LTS: Trong các tranh luận về sự minh bạch nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các công trình của nghiên cứu sinh để xã hội giám sát khi họ được công nhận là Tiến sĩ, việc công bố hoá ra không phải đơn giản.
Là một người đang làm nghiên cứu sinh về giáo dục đại học tại Mỹ, tác giả Nguyễn Lan Hương đặt câu hỏi nêu trên, trăn trở về vấn đề công bố công trình khoa học quốc tế để bảo vệ luận án tiến sỹ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Tôi hiện đang làm nghiên cứu sinh về giáo dục đại học tại Mỹ, chuyên ngành quốc tế hóa giáo dục, luôn ủng hộ những cách tư duy và quản lý đào tạo trong giáo dục, không chỉ với cấp học tiến sỹ, mà với tất cả các cấp học, đi theo chuẩn mực mà thế giới đang thực hiện và công nhận.
Về những dự thảo cho việc đào tạo tiến sỹ và bảo vệ luận án tiến sỹ được nêu trong bài của Vietnamnet [1], có mấy điểm tôi muốn chia sẻ để tất cả chúng ta, từ những nhà làm chính sách, đến các Tiến sỹ và Giáo sư hiện đã được công nhận và những người đang làm nghiên cứu để có bằng Tiến sỹ trong tương lai cùng suy nghĩ:
1. Việc đưa ra các quy định mới này về đào tạo tiến sỹ và bảo vệ luận án có khả thi cho đa số chất lượng học và làm nghiên cứu cơ bản của những người làm nghiên cứu ở Việt Nam hay chưa?
Lý do của câu hỏi: việc có quy định mà không thực hiện được, sẽ rất dễ dẫn đến "hàng giả" dưới mọi hình thức.
Ví dụ việc công bố các nghiên cứu ở các tạp chí “peer-review” (tạm dịch: bài nghiên cứu được đánh giá bởi chuyên gia trong chuyên ngành) giả ở Trung Quốc hiện đang được nêu rất nhiều trên báo chí quốc tế. [2].
Bản thân chúng ta, trong suốt thời gian vừa qua, đều phản ánh thực trạng có quá nhiều tiến sỹ, nhưng là 'giấy" và không có năng lực nghiên cứu thực sự.
Vậy, mấu chốt của quy định mới sẽ cần tập trung vào chất lượng đào tạo kỹ năng nghiên cứu khoa học theo chuẩn quốc tế, trước khi nói đến công bố quốc tế.
Vì nếu không, cá nhân tôi nghĩ liệu sẽ có dịch vụ làm nghiên cứu và công bố "giả" như bên Trung quốc hay không, khi các tiêu chuẩn đặt ra chưa phù hợp với thực lực của đa số những người đã có bằng Giáo sư - Tiến sỹ (xin được nêu ra dưới đây) cũng như những người đang học và làm nghiên cứu để trở thành tiến sỹ ở Việt Nam.
Tác giả Nguyễn Lan Hương. (Ảnh: Tác giả cung cấp) |
2. Nếu làm bản nghiên cứu năng lực thực sự của các Giáo sư và Tiến sỹ hiện nay của chúng ta theo tiêu chuẩn có công bố quốc tế để bảo vệ luận án, có lẽ chỉ khoảng dưới 40% Giáo sư - Tiến sỹ hàng năm có khả năng hướng dẫn luận án tiến sỹ có thể đạt được tiêu chí mà Bộ Giáo dục đang dự thảo, theo tổng kết của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước 2016 [3].
Và con số này chưa bao gồm cụ thể là bao nhiêu phần trăm có liên kết thực hiện nghiên cứu và công bố cùng với các đối tác nước ngoài.
Vậy, cơ sở khoa học nào và có thực tiễn nào trên thế giới để chúng ta quyết tâm cao cho quy định có công bố quốc tế mới được bảo vệ luận án tiến sỹ?
Nó có thực sự đặc thù cho tất cả các chuyên ngành? Nó có thực sự giúp cho vấn nạn tiến sỹ "giấy" của chúng ta được cải thiện?
Trong nghiên cứu khoa học, tôi tin tưởng mãnh liệt rằng việc thành hay bại của một nghiên cứu sinh dựa khá nhiều vào năng lực đào tạo và hướng dẫn của thầy cô hướng dẫn.
Vậy, giả sử những gì dự kiến cho đào tạo tiến sỹ và công bố quốc tế là quyết tâm thực hiện, ai sẽ có thể dạy và hướng dẫn làm nghiên cứu, công bố quốc tế khi bản thân các Giáo sư - Tiến sỹ hiện tại chưa thực hiện được điều này?
