Bộ Giao thông vận tải cần thận trọng với đề xuất "lạ" của Vietnam Airlines

16/03/2016 14:43
Việt Dũng - Mai Anh
(GDVN) - Theo chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến, Bộ Giao thông Vận tải cần xem xét thận trọng đề xuất thành lập hãng hàng không mới của Vietnam Airlines

Đề xuất thành lập hãng bay mới, dự kiến là Công ty cổ phần hàng không VASCO, dựa trên cơ sở sắp xếp lại Công ty VASCO của Vietnam Airlines tiếp tục gây nhiều tranh cãi từ phía dư luận. 

Tranh luận gay gắt nhất vẫn là Vietnam Airlines dường như đã sắp sẵn kịch bản cổ phần cho Công ty cổ phần hàng không VASCO nhưng lại không định giá và bán tài sản, thương hiệu của VASCO một cách công khai, minh bạch.

Cụ thể, trong tờ trình Bộ Giao thông vận tải về việc thành lập hãng hàng không mới, Vietnam Airlines đã "vẽ" sẵn quy mô của hãng bay này với vốn điều lệ tối thiểu 300 tỉ đồng.

Trong đó, Vietnam Airlines góp 51% bằng các tài sản hiện có do VASCO đang quản lý (tính ra giá trị khoảng 153 tỉ đồng). Hai cổ đông còn lại (đã được chỉ định) góp 49% vốn bằng tiền (tương ứng 147 tỷ đồng).

Chính tờ trình này đã làm hé lộ nhiều điểm bất thường.

Theo nhận định của các chuyên gia, vai trò của Vietnam Airlines trong hãng hàng không cổ phần mới VASCO không thay đổi vì vẫn nắm quyền chi phối - ảnh nguồn VASCO - ảnh nguồn VASCO.
Theo nhận định của các chuyên gia, vai trò của Vietnam Airlines trong hãng hàng không cổ phần mới VASCO không thay đổi vì vẫn nắm quyền chi phối - ảnh nguồn VASCO - ảnh nguồn VASCO.

Liệu có hay không Vietnam Airlines vi phạm luật pháp khi đề xuất thành lập công ty cổ phần mới dựa trên Công ty Bay dịch vụ VASCO mà không qua quá trình đấu giá cổ phần, mời gọi đầu tư công khai?

Về vấn đề này, trao đổi với báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, ông Vũ Anh Minh – Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải cho rằng: Vietnam Airlines không vi phạm pháp luật bởi pháp luật đang thiếu quy định hướng dẫn chuyển đơn vị phụ thuộc của một Tổng công ty cổ phần thành công ty cổ phần.  

Phân tích cụ thể, ông Minh cho biết: Do Vietnam Airlines đã được cổ phần hóa từ cuối năm 2014, trong khi không có quy định nào hướng dẫn chuyển đơn vị phụ thuộc của một Tổng công ty cổ phần thành Công ty cổ phần.

Bộ Giao thông vận tải cần thận trọng với đề xuất "lạ" của Vietnam Airlines  ảnh 2

Những bất thường trong đề xuất lập hãng bay mới của Vietnam Airlines

(GDVN) - Theo VNA, việc thành lập một hãng bay cổ phần dựa trên tái cấu trúc Vasco không phải là cổ phần hóa DNNN nên không cần qua đấu giá công khai.

Pháp luật chỉ hướng dẫn làm sao chuyển Công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước thành Công ty cổ phần.

Bởi vậy Vietnam Airlines đã lựa chọn phương án góp vốn tạo nên một Công ty cổ phần, đánh giá lại tài sản theo quy định của pháp luật, thuê tổ chức tư vấn thẩm định độc lập được ủy nhiệm từ Bộ Tài chính và được sự đồng thuận của các cổ đông.

Phải chăng vin vào "lỗ hổng" này, Vietnam Airlines nhanh chóng thành lập hãng hàng không cổ phần với những đề xuất có lợi nhất cho mình? 

