Kinh phí đào tạo tiến sĩ còn hạn chế, Viện Sốt rét-KST-Côn trùng TW đề xuất tăng

25/04/2024 06:19
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Theo Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, nhân lực trong phòng chống sốt rét đang còn thiếu và yếu.

Nhân ngày Thế giới phòng chống sốt rét 25/4, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, Bác sĩ Hoàng Đình Cảnh - Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương để lắng nghe những chia sẻ về khó khăn trong “cuộc chiến” phòng chống sốt rét, cũng như công tác đào tạo nhân lực ngành Ký sinh trùng - liên quan trực tiếp đến công tác phòng chống sốt rét.

847e3af29711394f6000.jpg
Tiến sĩ, Bác sĩ Hoàng Đình Cảnh - Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương. Ảnh: NVCC

Hệ thống cán bộ cơ quan phòng chống sốt rét còn thiếu và yếu

Phóng viên: Thưa Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Đình Cảnh, nhân ngày Thế giới phòng chống sốt rét, xin ông chia sẻ về thông điệp của năm nay?

Tiến sĩ, Bác sĩ Hoàng Đình Cảnh: Thông điệp cho ngày nhân ngày Thế giới phòng chống bệnh sốt rét năm 2024 là “Dồn tổng lực về đích để loại trừ sốt rét tại Việt Nam”, tăng cường sự tiếp cận các dịch vụ y tế để phòng chống sốt rét.

Phóng viên: Việt Nam đặt mục tiêu sẽ kết thúc bệnh Sốt rét vào năm 2030. Xin ông chia sẻ về lộ trình và kết quả trong phòng chống sốt rét của Việt Nam hiện nay. Có khó khăn gì trong việc hoàn thành mục tiêu này không, thưa ông?

Tiến sĩ, Bác sĩ Hoàng Đình Cảnh: Chiến lược Quốc gia về phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định 1920/QĐ-TTg, ngày 27/10/2011 và lộ trình loại trừ bệnh sốt rét tại Việt Nam cũng đã được Bộ Y tế phê duyệt tại Quyết định số 08/QĐ-BYT, ngày 05/01/2017 và Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương đã khẳng định Việt Nam sẽ loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2030.

Năm 2023, số bệnh nhân sốt rét còn 448 ca, giảm 97,3%, số sốt rét ác tính giảm 89,19%, số trường hợp tử vong do sốt rét giảm 85,71% so với năm 2011.

Tính đến hết năm 2023, đã có 46 tỉnh được công nhận đã loại trừ sốt rét đạt kế hoạch so với Lộ trình loại trừ bệnh sốt rét đã được Bộ Y tế phê duyệt.

Trong số 17 tỉnh chưa loại trừ sốt rét, vẫn còn lây truyền tại chỗ, tuy nhiên, số thôn bản có lây truyền tại chỗ ngày càng được thu hẹp. Việt Nam quyết tâm loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2030.

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ chi tiết hơn về những khó khăn đối với đội ngũ hoạt động trong công tác phòng chống sốt rét?

Tiến sĩ, Bác sĩ Hoàng Đình Cảnh: Để loại trừ được bệnh sốt rét, tất cả các ca bệnh, ổ bệnh phải được điều tra, xét nghiệm chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và xử lý muỗi bằng phun tồn lưu, tẩm màn hóa chất và truyền thông cho người dân.

Việc chẩn đoán xét nghiệm ở tuyến cơ sở cũng gặp khó khăn do không có điểm kính hiển vi hoặc có kính nhưng xét nghiệm viên lâu ngày không nhìn thấy ký sinh trùng sốt rét nên kỹ năng phát hiện cũng giảm dần.

Mặc dù Việt Nam đã khống chế số ca mắc sốt rét xuống dưới 500 ca/năm; sốt rét tập trung chủ yếu tại một số huyện như: huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hoà), huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu), huyện Krongpa (tỉnh Gia Lai).

Tuy nhiên, chúng ta đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức:

Thứ nhất, Việt Nam là nước nhiệt đới, nhiều rừng núi nên véc-tơ gây bệnh phát triển, khó kiểm soát khó tiêu diệt véc-tơ, nhất là trong rừng, rẫy; còn trên 6 triệu dân sống trong vùng sốt rét lưu hành.

Sốt rét ngoại lai đang có xu hướng tăng, nhất là sốt rét từ người đến từ châu Phi.

