Nịnh Hà Nội!

18/01/2019 06:56
Xuân Dương
(GDVN) - Là thủ đô, nơi đặt trụ sở các cơ quan cao nhất của Quốc hội, Nhà nước, Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội, Hà Nội đang làm gì để thực hiện Nghị quyết 18?

Dân chúng đồn rằng một bác “Trưởng cựu” của thủ đô từng có câu nói bất hủ: “Hà Nội không vội được đâu”.

Sau khi bác í nghỉ ngơi, các vị tiếp quản không biết tán thành hay phản đối ý kiến của bác Trưởng cựu nhưng cũng đã khẳng định, rằng sẽ “Không đổ lỗi cho thế hệ trước”.

Có thể thấy những tín hiệu “lạ mà quen” của ekip mới từ việc khoán cắt cỏ, khoán xe, tinh giản biên chế đến các đề xuất mới đây của ông Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội.

Thế có phải giờ đây Hà Nội đang vội chạy đua với thời gian để bù lại thời kỳ đủng đỉnh mà “Thế hệ trước” trao lại.

Viết mấy dòng này, bạn đọc bảo “nịnh” Hà Nội cũng được, bảo nói kiểu “Bão bên tây chết cây Hà Nội” cũng đành.

Ngày 25/10/2017 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Trung ương ký ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW (Nghị quyết 18) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Một góc Hà Nội. Ảnh minh họa: Báo Hà Nội Mới
Một góc Hà Nội. Ảnh minh họa: Báo Hà Nội Mới

Mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 18 là:

Từng bước sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; khuyến khích sáp nhập, tăng quy mô các đơn vị hành chính các cấp ở những nơi có đủ điều kiện để nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tăng cường các nguồn lực của địa phương.

Khẩn trương, cương quyết sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước”.

Là thủ đô, nơi đặt trụ sở các cơ quan cao nhất của Quốc hội, Nhà nước, Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội, Hà Nội đang làm gì để thực hiện Nghị quyết 18?

Sáng 15/1/2019, tại Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ của ngành Nội vụ, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, ông Trần Huy Sáng trình bày khá nhiều thành tích của thủ đô trong việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp.

Hà Nội vội và không vội

Cụ thể, các đơn vị sự nghiệp thuộc sở giảm từ 401 xuống 280; đơn vị sự nghiệp cấp huyện giảm từ 206 xuống 96.

Toàn thành phố đã tinh giản được hơn 1.800 biên chế, gồm 630 công chức, hơn 900 viên chức… [1]

Cũng theo ông Trần Huy Sáng, nếu 4 huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm sớm thành quận, định hướng quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, sẽ giảm được 164 cán bộ chuyên trách, hơn 2.000 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã…

Ngoài việc nâng cấp 4 huyện, ông Sáng không quên thêm kiến nghị với Trung ương: “Có cơ chế cho địa phương (Hà Nội – NV) dùng nguồn thu tăng thêm để sử dụng công chức hợp đồng có thời hạn đối với một số vị trí” nhằm đáp ứng ngay yêu cầu (rất khẩn thiết?) của hoạt động công vụ”. [1]

Việc Hà Nội đưa ra kế sách “Hai trong một” tức là hai đề xuất: Nâng cấp 4 huyện thành quận và “Công chức hợp đồng có thời hạn” trong một bài phát biểu của ông Giám đốc Sở Nội vụ vào lúc này là “vội” hay “không vội”?

Trả lời câu hỏi này quả không dễ.

Nói không dễ vì bốn vạn người thuộc diện “tài năng” (theo cách nói của ông Chủ tịch “Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật”) của đất nước tập trung ở “Liên hiệp các hội” còn phải được “Nhà nước nuôi” thế thì 131.992 công chức, viên chức thủ đô chẳng nhẽ không được nhà nước ưu ái? (Biên chế công chức thủ đô là 8.227 người, viên chức là 123.765 người).

Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đã được trao cơ chế đặc thù trong việc trả lương cán bộ, Hà Nội là thủ đô tại sao lại chưa được, tại sao phải xin Trung ương?

Là dân, đương nhiên phải thông cảm với khó khăn của lãnh đạo, đương nhiên phải tìm mọi cách giúp lãnh đạo hoàn thành nhiệm vụ, thế nên xin “múa rìu” tí chút, hy vọng các vị có trách nhiệm biết được “lòng dân, ý cán bộ” là thế nào.

Thứ nhất, vì sao phải nâng cấp 4 huyện.

Số liệu của Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho thấy quy mô dân số và diện tích một số đơn vị hành chính Hà Nội như sau: [2]

STT

Quận/Huyện/Thị xã

Diện tích (km2)

Dân số (nghìn người)

1

Long Biên

59,93

270,3

2

Gia Lâm

114,73

253,8

3

Bắc Từ Liêm

43,35

320,4

4

Nam Từ Liêm

32,27

232,9

5

Thanh Trì

62,93

221,8

6

Hoài Đức

82,47

212,1

7

Đông Anh

182,14

374,9

Gia Lâm và Từ Liêm vốn là hai huyện, sau khi chia tách Từ Liêm biến thành 2 quận, Gia Lâm thành một quận và một huyện.

