Những bất thường trong đề xuất lập hãng bay mới của Vietnam Airlines

11/03/2016 13:41
Ngân Phương
(GDVN) - Theo VNA, việc thành lập một hãng bay cổ phần dựa trên tái cấu trúc Vasco không phải là cổ phần hóa DNNN nên không cần qua đấu giá công khai.

Ý tưởng kinh doanh khó hiểu của Vietnam Airlines (VNA): Đề xuất thành lập hãng hàng không mới với sự tham gia góp vốn của một ngân hàng ngày càng lộ rõ những điểm bất thường khi cơ quan quản lý nhà nước (Bộ GTVT) chính thức lên tiếng "trần tình".

Máy bay của Vasco, ảnh MH.
Máy bay của Vasco, ảnh MH.

"Né" đấu giá công khai?

Việc VNA không công bố rộng rãi kế hoạch cổ phần Vasco, thuê tư vấn định giá, đặt ra các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để Nhà nước không lo thất thoát tài sản, trong khi doanh nghiệp lại tìm được đối tác phù hợp (như nhiều công ty con trong lĩnh vực hàng không khác đã làm khi cổ phần hóa trong 2 năm qua) khiến dư luận có quyền nghi ngờ, đặt dấu hỏi lớn.

Thế nhưng, trả lời phỏng vấn trang tin An ninh tiền tệ hôm 8/3 xung quanh nghi vấn vốn nhà nước có thể thất thoát từ đề xuất chuyển Vasco thành công ty cổ phần để thành lập hãng hàng không mới mà không qua đấu giá công khai, ông Vũ Anh Minh - Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp, Bộ GTVT lại cho rằng: không có quy định nào hướng dẫn chuyển đơn vị phụ thuộc của một Tổng công ty Cổ phần thành Công ty Cổ phần.

Ông Minh cho biết: Theo quy định của pháp luật hiện nay, doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu 100% cổ phần. Trong khi VNA đã thực hiện cổ phần hóa từ cuối năm 2014, bởi vậy VNA không phải là một công ty nhà nước, do đó các công ty phụ thuộc, trong đó có Vasco, cũng không thể coi là doanh nghiệp nhà nước được.

Trong quy định của pháp luật có văn bản về việc chuyển đổi Công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần (Nghị định 59/2011). Nếu VNA chưa được cổ phần hóa thì chúng ta có thể lựa chọn 1 trong 2 hình thức: Một là chuyển đơn vị phụ thuộc thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên rồi mới thực hiện quy trình cổ phần hóa. Hai là góp vốn thành lập một công ty cổ phần bằng cách dùng toàn bộ tài sản của đơn vị phụ thuộc đánh giá lại theo quy định của pháp luật.

VNA đã lựa chọn phương án 2, góp vốn tạo nên một công ty cổ phần, đánh giá lại tài sản theo quy định của pháp luật, thuê tổ chức tư vấn thẩm định độc lập được ủy nhiệm từ Bộ Tài chính và được sự đồng thuận của các cổ đông.

Theo cách giải thích này thì VNA thành lập một hãng bay cổ phần dựa trên tái cấu trúc Vasco, với sự tham gia góp vốn của một ngân hàng tư nhân và đây không phải là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nên không cần qua đấu giá công khai.

Có thể nói, cách hiểu này thực sự "bất thường" bởi giả sử nếu cách thức "góp vốn tạo nên công ty cổ phần" được thừa nhận là "động thái kinh doanh đúng luật" thì liệu sau này các đơn vị cổ phần hóa tương tự như Vasco có được không cần đấu giá chỉ cần mời một cổ đông thân quen tới tự định giá rồi góp vốn, sở hữu cổ phần?

Làm sao tránh khỏi thất thoát tài sản nhà nước khi hình thức "góp vốn tạo nên công ty cổ phần" được thực hiện thay vì công khai, minh bạch tiến hành theo đúng các trình tự của quá trình cổ phần hóa?

Theo một chuyên gia kinh tế, việc tái cấu trúc, sắp xếp lại doanh nghiệp là điều bình thường trong quá trình phát triển của doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh là một doanh nghiệp Nhà nước đang tiến hành cổ phần hóa được lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá là rất thành công như VNA song đơn vị thành viên này lại không cổ phần hóa mà lại theo một cách khác là điều khó hiểu”, vị này đặt vấn đề.

VNA nôn nóng, vì đâu?

Vẫn là giải thích của ông Vũ Anh Minh trước câu hỏi: Tại sao VNA không tiến hành theo cách thức thứ nhất trong 2 phương án trên nhằm thu về nhiều tiền nhất có thể?  