Dễ thấy, với đề xuất nắm giữ 51% cổ phần VASCO và hiện đang giữ đến 70% cổ phần Jetstar Pacific, thị trường hàng không nội địa vẫn là sân chơi mà Vietnam Airlines có nhiều lợi thế.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, trao đổi với An ninh tiền tệ, LS. Trương Thanh Đức – Chủ tịch Công ty luật Basico khẳng định: Đề xuất thành lập hãng hàng không cổ phần VASCO đang có dấu hiệu “lập lờ đánh tráo khái niệm”.

LS. Đức phân tích: Trước đây, luật quy định công ty Nhà nước với doanh nghiệp Nhà nước là 2 khái niệm khác biệt, với vốn chủ sở hữu của Nhà nước lần lượt là 100% và hơn 50%. Điều này có nghĩa công ty Nhà nước (nhà nước chiếm 100% vốn) còn doanh nghiệp Nhà nước thì Nhà nước chiếm trên 50% vốn.

Nhưng kể từ khi Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực từ ngày 01/07/2015. Hai khái niệm này đều được hiểu là một tổ chức kinh doanh mà Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ.

Từ sự lập lờ này, LS. Đức đặt câu hỏi: “Tại sao Vietnam Airlines không chọn con đường rõ ràng nhất là công khai đấu giá cổ phần, thậm chí đấu giá chọn nhà đầu tư chiến lược, mà lại chọn con đường gây nhiều tranh cãi như vậy!” và chính cách làm của Vietnam Airlines đang khiến dư luận có quyền nghi ngờ tính minh bạch của thương vụ VASCO.

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến – Chủ tịch HĐQT tập đoàn Trí Tri, việc không công khai, minh bạch khi chuyển đổi VASCO thành công ty cổ phần sẽ rất dễ tới tình trạng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Theo chuyên gia Lý Trường Chiến, nếu không công khai, minh bạch thì dễ có lợi ích nhóm (ảnh: P.L)
Theo chuyên gia Lý Trường Chiến, nếu không công khai, minh bạch thì dễ có lợi ích nhóm (ảnh: P.L)

Theo ông Chiến, đã công khai minh bạch sẽ không có chuyện chỉ định đối tác, đơn vị đầu tư như cách làm của Vietnam Airlines. 

Ông Chiến cho rằng, để chuyển đổi mô hình doanh nghiệp sang cổ phần góp vốn cần phải tuân theo nguyên tắc “3 chữ công”: Công khai, công bằng và công tâm.

Nếu doanh nghiệp mà không thực hiện đúng theo “3 chữ công” này, ngoài việc có thể xảy ra lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ... thất thoát tài sản cũng sẽ là điều dễ hiểu.

Trước câu hỏi về việc định giá tài sản của VASCO, ông Lý Trường Chiến chia sẻ: Việc định giá này, cần thiết phải mời một đơn vị kiểm toán độc lập quốc tế thực hiện.

Đơn vị này chắc chắn phải không liên quan gì đến tài sản của quốc gia, một đơn vị có uy tín, thì việc định giá tài sản sẽ sát với giá thực tế hơn.

“Nếu làm khách quan, nghiêm túc thì cần phải có và thông qua hội đồng thẩm định giá tài sản, còn không thì vô tình hay cố ý, dễ xảy ra tình trạng thất thoát tài sản", chuyên gia Lý Trường Chiến nhấn mạnh.

"Với vai trò, trách nhiệm là một cơ quan quản lý ngành, Bộ Giao thông Vận tải khi nhận được đề xuất hay tờ trình của Vietnam Airlines cần phải xem xét thận trọng, thẩm định thấu đáo những yêu cầu trên. Nếu không đạt được như mong muốn, thì thay vì bác đề xuất, có thể yêu cầu Vietnam Airlines làm lại, đảm bảo tốt nhất mọi quy trình, nhất là yếu tố công khai, công bằng và công tâm.

Việt Dũng - Mai Anh