Dai dẳng cuộc chiến transfat và E102, mì nào mới an toàn?

06/09/2011 13:07
Bình An
(GDVN) - Cho đến thời điểm này, người tiêu dùng vẫn hoang mang không biết lựa chọn sản phẩm mì gói nào vừa an toàn lại không chứa E102...

Clip quảng cáo “mì Tiến vua – mì vì sức khỏe” được chiếu rộng rãi trên truyền hình thời gian qua khẳng định sản phẩm an toàn của công ty Masan Food khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang: Sử dụng mì ăn liền có thực sự an toàn?

>> Xem clip quảng cáo “Mì Tiến vua – mì vì sức khỏe”

Chưa dứt cuộc chiến transfat...

Việc mì Tiến vua quảng cáo không chứa transfat và mì Tiến vua bò cải chua không chứa phẩm màu Tartrazine (E102) tạo ra luồng dư luận mới. Nhiều người tự đặt câu hỏi: “Mì gói nào mới an toàn?”. Tuy nhiên, sự việc vẫn im lặng cho đến khi công ty đối thủ của Masan Food là Acecook lên tiếng về clip quảng cáo trên.

Acecook Việt Nam đã có văn bản khiếu nại lên Cục Quản lý Cạnh tranh về việc clip quảng cáo của Masan với sản phẩm mì Tiến Vua bò cải chua đưa thông tin gây nhầm lẫn về chất lượng và yêu cầu Masan Food ngừng truyền thông kiểu cạnh tranh không lành mạnh.

Sảm phẩm mì Omachi của Masan có chứa E102, trong khi mì Tiến Vua giá bình dân hơn lại quảng cáo là không có

Người tiêu dùng khi xem đoạn quảng cáo mì Tiến Vua bò cải chua của Masan nghiễm nhiên sẽ nhận được thông điệp: Mì nào có màu đậm là có chất độc hại, mì nhạt màu mới tốt. Mì của Acecook thuộc loại có màu đậm trên thị trường nên không ít người tiêu dùng băn khoăn "Hẳn mì của Acecook có phẩm màu độc hại?". Cuộc chiến giữa các hãng mì gói bắt đầu từ đây.

Tuy nhiên, cho đến nay cuộc chiến này vẫn âm ỉ và chưa có hồi kết khi các thương hiệu mì gói đang cố “trấn an” khách hàng bằng việc chứng minh các sản phẩm của mình là an toàn.

Theo PGS, TS Phan Thị Sửu - Giám đốc Trung tâm kỹ thuật An toàn vệ sinh thực phẩm Việt Nam, hầu hết mì ăn liền ở Việt Nam được sản xuất theo công nghệ chiên, nên khi ở nhiệt độ cao, dầu chiên dễ bị ôxy hóa và nếu dầu được dùng chiên đi chiên lại nhiều lần sẽ có khả năng tạo ra các chất béo dạng transfat nhiều hơn.

>> Xem clip "Cuộc chiến mì gói và Câu chuyện luật cạnh tranh"

Transfat làm tăng cholesterol xấu, giảm cholesterol tốt, gây xơ vữa động mạch, giảm sự lưu thông của máu, từ đó làm tăng nguy cơ bị các bệnh tim mạch, đột quỵ. Trên thực tế, một số hãng sản xuất mì gói của Việt Nam lớn tiếng quảng cáo trong sản phẩm của họ không chứa transfat.

Tại hội thảo về phụ gia thực phẩm được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 5/2011, PGS.TS Phan Thị Sửu cũng khẳng định: sản phẩm mì Tiến vua có chứa transfat chứ không phải là 0g như quảng cáo trên truyền hình. Hội thảo cũng yêu cầu Masan thay đổi nội dung quảng cáo.

... tiếp diễn tranh cãi E102 

Có thể nói, cuộc chiến giữa các gói mì đều bắt nguồn từ clip quảng cáo của Masan. Ban đầu, chất Transfat là gì và tác hại như thế thì ít người tiêu dùng để ý. Từ khi Masan Food tung ra quảng cáo Mì Tiến vua không sử dụng dầu chiên đi chiên lại, hoàn toàn không có transfat người tiêu dùng mới bắt đầu nghĩ đến mối nguy hại từ mì gói nói chung và trasfat nói riêng.

Cuộc chiến transfat chưa dừng lại thì Masan lại tung ra quảng cáo giới thiệu về sản phẩm mì Tiến vua Bò cải chua không chứa phẩm màu E102. Làn sóng về chất phụ gia này lại dấy lên phong trào "tẩy chay" mì gói chứa E102.

>> Xem clip quảng cáo mì Tiến vua bò cải chua không chứa phẩm màu E102 

Nhưng tẩy chay hay sống chung với E102, ngay chính người tiêu dùng cũng khó lựa chọn được sản phẩm an toàn cho mình vì không phải hãng mì gói nào cũng ghi rõ hàm lượng E102 trong sản phẩm. Một vài sản phẩm mì gói “mạnh tay” cũng chỉ ghi thành phần có chứa phẩm màu E102, không ghi cụ thể hàm lượng là bao nhiêu.

Masan đã in cụ thể sản phẩm mì Tiến vua không chứa E102, trong
khi đó sản phẩm Omachi (cũ) ở trên vẫn chứa E102.

Có thể nói đến thời điểm này, người tiêu dùng Việt Nam khá yên tâm với câu trả lời chính thức từ Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định, phẩm màu Tartrazine (E102) được Việt Nam và nhiều nước trên thế giới cho phép sử dụng trong thực phẩm, với hàm lượng quy định cụ thể.

Phẩm màu E102 đã được Ủy ban Hỗn hợp về phụ gia thực phẩm Quốc tế FAO/WHO (gọi tắt là JECFA) cũng như Ủy ban Khoa học Châu âu nghiên cứu từ những năm 1965-1966; 1975;1984 trên cơ sở các bằng chứng khoa học và thực nghiệm đều thống nhất quy định mức ăn vào hàng ngày chấp nhận được ADI 0 - 7,5mg/kg thể trọng/ngày.

Tuy nhiên ở một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, chất E102 bị hạn chế việc sử dụng do lo ngại vấn đề dị ứng thức ăn vốn ở một tỷ lệ cao trong cộng đồng dân cư mà khó phân biệt dị ứng có thể do E102 hay do bản thân thực phẩm, còn hầu hết các nước của EU, Mỹ và các nước khác vẫn cho phép sử dụng E102 trong chế biến thực phẩm.

Theo ghi nhận của phóng viên, sau nhiều phát ngôn gây tranh cãi được đưa ra Masan Food vẫn chưa có giải thích chi tiết, rõ ràng về hàm lượng phẩm màu E102 có chứa trong mì gói Omachi là bao nhiêu và thực hư về quảng cáo không chứa transfat nhưng khi kiểm nghiệm vẫn có chứa chất này trong sản phẩm là thế nào?.

Bình An