Tờ Fast Salt Times của Ukraine hôm 19/8 đã có một bài viết ca ngợi tỷ phú Việt Nam Phạm Nhật Vượng, quá trình khởi nghiệp của ông ở nước ngoài, những thành công rực rỡ ở Ukraine và lý do ông từ bỏ lợi nhuận lớn từ nghề kinh doanh mỳ gói không có đối thủ ở đất nước này để tập trung cho công việc kinh doanh tại quê hương.
Các sản phẩm ăn liền của thương hiệu Mivina do tông Phạm Nhật Vượng lập ra ở Ukraine. |
Theo Fast Salt Times, cuộc chiến ở miền đông nam Ucraine hiện nay khiến nhiều người lại nhớ về Phạm Nhật Vượng- người sáng lập ra Mivina với những tình cảm ấm áp. Một lần nữa, thực phẩm ăn nhanh trở nên rất cần thiết cho những người đang sống trong vùng chiến sự và những điểm dân cư nghèo đói.
Ông Phạm Nhật Vượng sinh ra trong một gia đình nghèo ở Việt Nam vào ngày 5/8/1968. Ông và ba anh em lớn lên ở Hà Nội. Cha ông là lính phòng không, còn mẹ bán hàng rong trên phố.
Nhờ thành tích học tập môn toán xuất sắc, Phạm Nhật Vượng đã giành được học bổng du học tại Moscow (Nga), chuyên ngành kinh tế khoáng sản, vào năm 1987.
Năm 1993, ông tốt nghiệp Trường Đại học Khảo sát Địa chất Viện khảo sát ở Moscow.
Phạm Nhật Vượng bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của mình bằng cách mở quán ăn trong nhà Số 5, đường Aminevskoe - nơi có một ký túc xá của sinh viên người Việt trong những năm 1990.
Sau khi kết hôn với bạn gái người Việt cùng là du học sinh, vợ chồng ông chuyển tới Kharkov. Cũng ngay sau đó, ông vay mượn được 10.000 USD và mở một nhà hàng Việt Nam mang tên Thăng Long tại Kiev
Ngày 8/8/1993, ông thành lập thương hiệu “Mivina” và bắt đầu sản xuất mỳ ăn liền sau khi vay 100.000 USD từ những người bạn Việt với lãi suất 8%. Nguyên liệu sản xuất mỳ được nhập từ Việt Nam và Đài Loan.
Phạm Nhật Vượng liên tục được nhắc tên trong danh sách tỷ phú của Forbes. |
"Ukraine lúc bấy giờ rất nghèo đói", Fast Salt Times dẫn lời Phạm Nhật Vượng trong một cuộc phỏng vấn trước đó cho biết.
Sự xuất hiện của mỳ "Mivina" vào năm 1995 rất đúng thời điểm nên nhanh chóng trở nên phổ biến ở đất nước Ukraine. Chỉ trong vòng một năm, Phạm Nhật Vượng đã bán được 1 triệu gói mỳ. Đến năm 2004, mức tiêu thụ mì Mivina ở Ukraine đạt mức cao kỷ lục, 97% người tiêu dùng sử dụng loại sản phẩm này.
Nhờ một khoản vay từ Ngân hàng Châu Âu, Phạm Nhật Vượng mở rộng quy mô sản xuất và cho ra mắt một số loại thức ăn nhanh khác như rau thơm khô đóng gói, bột khoai tây, súp đóng gói...
Trong năm 2010, Tập đoàn Nestle SA Thụy Sỹ đã mua lại công ty "Technocom" do ông Phạm Nhật Vương thành lập vào năm 1993 với giá 150 triệu đô la.
Tại thời điểm này, Technocom có hai nhà máy ở Kharkov với doanh thu lên tới 100 triệu USD/năm. Công ty có 1.900 nhân công và sản phẩm của nó được xuất khẩu sang 20 quốc gia, trong đó có Nga, các nước Baltic, Đức, Hungary, Israel, Ba Lan và Romania.
