Nâng cao cạnh tranh cải thiện môi trường kinh doanh
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020.
Theo đó, phấn đấu các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt tối thiểu bằng trung bình của nhóm nước ASEAN 4; đến năm 2017 đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên một số chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh thuộc nhóm chỉ số nâng cao hiệu quả (theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới);
Mục tiêu đến năm 2020, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đạt mức trung bình của các nước ASEAN 3 trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế.
Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là đòi hỏi cấp thiết đối với nước ta vì thế Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19-2016/NQ-CP (Ảnh minh họa, nguồn VOV |
Có thể nói cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh là nội dung có ý nghĩa quyết định đối với phát triển kinh tế-xã hội.
Đất nước đã và đang hội nhập sâu rộng, thực hiện cơ chế thị trường ngày càng đầy đủ, vấn đề môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia càng có ý nghĩa hết sức quan trọng quyết định cho tăng trưởng bền vững và cạnh tranh hiệu quả.
Vì thế, Nghị quyết 19 thể hiện thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ nhấn mạnh vào quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh trong giai đoạn hiện nay.
Với sự quyết tâm cao từ Chính phủ, sự nỗ lực vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, hàng nghìn thủ tục hành chính đã được cắt bỏ trong hai năm qua.
Người dân và doanh nghiệp đã dành niềm tin cho Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh - ảnh nguồn Báo Đầu tư. |
Điều này giúp Việt Nam tăng 3 bậc trong bảng xếp hạng Môi trường Kinh doanh 2016 do Ngân hàng Thế giới khảo sát nghiên cứu thực hiện và Việt Nam cũng đang được kỳ vọng sớm lọt vào nhóm 4 nước ASEAN dẫn đầu về môi trường kinh doanh.
Theo Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới thực hiện tại 140 nước, Việt Nam đứng thứ 56 trên bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu giai đoạn 2015 – 2016, tăng 12 bậc trong giai đoạn 2014-2015.
Đáng chú ý, chỉ số cạnh tranh của cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam tăng tới 9 bậc, từ vị trí thứ 76 trong giai đoạn 2014 – 2015 lên vị trí 67 giai đoạn 2015-2016.
Thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới được cải thiện, tăng 3 bậc từ vị trí 93 lên vị trí 90. Trong đó, chỉ số khởi sự DN tăng 7 bậc; tiếp cận tín dụng tăng 8 bậc và nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 4 bậc.
Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp
Ngày 16/5/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Nghị quyết nêu rõ, mục tiêu đến năm 2020, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh.
Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30 - 35% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm.
Hàng năm, có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.
Chính phủ ban hành Nghị quyết 35 tháo gỡ khó khăn vướng mắc để doanh nghiệp phát triển. ảnh nguồn Đại đoàn kết. |
Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 của Chính phủ là sự cụ thể bước đầu các cam kết của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp vào cuối tháng 4 tại TP. Hồ Chí Minh.
Nghị quyết 35 được đánh giá khá toàn diện, nhưng cũng rất cụ thể, và có thời hạn rõ ràng cho các công việc cần làm của các cơ quan của Chính phủ.
Ví dụ như, với Bộ Tài chính thì liên quan đến việc giảm thuế, cả thuế thu nhập cá nhân và thu nhập doanh nghiệp, hay như với Bộ Tài nguyên và Môi trường là nghiên cứu sửa đổi các quy định về đất đai theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp.
Tất cả đều theo hướng giảm chi phí kinh doanh (cả trực tiếp như các chi phí kể trên hay gián tiếp thông qua việc cải cách thủ tục hành chính).
Ưu đãi thuế thúc đẩy phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin
Ngày 26/5/2016, Chính phủ Nghị quyết 41/NQ-CP về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam.
Nghị quyết đã đưa ra các giải pháp về chính sách ưu đãi thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội và thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung các Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân theo hướng:
Giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, là đội ngũ những người có trình độ và kỹ năng đáp ứng được yêu cầu của hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin...
Nghị quyết 41/NQ-CP về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam được cho rằng sẽ giúp nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiêp công nghệ thông tin của Việt Nam - ảnh nguồn Diễn đàn doanh nghiệp. |
Đối với các giải pháp thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, bổ sung các hoạt động công nghệ thông tin cần đặc biệt khuyến khích là: Sản xuất và dịch vụ phần mềm; dịch vụ thiết kế, tư vấn công nghệ thông tin; dịch vụ tích hợp hệ thống; dịch vụ quản lý, duy trì hệ thống công nghệ thông tin (ứng dụng, mạng, thiết bị); dịch vụ thuê ngoài hệ thống công nghệ thông tin...
