Cần một Bộ trưởng hành động để tái cơ cấu ngay Bộ Công Thương

14/07/2016 07:11
Mai Anh
(GDVN) - Theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó chủ tịch VAFI, để tái cơ cấu bộ máy của Bộ Công Thương yếu tố quan trọng là con người, cần một Bộ trưởng hành động.

Tái cơ cấu ngay Bộ Công Thương

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 của Bộ Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nêu các hạn chế của Bộ này, đặc biệt là trong công tác quản lý bộ máy nhân sự, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp còn quá chậm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: Bộ Công Thương hiện có đến 30 vụ, cục và khoảng 10 viện trực thuộc chưa kể các viện thuộc các tập đoàn, 10 trường đại học, 22 trường cao đẳng, 11 tập đoàn, tổng công ty, hàng vạn lao động. Do đó phải cơ cấu ngay bộ máy này để phục vụ cho sản xuất và phát triển, kể cả sản xuất và xuất nhập khẩu, hội nhập quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị của Bộ Công Thương, ngày 12/7 - Ảnh: chinhphu.vn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị của Bộ Công Thương, ngày 12/7 - Ảnh: chinhphu.vn.

Thủ tướng chỉ ra, đối với ngành công thương thời gian tới là thể chế, cơ chế quản lý còn chưa theo kịp thực tiễn; Cơ chế quản lý cạnh tranh, chống độc quyền còn hạn chế. Chiến lược phát triển của ngành chưa hiệu quả, chưa tạo động lực cần thiết để khu vực tham gia....

Trước đó những vấn đề liên quan đến bổ nhiệm cán bộ, tái quản lý doanh nghiệp của Bộ Công Thương đã được Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nêu ra trong văn bản kiến nghị liên quan đến về việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải (con trai nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng) vào thành viên HĐQT và Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty CP Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về chỉ đạo tái cơ cấu Bộ Công Thương của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch VAFI cho hay: “Những đánh giá của Thủ tướng đã nêu lên toàn bộ điểm yếu của ngành công thương thời gian dài vừa qua, thể hiện rất rõ trong từng lĩnh vực Bộ Công Thương quản lý”.

Cần một Bộ trưởng hành động để tái cơ cấu ngay Bộ Công Thương ảnh 2

Công bố hàng loạt vi phạm của 4 "đại gia" đa cấp

(GDVN) - Bộ Công Thương vừa công bố hàng loạt vi phạm của 4 doanh nghiệp đa cấp.

Cần một Bộ trưởng hành động để tái cơ cấu ngay Bộ Công Thương ảnh 3

Bộ Công Thương cần làm rõ 3 vấn đề sau vụ bổ nhiệm con trai nguyên Bộ trưởng

(GDVN) - Sau văn bản của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, VAFI kỳ vọng Bộ Công Thương sẽ giải quyết 3 vấn đề.

Ông Hải cho rằng, con số đơn vị hành chính 30 vụ, cục, 10 viện, 10 trường đại học, 22 trường cao đẳng, 11 tập đoàn... cho thấy bộ máy Bộ Công Thương có đầy đủ yếu tố để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Cụ thể, Bộ Công Thương có đến 30 Vụ, Cục lo quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực cụ thể, có 10 viện để nghiên cứu tham mưu những chính sách phát triển ngành công thương, số trường đại học cao đẳng đào tạo cán bộ chủ chốt cho ngành.

“Tuy nhiên hiệu quả công việc chưa tương xứng với bộ máy nên chúng ta mới thấy con số trên cồng kềnh. Bộ máy hành chính trên của Bộ Công Thương quản lý không phải mới hình thành, để nói nhiều hay ít số Cục, Vụ, Viện phải nhìn vào hiệu quả làm việc. Nếu làm việc tốt, quản lý tốt thì không sợ nhiều. Ngược lại làm việc không hiệu quả thì một, hai Cục, Vụ, Viện cũng là nhiều”, ông Nguyễn Hoàng Hải nêu quan điểm.

Ba lĩnh vực yếu kém của Bộ

Chính từ hiệu quả quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực của Bộ Công Thương thời gian qua chưa tốt cho thấy, Bộ đang nuôi một bộ máy cồng kềnh nhưng làm việc không hiệu quả.

Phó Chủ tịch VAFI chỉ ra 3 vấn đề thuộc lĩnh vực Bộ Công Thương quản lý nhưng yếu kém thời gian qua gây bức xúc dư luận:

Thứ nhất, nổi cộm nhất là quản lý kinh doanh đa cấp. Bộ Công Thương từng khẳng định không lơ là trong quản lý kinh doanh đa cấp. “Bộ này khẳng định sau khi cấp giấy phép kinh doanh đa cấp có hậu kiểm, có giảm sát. Hậu kiểm, giám sát tại sao vẫn có những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp lừa đảo như Liên Kết Việt có thể ung dung lừa hàng chục nghìn người vào mạng lưới và chiếm đoạt 1.900 tỷ đồng”, ông Nguyễn Hoàng Hải nói.

Từ vấn đề quản lý kinh doanh đa cấp, theo ông Hải Cục Quản lý Cạnh tranh - Bộ Công Thương - đơn vị trực tiếp xem xét cấp giấy phép kinh doanh đa cấp đã không hoàn thành nhiệm vụ.

“Đáng nói hơn, những yếu kém trong công tác quản lý kinh doanh đa cấp kéo dài khiến những vụ việc như Liên Kết Việt khi được phơi bày ra ánh sáng thì đã có hàng nghìn người dân bị lôi kéo vào mạng lưới và bị chiếm đoạt tài sản lên đến cả nghìn tỷ đồng”, ông Hải cho biết.

Thứ hai, vấn đề quản lý giá điện trong những năm qua. Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, việc quản lý nguồn năng lượng điện với thế độc quyền của EVN đang khiến người tiêu dùng chịu thiệt. EVN kêu lỗ do đầu tư các dự án tuy nhiên theo Thanh tra Chính phủ thì nhiều dự án EVN thực hiện xây dựng là phục vụ cho cán bộ của ngành như bể bơi, sân tenis, nhà trẻ...

“Cứ lấy cớ lỗ là EVN đòi tăng giá điện, riêng việc EVN xây dựng biểu giá điện đã thay quyền Bộ Công Thương, điều này cho thấy trách nhiệm của Bộ Công Thương, Cục Điều tiết điện lực”, ông Hải nhận định. 

Thứ ba, vấn đề hàng giả hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ. Phó chủ tịch VAFI nhận định vấn đề hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường cho thấy công tác quản lý của Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương chưa tốt. Mạng lưới cục, chi cục, đội quản lý thị trường từ trung ương đến các tỉnh thành nhưng quản lý lỏng lẻo dẫn đến hàng giả, hàng nhái xuất hiện tràn làn trên thị trường.

Từ những vấn đề tồn tại của Bộ, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, để tái cơ cấu Bộ Công Thương cần Bộ trưởng hành động, quyết liệt với yếu kém sẵn sàng loại bỏ cán bộ thiếu tâm thiếu tầm.

“Vấn đề chính vẫn là con người, nếu lựa chọn bổ nhiệm cán bộ vẫn bị ảnh hưởng bởi yếu tố quan hệ, tiền hay con cháu thì rất khó để phát triển”, ông Hải kết luận.

Mai Anh