Không làm rõ được thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, ngành giao thông bất lực?

13/07/2016 11:45
Mai Anh
(GDVN) - Theo ông Bùi Danh Liên, việc khó làm rõ khoản thu phí BOT trên tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ do sai lầm của Bộ GTVT khi cho doanh nghiệp BOT nhiều đặc quyền.

Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1), một trong những cổ đông sáng lập Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (MPC) – chủ đầu tư dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ không dưới 1 lần đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp cùng làm rõ nghi vấn “thất thoát phí” tại tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Tuy nhiên sau đề nghị của Cienco 1, những câu hỏi xung quanh khoản thu phí xe qua trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ vẫn là một ẩn số.

Tại Tọa đàm “Minh bạch - Hiệu quả các dự án BOT, cách nào?” do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 12/6/2016, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường phát biểu cho rằng, con số thu phí các phương tiện qua trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ không thể công bố.

Mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng khẳng định, hiện trạng hệ thống thiết bị, phần mềm quản lý thu phí tại trạm BOT trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ gây khó cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát. 

Việc làm rõ khoản thu phí phương tiện qua Trạm thu phí BOT trên tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ đang gặp khó khăn - ảnh Quốc Anh
Việc làm rõ khoản thu phí phương tiện qua Trạm thu phí BOT trên tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ đang gặp khó khăn - ảnh Quốc Anh

Cách trả lời của ngành giao thông trong việc minh bạch khoản thu phí trên tuyến đường BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ đặt ra câu hỏi, ngay chính cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể giám sát kiểm tra thì căn cứ vao đâu để người dân biết thời gian thu phí hoàn vốn chính xác dự án?

Và nếu Công ty CP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ lấy cớ chưa thu đủ phí hoàn vốn và kéo dài thời gian thu phí, cơ quan quản lý nhà nước lấy căn cứ gì để phản biện đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân, doanh nghiệp?

Trước những vấn đề đặt ra, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến những đặc quyền của doanh nghiệp đầu tư BOT đến từ sai lầm của Bộ Giao thông vận tải”.

Không làm rõ được thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, ngành giao thông bất lực? ảnh 2

Tổng cục Đường bộ gặp khó khi kiểm tra thu phí cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ

(GDVN) - Tổng cục Đường bộ đã chỉ ra hàng loạt lỗi về dữ liệu khiến việc kiểm tra, giám sát doanh thu từ thu phí trên tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ gặp khó khăn.

Không làm rõ được thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, ngành giao thông bất lực? ảnh 3

"Không minh bạch được BOT là minh chứng lợi ích nhóm"

(GDVN) - "Không minh bạch được doanh số thu phí, chỉ định trong mời thầu, thực hiện BOT trên đường độc đạo là minh chứng lợi ích nhóm", PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho hay, hầu hết doanh nghiệp thành viên trong Hiệp hội hàng ngày đều có phương tiện giao thông chạy qua tuyến đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ.

Qua phản ánh của các doanh nghiệp thành viên, hiện nay mặt đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đúng là đã tốt hơn so với trước khi cải tạo nâng cấp, tuy nhiên mức thu phí lại cao bằng với tuyến đường cao tốc xây dựng mới là chưa hợp lý.

Theo đó, dù mặt đường đã được cải tạo nhưng chiều rộng mặt đường vẫn không thay đổi, số làn xe và bề ngang vẫn theo kết cấu cũ.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, mức thu phí hiện nay áp dụng là cao. Mức phí này chỉ phù hợp khi giai đoạn hai dự án được hoàn thành, tức là khi tuyến đường được mở rộng 6 làn đường.

Trở lại lý giải của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng việc kiểm tra, giám sát doanh thu thu phí của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ gặp nhiều khó khăn do đơn vị thu phí dùng vé thường kết hợp với thẻ. Do đó, phần mềm quản lý thu phí chưa hỗ trợ được việc trích xuất báo cáo số thu phí theo từng loại vé, từng ca, từng ngày, từng tháng… qua đó khó tổng hợp khoản thu chính xác.

Ông Bùi Danh Liên nhận định: Một khi đơn vị chủ quản có ý gian lận sẽ tìm mọi cách che lấp những sai sót nên rất khó kiểm tra.

“Tổng cục Đường bộ nếu chỉ kiểm tra đơn thuần, rất khó để làm rõ gian lận. Bởi kiểm tra chỉ dựa vào báo cáo; Kiểm tra cách làm, nguyên tắc làm, số lượng hay số tiền thu phí chỉ dựa vào sổ sách do đơn vị thu phí đưa ra”, ông Liên nói.

Theo ông Liên, đáng nhẽ thay bằng kiểm tra, Bộ Giao thông vận tải phải thành lập đoàn thanh tra toàn diện.

“Khi thanh tra, doanh nghiệp phải xuất trình tất cả những cách tính, phương pháp tình và kiểm đếm số phương tiện. Khi đó doanh nghiệp buộc phải báo cáo chi tiết, đưa ra con số. Để đảo ngược trở lại tìm con số thu phí phải có kiểm toán, đối chứng”, ông Bùi Danh Liên nêu ý kiến.

Đặt giả thiết về các thủ thuật đơn vị thu phí có thể thực hiện để qua mắt cơ quan quản lý nhà nước, ông Bùi Danh Liên nhấn mạnh lỗi chính thuộc về Bộ Giao thông vận tải.

Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội - ảnh: H. Lực.
Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội - ảnh: H. Lực.

“Tôi biết có những hợp đồng BOT giao thông còn có cả điều khoản bảo mật ngay cả đơn vị liên danh cũng không được tiết lộ, do đó tạo đặc quyền cho doanh nghiệp làm BOT giao thông. Sai lầm của Bộ Giao thông vận tải là để doanh nghiệp tự chủ vấn đề thu phí và không có giám sát. Tất cả chỉ dựa vào khai báo của doanh nghiệp, như vậy không tránh được việc doanh nghiệp không mih bạch nhằm kéo dài thời gian thu phí”, ông Liên phân tích.

Dù cơ quan quản lý nhà nước gặp những khó khăn trong vấn đề kiểm tra số tiền thu phí phương tiện trên đường BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ nhưng theo ông Liên, Tổng cục Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải phải tự có phương án, giải pháp để từ đó làm rõ con khoản thu phí chính xác.

Nếu không làm rõ khoản thu phí có nghĩa doanh nghiệp có thể khai khống để kéo dài thời gian thu phí, gánh nặng đó đổ vai người dân. Qua đó thể hiện sự bất lực của cơ quan quản lý. 

Mai Anh