Đoàn kiểm tra Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có kết quả kiểm tra, giám sát tại các trạm thu phí đường bộ tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ trong thời gian 10 ngày (từ 10-20/7).
Việc kiểm tra, giám sát mức thu phí BOT trên tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ trong 10 ngày vừa qua do liên quan đến việc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) đưa ra “nghi vấn” thất thoát phí và minh bạch hóa các hoạt động thu phí tại đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Kết quả kiểm tra của đoàn công tác Tổng cục Đường Bộ Việt Nam cho thấy, mức thu phí trong 10 ngày tại các trạm BOT trên tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ đạt xấp xỉ 20 tỷ đồng, số tiền này bằng gần 60% số tiền thu phí bằng cả tháng 2 - ảnh nguồn báo Đời sống và Pháp luật. |
Sau phản ánh của Cienco 1, cuối tháng 6/2016 Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tiến hành kiểm tra sơ bộ công tác thu phí tại tuyến đường Pháp Vân – Cầu giẽ.
Qua kiểm tra Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ ra hàng loạt các lỗi về dữ liệu để phục vụ công tác hậu kiểm, đặc biệt cơ quan Nhà nước có thẩm quyền gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, giám sát doanh thu thu phí của tuyến đường này.
Ngay sau đó, Tổng cục Đường bộ đã quyết định triển khai thành lập Đoàn kiểm tra, xác định doanh thu thu phí trạm Pháp Vân - Giẽ trong vòng 10 ngày của tháng 7 này.
"Nghi vấn thất thoát phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tôi không lạ"(GDVN) - Ngay sau những phản ánh về nghi vấn thất thoát phí thu tại tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, ông Bùi Danh Liên cho rằng "không lạ với thông tin trên" |
Theo kết quả kiểm tra của Tổng cục Đường bộ, số thu của một làn có một số trường hợp nhiều hơn và được xé vé bổ sung (cao nhất là 150.000 đồng/làn, số thấp nhất là 5.000đồng/làn).
Nguyên nhân được Đoàn kiểm tra chỉ ra là do lái xe không nhận lại tiền thừa khi nhân viên trả lại.
“Có trường hợp số thu ngân thấp hơn doanh thu qua thiết bị hậu kiểm nhiều nhất là 50.000 đồng/làn. Cả trạm một ca chênh lệch nhiều nhất là 500.000 đồng/ca/32 làn và đều được lập biên bản xác định nguyên nhân chủ yếu do thiết bị đọc hai lần một biển số xe hoặc không xác định được biển số xe”, kết quả kiểm tra nêu rõ.
Ngoài ra, qua kiểm tra xác xuất một vài cabin, thu phí viên đều xé vé và thu tiền đúng mệnh giá, chủng loại phương tiện.
Theo báo cáo của đoàn kiểm tra, sau 10 ngày tiến hành giám sát, kết quả doanh thu tại cao tốc này là 19,85 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu thu vé lượt 17,5 tỷ đồng, vé tháng là 1,7 tỷ đồng và vé quý là 640,7 triệu đồng.
Chia bình quân, một ngày trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ thu được 1,985 tỉ đồng.
Số thu này cao hơn rất nhiều so mức thu phí bình quân hàng ngày của các tháng trước đó do Công ty cổ phần Pháp Vân - Cầu Giẽ báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cổ đông (bình quân là gần 1,4 tỉ đồng/ngày).
Kết quả của đoàn kiểm tra Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, những phản ánh của Cienco 1 - một trong ba cổ đông trong liên danh nhà đầu tư của tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cho rằng, doanh thu thu phí trên tuyến cao tốc mà liên danh này báo cáo các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như thông báo cho các cổ đông là chưa sát với thực tế, đồng thời đặt ra “nghi vấn” thất thoát phí và đề nghị thanh tra về hoạt động thu phí của tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ là có cơ sở.
Trước đó, Cienco1 cũng làm phép toán so sánh đơn giản để chi ra sự chênh lệch.
Cụ thể, theo báo cáo của Công ty CP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ (MPC) báo cáo cổ đông tổng thu từ thu phí vào tháng 1/2016 đạt 41 tỷ đồng tuy nhiên doanh thu thu phí tháng 2/2016 chỉ còn 35,9 tỷ đồng trong khi đây lại là đợt cao điểm vận tải Tết Bính Thân 2016.
Nhìn kết quả trên có thể thấy chỉ với 10 ngày theo dõi kiểm tra thu phí, tổng số tiền phí thu tại các trạm BOT trên tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ đã đạt xấp xỉ 20 tỷ đồng, số tiền này gần bằng 60% tổng số tiền thu phí cả tháng 2/2016 trên toàn tuyến.
Đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ điểm đầu nối với đường Tam Trinh tại km181+700 (Quốc lộ 1 cũ) đến km 212+500 giao với Quốc lộ 1 và tại km 212+200 trạm thu phí trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình có dài 29 km. Tuyến đường được Bộ Giao thông vận tải giao Công ty cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ (MPC) chủ đầu tư theo hình thức BOT, với tổng mức đầu tư 6.731 tỷ đồng, thời gian thu phí 17 năm 1 tháng. Dự án chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ ngày 29/9/2014 và hoàn thành vào 30/6/2015. Tổng mức đầu tư là 1.974 tỷ đồng, bao gồm cải tạo, nâng cấp mặt đường đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe cơ giới, trên nền đường hiện tại rộng 25 m; Giai đoạn 2 từ năm 2018, mức đầu tư là 4.757 tỷ đồng, mở rộng thêm 2 làn, mở rộng hoàn chỉnh đường cao tốc thành 6 làn xe cơ giới trên nền đường 33,5 m, xây dựng đường gom song hành hai bên với quy mô đường cấp 4 đồng bằng. Dù hiện nay dự án mới xong giai đoạn 1 nhưng tháng 10/2015 Bộ Giao thông vận tải đã chấp thuận cho nhà đầu tư thu phí. Toàn tuyến có 5 trạm thu phí chính và hai trạm phụ gồm trạm thu phí Pháp Vân-Cầu Giẽ tại km188+300, trạm Thường Tín km192+200, trạm Vạn Điểm km204+200, trạm Hà Nam km212+315, trạm thu phí Đại Xuyên phối hợp chung với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình km212+200 và một trạm phụ tại km 211+800 vào khu công nghiệp Nam Hà Nội đi ra Quốc lộ 1 cũ, một trạm phụ Thường tín vào khu dân cư. Công tác tổ chức thu phí được giao cho Đội thu phí thực hiện và được chia làm 3 ca liên tục 24/24 giờ. |