Biết BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ thu được nhiều tiền cũng chẳng xử lý gì được?

23/07/2016 06:01
Mai Anh
(GDVN) - Theo Ths.LS Trương Anh Tuấn, việc không có cơ chế giám sát các trạm BOT nên dù có nhìn thấy sự chênh lệch giữa báo cáo với thực tế cũng khó xử lý, hồi tố.

Biết nhưng khó xử lý

Sau 10 ngày kiểm tra, giám sát lưu lượng phương tiện qua các trạm thu phí BOT trên toàn tuyến đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam kết quả cho thấy: Doanh thu BOT tại cao tốc này là 19,85 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu thu vé lượt 17,5 tỷ đồng, vé tháng là 1,7 tỷ đồng và vé quý là 640,7 triệu đồng.

Chia bình quân, một ngày các trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ thu được 1,985 tỉ đồng.

Số thu này cao hơn rất nhiều so mức thu phí bình quân hàng ngày của các tháng trước đó do Công ty CP Pháp Vân - Cầu Giẽ báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cổ đông (bình quân là gần 1,4 tỉ đồng/ngày).

Kết quả kiểm tra của đoàn công tác Tổng cục Đường Bộ Việt Nam cho thấy, mức thu phí trong 1 ngày tại các trạm BOT trên tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ cao hơn con số báo cáo của đơn vị thu phí - ảnh nguồn Báo Đời sống và pháp luật
Kết quả kiểm tra của đoàn công tác Tổng cục Đường Bộ Việt Nam cho thấy, mức thu phí trong 1 ngày tại các trạm BOT trên tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ cao hơn con số báo cáo của đơn vị thu phí - ảnh nguồn Báo Đời sống và pháp luật

Việc chênh lệch giữa báo cáo của Công ty CP Pháp Vân – Cầu Giẽ với cổ đông và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đặt ra hai vấn đề: Thứ nhất nếu có khoản chênh lệch giữa mức thu phí thực tế và báo cáo khác nhau, trong đó số thu nhiều hơn so với con số báo cáo. Vậy khoản chênh lệch này rơi vào túi ai?

Thứ hai, nếu đúng Công ty CP Pháp Vân – Cầu Giẽ báo cáo không trung thực kéo dài thời gian thu phí gây thiệt hai cho nhà nước và nhân dân thì cơ quan, đơn vị nào phải trách nhiệm?

Trước vấn đề nêu trên. trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Ths.LS Trương Anh Tuấn - Ủy ban Đào tạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận định: Bằng cảm tính, chúng ta thấy sự chênh lệch giữa con số 1,4 tỷ đồng/ngày - báo cáo của Công ty CP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ) và 1,988 tỷ đồng/ngày - kết quả kiểm tra trong 10 ngày của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Tuy nhiên cần phải thấy rõ hai con số này đưa ra vào 2 thời điểm khác nhau.

Biết BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ thu được nhiều tiền cũng chẳng xử lý gì được? ảnh 2

Trong 10 ngày giám sát, mức thu phí cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ tăng bất thường

Biết BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ thu được nhiều tiền cũng chẳng xử lý gì được? ảnh 3

Không làm rõ được thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, ngành giao thông bất lực?

“Dư luận có quyền đặt nghi vấn chênh lệch giữa con số 1,4 tỷ đồng và 1,985 tỷ đồng, đặt nghi vấn có chênh lệch và số tiền rơi vào túi đơn vị thu phí. Không ai cấm việc nghi vấn hay đặt vấn đề nhưng phải khẳng định không đủ cơ sở nếu chỉ dựa vào 2 con số trên”, Ths.LS Trương Anh Tuấn cho hay.

LS. Trương Anh Tuấn phân tích, báo cáo của Công ty CP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ về mức thu phí BOT 1,4 tỷ đồng/ngày dựa vào mức thu phí bình quân các tháng trước thời điểm kiểm tra. Trong khi kết quả kiểm tra của Tổng cục Đường bộ Việt Nam là trong 10 ngày tháng 7.

“Nếu nói có sự chênh lệch và khoản chênh lệch rơi vào phía nhà đầu tư, họ hoàn toàn có thể biện minh do khách quan, tức trước đây lưu lượng xe qua trạm ít hơn hiện nay. Nên nhớ lưu lượng phương tiện giao thông hay tăng giảm cơ học phương tiện giao thông đi lại trên đường là yếu tố khách quan. Không có con số cứng nhắc mà luôn có việc tăng hay giảm”, LS. Trương Anh Tuấn phân tích.

Trách nhiệm làm rõ của cơ quan quản lý

Theo LS. Trương Anh Tuấn, muốn khẳng định được chủ đầu tư dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ có hay không việc ăn gian mức phí thu tại các trạm BOT thì bản thân cơ quan quản lý nhà nước phải có cách giám sát trong cùng thời điểm để đối chiếu.

“Nếu trong cùng thời điểm mà báo cáo của nhà đầu tư chỉ đưa ra trung bình mức thu phí 1 ngày trên tuyến BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ là 1,4 tỷ đồng, trong khi bằng nghiệp vụ theo dõi, kiểm đếm tính toán cho ra mức thu phí trung bình trong cùng thời gian đó là 1,985 tỷ đồng thì đó mới đủ căn cứ nói đơn vị thu phí báo cáo sai, gian lận”, LS. Trương Anh Tuấn nêu ví dụ.

LS. Tuấn nhận định, trách nhiệm chính ở đây thuộc cơ quan quản lý nhà nước. Nếu không có biện pháp giám sát song song mà chỉ dựa vào báo cáo của đơn vị thu phí thì hoàn toàn có thể dẫn đến gian lận.

Đồng quan điểm với LS. Trương Anh Tuấn, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng: Trước hết động thái kiểm tra, giám sát của Tổng cục Đường bộ Việt Nam rất đáng hoan nghênh. Điều đó thể hiện sự lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân, chuyên gia và doanh nghiệp.

Theo ông Liên, sau kết quả kiểm tra trên cho thấy có sự chênh lệch rất rõ. “Nếu đúng có chênh lệch giữa mức thu thực tế về báo cáo rõ ràng Công ty CP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ là người được hưởng lợi. Ngược lại người dân sẽ chịu thiệt khi phải nai lưng đóng phí với tổng số tiền nhiều hơn số tiền nhà đầu tư bỏ ra thực hiện dự án”, ông Liên cho hay.

Theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội qua kết quả giám sát, kiểm tra mức thu tại trạm thu phí BOT Pháp Vân Cầu Giẽ cho thấy, các dự án đầu tư BOT không chỉ có vấn đề khi phê duyệt thực hiện dự án mà ngay cả khi thu phí cũng có vấn đề.

“Từ vấn đề thu phí trên tuyến BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ tôi cho rằng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải cần kiểm tra lại toàn bộ mức thu phí tại các trạm BOT tránh việc đơn vị đầu tư báo cáo sai lệch chuộc lợi”, ông Liên cho biết.

Mai Anh