Bộ Công Thương (Bộ chủ quản của Habeco) vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét việc Kiểm toán nhà nước đề nghị truy thu 920,2 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt giai đoạn 2012-2015 với Habeco.
Theo Bộ Công thương, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước không thống nhất với các quy định và hướng dẫn của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) ban hành trước đó.
Hai điểm bất hợp lý Bộ Công Thương đưa ra đó là những vướng mắc về khái niệm cơ sở Kinh doanh thương mại và chưa thống nhất về xác định giá bán ra.
Bộ Công Thương cho rằng, Habeco đã thực hiện đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành quản lý Nhà nước về thuế, do đó kiến nghị truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt với Habeco của Kiểm toán nhà nước là không hợp lý - ảnh nguồn: Bộ Công Thương. |
Viện dẫn Luật thuế tiêu thụ đăc biệt cùng các văn bản quy định chi tiết bao gồm Nghị định 26 năm 2009 và Nghị định 113 năm 2011 (sửa đổi bổ sung một số điều của nghị định 26), Thông tư 05 năm 2012; Quy định tại Nghị định số 100 của Chính phủ ban hành ngày 1/7/2016 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế... Bộ Công Thương cho rằng: “Habeco đã thực hiện đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành quản lý Nhà nước về thuế”.
Kiến nghị của Bộ Công Thương trái ngược với đề nghị truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt trước đó của Kiểm toán nhà nước đặt ra câu hỏi về việc liệu có hay không việc thiếu văn bản hướng dẫn luật hay câu từ trong văn bản pháp luật đang làm khó doanh nghiệp?
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với LS. Trương Anh Tú – Trưởng văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Hà Nội).
Kiến nghị Bộ Công Thương có cơ sở
Đồng quan điểm với lý giải của Bộ Công Thương, LS. Trương Anh cho rằng kiến nghị của Bộ Công Thương – Bộ chủ quản của Habeco hoàn toàn đúng và có cơ sở pháp lý.
LS. Trương Anh Tú - Trưởng Văn Phòng Luật sư Trương Anh Tú - ảnh nhân vật cung cấp. |
Phân tích cụ thể, LS. Trương Anh Tú cho biết, theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hiện hành và các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện (Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 70/2014/QH13, Nghị định số 26/2009/NĐ-CP ngày 16.03.2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Nghị định số 113/2011/NĐ-CP ngày 08/12/2011 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 26/2009/NĐ-CP).
Theo đó, đối tượng nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa sản xuất trong nước là các doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm chịu thuế. Giá tính thuế là giá bán cho doanh nghiệp thương mại, nhưng không thấp hơn 10% giá của doanh nghiệp thương mại bán ra thị trường.
Căn cứ vào Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và các văn bản hướng dẫn thi hành trước ngày 01/01/2016 không có qui định cụ thể về cơ sở kinh doanh thương mại.
“Trường hợp cơ sở sản xuất hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bán hàng qua cơ sở kinh doanh thương mại thì giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán chưa có thuế giá trị gia tăng nhưng không thấp hơn 10% so với giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại bán ra”, LS. Trương Anh Tú cho biết.
"Chính phủ không đi bán bia, không đi bán sữa"Bia Trúc Bạch: Hồi sinh “phần hồn” Hà NộiNăm 2015 Habeco nộp ngân sách hơn 4.000 tỷ đồng |
Mặt khác, theo Nghị định 108/2015/NĐ CP ngày 28/10/2015 và Thông tư số 195/2015/TT - BTC qui định hướng dẫn chi tiết tại điểm b khoản 1 Điều 4 về giá tính thuế đặc biệt chỉ rõ:
“Cơ sở kinh doanh thương mại quy định tại điểm này là cơ sở không có quan hệ công ty mẹ, công ty con, hoặc công ty con trong cùng công ty mẹ với cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất và là cơ sở đầu tiên trong khâu lưu thông thương mại có hợp đồng mua bán hàng hóa với cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu hoặc có hợp đồng mua bán hàng hóa với công ty mẹ, công ty con, công ty con trong cùng công ty mẹ với cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Quan hệ công ty mẹ, công ty con được xác định theo quy định của Luật doanh nghiệp”.
Mặt khác, căn cứ vào khoản 5 Điều 5 của Thông tư số 05 của Bộ tài chính có qui định: “Đối với hàng hóa sản xuất dưới hình thức hợp tác kinh doanh giữa cơ sở sản xuất và cơ sở sử dụng hoặc sở hữu thương hiệu (nhãn hiệu) hàng hoá, công nghệ sản xuất thì giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán ra chưa có thuế giá trị gia tăng và thuế bảo vệ môi trường (nếu có) của cơ sở sử dụng hoặc sở hữu thương hiệu hàng hóa, công nghệ sản xuất.
