40 tỷ USD xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, liệu có khả thi?

17/07/2017 07:08
Mai Anh
(GDVN) - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, phương án đầu tư, giải pháp và cơ chế thực hiện các dự án đường sắt đô thị Hà Nội đến năm 2030 không khả thi, thiếu thực tế.

Quy hoạch giao thông vận tải của Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm  2050 trong đó trọng tâm phát triển đường sắt đô thị đang thu hút sự quan tâm của dư luận. 

Quy hoạch xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị được đưa ra trong bối cảnh Hà Nội đang có không ít dự án đường sắt chậm tiến độ, đội vốn nhiều năm nay.

Thực tế này khiến dư luận đặt câu hỏi liệu 10 tuyến đường sắt đô thị Hà Nội có bị chậm tiến độ, đội vốn như số phận một số dự án đường sắt của thủ đô trước đó?

Đường sắt đô thị xây dựng xong liệu có giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông tại Hà Nội, thu hút người dân đi phương tiện công cộng hay lại giống như xe buýt nhanh BRT? 

Một đoạn dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, ảnh: H.Lực
Một đoạn dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, ảnh: H.Lực

Thiếu cơ sở thực tế

Theo quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị. 

Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40,056 tỷ USD, trong đó nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 là 7,55 tỷ USD; Giai đoạn từ 2021 - 2025 là 7,6 tỷ USD; từ 2026 - 2030 là 3,56 tỷ USD; sau năm 2031 là 21,3 tỷ USD. 

Theo khái toán của Hà Nội, bình quân suất đầu tư cho mỗi km đường sắt đô thị đạt 95,8 triệu USD, tương ứng 2.182 tỷ đồng, trong đó đường sắt xây cao là 80 triệu USD (1.823 tỷ đồng), xây ngầm là 170 triệu USD (3.874 tỷ đồng). 

Tổng mức đầu tư của các dự án phụ thuộc vào vị trí, chiều dài của tuyến đường. 

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy – Chuyên gia nghiên cứu giao thông đô thị cho biết: “Tôi thực tế nghiên cứu cũng như theo dõi quy hoạch giao thông Hà Nội từ 30 – 40 năm nay. Có thể nói quy hoạch giao thông đô thị tại Hà Nội rất mông lung, thiếu thực tế”.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải, người có hơn 30 năm nghiên cứu về giao thông đô thị, ảnh: Hoàng Lực.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải, người có hơn 30 năm nghiên cứu về giao thông đô thị, ảnh: Hoàng Lực.

Lý giải nhận định trên Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, hầu hết quy hoạch giao thông đô thị của Hà Nội trước đây "nói thì rất hay nhưng thực tế làm lại không đạt". 

Điển hình Hà Nội từng quy hoạch năm 2000 sẽ có đường sắt đô thị, nên vội bóc bỏ 40km tàu điện và xây dựng hệ thống xe buýt và coi xe buýt là giải pháp cho giao thông đô thị.

Thực tế đến nay đường sắt đô thị chưa có, còn xe buýt chỉ đáp ứng lượng rất nhỏ nhu cầu đi lại của người dân.

Tương tự là vấn đề xây dựng các cầu vượt tại các ngã tư, xây dựng đường vành đai hết sức chậm, chậm hơn khoảng 15 – 20 năm so với yêu cầu phát triển dẫn đến ùn tắc giao thông liên tiếp nhiều năm nay.

“Từ những quy hoạch không đúng, không chuẩn xác trong quá khứ để lại hậu quả ách tắc giao thông hiện nay cho thấy quy hoạch giao thông đô thị của Hà Nội thiếu thực tế”, ông Thủy thẳng thắn cho biết.

40 tỷ USD xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, liệu có khả thi? ảnh 3

Đưa đường sắt trên cao vào chi phí bảo vệ môi trường: "Vô lý đến mức buồn cười"

Theo Tiến sĩ Thủy, cứ khi nào có những nổi cộm về giao thông đô thị là Hà Nội lại đưa ra quy hoạch với tầm nhìn dài hạn.

Lần này cũng vậy trong khi đang tranh luận vấn đề có cấm xe máy hay không thì Hà Nội đưa ra quy hoạch giao thông năm 2030 tầm nhìn 2050 với trọng tâm xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị.