Theo Fast Salt Times, trong thời điểm những năm 1997-1998, Phạm Nhật Vượng đã nghĩ rằng ông sẽ về nước nghỉ hưu sau khi kiếm được 2 triệu USD. Nhưng công việc kinh doanh dường như lôi cuốn ông đi xa hơn thế.
Song song với việc kinh doanh ở Ukraine, Phạm Nhật Vượng bắt đầu các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam vào năm 2000. Ông đưa lợi nhuận thu được từ Ukraine đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam thông qua hai công ty Vinpearl (2001) và Tập đoàn Vingroup (2002).
Năm 2007, ông đưa Vingroup lên sàn giao dịch chứng khoán. Hiện tại, Vingroup là một trong 5 công ty đắt giá nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Các dự án mà công ty của ông đã thực hiện gồm khu nghỉ dưỡng Vinpearl với cáp treo nối từ đảo vào đất liền, trung tâm mua sắm Vincom Center Bà Triệu và các khu chung cư cao cấp tại Hà Nội, trung tâm mua sắm Vincom Center ở Sài Gòn và nhiều dự án khác.
Phạm Nhật Vượng mơ ước muốn góp phần để đưa Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trở thành những thành phố tốt hơn cả Hong Kong và Singapore. |
Mỗi công trình đều chứa đựng rất nhiều tâm huyết của tỷ phú Việt Nam. Ông đã dày công đi tìm hiểu và nghiên cứu các mô hình thành công trong khu vực để đúc kết kinh nghiệm thành lập các dự án ở Việt Nam.
Khi xây dựng Vincom Center tại TP.Hồ Chí Minh, ông đã lặn lội sang Singapore, đến thăm những trung tâm thương mại lớn để học tập kinh nghiệm. Trước khi xây dựng Vinpearl Nha Trang, ông cũng đã đến thăm các khách sạn tại Phuket, Thái Lan.
Theo đánh giá của tờ Forbes, tài sản của Phạm Nhật Vượng vào tháng 8/2015 đạt 1,65 tỷ USD, số vốn hóa công ty Vingroup đạt 3 tỷ USD. Ông trở thành tỷ phú USD đầu tiên ở Việt Nam và liên tục nằm trong danh sách các tỷ phú do Forbes bình chọn.
Hiện nay, ông Phạm Nhật Vượng đang đầu tư vào các dự án giáo dục, làm từ thiện, xây dựng các tổ hợp công viên như Công viên trung tâm ở New York, xây dựng các tòa nhà chọc trời, khu du lịch trên đảo Phú Quốc, xây dựng 100 siêu thị và 1.000 cửa hàng. Ông đang thực hiện dự án thương mại đầy triển vọng thương mại điện tử có giá trị tới 50 triệu USD mà ông ấp ủ từ năm 2006 và sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015.
Phạm Nhật Vượng mơ ước muốn góp phần để đưa Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trở thành những thành phố tốt hơn cả Hong Kong và Singapore.
Năm 2009, vụ tai nạn máy bay A330 ở Đại Tây Dương đã gây ấn tượng mạnh với ông Phạm Nhật Vượng. Chiếc máy bay Airbus A330-203 thuộc hãng hàng không Air France trên đường từ Rio de Janeiro đến Paris đã rơi xuống biển, tất cả 228 người trên máy bay thiệt mạng.
Sau sự kiện này, ông Phạm Nhật Vượng đã xem xét lại thái độ của mình với cuộc sống: "Tôi đột nhiên nhận ra rõ ràng rằng tôi cũng có thể bị rơi xuống đại dương và biến mất không để lại một chút dấu vết. Điều đó thật khủng khiếp".
Suy nghĩ này đã giúp ông đưa ra quyết định bán công ty ở Ukraine và tập trung vào công việc kinh doanh tại Việt Nam, nâng cao đời sống và hình ảnh của TP.HCM, Hà Nội.
"Nếu tôi làm được điều này, tôi sẽ rất hạnh phúc. Tôi muốn để lại một dấu ấn nào đó, bởi người chết thì không cần tiền", Fast Salt Times dẫn lời ông Phạm Nhật Vượng cho biết thêm.