Trường hợp cơ sở sản xuất theo giấy phép nhượng quyền và chuyển giao hàng hóa cho chi nhánh hoặc đại diện của công ty nước ngoài tại Việt Nam để tiêu thụ sản phẩm thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán ra của chi nhánh, đại diện công ty nước ngoài tại Việt Nam”.
Trong khi đó, mô hình Tổng Công ty cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco) là đơn vị sở hữu thương hiệu Bia Hà Nội, bán nguyên vật liệu chính cho các đơn vị hợp tác sản xuất sản phẩm Bia Hà Nội.
Mô hình kê khai, tính thuế, nộp thuế này đã từng được các Cơ quan thuế hướng dẫn và áp dụng thống nhất cho Habeco cũng như tại nhiều doanh nghiệp trên cả nước.
Do đó cơ sở sản xuất Habeco thực hiện tính, kê khai và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo giá bán ra cho các Công ty Cổ phần Thương mại khu vực là các đơn vị trực tiếp phân phối sản phẩm Bia ra thị trường là đúng theo quy định hiện hành của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Nghị định, các văn bản hướng dẫn nêu trên và thực hiện theo đúng.
Doanh nghiệp chịu thiệt vì luật không rõ ràng
Theo LS. Trương Anh Tú, nếu kiến nghị của cơ quan Kiểm toán nhà nước được Bộ Tài chính chấp thuận thì Habeco sẽ gặp khó khăn lớn.
Thứ nhất gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp, việc truy thu số thuế tiêu thụ đặc biệt trong khi báo cáo tài chính các năm đã khép lại, Habeco đã trả lợi tức cho cổ đông. Nếu truy thu thuế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng và thiệt hại nặng nề cho Habeco về chiến lược kinh doanh và việc cân đối tài chính của doanh nghiệp.
“Tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại và kết quả, lợi nhuận của doanh nghiệp giảm sút do sự ảnh hưởng từ chính chính sách Thuế chưa thống nhất của Nhà nước không chỉ riêng cho Habeco, trước đó Sabeco và nhiều doanh nghiệp có mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong cả nước sẽ lâm vào hoàn cảnh kiệt quệ về kinh tế.
Theo LS. Trương Anh Tú nêu Bộ Tài chính thực hiện theo kiến nghị truy thu thuế của Kiểm toán nhà nước không chỉ khiến Habeco gặp khó khăn mà còn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh - ảnh nguồn Habeco. |
Đứng trước viễn cảnh 2 doanh nghiệp đang tiến hành cổ phần hóa, chắc chắn “cú sốc” này sẽ làm thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường”, LS. Tú cho biết.
Thứ hai, thiệt hại về môi trường kinh doanh.
Theo LS. Tú nhà nước ban hành luật không rõ ràng, và việc không nhất quán trong việc ban hành các nghị định, thông tư, quy định hướng dẫn, thi hành một cách chi tiết, cụ thể trong việc nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh công bằng, an toàn, lành mạnh cũng như sự duy trì và phát triển bền vững của một thương hiệu bia nội địa của quốc gia là Bia Hà Nội, Bia Saigon trong việc hội nhập kinh tế quốc tế, vì biên độ lợi nhuận thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp có cùng sản phẩm Bia của các doanh nghiệp nước ngoài.
Mặt khác cũng gây tác động xấu đến về môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp khác nói chung hiện nay trong cả nước có tính chất hoạt động tương đồng theo mô hình kinh doanh của Habeco là Vinataba, Nhà máy Bia Việt Nam…
Ngoài ra, nếu chiếu theo các quy định pháp luật đối với thuế tiêu thụ đặc biệt như nêu trên, việc kê khai nộp thuế tiêu thụ đặc biệt như kiến nghị của Cơ quan kiểm toán nhà nước đối với Habeco chỉ có thể thực hiện khi và chỉ khi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Nghị định trên được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo được điều chỉnh sửa đổi và có hiệu lực trước thời điểm kiến nghị của Cơ quan kiểm toán nhà nước.
Việc áp dụng các quy định chưa rõ ràng thống nhất của Cơ quan kiểm toán nhà nước và Bộ Tài chính theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và các Nghị định, quy định có liên quan để “hồi tố” việc kê khai và nộp thuế bổ sung về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Habeco là khập khiễng trong việc áp dụng và thi hành luật.
Trước những quan điểm trái chiều nhau về việc truy thu thuế đối với Habeco và các đơn vị liên kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với trường hợp bán qua cơ sở kinh doanh thương mại.
Theo LS. Trương Anh Tú, Bộ Tài chính cần có đề xuất là trường hợp này xác định giá tính thuế là giá thực tế cơ sở sản xuất giao cho cơ sở thương mại nhưng không thấp hơn 5% so với giá bán cao nhất của cơ sở kinh doanh thương mại để việc thực hiện truy thu thuế đối với doanh nghiệp được thực hiện và dễ dàng áp dụng hơn trên thực tế.