Nghị quyết 41 được đánh giá sẽ nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp công nghệ thông tin, đẩy mạnh thu hút đầu tư phục vụ cho phát triển công nghệ thông tin theo các mục tiêu đã đặt ra trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Mặt khác, những ưu đãi về thuế tại Nghị quyết số 41 sẽ giúp bổ sung thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện các dự án: sản xuất sản phẩm nội dung thông tin số, dịch vụ phần mềm, sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm, dịch vụ khắc phục sự cố an toàn thông tin, bảo vệ an toàn thông tin được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như mức đang áp dụng đối với dự án sản xuất sản phẩm phần mềm theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ban hành ban hành nhiều nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh
Nhằm triển khai Nghị quyết phiên họp Chính phủ quyết hóa quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức; kiên trì, kiên quyết không thay đổi mục tiêu phấn đấu; khuyến khích khởi nghiệp, phát huy dân chủ, năng động, sáng tạo, tinh thần đổi mới; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật; nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra...
Trong năm qua Chính phủ ban hành một loạt ban hành các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh điển hình như: Nghị định số 65/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và sát hạch lái xe.
Theo đó, cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải là cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật; phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo lái xe ô tô.
Ban hành ban hành nhiều nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong đó có quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và sát hạch lái xe. ảnh nguồn Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe số 3 Hà Nội. |
Về cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở phải đáp ứng các điều kiện về hệ thống phòng học chuyên môn, xe tập lái, sân tập lái xe, có chương trình, giáo trình và giáo án theo quy định.
Ngoài ra, cơ sở đào tạo lái xe ô tô cũng cần đáp ứng các điều kiện về giáo viên dạy lái xe ô tô.
Nghị định số 66/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rõ các điều kiện đầu tư kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản cũng như điều kiện đầu tư kinh doanh nuôi trồng, khai thác thủy sản.
Về điều kiện đầu tư khai thác thủy sản, Nghị định quy định thuyền trưởng, máy trưởng phải có bằng hoặc chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng tư đối với tàu cá từ 400 CV trở lên; hạng năm đối với tàu cá từ 90 CV đến dưới 400 CV; hạng nhỏ đối với tàu cá từ 20 CV đến dưới 90 CV.
Có tàu cá được cơ quan đăng kiểm tàu cá chứng nhận đủ điều kiện an toàn kỹ thuật đối với tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế từ 15m trở lên không lắp máy hoặc có lắp máy mà tổng công suất máy chính từ 20 CV trở lên.
Nghị định 67/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế bao gồm: Điều kiện chung đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; điều kiện đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng;
Điều kiện đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; điều kiện đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai, nước đá dùng liền.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 68/2016/NĐ-CP trong đó quy định cụ thể về điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế; các trường hợp tạm dừng hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế...
Sửa luật thuế xuất nhập khẩu
Từ ngày 1/9, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có hiệu lực thi hành. Với nhiều điểm mới, sửa đổi theo hướng tiến bộ, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển, Luật 2016 được kỳ vọng sẽ mang lại những hiệu ứng tích cực, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016 đã bổ sung các quy định về thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống phân biệt đối xử để góp phần bảo vệ nền sản xuất kinh doanh trong nước trong điều kiện hội nhập quốc tế; trên cơ sở kế thừa, nâng cấp, bổ sung những quy định của Pháp lệnh liên quan thời gian qua.
Cụ thể, Luật đã bổ sung quy định về thuế áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gồm thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ gồm điều kiện áp dụng, nguyên tắc áp dụng, thời hạn áp dụng đối với từng loại thuế.
Căn cứ mức thuế, số lượng hoặc trị giá hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ, người khai hải quan có trách nhiệm kê khai và nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Đồng thời, Luật đã sửa đổi nguyên tắc ban hành biểu thuế, thuế suất. Khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu, vật liệu, ưu tiên loại trong nước chưa đáp ứng nhu cầu; chú trọng phát triển lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước và các cam kết về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Các nguyên tắc sẽ góp phần bình ổn thị trường và nguồn thu ngân sách Nhà nước; đơn giản, minh bạch, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và thực hiện cải cách thủ tục hành chính về thuế.
Sửa đổi thẩm quyền ban hành Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Biểu Khung thuế xuất khẩu. Theo đó, Chính phủ có thẩm quyền ban hành: Biểu thuế xuất khẩu; Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi; Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi; Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt; Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Luật thuế xuất nhập khẩu góp phần thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.