Liệu có công bằng cho thế hệ học tiến sỹ sắp tới ở Việt Nam so với chính những người thầy Giáo sư - Tiến sỹ hướng dẫn họ không?
"Tiến sỹ giấy, giáo sư ma” và nỗi buồn giáo dục |
3. Còn một điều sẽ chưa rõ là công bố trên tạp chí nào sẽ được coi là quốc tế?
Nếu nhìn đến thực tế của Trung Quốc mà WJS nêu trên đây, và còn nhiều ví dụ khác trên toàn thế giới, sẽ có một và nhiều hệ thống dịch vụ để giúp các bạn nghiên cứu công bố quốc tế, mà không hề có giá trị thực chất.
Cá nhân tôi muốn nhìn vào đào tạo tiến sỹ và làm nghiên cứu khoa học, công bố khoa học một cách thực tế hơn.
Hãy nhìn đến những ví dụ đau đớn mà bản thân ở các nước phát triển đã phải thốt lên, "công bố" hay là "chết" [4].
Điều đó để nói lên một thực tế rằng, việc đặt ra công bố quốc tế trong môi trường học thuật là cần thiết, nhưng hãy cẩn trọng với tính hai mặt của nó.
Đừng thái quá, vì nếu không, các nhà làm nghiên cứu hoặc phải tìm mọi cách để công bố hoặc phải sử dụng “tạp chí giả” thì đều không có tác dụng gì cho nâng cao đào tạo tiến sỹ ở Việt Nam.
Hơn thế nữa, khi nhìn vào thực tiễn đào tạo tiến sỹ của Mỹ, phải nói ngay là tất cả các ngành khoa học xã hội có mức công bố quốc tế thấp hơn rất nhiều so với khoa học kỹ thuật.
Bản thân các giáo sư Mỹ khuyến khích chúng tôi, những nghiên cứu sinh, hãy viết và nỗ lực đăng bài nghiên cứu trước hết tại trường, tại các hội thảo chuyên ngành từng khu vực của Mỹ và tại các Hiệp hội.
Lấy ví dụ về việc được báo cáo bài nghiên cứu tại một hội thảo của Hiệp Hội Nghiên cứu Giáo dục Mỹ (AERA), hàng năm có hàng chục nghìn bài nộp, nhưng con số được xét duyệt và trình bày chỉ dừng ở một hay hai trăm bài. Chưa nói đến công bố quốc tế!
Với các tạp chí chuyên ngành quốc tế chuyên cho khoa học xã hội (xin không được nói đến những chuyên ngành khoa học kỹ thuật vì tôi không biết), một giáo sư thỉnh giảng (assistant professor) của tôi có đề cập đến thời gian khoảng 9 tháng – 2 năm cho một bài phê duyệt để được đăng, và rất phụ thuộc vào việc bạn là ai trong môi trường nghiên cứu đó để được đánh giá bài viết.
Vậy, việc làm nghiên cứu mất khoảng 1 năm hoặc hơn, viết bài và cố gắng để được đăng bài (nếu may mắn) thêm 1 -2 năm nữa, trong đó việc công bố những nghiên cứu về khoa học xã hội của Việt Nam trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc chuyên ngành nào để được quan tâm mà đăng?
Hãy thực tế và nghiêm túc có nghiên cứu khoa học về những quy trình đào tạo tiến sỹ, bao gồm cả việc nghiên cứu và công bố trên các tạp chí quốc tế ở các nước, trong đó có tính đến những chuyên ngành đặc thù, để có thể đưa ra các quy định hay đề xuất phù hợp trong nội dung đào tạo tiến sỹ.
Hãy soạn thảo các quy định để nó không còn là trên ‘giấy” nữa, vì bản chất của nghiên cứu khoa học là một hành trình dài, và công bố chỉ là một đoạn trong hành trình đó thôi.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/muon-bao-ve-tien-si-phai-co-cong-bo-khoa-hoc-quoc-te-339288.html
[2] http://blogs.wsj.com/chinarealtime/2015/08/25/fake-peer-review-scandal-shines-spotlight-on-china/
[3] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/chua-toi-40-gs-pgs-nam-2016-co-cong-bo-khoa-hoc-quoc-te-338106.html
[4] publish or perish: http://newsroom.ucla.edu/releases/pressure-to-publish-or-perish-may-discourage-innovative-research-ucla-study-suggests