Cục trưởng Hàng không nên cảm ơn vụ xếp hạng sân bay

27/10/2014 07:29
Mai Anh
(GDVN) - Ở góc nhìn về cách làm thương hiệu, chuyên gia Võ Văn Quang cho rằng, Cục Hàng không phải cảm ơn đánh giá của Sleepinginairports.

Cục trưởng phản bác vì... thành tích

Thông tin trên website http://www.sleepinginairports.net, một trang web chuyên về bình chọn các sân bay trên thế giới, xếp loại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất của Việt Nam vào danh sách 10 Cảng hàng không kém nhất năm 2014 tại Châu Á mới đây nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Những tiêu chí đánh giá dựa trên một số trải nghiệm thực tế của du khách như tiện nghi, độ thoải mái, mức độ sạch sẽ và chất lượng dịch vụ khách hàng tại sân bay.

Theo Sleepinginairports sân bay Nội Bài đứng ở vị trí thứ 5, sân bay Tân Sơn Nhất xếp thứ 8 trên tổng số 10 sân bay tồi tệ nhất châu Á. Các tồn tại được Sleepinginairports đưa ra như thiếu cơ sở vật chất, hệ thống điều hòa kém, thời tiết nóng bức, thiếu vệ sinh...

Nội Bài, Tân Sơn Nhất lọt top 10 sân bay tệ nhất châu Á năm 2014
Nội Bài, Tân Sơn Nhất lọt top 10 sân bay tệ nhất châu Á năm 2014

Câu chuyện có lẽ dừng lại ở góc nhìn cá nhân của một số hành khách nhất định trên Sleepinginairports nếu như Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh không lên tiếng phủ nhận.

Cụ thể ngay sau đánh giá của Sleepinginairports, Cục Hàng không Việt Nam đã phản bác khi cho rằng, trang web này xếp hạng cảng hàng không thuần túy dựa trên  việc bình chọn của người truy cập qua mạng. Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, trang mạng nêu trên không phải của một tổ chức chuyên môn đánh giá về dịch vụ hàng không. Kết quả bình chọn nêu trên chưa phản ánh được đầy đủ, khách quan việc cải thiện chất lượng dịch vụ tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất trong thời gian qua.

Theo Cục Hàng không, thời gian qua, ngành hàng không đã có nhiều nỗ lực để cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ tại hai cảng hàng không này. Các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cảng đã đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, quy định tiêu chuẩn dịch vụ, nâng cao ý thức, thái độ làm việc của nhân viên hàng không. Chất lượng dịch vụ tại cảng hàng không sân bay đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét…

Tuy nhiên cũng ngay sau những phản bác của Cục Hàng không, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho rằng Cục đã không cầu thị.

Cảnh hành khách đứng xếp hàng chờ đợi làm thủ tục tại sân bay
Cảnh hành khách đứng xếp hàng chờ đợi làm thủ tục tại sân bay

Trên khía cạnh chuyên gia thương hiệu, ông Võ Văn Quang nhận định, Cục Hàng không với trác nhiệm quản lý nhà nước về hàng không bao gồm sân bay, đường bay, lịch trình bay… “Do vậy trước đánh giá của Sleepinginairports, Cục Hàng không lo ảnh hưởng thành tích, bởi lâu nay vấn đề thành tích ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của người làm quản lý nhà nước. Do vậy việc Cục Hàng không lên tiếng phủ nhận là phản ứng theo quán tình việc này rất không nên”, chuyên gia Võ Văn Quang nhận định.

Nên cảm ơn thay vì phản bác

Ngay sau khi Cục Hàng không Việt Nam lên tiếng phản bác đánh giá của Sleepinginairports, trao đổi với báo chí Bộ trưởng Đinh La Thăng đã thẳng thắn cho rằng việc Cục phản bác ngay là chưa cầu thị. Lẽ ra khi bị xếp loại như vậy, Cục phải xem lại thực trạng ở các sân bay ra sao trước khi phản bác.

Ở góc nhìn người làm thương hiệu và quản lý, ông Võ Văn Quang cho rằng: “Cách xử lý của Bộ trưởng Thăng là rất chuyên nghiệp đúng tinh thần nhà quản trị chuyên nghiệp, quan trọng hơn bộ trưởng muốn nhân viên, cán bộ dưới quyền của ông ấy trước tiên là phải lắng nghe tìm hiểu nguyên nhân thay vì vội phản bác như Cục Hàng không”.

Theo ông Quang Cục Hàng không trước hết phải cầu thị, “Còn như bị xếp đứng bét cũng không sao, quan trọng sang năm ông có lên bậc hay không, thay vì phản bác lại. Cục trưởng Lại Xuân Thanh nên ghi nhận: Chúng tôi đang đổi mới, chúng tôi ghi nhận sang năm sẽ tốt hơn, đó mới là người ta cần”, Chuyên gia Võ Văn Quang chia sẻ.

Thậm chí ở góc nhìn về cách làm thương hiệu, chuyên gia Võ Văn Quang cho rằng, Cục Hàng không phải cảm ơn đánh giá của sleepinginairports. Bởi người chỉ ra cái sai, cái xấu đôi khi là bạn mình, muốn mình tốt lên tiến bộ lên, hơn nữa chuyện nhận xét của một cá nhân nào đó là chuyện hết sức bình thường, Cục Hàng không phải có cái nhìn có tầm hơn thay vì phản bác ý kiến đánh giá đó.

Trong khi đó, đứng ở góc nhìn người tiêu dùng, hành khách sử dụng dịch vụ... ông Võ Văn Quang cho rằng những đánh giá của sleepinginairports dưa trên tiện ích và dịch vụ tại sân bay, rõ ràng những đánh giá của sleepinginairports không hề oan uổng khi lưu lượng hành khách sân bay quá tải, hành khách phải xếp hàng chờ đợi mệt mỏi tại sân bay.

“Tôi đến sân bay làm thủ tục trước 1 tiếng đồng hồ so với giờ bay nếu thủ tục check in nhanh tôi có thể ngồi chơi thư giãn, nhưng tôi phải xếp hàng 30 phút check in 10 phút còn 20 phút là không còn time riêng, chính điều này làm hành khách khó chịu. Nguyên nhân do tiết kiệm chi phí, trong khi phải có 5 cửa check in mới đủ phục vụ hành khách nhưng lại chỉ mở có 3 cửa…”, ông Quang chỉ ra vấn đề.

Thêm vào đó vấn đề chính hiện nay sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đều quá tải, theo ông Quang diện tích sân bay Nội Bài chỉ bằng 1/5 so với diện tích các sân bay khác có cùng lưu lượng khách, chính vì vậy hoàn thành nhà ga T2 nhưng cũng chưa đủ đáp ứng nhu cầu thực tế. Cùng với đó hạ tầng kém, trong khi các nước hành khách được đi cầu thang ống từ máy bay còn mình 90% phải đi xe buýt.

Tóm lại nhận định của sleepinginairports có lẽ không làm dư luận quan tâm nhiều tuy nhiên chính sự phủ nhận của Cục Hàng không đã tạo nên ấn tượng không tốt, dễ khiến dư luận cho rằng ngành hàng không chưa biết lắng nghe.

Mai Anh