“Tuy nhiên đến năm 2030 có làm được 10 tuyến tàu điện như đã hứa hay không, lãnh đạo Thành phố Hà Nội cũng hứa đến năm 2030 sẽ đảm bảo vận tải công cộng đáp ứng 50 – 55% nhu cầu người dân…. Tôi cho rằng không thể làm được.

Với mức đầu tư lên đến hơn 40 tỷ USD là số tiền quá lớn không thực tế bởi nguồn lực chúng ta không có, còn huy động nguồn vốn xã hội hóa cũng chỉ được khoảng một vài tỷ USD.

Đến năm 2050 khi những cán bộ lãnh đạo của Hà Nội hiện nay đã nghỉ hưu, thuyên chuyển thì ai chịu trách nhiệm nếu đầu tư lãng phí, kém hiệu quả?”, ông Thủy đặt ra một loạt vấn đề.

Tiến sĩ Thủy cảnh báo ngoài vấn đề không đủ nguồn lực thì năng lực quản lý yếu kém khiến dự án chậm nhiều năm (kéo theo đội giá) cũng là một thực tế, do đó cần đánh giá lại quy hoạch giao thông của Hà Nội.

Bài học đội vốn, chậm tiến độ 

Trong các lo ngại về quy hoạch xây dựng tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy đặc biệt nhấn mạnh đến tổng vốn đầu tư dự án và cho rằng cần phải tính toán tổng mức đầu tư dự án.

“Tổng mức đầu tư dự án quá lớn, trong bối cảnh thu nhập bình quân người dân ở ngưỡng 2.000 – 2.200 USD/người/năm, đời sống nhân dân đang khó khăn, nợ công lớn, hạ tầng yếu kém, Thành phố Hà Nội còn nhiều vấn đề cần phải thực hiện. 

Vấn đề không chỉ là thiếu tiền mà với bài học nhãn tiền chậm tiến độ, đội vốn tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội cho thấy tổng mức đầu tư của loạt dự án đường sắt đô thị của Hà Nội sẽ vượt con số khái toán 40 tỷ USD”, Tiến sĩ Thủy nhận định.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ và đội vốn là bài học nhãn tiền trong quy hoạch xây dựng giao thông đô thị tại Hà Nội - ảnh: Hoàng Lực.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ và đội vốn là bài học nhãn tiền trong quy hoạch xây dựng giao thông đô thị tại Hà Nội - ảnh: Hoàng Lực.

Theo kế hoạch ban đầu dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông thực hiện từ tháng 11/2008 tới tháng 11/2013, với tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD.

Tuy nhiên, dự án chậm tiến độ, đến tháng 10/2011 mới chính thức triển khai, kéo theo đó tổng vốn đầu tư cũng được điều chỉnh lên mức 868 triệu USD.

Như vậy, bình quân mỗi km đường sắt của tuyến Cát Linh - Hà Nội mức đầu tư lên tới khoảng 66,76 triệu USD (khoảng 1.520 tỷ đồng). 

Tương tự tuyến Nhổn - ga Hà Nội dài 8,9km có tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu là 783 triệu Euro. Tuy nhiên, dự án này đã phải điều chỉnh vốn tăng lên hơn 1,3 tỷ USD so với giá phê duyệt ban đầu.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội được khởi động từ năm 2006 nhưng đến năm 2010 mới chính thức khởi công và liên tục bị chậm tiến độ, đến nay mới thực hiện được hơn 30% các hạng mục.

“Thực tiễn từ tuyến trên cao Cát Linh – Hà Đông, đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội những vấn đề đội vốn, vấn đề chậm tiến độ ai cũng biết.

Câu hỏi đặt ra Hà Nội liệu có làm được những cái như mình hứa không? Với quy hoạch đường sắt đô thị như trên tôi cho rằng không thể làm được kể cả vốn, tiến độ và chất lượng”, ông Thủy cảnh báo.

Tiến sĩ Thủy đặt ra vấn đề; "Để tránh dự án chậm tiến độ, đội vốn, lãnh đạo Thành phố Hà Nội có dám làm văn bản cam kết chịu trách nhiệm cá nhân đối với tiến độ dự án, chất lượng cũng như hiệu quả của dự án đường sắt đô thị hay không?

Phải có cam kết để làm rõ trách nhiệm, không thể nói chung chung".

Mai Anh