa nhà máy thép không đạt chuẩn môi trường |
Trong giới doanh nhân mang quốc tịch Việt Nam ngày nay, một số người tự nhận mình thuộc diện sùng đạo, có người bỏ tiền trùng tu chùa rồi trưng biển là mình “cúng dường xây chùa”?
Hóa ra với họ “trùng tu” có nghĩa là “xây chùa” chứ không phải là sửa chữa một vài chỗ ở ngôi chùa đã có?
Trùng tu xong rồi trưng ảnh cả nhà ở gian chính điện, coi bố mẹ, vợ chồng con cái nhà mình cũng bệ vệ, uy nghi chẳng kém gì nhà Phật.
Nghe nói gần đây nhà ấy phải rút lui khỏi nhiều vị trí trên thương trường, chẳng biết do lo sợ tai ương hay bị thần linh trách phạt?
Vì sao là một người sùng đạo, vì sao kinh doanh văn hóa tâm linh tỷ suất lợi nhuận cao chót vót mà ông Vũ không để ý đến, mà ông lại muốn xây nhà máy thép?
Người giỏi kinh doanh như ông Lê Phước Vũ nếu không nhận thấy lờ lãi chắc chả tội gì “theo đóm ăn tàn”, mà nếu quả thật lãi về phía ông nhiều như dự án trình Đại hội cổ đông vừa qua thì lỗ sẽ về phía ai?
Phải hỏi như thế vì ông Vũ từng nói “khi tôi càng thành công thì sẽ có nhiều đối thủ không thành công, đó là mâu thuẫn”.
Vậy nếu Tôn Hoa Sen Cà Ná thành công thì những đối thủ nào sẽ không thành công?
Du lịch, đặc biệt là du lịch biển có vai trò rất lớn với kinh tế bền vững của Ninh Thuận. Ảnh diêm dân làm muối ở Ninh Thuận, ảnh trên Internet, chưa rõ tác giả. |
Có thể đoán, trước hết là các “đối thủ thép”, tiếp đến là các đối thủ truyền thông mà ông liệt vào hàng hay “thọc gậy bánh xe, bất chính”.
Nếu chỉ có thế thì có lẽ cũng không cần bàn luận nhiều, nhưng nếu chẳng may trong số “không thành công” lại có “đối thủ dân” thì việc cần lo liệu sớm chắc phải đặt lên hàng đầu.
Báo Laodong.com.vn ngày 27/8/2016 trích lời ông Lê Phước Vũ, rằng “có thể, nhiệm kỳ sau, khi dự án của chúng tôi đi vào hoạt động, Ninh Thuận (sẽ là) một trong những địa phương đóng góp ngân sách Trung ương nhiều nhất".
“Không được nói dối” là một trong “ngũ giới” (không được sát sinh, không được trộm cướp, không được tà dâm, không được nói dối, không được uống rượu) người viết thực lòng cầu mong sau vài năm nữa, có thể bỏ cụm từ “có thể” trong câu nói của ông Vũ, thực lòng mong muốn ông không phạm vào “ngũ giới”.
Cũng vì Phật dạy “không được nói dối” nên mấy dòng viết ra đều là “nói thật”, nếu mà ông Lê Phước Vũ xem được thì dẫu có phật ý cũng xin cứ hoan hỉ.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://tapchivanhoaphatgiao.com/nhan-vat/kinh-doanh-la-tro-choi.html
[2]http://viettimes.vn/kinh-tế/doanh-nhân/hòa-phát-lại-2000-tỷ-quý-ngu-gì-mà-không-làm-thép-75404.html