Hiện nay đang có hiện tượng muỗi kháng hoá chất.

Ngoài ra, việc quản lý dân di biến động cũng rất phức tạp mà ngành y tế không thể đảm đương được, cần có sự tham gia của chính quyền địa phương, các Ban ngành đoàn thể.

Thứ hai, nhân lực trong phòng chống sốt rét bị cắt giảm, kinh phí cắt giảm, các Tổ chức quốc tế cũng giảm dần kinh phí khi dịch giảm, sẽ dẫn đến khoảng trống thiếu hụt nguồn lực tài chính cho công tác giám sát véc-tơ và giám sát ca bệnh, nguy cơ sốt rét quay trở lại khi có ca bệnh ngoại lai hoặc thể ẩn (asymtomatic) phát bệnh lây thành dịch do không được phát hiện sớm và xử lý thụ động không kịp thời.

Thứ ba, hệ thống cán bộ cơ quan phòng chống sốt rét còn thiếu về số lượng và yếu, nhất là tuyến huyện, xã. Ngay tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tuyến tỉnh cũng chỉ có 1 khoa Phòng chống các bệnh ký sinh trùng với khoảng 5-7 người, tuyến huyện, xã không đủ người để giám sát chủ động véc-tơ, điều tra ca bệnh, ổ bệnh và truyên truyền, vận động người dân.

Đội ngũ cán bộ tuyến cơ sở cũng thường xuyên thay đổi, do đó, việc nắm bắt công việc cũng cần có thời gian tiếp cận, cập nhật kiến thức.

Việc chẩn đoán xét nghiệm ở tuyến cơ sở cũng gặp khó khăn do không có điểm kính hiển vi hoặc có kính hiển vi nhưng xét nghiệm viên lâu ngày không nhìn thấy ký sinh trùng sốt rét nên kỹ năng phát hiện cũng giảm dần...

Phóng viên: Trước nhu cầu nhân lực lớn như vậy, ông đánh giá như thế nào về công tác đào tạo đội ngũ cán bộ làm việc cho lĩnh vực phòng chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng hiện nay ?

Tiến sĩ, Bác sĩ Hoàng Đình Cảnh: Trước hết, các bác sĩ và cán bộ y tế đều đã được đào tạo về kiến thức cơ bản trong trường y, mặc dù số tiết lý thuyết và thực hành về lĩnh vực phòng, chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng còn khá mỏng, nếu không thường xuyên thực hành sẽ bị quên.

Do đó, đối với các cán bộ làm việc trong khối y tế dự phòng nói chung và những cán bộ làm việc chuyên về phòng chống sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng cần phải được đào tạo chuyên sâu hoặc tối thiểu phải được tập huấn, đào tạo cập nhật liên tục, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu của công việc.

Các cán bộ làm công tác phòng, chống sốt rét tùy thuộc vào vị trí, việc làm của đơn vị tại các tuyến, về cơ bản có thể chia làm các nhóm công việc: Quản lý chương trình, Điều tra, giám sát, quản lý ca bệnh, thống kê báo cáo; quản lý đối tượng nguy cơ cao và xét nghiệm chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, đúng phác đồ, dự phòng kháng thuốc; Phòng chống muỗi truyền bệnh sốt rét, truyền thông, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp, cán bộ làm công tác sốt rét đặc biệt là tuyến cơ sở vẫn chưa được đào tạo và đào tạo lại thường xuyên. Để đảm bảo thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét và phòng ngừa sốt rét quay trở lại sau loại trừ, cán bộ làm công tác sốt rét cần có kiến thức và thực hành tốt và để đạt được điều này cần tập huấn và tập huấn lại hằng năm theo các nhóm công việc nêu trên.

Trường Cao đẳng Y tế Đặng Văn Ngữ thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương hiện đang đào tạo hệ cao đẳng với các chuyên ngành Kỹ thuật viên xét nghiệm y học và Điều dưỡng, ngoài ra đào tạo liên tục về xét nghiệm, ký sinh trùng, côn trùng.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng ngay với công việc xét nghiệm nói chung và sốt rét ở tất cả các bệnh viện, cơ sở y tế từ Trung ương đến trạm y tế xã, phường.

