100% mì tôm chứa acid oxalic: Nên ngừng sử dụng chờ kết luận?

06/01/2014 07:20
Phạm Liễu
(GDVN) - Trong khi chưa có kết luận chính thức về việc mì tôm gây bệnh, phương án ngưng sử dụng mì tôm hiện nay nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của người tiêu dùng.

Chưa có kết luận chính thức thông tin "mì tôm gây sỏi thận"

Liên quan đến thông tin "100% mẫu mì tôm, măng tươi đều có acid oxalic, tác nhân gây ra sỏi thận" được GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn (Phó Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM) công bố, đến thời điểm hiện tại, phần lớn các nhà sản xuất mì tôm đều không có bất cứ động thái nào góp phần làm rõ thông tin.

Ngoại trừ công ty Vina Acecook, sở hữu thương hiệu mì Hảo Hảo, Đệ Nhất, Lẩu Thái,... giải thích một cách dè dặt rằng đang kiểm tra, khi có kết quả sẽ công bố và không khẳng định trong sản phẩm của mình có chứa acid oxalic hay không còn lại những thương hiệu chiếm thị phần lớn tại Việt Nam khác như Asia Foods (với thương hiệu mì Gấu đỏ, Gấu yêu, Shangha); Masan (với thương hiệu mì Kokomi, Sagami, Omachi)… đều “án binh bất động” với thông tin mì tôm chứa chất gây sỏi thận.

Về phía cơ quan chức năng, trước thông tin 100% mì tôm chứa acid oxalic gây sỏi thận, ông Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (ATTP - Bộ Y tế) cho rằng: “Thông tin được Hội Y tế công cộng TP.HCM công bố không rõ. Kết quả nghiên cứu của GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn mới chỉ là những kết quả nghiên cứu của họ… Không ai cố tình đưa những hóa chất nguy hiểm vào trong chế biến thực phẩm. Bất kể một loại hóa chất nào chứ không riêng axit oxalic. Mì tôm của nước chúng ta từ trước đến nay xuất khẩu đi rất nhiều nước chứ không riêng chỉ sử dụng trong nước, bởi vậy mà chất lượng rất an toàn, chưa hề có một lô hàng xuất khẩu nào bị trả về”.

Dù coi mì tôm là món ăn khoái khẩu nhưng nhiều người tiêu dùng sẵn sàng "quay lưng" nếu sản phẩm độc hại và gây bệnh.
Dù coi mì tôm là món ăn khoái khẩu nhưng nhiều người tiêu dùng sẵn sàng "quay lưng" nếu sản phẩm độc hại và gây bệnh. 
Trong khi đó, theo kết quả kiểm tra của Cục ATTP thực hiện giám sát chủ động đối với acid oxalic trong các sản phẩm rau, củ quả tươi; bột mì, mì gói, mì sợi; gạo, bún, bánh phở, bánh canh, bánh hỏi… tính đến ngày 19/12/2013 trên tổng số 263 mẫu cho thấy 58 mẫu phát hiện có acid oxalic (chiếm 22,05%), hàm lượng dao động từ 10,7 đến 1809 mg/kg. Chủ yếu phát hiện trong các sản phẩm rau quả tươi, bột mì và một số sản phẩm chế biến từ bột mì (mì gói, mì sợi). 
Trong các mẫu phát hiện acid oxalic, có 8 mẫu mì gói có hàm lượng acid oxalic từ 31,9 - 177 mg/kg. Trong đó, 5 mẫu mì gói ngoại của nước ngoài có hàm lượng từ 31,9 - 71,3 mg/kg. Đặc biệt, 1 mẫu bột mì nhập ngoại có hàm lượng acid oxalic là 110 mg/kg.

Lên tiếng về những lo ngại của người tiêu dùng, tác giả của kết quả 100% mì tôm chứa acid oxalic gây sỏi thận - GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn khẳng định: “Đúng là 100% mẫu mì tôm (62/62 mẫu) kiểm tra acid oxalic tại Công ty Dịch vụ KHCN Sắc Ký Hải Đăng đều có acid oxalic với nồng độ khoảng 30,8 - 449 ppm, tập trung nhiều nhất trong khoảng 100-200 ppm”.

Tuy nhiên GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn khẳng định, ông không thêm cụm từ "mì tôm có acid oxalic cao dễ gây sỏi thận" như báo chí đưa tin.

Có nên ăn mì tôm?