Ông Minh cho rằng đối với doanh nghiệp kinh doanh, có những cơ hội không bao giờ tới lần thứ hai. Trong khi quá trình chuyển đổi một đơn vị phụ thuộc trở thành một pháp nhân độc lập là Công ty TNHH, rồi sau đấy lại phải tiến hành cổ phần hóa để tăng vốn sẽ đòi hỏi khoảng thời gian rất lâu, thậm chí có thể lên tới 2 năm. Điều này khiến họ vuột đi những cơ hội ‘vàng’ trong hợp tác kinh doanh.

Dự toán tài chính giai đoạn 2016 - 2018 của VASCO sau khi được cổ phần.
Dự toán tài chính giai đoạn 2016 - 2018 của VASCO sau khi được cổ phần.

Thật kỳ lạ, bởi nói như ông Minh thì VNA nhìn thấy cơ hội vàng trên thị trường hàng không và muốn "rút ngắn giai đoạn" song thực tế đơn vị này lại "trình" một bản kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận thấp hơn 38 lần so với trước, đồng thời chỉ bằng 0,22% vốn điều lệ.

Nói cách khác, VNA chấp nhận bỏ hàng trăm tỷ đồng để trong mấy năm tới chấp nhận "phú quý giật lùi".

Không thể không nhắc tới một động thái khác rất liên quan, đó là ngày 29/01, VNA có công văn số 159/BIDV- VNA trình Thủ tướng Chính phủ về việc: “Chấm dứt trước hạn HĐ thuê máy bay ATR 72-500”.

Theo đó, công ty này muốn chấm dứt thời hạn thuê 5 máy bay ATR 72-500 kí với Công ty Cổ phần Cho thuê Máy bay Việt Nam (VALC) năm 2008, mặc dù hợp đồng trên có thời hạn tới gần 12 năm.

Trong công văn của VNA có đoạn: “Hiện nay, trong điều kiện hầu hết các sân bay đã được nâng cấp để đón các tàu bay phản lực, việc khai thác dòng máy bay ATR trở nên kém ưu thế. Do đó ngày 22/06/2015, VNA đã có Công văn số 800A/TCTHK-ĐTMS đề nghị VALC xem xét chấm dứt trước hạn Hợp đồng thuê 5 máy bay ATRVNA. VNA cũng đã báo cáo và được bộ Giao thông Vận tải phê duyệt việc dừng khai thác dòng máy bay ATR từ năm 2016 theo Kế hoạch sản xuất kinh doanh và Kế hoạch đầu tư phát triển giai đoạn 2016 – 2020”.

Ngược lại, tại công văn số 2336/BC-TCTHK-NDDVNN gửi Bộ Giao thông Vận tải ngày 06/01 xin phê duyệt việc góp vốn, thành lập hãng hàng không mới theo mô hình công ty cổ phần trên cơ sở sắp xếp lại Công ty Vasco, VNA lại có quan điểm hoàn toàn trái ngược.

Trong phần đánh giá hiệu quả của Đề án có viết: “Việc tiếp tục duy trì khai thác tàu bay ATR72 đi/ đến sân bay tại các địa phương chưa tiếp nhận được tàu bay phản lực thân hẹp (Côn Đảo, Cà Mau, Điện Biên, Kiên Giang) đảm bảo nhu cầu đi lại, giao thương của người dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương”.

Tại sao trong 2 văn bản chỉ cách nhau 3 tuần mà VNA lại có 2 cách giải thích trái ngược, một bên cho rằng khai thác dòng bay ATR 72  không hiệu quả, một văn bản khẳng định ngược lại?

Cần nhắc lại rằng nhà nước hiện vẫn giữ 96,5% cổ phần tại VNA vì vậy mỗi quyết định kinh doanh của VNA vẫn phải đặt lợi ích của đất nước lên hàng đầu, đồng thời phải công khai, minh bạch, nhằm tránh thất thoát, lãng phí ngân sách.

Hy vọng rằng, những bất thường "hé lộ" sau bản "đề xuất lạ" của VNA sẽ sớm được làm sáng tỏ bởi nói như chuyên gia kinh tế Nguyễn Chí Hiếu thì rõ ràng nếu VNA có chủ trương cổ phần hóa, gọi vốn đầu tư cho Vasco (thực sự) thì cần công khai kế hoạch, tổ chức định giá Vasco, đưa ra các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư để đảm bảo tài sản hiện hữu của nhà nước tại Vasco như máy bay, mạng bay, thương hiệu… được sử dụng và định giá đúng mực bởi các công ty định giá độc lập. Đồng thời, chọn được nhà đầu tư phù hợp cũng như tránh thất thoát vốn Nhà nước.

Trừ phi, mục đích của "cuộc sắp xếp lại Vasco" không phải để đạt mục đich như trên?

Ngân Phương