Vì vậy, các đơn vị khi có nhu cầu, có thể cử cán bộ tới Viện để được đào tạo đúng chuyên môn, phục vụ tốt công tác phòng chống bệnh sốt rét.

GDVN_khám.jpg
Thăm khám cho bệnh nhân sốt rét. Ảnh: Mộc Trà.

Phóng viên: Từ những khó khăn kể trên, ông có đề xuất, kiến nghị gì để Việt Nam có thể hoàn thành được mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét trong năm 2030?

Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Đình Cảnh: Để hoàn thành được mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam vào năm 2030, chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ:

Một là, dồn tổng lực về đích: Xây dựng chiến lược loại trừ sốt rét để huy động sự tham gia của toàn xã hội và đầu tư ngân sách của địa phương thay thế nguồn viện trợ; duy trì tính bền vững.

Hai là, đẩy mạnh truyền thông, vận động chính sách.

Ba là, duy trì và sắp xếp lại hệ thống cán bộ làm công tác chuyên môn - hệ thống xét nghiệm, giám sát ca bệnh - lồng ghép hệ thống điều trị trong y tế - chủ động giám sát và phòng chống véc-tơ; tập huấn và đào tạo nguồn nhân lực; duy trì hệ thống giám sát, báo cáo; ứng dụng công nghệ thông tin.

Bốn là, tiếp tục các nghiên cứu khoa học, điều tra đánh giá về dịch tễ, véc-tơ, kháng thuốc cung cấp bằng chứng khoa học để đưa ra các hướng dẫn chuyên môn phù hợp.

Năm là, chủ động đánh giá và phòng sốt rét quay trở lại tại các địa phương đã loại trừ.

Nhu cầu đào tạo sau đại học chuyên ngành Ký sinh trùng - Côn trùng là rất lớn

Phóng viên: Xin ông chia sẻ thông tin về công tác đào tạo tiến sĩ tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương hiện nay. Và công tác đào tạo tiến sĩ của Viện có những ưu thế gì?

Tiến sĩ, Bác sĩ Hoàng Đình Cảnh: Việt Nam là nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nên các bệnh ký sinh trùng và các loài côn trùng truyền bệnh còn phổ biến.

Vì vậy, nhu cầu đào tạo sau đại học chuyên ngành Ký sinh trùng, Côn trùng để cung cấp đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn và trình độ nghiên cứu sâu cho xã hội để giải quyết các vấn đề về sức khỏe liên quan đến các bệnh ký sinh trùng và côn trùng truyền bệnh là rất lớn, không chỉ trong giai đoạn hiện nay, mà còn cả trong nhiều năm tới.

Một trong những thế mạnh lớn nhất của Viện là đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ là giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng, đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng cho công tác đào tạo trình độ tiến sĩ. Mặt khác, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương thực hiện gắn chặt công tác nghiên cứu, đào tạo và các hoạt động tại thực địa.

Hiện nay, Viện đang đào tạo 3 chuyên ngành gồm: Bệnh truyền nhiễm và các bệnh nhiệt đới, mã số 972.01.09; Dịch tễ học, mã số 972.01.17 và Côn trùng học, mã số 942.01.06.

Tính đến nay, Viện đã đào tạo tiến sĩ được 16 khóa, hiện đang tuyển sinh khóa 17, với 160 nghiên cứu sinh đang theo học và 74 người đã được cấp bằng tiến sĩ của 3 chuyên ngành.

Với công tác đào tạo sau đại học, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương đã và đang góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học chất lượng cao để phát triển hệ thống ngành y tế, phòng chống các dịch bệnh có thể xảy ra; là cán bộ “nòng cốt” trong các trung tâm CDC, các trường đại học...

GDVN_xet nghiem.jpg
Công tác phân tích mẫu xét nghiệm tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương. Ảnh: Mộc Trà.

Phóng viên: Viện đã có kế hoạch thu hút, phát triển đội ngũ như thế nào để đảm bảo công tác đào tạo tiến sĩ, thưa ông?

Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Đình Cảnh: Với bề dày gần 70 năm kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu và gần 20 năm đào tạo trình độ tiến sĩ, Viện đã xây dựng được đội ngũ các nhà khoa học đông đảo với 5 phó giáo sư và 26 tiến sĩ.

Song song với đó, Viện kết hợp với thu hút 100 giảng viên thỉnh giảng là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ có uy tín tại các trường đại học, các viện nghiên cứu lớn trên cả nước, tham gia vào công tác đào tạo.

