Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ, GDP 2016 sẽ đạt 6,5-6,7%.

30/05/2016 14:07
Hồng Minh
(GDVN) - Trung tâm nghiên cứu BIDV nhận định, với quyết tâm hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ của Chính phủ, GDP cả năm Việt Nam đạt 6,5-6,7%.

Trung tâm nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam - BIDV (Trung tâm nghiên cứu BIDV) vừa công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô tháng 5/2016.

Nội dung chính của báo cáo nhằm điểm lại những diễn biến chính về kinh tế thế giới và Việt Nam 5 tháng đầu năm 2016, nhận định dự báo kinh tế 6 tháng và cả năm 2016, đồng thời đưa ra một số đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ một số khó khăn cho doanh nghiệp, tiếp tục ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Trung tâm nghiên cứu BIDV vừa công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô tháng 5/2016 - ảnh nguồn BIDV
Trung tâm nghiên cứu BIDV vừa công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô tháng 5/2016 - ảnh nguồn BIDV

Trong khi các nền kinh tế lớn gặp khó, kinh tế Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2016 theo Trung tâm nghiên cứu BIDV đang có bước tăng trưởng đáng kể.

Sản xuất công nghiệp tăng nhẹ 7,5% so với 5 tháng đầu năm 2015, sức cầu tiếp tục khả quan tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước, sau khi loại trừ yếu tố giá là 7,9%, thấp hơn mức tăng 8,2% của năm 2015. 

“Với quyết tâm hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ của chính phủ, xuất khẩu tăng trưởng khả quan, FDI đăng ký và số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh so với cùng kỳ, giá dầu thế giới có xu thế hồi phục, triển vọng tăng trưởng do các hiệp định tự do mang lại, trung tâm nghiên cứu dự báo tăng trưởng GDP quý II đạt 6,0-6,2% (theo đó tăng trưởng GDP 6 tháng là 5,7-5,8%); GDP cả năm đạt 6,5-6,7%”, Trung tâm nghiên cứu BIDV nhận định.

Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ, GDP 2016 sẽ đạt 6,5-6,7%.   ảnh 2

Vietcombank, Vietinbank, BIDV vào Top 2000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới

Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ, GDP 2016 sẽ đạt 6,5-6,7%.   ảnh 3

BIDV tài trợ hơn 3 tỷ đồng cho Đại học Quốc gia Hà Nội nghiên cứu khoa học

Theo Trung tâm nghiên cứu BIDV, xuất khẩu những tháng đầu năm 2016 tiếp tục tăng so với cùng kỳ 2015.

Xuất khẩu trong tháng 5 ước đạt 14,6 tỷ USD, tăng 7,0% so với cùng kỳ 2015, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2016 lên mức 67,70 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2015 (đạt 38,5% Kế hoạch). 

Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước là: điện thoại các loại và linh kiện tăng 21,5%; giày dép tăng 7,9%; dệt may tăng 6,2%, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 6,5%.

Các thị trường hàng hóa xuất khẩu chính vẫn là: Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc... Trong khi đó nhập khẩu giảm nhẹ so với cùng kỳ.

Cán cân thương mại trong 5 tháng đầu năm 2016 ở trạng thái xuất siêu 1,36 tỷ USD, tương đương 2,1% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 5,89 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 7,25 tỷ USD.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, dự báo hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục tích cực với kim ngạch xuất khẩu dự báo đạt 82,5 tỷ USD, nhập khẩu đạt 80,5 tỷ USD, xuất siêu đạt 2 tỷ USD nhờ triển vọng tích cực của một số nền kinh tế lớn (như Mỹ, EU) cũng như cam kết hội nhập sâu rộng của Việt Nam trong năm 2016.     

Về thị trường tài chính, Trung tâm BIDV đánh giá lãi suất ngân hàng tiếp tục được giữ ổn định tín dụng tăng trưởng khả quan và thấp hơn tăng trưởng huy động vốn, thị trường tiền tệ đi vào ổn định, thị trường tiền tệ ổn định, thị trường chứng khoán diễn biến tích cực.