Năm 2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 “Về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính”, theo đó:

Quy mô dân số cấp huyện: Miền núi, vùng cao từ 80.000 người trở lên, còn lại là 120.000 người trở lên.

Quy mô diện tích cấp huyện: Miền núi, vùng cao từ 850 km2 trở lên, còn lại từ 450 km2 trở lên.

Cấp quận quy mô dân số từ 150.000 người trở lên, diện tích tự nhiên từ 35 km2 trở lên.

Hà Nội đang tiến hay lùi?

Đối chiếu với quy định của Quốc hội, các huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đông Anh và quận Nam Từ Liêm đều không đạt tiêu chí diện tích nhưng thừa tiêu chuẩn về dân số.

Làm thế nào để tránh vi phạm cả hai Nghị quyết của Đảng và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp quận/huyện mà không phải sáp nhập gây xáo trộn tâm lý cán bộ, không phải giảm biên chế, không ai bị mất chức?

Phải công nhận các nhà quản lý Hà Nội đã đưa ra một chiến lược “tuyệt vời” là “Nâng cấp huyện thành quận”, khi thành quận rồi thì diện tích chỉ cần 35 km2, thế là xong.

Riêng quận Nam Từ Liêm hiện còn thiếu 2,73 km2 so với quy định 35 km2, cách giải quyết thật đơn giản, lấy phần diện tích lẻ bên Bắc Từ Liêm 3,35 km2 chuyển cho Nam Từ Liêm.

Bắc Từ Liêm còn lại 40 km2, Nam Từ Liêm sẽ có 32,27 + 3,35 = 35,62 km2, thế cũng là xong?

Nếu cấp trên chưa nhất trí thì nên kiên trì giải thích với lãnh đạo cấp cao nhất (như ông Trưởng Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật đã làm), rằng quận Nam Từ liêm thành lập từ năm 2013 (theo Nghị quyết 132/NQ-CP), ba năm sau Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới ban hành Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13.

Nếu biết trước có nghị quyết này thì Hà Nội chỉ cần bớt một phường từ Bắc Từ Liêm sang cho Nam Từ Liêm là đủ diện tích chứ không bao giờ vi phạm Nghị quyết của Quốc hội!

Thứ hai, lấy tiền đâu để trả lương cho “Công chức hợp đồng có thời hạn?”.

Lại một chiến lược rất “thông minh” của Hà Nội, đó là “dùng nguồn thu tăng thêm” của thành phố chứ không phải của ngân sách nhà nước.

Hà Nội những năm 2000 - lời khen và … “Thiên lý trường gậy”

Thông tin trên trang Bnews.vn (thuộc Thông tấn xã Việt Nam) cho hay:

Biên chế công vụ Việt Nam vẫn đứng đầu trong nhóm các nước ASEAN, với 4,8% công chức trên tổng dân số”. [4]

Hà Nội có gần 8 triệu dân, đứng thứ 2 cả nước, thế mà chỉ có 8.227 công chức, tỷ lệ xấp xỉ 0,1%.

Nếu tính gộp cả viên chức (131.992 người) thì tỷ lệ là 1,65% còn kém xã tỷ lệ 4,8% của cả nước.

Hà Nội không được tăng biên chế công chức thì lấy nguồn thu tăng thêm trả lương công chức hợp đồng có thời hạn (khoảng 30 năm) chẳng nhẽ lại không khuyến khích!

Với những “lý luận” nêu trên, Hà Nội có quyền yên tâm, rằng mình không chỉ đang nghiêm túc thực hiện Nghị quyết của Đảng và Quốc hội mà còn dẫn đầu cả nước về cải cách bộ máy.

Đặc biệt là Hà Nội không phải làm công tác tư tưởng cho cán bộ như ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh từng đề cập!

Nếu địa phương nào cũng như Hà Nội, không phải điều tiết ngân sách từ Trung ương để nuôi bộ máy thì còn gì bằng.

Thế nên việc lấy “tiền túi’ nuôi cán bộ của Hà Nội phải được ghi nhận, phải xem là tấm gương cho các nơi nhìn vào. Ai phản đối ý kiến này thì đề nghị nói to!

Tài liệu tham khảo:

[1] https://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/ha-noi-de-xuat-4-huyen-se-phat-trien-thanh-quan/796582.antd

[2] http://hpa.hanoi.gov.vn/dau-tu/thong-tin-dau-tu/ha-noi-va-nhung-con-so/quy-mo-dan-so-va-dien-tich-30-quan-huyen-cua-ha-noi-a2144

[3] https://tuoitrethudo.com.vn/nam-2019-ha-noi-tinh-gian-them-hon-4000-cong-chuc-vien-chuc-d2059445.html

[4] https://bnews.vn/he-thong-bien-che-cong-vu-viet-nam-cong-kenh-dung-dau-asean/102156.html

Xuân Dương