Đứng trước thông tin thực phẩm nhiễm độc gây bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe, trong khi cơ quan chức năng cùng các doanh nghiệp liên quan chưa hề có bất kì công bố chính thức nào, người tiêu dùng vẫn như đang “ngồi trên đống lửa”.
Chị Thùy Linh (Đống Đa, Hà Nội) lo lắng: “Như thông tin của Cục ATTP, giáo sư Sơn đưa ra nghiễm nhiên trong mì tôm và các loại thực phẩm làm từ bột mì đều chứa acid oxalic rồi. Tuy nhiên, người tiêu dùng như chúng tôi cần được biết ăn bao nhiêu thì gây bệnh? Cơ quan chức năng cần làm rõ vấn đề này để người dân an tâm. Chẳng hạn, gia đình tôi gồm 4 người, trung bình một tháng tiêu thụ từ 1 – 1,5 thùng mì. Với lượng mì tiêu thụ đó, các thành viên trong gia đình tôi có bị bệnh hay ảnh hưởng gì không?”.

“Tôi theo dõi thông tin từ đầu tới giờ, tất cả câu trả lời từ phía cơ quan có thẩm quyền, nhà sản xuất, chuyên gia, hay chính tác giả của kết luận này đều rất chung chung. Tất cả kết luận đều khẳng định trong mì và nhiều thực phẩm trong tự nhiên có chứa acid oxalic. Tuy nhiên hàm lượng chất đó trong mỗi gói mì tôm là bao nhiêu? Tại sao trên bao bì sản phẩm không được nhà sản xuất ghi rõ và khuyến cáo để khách hàng lưu ý. 

Thêm nữa, việc các hãng mì đua nhau quảng cáo “vống” lên về chất lượng mì mà ém toàn bộ các chất gây hại của nó có phải là hành động dối trá với người tiêu dùng? Đồng thời, việc im lặng của các hãng mì thể hiện thái độ vô trách nhiệm, coi thường khách hàng. Trong khi người tiêu dùng đang rất hoang mang, thì họ - những người kiếm tiền từ người tiêu dùng lại thờ ơ”, độc giả Hồ Dũng bức xúc cho biết.

Đứng trước sự lo ngại về chất độc ảnh hưởng đến sức khỏe, chị Lan Phương cho rằng: “Con trai tôi coi mì tôm là món khoái khẩu có thể ăn thay cơm đươc. Từ hôm có thông tin mì tôm chứa chất gây sỏi thận cháu rất lo sợ và không dám ăn nữa. Nhưng thi thoảng lại hỏi mẹ bao giờ thì được ăn mì tôm lại. Cho đến thời điểm này, tôi vẫn chưa biết cụ thể chất acidoxalic trong mì tôm có thực sự gây được bệnh sỏi thận hay không. Cơ quan chức năng cần có câu trả lời cụ thể để người dân yên tâm. Nếu thông tin còn mập mờ như hiện nay, chúng tôi buộc phải chọn phương án an toàn cho mình, là không sử dụng mì tôm nữa. Không dại gì mất tiền rước bệnh vào thân”.

Phương án ngưng sử dụng sản phẩm mì tôm hiện nay nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của người tiêu dùng. Bởi nhiều người cho rằng: “Đã biết chất lượng mì tôm có  không đảm bảo thì không có lý do gì phải ăn" (chị Thủy, Hoàng Mai, HN), hay “Sẽ ngưng sử dụng mì tôm đến khi có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng” (anh Hoàng Nam, Từ Liên, HN), “Quay về ăn cơm rang, mì tự nấu,… cho an toàn” (chị Thu Trang, Ba Đình, HN)…

Trong khi đó, độc giả Nguyễn Kiên chỉ ra rằng: “Thực sự từ trước đến nay, mì tôm chỉ được coi là một món ăn nhanh, thực phẩm dự trữ, dự phòng… siêu tiết kiệm. Dù nó có được quảng cáo làm từ hải sản, bò, heo, gà… đi chăng nữa thì cũng chỉ là hương vị mà thôi. Thành phần chủ yếu vẫn là bột mì. Bởi vậy, không sử dụng mì tôm nữa mà chọn nguồn thực phẩm khác để thay thế cũng không phải là vấn đề quan trọng.Vấn đề ở đây là ăn gì đảm bảo an toàn cho sức khỏe thôi”.

“Mì tôm đúng là món ăn quen thuộc với người Việt ta, nhưng nó không "độc tôn" đến mức biết độc hại mà vẫn phải “nhắm mắt” sử dụng. Thực ra, mì tôm chỉ được cái tiện dụng, tiết kiệm thời gian và chi phí, ăn lấy no chứ chẳng bổ béo gì. Bệnh từ mồm mà ra và sức khỏe cũng từ mồm mà ra. Vậy sao chúng ta phải giữ thói quen sử dụng mì tôm khi biết 100% là nó chứa chất độc gây bệnh như vậy?”, độc giả Kiến Nam cho biết ý kiến./.

Phạm Liễu