Ngày 23/5, Quốc hội tiến hành thảo luận về Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Đây là luật được công đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam rất mong chờ - cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay chiếm tới 98% số lượng doanh nghiệp.
Một trong những vấn đề được quan tâm và bàn luận xuyên suốt thời gian qua đó là nội dung quy định tại Điều 30 trong dự thảo của luật này về vài trò đại điện của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong đó, có ý kiến tán thành việc nên quy định Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam là người đại diện cho công đồng 98 % doanh nghiệp Việt Nam.
Bởi, xu hướng các nước trên thế giới hiện nay là cần thiết phải trao quyền cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp và ở Việt Nam nên cần thiết phải quy định như vậy trong luật.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (ảnh Trinh Phúc). |
Để có cái nhìn sâu sắc hơn về vấn đề này, bên hành lang Quốc hội ngày 22/5, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã chia sẻ quan điểm của mình với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Văn Thân: “Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa rất là chờ đợi sự ra đời của luật này.
Dự thảo lần này đã được xin ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trên toàn quốc.
Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa là thành viên trong ban soạn thảo, đã tổ chức nhiều hội nghị kể cả đối thoại với doanh nghiệp nhiều nơi trên toàn quốc và người ta rất hưởng ứng.
Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa tin tưởng rằng khi có luật, có khung pháp lý trên cơ sở đó người ta tự tin hơn trong kinh doanh và sản xuất”.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bất ngờ khi ông Vũ Tiến Lộc "có ý kiến ngược" |
Phân tích rõ hơn về quyền đại diện của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Nguyễn Văn Thân cho rằng: “Mấu chốt về luật của bất cứ một ngành nghề nào đều phải quy định rõ ràng người đại diện của ngành nghề đó.
Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thì người đại diện đương nhiên phải là Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ là khâu trung gian kết nối giữa cơ quan công quyền nhà nước với các doanh nghiệp”.
Ông Nguyễn Văn Thân phân tích thêm: “Các doanh nghiệp hiện nay từng doanh nghiệp đơn lẻ nên khó tiếp cận được các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước một cách sâu sắc.
Cần có một tổ chức đại biện và đây là vấn đề mang tính mấu chốt, là chìa khóa. Do đó trong luật này phải ghi tên Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong việc đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Điều 30. Trách nhiệm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các hiệp hội, ngành nghề1. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ngoài những nhiệm vụ chung về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đã được ghi trong Điều lệ, có trách nhiệm thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp quy mô lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa. 2. Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có trách nhiệm sau đây: a) Tập hợp, liên kết, đại diện và bảo vệquyền, lợi ích hợp pháp của các hội viên là doanh nghiệp nhỏ và vừa; b) Tham gia xây dựng, phản biện, triển khai cơ chế, chính sách liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tham gia đánh giá các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tại Luật này; c) Huy động các nguồn lực và thực hiện hỗ trợ hội viên là các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Luật này. d) Thực hiện cung cấp dịch vụ công, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; cấp chứng chỉ, chứng nhận chuyên ngành của hiệp hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật. đ) Tổ chức hoặc phối hợp tổ chức sự kiện tôn vinh, bình chọn, phong, tặng danh hiệu, giải thưởng và các hình thức khen thưởng khác theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. e) Phối hợp với các cơ quan nhà nước tổ chức đào tạo, tư vấn, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. 3. Các hiệp hội ngành nghề phối hợp thúc đẩy, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. |
Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sẽ là nơi doanh nghiệp tin tưởng để chia sẻ những vướng mắc”.
Liên quan đến vấn đề này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam từng đưa tin tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa có quan điểm cho rằng: “Cơ bản tán thành Điều 30 của dự án luật, trong đó quy định khá rõ trách nhiệm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và trách nhiệm của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Dự án luật này quy định nhiệm vụ trách nhiệm tại Điều 30 là thể hiện sự đổi mới tư duy, phù hợp với chủ trương của Đảng và nhà nước chuyển giao một số nhiệm vụ trước đây do các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện cho tổ chức xã hội, trong đó có Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam được nhà nước công nhận là đại diện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chúng tôi nhận thấy, việc quy định nhiệm vụ và trách nhiệm của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong dự thảo luật cơ bản là phù hợp.
Việc dự án luật quy định tại Điều 30 là cơ sở pháp lý quan trọng để Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam phát huy trách nhiệm của mình”.
Ông Nguyễn Văn Thân từng cho rằng: “Có hai điều cần trao đổi, gần đây một số ý kiến quan điểm Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa không phải là cơ quan đại điện, cái đó tôi khẳng định quan điểm đó không đúng. Ai có ý kiến nào như vậy nên suy nghĩ lại.
Một số ý kiến cho rằng Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa là thuyền thúng. Tức là hiệp hội không đại diện cho ai cả, tóm lại là không chấp. Điều này khiến chúng tôi rất đau lòng.
Hiện nay, Hiệp hội rất nhiều năng lượng nên mong muốn được giao nhiệm vụ, rất mong được giao chi tiết như tại Điều 30 để chúng tôi tràn đầy sinh khí để làm.
Chúng tôi trẻ, chúng tôi xông pha. Nếu được Quốc hội giao nhiệm vụ thì chúng tôi quyết tâm”.