Tình hình thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tháng 5/2016 và dự báo 6 tháng đầu năm 2016 và cả năm 2016 - ảnh chụp Báo cáo của Trung tâm nghiên cứu BIDV.
Tình hình thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tháng 5/2016 và dự báo 6 tháng đầu năm 2016 và cả năm 2016 - ảnh chụp Báo cáo của Trung tâm nghiên cứu BIDV.

Tuy đưa ra những đánh giá lạc quan về kinh tế Việt Nam nhưng Trung tâm nghiên cứu BIDV cũng kiến nghị những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Cụ thể, Trung tâm nghiên cứu BIDV đề nghị về chính sách tiền tệ và hoạt đồng ngân hàng: Ngân hàng nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành tiếp tục thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, chặt chẽ, duy trì mặt bằng lãi suất thị trường ở mức hợp lý, đồng thời bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. 

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, giảm bớt phiền hà cho khách hàng, bảo đảm an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật; nâng cao năng lực thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo Điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng;

Nghiên cứu, xây dựng các chương trình vay vốn với lãi suất hợp lý, khuyến khích đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp…

Trung tâm nghiên cứu BIDV đề nghị phải tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo quyền bình đẳng tiếp cận các nguồn lực, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; Siết chặt chi tiêu công và tăng cường quản lý nợ công; Tăng cường hội nhập quốc tế ở lĩnh vực xuất nhập khẩu

Kinh tế Mỹ tăng trưởng - Trung Quốc áp lực nợ công

Trung tâm nghiên cứu BIDV đánh giá, 5 tháng đầu năm 2016 kinh tế Mỹ tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực khi tiêu dùng phục hồi và lạm phát ổn định, đà tăng trưởng khi chi số tiêu dùng và sản lượng công nghiệp tăng ổn định, thị trường lao động tiếp tục có những cải thiện rõ nét, tỷ lệ thất nghiệp chỉ còn 5% trong tháng 4/2016. 

Doanh số bán lẻ của Mỹ tháng 4/2016 tăng 1,3% so với tháng trước đó, mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2015 cho thấy cho thấy tiêu dùng của Mỹ đang dần hồi phục sau khi suy giảm trong quý I/2016 (3 tháng đầu năm lần lượt giảm -0,4%, -0,1%, và -0,3% so với tháng trước đó). 

Trong khi đó, lạm phát trong tháng 4/2016 tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm qua nhưng vẫn còn xa so với mục tiêu (2%) và dự báo sẽ ổn định trong các tháng còn lại của năm.

Trái ngược kinh tế Mỹ, kinh tế châu Âu vẫn còn gặp nhiều thách thức trong việc khôi phục đà tăng trưởng.

Kinh tế khu vực Eurozone trong 5 tháng đầu năm 2016 tiếp tục phục hồi chậm chạp. GDP quý I/2016 của khu vực tăng 0,5% so với quý IV/2015 và tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng của khu vực kinh tế châu Âu có xu hướng chững lại với chỉ số PMI tổng hợp của khu vực Eurozone trong tháng 3/2016 chỉ đạt 53,1 điểm, thấp hơn mức dự kiến là 53,7 điểm. 

Trong khi đó, theo đánh giá của Trung tâm nghiên cứu BIDV, kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy giảm khi nhu cầu yếu ở trong và ngoài nước, sản lượng dư thừa và nợ xấu tăng  cao. 

Theo Cục Thống kê Trung Quốc, sản lượng công nghiệp tháng 4/2016 tăng trưởng 6% so với cùng kỳ năm trước (thấp hơn mức 6,8% của tháng 3 và thấp hơn mức dự báo 6,5%). 

Tăng trưởng doanh số bán lẻ trong tháng 4/2016 là 10,1%, thấp hơn so với mức dự báo là 10,5%. Đầu tư vào tài sản cố định chỉ đạt mức tăng trưởng 10,5% trong 4 tháng đầu năm 2016 và giảm 0,2% so với mức tăng trưởng 10,7% trong quý I/2016.

Kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt áp lực tăng trưởng kinh tế chậm lại khi nợ công, nợ chính quyền địa phương ngày càng tăng cao; khủng hoảng thừa (sắt thép, nguyên vật liệu…).Kinh tế Mỹ tăng trưởng - Trung Quốc áp lực nợ công.

Hồng Minh