Viện có Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở, từ năm 2015 đến nay, đã xét công nhận cho 1 giáo sư và 25 phó giáo sư cho các cán bộ cơ hữu và thỉnh giảng.

Ngoài ra, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương luôn có kế hoạch mở rộng hợp tác với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong và ngoài nước.

Qua đó, lựa chọn được đội ngũ giảng viên thỉnh giảng có chất lượng. Kịp thời cập nhật các kiến thức mới, các tiến bộ khoa học - kỹ thuật của mỗi chuyên ngành trong các cơ sở khoa học đối tác.

Phóng viên: Hiện nay, còn những khó khăn nào trong công tác đào tạo sau đại học tại Viện, thưa ông? Từ đó, ông có kiến nghị, đề xuất gì để tạo điều kiện thuận lợi hơn và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực có liên quan đến lĩnh vực này?

Tiến sĩ, Bác sĩ Hoàng Đình Cảnh: Theo tôi, hiện đang có 2 khó khăn lớn nhất, cũng là khó khăn chung trong công tác đào tạo sau đại học, không chỉ riêng tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, mà tại nhiều cơ sở khác:

Một là nguồn ngân sách được Nhà nước cấp cho đào tạo sau đại học còn hạn chế; hai là chưa có hướng dẫn cụ thể trong việc phân bổ kinh phí này ra sao, dẫn đến chúng tôi phải tự “mò mẫm”, nhiều trường hợp không kịp thời.

Chính vì vậy, tôi cho rằng, cần tăng nguồn kinh phí cho công tác đào tạo; đồng thời, có chế độ đãi ngộ hấp dẫn cho cán bộ tham gia giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, cũng cần có hướng dẫn cụ thể về việc phân bổ nguồn kinh phí này một cách chi tiết, rõ ràng, tạo thuận lợi cho công tác đào tạo sau đại học.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Nhân ngày Thế giới phòng chống sốt rét, Tiến sĩ, Bác sĩ Hoàng Đình Cảnh nhắn gửi thông điệp: “Đối với cán bộ y tế làm công tác sốt rét: Hãy cùng nhau nỗ lực vượt qua khó khăn, tiếp tục cống hiến cho sứ mệnh cao cả là loại trừ bệnh sốt rét tại Việt Nam.

Đối với người dân: Chủ động phòng bệnh sốt rét, ngủ màn/màn tẩm hóa chất diệt muỗi thường xuyên, nhất là khi ngủ lại ở nương rẫy, trong rừng; khi bị sốt, sốt rét hãy đến các cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời”.

Ngày Thế giới phòng chống sốt rét 25/4 được Kỳ họp thứ 60 Đại hội đồng Y tế Thế giới tháng 5/2007 ấn định là ngày để ghi nhận nỗ lực toàn cầu nhằm kiểm soát bệnh sốt rét một cách hiệu quả. Mục đích của sự kiện này là cho các quốc gia đang ở trong vùng bị ảnh hưởng có cơ hội học hỏi lẫn nhau và hỗ trợ các quốc gia để cùng nỗ lực chống lại căn bệnh này.

Ngày Thế giới phòng chống sốt rét còn có cơ hội để các nhà tài trợ mới liên kết với các đối tác toàn cầu chống lại sốt rét và cùng với các viện nghiên cứu có những công trình nghiên cứu khoa học có ích cho cộng đồng.

Chiến lược Quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 27/10/2011. Theo đó, mục tiêu chung đến năm 2020 là khống chế tỉ lệ người dân mắc bệnh sốt rét dưới 0,15/1.000; tỉ lệ người dân chết do bị bệnh sốt rét dưới 0,02/100.000; không còn tỉnh nào trong giai đoạn phòng chống bệnh sốt rét tích cực; 40 tỉnh trong giai đoạn đề phòng bệnh sốt rét quay trở lại; 15 tỉnh trong giai đoạn loại trừ bệnh sốt rét và 8 tỉnh trong giai đoạn tiền loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2020; phấn đấu đến năm 2030 loại trừ bệnh sốt rét trên toàn quốc.

Đến ngày 25/10/2017, Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung tiếp tục khẳng định, Việt Nam sẽ loại trừ loài sốt rét vào năm 2030.

Mộc Trà