Hôm qua, liên Bộ Công thương-Tài chính vừa công bố phương án điều hành kinh doanh xăng dầu trong chu kỳ điều hành mới, theo đó có điều chỉnh tăng giá bán mặt hàng xăng, giữ ổn định giá bán mặt hàng dầu điêzen, dầu madut kết hợp tăng sử dụng Quỹ BOG với các mặt hàng này và giảm giá bán dầu hỏa.
Cụ thể giá xăng dầu được điều hành theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (gọi tắt là Nghị định số 83/2014/NĐ-CP) với nguyên tắc cơ bản là: "Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước".
Bộ Tài Chính cho biết trong trường hợp không sử dụng Quỹ BOG, giá xăng có thể phải tăng đến hơn 3.000 đồng/lít. |
Với chu kỳ điều hành giá là 15 ngày, việc điều chỉnh giá xăng dầu lẽ ra đã được thực hiện vào ngày 4/5/2015. Tuy nhiên, do chu kỳ tính giá lại rơi vào ngày nghỉ lễ dịp 30/4 và 1/5 nên bộ này đã lùi ngày điều chỉnh giá xăng dầu.
Những ngày qua, diễn biến giá xăng dầu thế giới tăng cao đột biến so với bình quân 15 ngày làm căn cứ điều hành giá của lần điều hành gần nhất (13/4/2015). Đặc biệt có 2 phiên giao dịch liền kề giá xăng RON 92 đã tăng hơn 4USD/thùng.
Như vậy theo quy định tại Điểm C Khoản 3 Điều 38 của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu: “Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên bảy phần trăm (> 07%) so với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, liên Bộ Công Thương - Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành cụ thể”.
Trường hợp trên giá xăng dầu biến động lớn hơn 7%, Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã có công văn số 4391/BCT-TTTN ngày 05/5/2015 về điều hành kinh doanh xăng dầu theo đó, cho phép các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối: Tăng sử dụng Quỹ BOG với các mặt hàng xăng, dầu điêzen, dầu madut; Giữ ổn định giá bán dầu điêzen (15.880 đồng/lít), dầu madut (12.650 đồng/kg); giảm giá bán dầu hỏa (giảm 260 đồng/lít từ 16.070 đồng/lít xuống còn 15.810 đồng/lít);Điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu không cao hơn mức giá cơ sở tính toán (khoảng 1.950 đồng/lít từ 17.280 đồng/lít lên mức 19.230 đồng/lít).
Theo Bộ Tài chính trong lần điều hành này, để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng và Nhà nước, nhằm giảm bớt mức tăng giá xăng dầu trong nước trước áp lực tăng của giá xăng dầu thế giới nhằm góp phần kiềm chế lạm phát, Liên Bộ đã sử dụng đồng thời nhiều các công cụ tài chính khác như thuế nhập khẩu, sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG).
Cụ thể, ngày 4/5, Liên Bộ Tài chính – Công thương đã điều giảm thuế nhập khẩu (dầu điêzen giảm từ 20% xuống còn 12%, dầu madut giảm từ 25% xuống còn 13%) và tăng mức sử dụng Quỹ BOG (dầu điêzen tăng sử dụng thêm 188 đồng/lít lên mức 322 đồng/lít, dầu madut tăng sử dụng thêm 80 đồng/kg lên mức 303 đồng/kg) để giữ ổn định giá bán các loại dầu này.
Đối với mặt hàng xăng - mặt hàng có biến động giá thế giới tăng cao nhất (14,32%), để góp phần chia sẻ với người tiêu dùng, Liên Bộ đã cho phép tăng sử dụng Quỹ BOG thêm 446 đồng/lít (từ 991 đồng/lít lên mức 1.437 đồng/lít), phần dư địa còn lại điều chỉnh tăng giá bán xăng tương ứng.
Liên Bộ Công Thương-Tài chính cho biết, trường hợp không sử dụng Quỹ BOG, giá xăng có thể phải tăng đến hơn 3.000 đồng/lít.
Bộ Tài chính cho rằng, việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu này không do tác động từ việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 01/5/2015 vừa qua.
Dù tăng mức thuế bảo vệ môi trường từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít nhưng cơ quan này đã giảm thuế suất thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu từ 10% đến 15% tùy mặt hàng. Mức tăng thuế môi trường tương đương mức giảm thuế suất nên việc tăng thuế môi trường không tác động vào giá xăng dầu.